1

Triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể gây cản trở hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, điều trị đúng cách có thể giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) Triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)

Theo một nghiên cứu, cứ 11 người thì có 1 người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn tại một thời điểm nào đó trong đời.

Các bác sĩ tâm thần sử dụng một hướng dẫn có tên là Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ 5, đã sửa đổi (DSM-5-TR) để chẩn đoán các vấn đề về sức khỏe tâm thần. DSM-5-TR phân chia các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn thành 4 nhóm là:

  • Hồi tưởng
  • Tránh né
  • Tâm trạng và suy nghĩ tiêu cực kéo dài
  • Tăng nhạy cảm và phản ứng

Hồi tưởng

Một triệu chứng thường gặp của rối loạn căng thẳng sau sang chấn là hồi tưởng.

Cụ thể, người bệnh có thể:

  • những ký ức, suy nghĩ về sự kiện gây sang chấn liên tục hiện lên trong đầu
  • thường xuyên gặp ác mộng về sự kiện đó
  • cảm giác như đang trải qua sự kiện đó một lần nữa

Người bệnh có thể sẽ nhớ lại sự kiện đó khi nhìn thấy một đồ vật, âm thanh, mùi hương, người có liên quan hoặc đến nơi xảy ra sự kiện. Đôi khi, các ký ức về sự kiện đó tự xuất hiện mà không hề có yếu tố gợi nhắc nào.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trẻ em bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể vô thức tái hiện lại sự kiện gây sang chấn.

Các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn ở trẻ em có thể giống như triệu chứng của các rối loạn tâm thần khác như rối loạn thách thức chống đối (ODD), trầm cảm và rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD).

Né tránh hoặc tê liệt cảm xúc

Một biểu hiện khác của chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn là tránh né tất cả những điều gợi nhớ đến sự kiện đau buồn, ví dụ như tránh đến nơi xảy ra sự việc, tránh những tình huống tương tự, đồ vật hoặc những người có liên quan. Người bệnh cũng có thể tránh những suy nghĩ và cảm xúc liên quan đến sự kiện. Trong một số trường hợp, người bệnh còn tránh né cả những sự vật hoặc người không thực sự liên quan đến sự kiện.

Không phải ai bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn cũng nhận thức được rằng mình đang tránh né những điều gợi nhắc đến sự kiện. Nhiều người tránh né một cách vô thức.

Tăng nhạy cảm hoặc phản ứng

Các triệu chứng tăng nhạy cảm (hyperarousal) gồm có:

  • Thường xuyên có cảm giác lo âu, bồn chồn, bất an
  • Cáu gắt, hung hăng
  • Giảm tập trung và khả năng suy nghĩ
  • Mất ngủ
  • Nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh và tăng cảnh giác
  • Dễ giật mình và có phản ứng quá mức khi giật mình
  • Thực hiện các hành vi tự ngược đãi bản thân hoặc hành vi nguy hiểm

Suy nghĩ và tâm trạng tiêu cực

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và nhận thức.

Người bị chứng rối loạn này có thể gặp phải các triệu chứng như:

  • Không thể nhớ lại toàn bộ sự kiện gây đau buồn hoặc hoảng sợ
  • Luôn có cảm giác tội lỗi và tự trách móc bản thân
  • Buồn bã, chán nản, tuyệt vọng
  • Giảm tự tin
  • Cơn hoảng loạn
  • giảm hứng thú với các hoạt động thông thường

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể xảy ra cùng với các rối loạn tâm thần khác, gồm có rối loạn sử dụng chất gây nghiện, trầm cảm, rối loạn hoảng sợ và rối loạn lo âu.

Khi nào cần đi khám và điều trị?

Không phải ai cũng bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn sau khi trải qua những sự việc gây đau buồn hoặc hoảng sợ. Mặc dù việc trị liệu tâm lý sẽ có lợi nhưng không phải cứ trải qua một sự kiện gây sang chấn là cần phải trị liệu.

Việc trị liệu thường chỉ cần thiết khi các triệu chứng kéo dài dai dẳng hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Nếu có các triệu chứng kể trên sau khi trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện khủng khiếp và các triệu chứng kéo dài hoặc cản trở công việc, sinh hoạt thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để xem có phải bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn hay không.

Câu hỏi thường gặp về rối loạn căng thẳng sau sang chấn

Nguyên nhân gây rối loạn căng thẳng sau sang chấn

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn xảy ra sau khi trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện gây đau buồn hoặc hoảng sợ, ví dụ như:

  • Tai nạn giao thông
  • Sự qua đời của một người thân
  • Bệnh tật đe dọa đến tính mạng
  • Chiến tranh
  • Thảm họa thiên nhiên
  • Chấn thương nặng
  • Tấn công tình dục hoặc thể xác
  • Khủng bố
  • Sinh nở khăn
  • Bạo lực gia đình
  • Tự tử

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người từng trải qua hành vi bạo lực do cá nhân có nguy cơ bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn cao hơn so với những người trải qua những sự kiện do thiên nhiên, ví dụ như động đất, sóng thần.

Tại sao có người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn nhưng có người lại không bị?

Khoa học vẫn chưa giải thích được lý do tại sao cùng trải qua một sự kiện đau thương hoặc sợ hãi nhưng có người bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn trong khi có người lại không bị. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn, gồm có:

  • Có tiền sử bệnh tâm thần
  • Không được an ủi, hỗ trợ bởi người thân, bạn bè
  • Tiếp tục bị căng thẳng sau khi xảy ra sự kiện

Mặt khác, nguy cơ bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn sẽ thấp hơn nếu:

  • có sự hỗ trợ của những người xung quanh
  • học được cách đối phó tích cực, có thể thông qua trị liệu tâm lý

Theo một nghiên cứu quy mô lớn vào năm 2019, di truyền cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến nguy cơ bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Mặc dù có bằng chứng cho thấy tỷ lệ gặp phải các sự kiện gây sang chấn của phụ nữ thấp hơn nam giới nhưng phụ nữ lại có nguy cơ bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn cao hơn gấp đôi so với nam giới. Tuy rằng chưa rõ lý do tại sao nhưng điều này có thể là do di truyền và hormone.

Tại Hoa Kỳ, nghiên cứu cho thấy người da đen, người gốc Latinh và người Mỹ bản địa có tỷ lệ bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn cao hơn ở so với những người da trắng không phải gốc Latinh.

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn và rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp có gì khác nhau?

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể xảy ra sau một sự kiện đơn lẻ, trong khi rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp (complex PTSD/C-PTSD) xảy ra do sự kiện gây sang chấn lặp đi lặp lại, đặc biệt là những sự kiện kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

C-PTSD thường là do một sự kiện xảy ra khi còn nhỏ, đặc biệt là lạm dụng trẻ em.

Những người mắc C-PTSD cũng gặp các triệu chứng tương tự như PTSD. Các triệu chứng khác của C-PTSD gồm có:

  • khó kiểm soát cảm xúc
  • khó duy trì các mối quan hệ lành mạnh
  • Giải thể nhân cách thường xuyên
  • Cảm giác trống rỗng, tê liệt cảm xúc hoặc tuyệt vọng
  • Tự ti
  • những vấn đề trong mối quan hệ, chẳng hạn như khó tin tưởng, tránh né người khác hoặc bắt đầu các mối quan hệ không lành mạnh

Rối loạn căng thẳng sau sang chấn được nghiên cứu kỹ hơn rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp. Ngoài ra, rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp thường khó điều trị hơn. Tuy nhiên, cả rối loạn căng thẳng sau sang chấn và rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp đều có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách.

Tóm tắt bài viết

Các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn được chia thanh 4 nhóm, gồm hồi tưởng, tránh né, suy nghĩ tiêu cực và tăng nhạy cảm. Triệu chứng mà mỗi người gặp phải khi bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn là khác nhau.

Các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, có nhiều cách để chữa lành tổn thương và kiểm soát các triệu chứng. Tốt hơn hết, bạn nên đi khám bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán chính xác vấn đề đang gặp phải và tư vấn phương pháp điều trị thích hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson?
Dầu dừa có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson?

Bệnh Parkinson là một bệnh do thoái hóa hệ thần kinh trung ương. Theo ước tính, đến nay có trên 10 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh Parkinson. Những người bị bệnh này gặp phải các triệu chứng chính là run chân tay, co thắt và đau cơ, dẫn đến đi lại vận động khó khăn. Một số người mắc bệnh Parkinson còn bị sa sút trí tuệ hay lú lẫn, đặc biệt là khi tình trạng bệnh tiến triển nặng.

Căng thẳng có thể gây ra bệnh zona thần kinh không?
Căng thẳng có thể gây ra bệnh zona thần kinh không?

Nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể là yếu tố khiến cho bệnh zona thần kinh (hay còn gọi là bệnh giời leo) tái phát.

Căng thẳng ảnh hưởng đến thị lực như thế nào?
Căng thẳng ảnh hưởng đến thị lực như thế nào?

Căng thẳng và lo lắng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả thị lực. Căng thẳng có thể gây giảm thị lực và các thay đổi về thị lực khác như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng hoặc thậm chí mất thị lực.

Căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)?
Căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)?

Hầu hết mọi người đều phải trải qua căng thẳng vào một thời điểm nào đó trong đời nhưng căng thẳng mạn tính sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, căng thẳng có thể khiến các triệu chứng tái phát. Giữ tinh thần thoải mái, ít căng thẳng có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Căng thẳng có thể gây co thắt tâm thất sớm
Căng thẳng có thể gây co thắt tâm thất sớm

Co thắt tâm thất sớm có thể xảy ra do căng thẳng, lo lắng và các yếu tố khác. Co thắt tâm thất sớm là một loại rối loạn nhịp tim phổ biến có biểu hiện là cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây