Tác động của căng thẳng (stress) đến các hệ thống trong cơ thể
Tất cả chúng ta đều phải trải qua những tình huống căng thẳng vào một lúc nào đó, ví dụ như trước một kỳ thi, một buổi thuyết trình, cuộc họp, lễ cưới hay thậm chí ngay cả trong những tình huống bình thường trong cuộc sống hàng ngày như khi tham gia giao thông hay dạy con học. Khi ở trong những tình huống này, vùng dưới đồi, một tháp điều khiển nhỏ bé trong não, sẽ chỉ đạo cho tuyến thượng thận tiết ra hormone stress. Đây chính là các hormone kích hoạt phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” của cơ thể. Điều này khiến tim đập nhanh, nhịp thở tăng và các cơ sẵn sàng hoạt động. Phản ứng này nhằm bảo vệ cơ thể trong trường hợp khẩn cấp bằng cách đưa cơ thể vào trạng thái sẵn sàng phản ứng. Nhưng nếu kéo dài, phản ứng căng thẳng này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Căng thẳng là một phản ứng tự nhiên về thể chất và tinh thần đối với những thay đổi diễn ra trong cuộc sống. Mọi người đều bị căng thẳng vào một lúc nào đó. Căng thẳng có thể xuất phát từ những công việc, nhiệm vụ hàng ngày cho đến những sự kiện, biến cố như phát hiện bệnh nặng, mất việc hay cái chết của người thân. Trong một số trường hợp, căng thẳng có lợi cho sức khỏe. Căng thẳng ngắn hạn có thể giúp bạn đối phó với những tình huống phát sinh. Cơ thể phản ứng với căng thẳng bằng cách giải phóng các hormone làm tăng nhịp tim và nhịp thở, đồng thời các cơ sẵn sàng phản ứng.
Tuy nhiên, nếu phản ứng căng thẳng kéo dài hoặc thường xuyên xảy ra, nhất là ở mức độ cao thì sẽ gây tổn hại cho sức khỏe. Căng thẳng mạn tính có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Các triệu chứng của căng thẳng mạn tính gồm có:
- Cáu gắt
- Lo lắng, bồn chồn
- Trầm cảm
- Đau đầu
- Mất ngủ
- Ăn không ngon miệng
Hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết
Hệ thần kinh trung ương có vai trò kích hoạt phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”. Trong não, vùng dưới đồi sẽ ra lệnh cho tuyến thượng thận giải phóng hormone adrenaline và cortisol. Những hormone này làm nhịp tim tăng lên và đưa máu đến những khu vực cần máu nhất trong trường hợp khẩn cấp, gồm có cơ, tim và các cơ quan quan trọng khác.
Khi cảm giác sợ hãi không còn nữa, vùng dưới đồi sẽ ra lệnh cho tất cả các hệ thống trở lại bình thường. Nếu hệ thần kinh trung ương không thể trở lại trạng thái bình thường hoặc nếu tác nhân gây căng thẳng không biến mất thì phản ứng sẽ tiếp tục diễn ra.
Căng thẳng mạn tính còn có thể gây ra các hành vi có hại như ăn quá nhiều, ăn đồ không lành mạnh, lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện và tách biệt khỏi những người xung quanh.
Hệ hô hấp và tim mạch
Các hormone stress ảnh hưởng đến hệ hô hấp và tim mạch. Trong quá trình diễn ra phản ứng căng thẳng, nhịp thở tăng lên nhằm phân phối máu giàu oxy khắp cơ thể. Ở những người có vấn đề về hô hấp như hen suyễn hoặc khí phế thũng, căng thẳng sẽ gây khó thở.
Khi bị căng thẳng, tim cũng sẽ đập nhanh hơn. Hormone stress khiến mạch máu co lại và chuyển nhiều oxy hơn đến các cơ để có thêm sức mạnh để hành động. Nhưng điều này cũng làm tăng huyết áp.
Kết quả là, căng thẳng thường xuyên hoặc kéo dài sẽ khiến tim phải làm việc quá sức trong thời gian dài. Khi huyết áp tăng cao, nguy cơ bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim cũng tăng theo.
Hệ tiêu hóa
Khi bị căng thẳng, gan sẽ giải phóng thêm đường (glucose) vào máu để cung cấp năng lượng cho các tế bào. Khi bị căng thẳng mạn tính, cơ thể sẽ không thể xử lý kịp lượng glucose tăng thêm này. Đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Sự tăng vọt nồng độ hormone, nhịp thở và nhịp tim còn có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa. Nguy cơ bị ợ nóng hoặc trào ngược dạ dày – thực quản sẽ tăng lên. Căng thẳng không gây loét đường tiêu hóa nhưng có thể làm tăng nguy cơ xảy ra điều này hoặc khiến các vết loét hiện có trở nên nghiêm trọng hơn.
Căng thẳng còn có thể ảnh hưởng đến sự di chuyển của thức ăn trong đường ruột, dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón. Căng thẳng cũng có thể gây buồn nôn, nôn hoặc đau bụng.
Hệ cơ
Các cơ sẽ căng lên để không bị thương trong khi căng thẳng. Các cơ sẽ thả lỏng khi tình huống căng thẳng qua đi nhưng nếu thường xuyên bị căng thẳng, các cơ sẽ thường xuyên ở trạng thái bị căng. Tình trạng căng cơ có thể gây đau đầu, đau lưng, vai và nhiều khu vực khác trên cơ thể. Theo thời gian, điều này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn khi bạn ngừng tập thể dục và chuyển sang dùng thuốc giảm đau để giảm đau.
Hệ sinh dục
Căng thẳng khiến cả cơ thể và tâm trí mệt mỏi. Thường xuyên bị căng thẳng sẽ làm giảm ham muốn tình dục. Mặc dù căng thẳng ngắn hạn có thể khiến cơ thể nam giới tạo ra nhiều hormone testosterone hơn nhưng tác dụng này không kéo dài.
Khi tình trạng căng thẳng kéo dài, nồng độ testosterone của nam giới sẽ bắt đầu giảm. Điều này làm giảm sự sản xuất tinh trùng và gây rối loạn cương dương (bất lực). Căng thẳng mạn tính còn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ quan sinh dục nam như tuyến tiền liệt và tinh hoàn.
Ở phụ nữ, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, ra máu nhiều hoặc đau bụng nhiều hơn khi hành kinh. Căng thẳng mạn tính còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng về thể chất của thời kỳ mãn kinh.
Hệ miễn dịch
Căng thẳng kích thích hệ miễn dịch. Nếu diễn ra trong thời gian ngắn, điều này sẽ có lợi. Tác dụng tăng cường hệ miễn dịch này sẽ giúp phòng ngừa nhiễm trùng và chữa lành vết thương. Tuy nhiên theo thời gian, hormone stress sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch và làm giảm phản ứng của cơ thể trước những kẻ xâm lược từ bên ngoài. Do đó, căng thẳng mạn tính sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do virus như cúm và cảm lạnh thông thường cũng như các bệnh nhiễm trùng khác. Căng thẳng còn gây cản trở quá trình hồi phục khi mắc bệnh hoặc chấn thương.
Căng thẳng và lo lắng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả thị lực. Căng thẳng có thể gây giảm thị lực và các thay đổi về thị lực khác như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng hoặc thậm chí mất thị lực.
Hầu hết mọi người đều phải trải qua căng thẳng vào một thời điểm nào đó trong đời nhưng căng thẳng mạn tính sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, căng thẳng có thể khiến các triệu chứng tái phát. Giữ tinh thần thoải mái, ít căng thẳng có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Co thắt tâm thất sớm có thể xảy ra do căng thẳng, lo lắng và các yếu tố khác. Co thắt tâm thất sớm là một loại rối loạn nhịp tim phổ biến có biểu hiện là cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực.
Khi phải đối mặt với căng thẳng, một trong những cách để cảm thấy bình tĩnh hơn là hit thở sâu. Có một số bài tập thở có thể giúp tinh thần thư giãn hơn. Bạn có thể thực hiện các bài tập thở này ở bất cứ đâu mà không cần bất cứ dụng cụ nào nhưng nên chọn nơi yên tĩnh để có thể tập trung vào hơi thở của mình.
Nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể làm tăng tình trạng viêm ở ruột và làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, những điều này sẽ khiến cho bệnh Crohn trở nên nghiêm trọng hơn.