Căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)?
Căng thẳng là một vấn đề rất phổ biến. Căng thẳng được chia làm căng thẳng cấp tính (xảy ra trong thời gian ngắn) và căng thẳng mạn tính (kéo dài).
Căng thẳng cấp tính mang lại một số lợi ích, chẳng hạn như kích hoạt sự giải phóng một số hormone và đưa cơ thể vào trạng thái sẵn sàng đối phó với mối đe dọa. Cơ thể sẽ trở lại trạng thái bình thường khi mối đe dọa không còn nữa.
Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên sẽ gây hại cho sức khỏe, ví dụ như làm suy yếu hệ miễn dịch. Căng thẳng mạn tính còn có thể khiến cho các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tái phát thường xuyên hơn và nặng hơn.
Vì lý do này nên giảm căng thẳng là một điều rất quan trọng để kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Các nguyên nhân gây căng thẳng
Bước đầu tiên để kiểm soát căng thẳng là xác định các yếu tố gây căng thẳng.
Việc phải sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây căng thẳng. Người bệnh có thể bị căng thẳng do những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày, thói quen ngủ, giảm khả năng lao động và tham gia các sự kiện xã hội.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay bất kỳ bệnh lý mạn tính nào khác đều có thể gây căng thẳng về tâm lý. Khi phải sống chung với các căn bệnh này, việc cảm thấy chán nản và lo lắng là điều khó tránh khỏi. Và những cảm xúc này có thể khiến cho các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tái phát. Căng thẳng có thể khiến tình trạng khó thở trở nên trầm trọng hơn và điều này lại càng khiến cho người bệnh cảm thấy lo lắng.
Những thay đổi này sẽ gây căng thẳng cho bất kỳ ai. Ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, căng thẳng có thể làm tăng tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của các đợt cấp. Do đó, điều quan trọng là xác định được những tác nhân gây căng thẳng trong cuộc sống và từ đó có biện pháp tránh hoặc đối phó với những tác nhân này.
Giảm căng thẳng bằng bài tập thở
Sau khi xác định được những yếu tố gây lo lắng và căng thẳng, hãy cố gắng tránh những yếu tố đó một cách tối đa. Còn nếu không thể tránh được hoàn toàn, bạn có thể thử các biện pháp giúp bản thân thư giãn và bớt căng thẳng. Một phương pháp hiệu quả để giảm căng thẳng là bài tập thở.
Thở chúm môi
Thở chúm môi sẽ giúp bạn thở chậm lại và đẩy nhiều không khí ra ngoài hơn trong mỗi nhịp thở. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải tập trung vào hơi thở, hít thở sâu và chậm rãi.
Cách thực hiện như sau:
- Đứng hoặc ngồi thẳng, hạ vai. Thả lỏng cơ vai và hơi đẩy hai xương bả vai lại gần nhau.
- Hít vào bằng mũi trong 2 giây.
- Môi hơi hé và thở ra từ từ bằng miệng giống như khi thổi nến
- Lặp lại.
Thở bằng bụng
Thở bằng bụng cũng là một cách hữu hiệu để giảm căng thẳng.
Cách thực hiện như sau:
- Ngồi ở tư thế thoải mái hoặc nằm ngửa trên bề mặt phẳng. Đặt một tay lên ngực và tay còn lại đặt lên bụng. Thả lỏng hai vai.
- Hít vào bằng mũi trong khoảng 2 giây. Bạn sẽ cảm thấy bụng phình lên.
- Thở ra từ từ.
- Lặp lại.
Các cách khác để giảm căng thẳng
Còn nhiều cách khác để giảm căng thẳng và giảm tác động của căng thẳng đến cơ thể. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2019 đã cho thấy những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện chức năng miễn dịch.
Tưởng tượng
Tưởng tượng là một phương pháp mà bạn có thể thực hiện bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
Hãy thử tưởng tượng ra một khung cảnh yên tĩnh, chẳng hạn như bờ biển vắng, cánh đồng hoặc con đường mòn rợp bóng cây. Tưởng tượng bản thân đang ở một nơi yên bình có thể giúp tinh thần thư giãn và bớt căng thẳng.
Tưởng tượng có thể được kết hợp với liệu pháp mường tượng có định hướng (guided imagery). Đây là một phương pháp giảm căng thẳng trong đó bạn tưởng tượng ra khung cảnh hoặc câu chuyện giúp làm dịu tâm trí dưới lời hướng dẫn.
Để phương pháp tưởng tượng và mường tượng có định hướng mang lại hiệu quả tốt nhất, hãy chọn một nơi yên tĩnh trong nhà, nhắm mắt lại và tưởng tượng bản thân đang ở một nơi yên bình trong khoảng 20 phút. Bạn có thể tự tưởng tượng hoặc nghe audio hướng dẫn.
Thiền chánh niệm
Không giống như phương pháp tưởng tượng giúp bạn tạm thời thoát ly khỏi thực tại, thiền chánh niệm lại giúp bạn nhận thức rõ ràng về tất cả những gì đang diễn ra tại thời điểm hiện tại, gồm có âm thanh, mùi vị và cảm nhận của bản thân.
Các bài tập thở tập trung cũng chính là một hình thức chánh niệm. Các bài tập thở này đặc biệt có lợi cho những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì giúp thư giãn khi hít thở.
Cách thực hiện bài tập thở tập trung như sau:
- Ngồi thẳng nhưng thả lỏng người.
- Nhẹ nhàng hít vào và thở ra bằng mũi.
- Tập trung chú ý vào luồng không khí di chuyển qua lỗ mũi.
- Cảm nhận phổi và bụng phình lên và xẹp xuống theo từng nhịp thở.
Lặp đi lặp lại các bước này trong vài phút. Chỉ tập trung vào hơi thở. Không cần cố đạt được trạng thái tĩnh tâm. Cứ để mọi suy nghĩ trôi qua một cách tự nhiên trong tâm trí trong khi tập trung vào việc hít vào thở ra một cách đều đặn và chậm rãi.
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là điều cần thiết đối với tất cả mọi người nhưng điều này lại càng quan trọng đối với những người đang sống chung với các căn bệnh mạn tính. Người lớn cần ngủ 7 - 9 giờ mỗi ngày.
Giấc ngủ không chỉ là khoảng thời gian mà cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ngủ đủ giấc còn giúp làm giảm tác động tiêu cực của tình trạng căng thẳng mạn tính.
Nếu bạn đang bị khó ngủ hoặc giấc ngủ gián đoạn thì có thể thử những cách sau để cải thiện giấc ngủ:
- Không tiêu thụ caffeine vào buổi chiều
- Không uống rượu bia vào buổi tối
- Không ngủ nhiều vào ban ngày
- Không làm việc, xem TV hoặc sử dụng thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ
- Không tập thể dục gần giờ đi ngủ
- Đi ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày
- Ngủ trong không gian tối, yên tĩnh và mát mẻ
- Thư giãn trước khi đi ngủ
Tập thể dục
Mặc dù bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính làm giảm khả năng vận động nhưng những người mắc bệnh này nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2022, tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Tập thể dục còn có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ - những điều cần thiết để kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Cho dù kiểm soát tốt căng thẳng thì các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như khó thở hoặc ho vẫn có thể tái phát. Do đó, bên cạnh việc giảm căng thẳng, người bệnh cũng cần biết cách đối phó với các triệu chứng này.
Một cách phổ biến để làm giảm các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là dùng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh. Các triệu chứng thường giảm trong vòng vài phút sau khi dùng thuốc. Người bệnh có thể cần dùng thuốc dạng hít có chứa chất giãn phế quản và corticoid để giảm nhanh triệu chứng. Một điều quan trọng nữa là phải nghỉ ngơi và cố gắng thư giãn khi các triệu chứng tái phát.
Tóm tắt bài viết
Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ tái phát và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Và các triệu chứng bệnh sẽ khiến cho người bệnh lo lắng và căng thẳng. Giảm căng thẳng là điều cần thiết để kiểm soát tốt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Có nhiều cách để kiểm soát căng thẳng, gồm có bài tập hít thở, tập thể dục, ngủ đủ giấc và các phương pháp trị liệu tâm lý.
Rối loạn căng thẳng cấp tính (acute stress disorder) thường xảy ra trong vòng một tháng sau sự kiện gây căng thẳng. Các triệu chứng cũng tương tự như triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder) nhưng rối loạn căng thẳng cấp tính chỉ là tạm thời, thường kéo dài từ vài ngày đến một tháng. Tuy nhiên, một số người sau khi bị rối loạn căng thẳng cấp tính lại tiếp tục gặp phải tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.
Căng thẳng và lo lắng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả thị lực. Căng thẳng có thể gây giảm thị lực và các thay đổi về thị lực khác như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng hoặc thậm chí mất thị lực.
Co thắt tâm thất sớm có thể xảy ra do căng thẳng, lo lắng và các yếu tố khác. Co thắt tâm thất sớm là một loại rối loạn nhịp tim phổ biến có biểu hiện là cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực.
Khi phải đối mặt với căng thẳng, một trong những cách để cảm thấy bình tĩnh hơn là hit thở sâu. Có một số bài tập thở có thể giúp tinh thần thư giãn hơn. Bạn có thể thực hiện các bài tập thở này ở bất cứ đâu mà không cần bất cứ dụng cụ nào nhưng nên chọn nơi yên tĩnh để có thể tập trung vào hơi thở của mình.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể gây cản trở hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, điều trị đúng cách có thể giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn.