Căng thẳng có thể gây co thắt tâm thất sớm
Một nghiên cứu đã theo dõi nhịp tim của những người khỏe mạnh trong 48 giờ và nhận thấy co thắt tâm thất sớm xảy ra ở khoảng 75% người tham gia. (1)
Căng thẳng về cảm xúc, bao gồm cảm giác lo lắng và tức giận, có thể gây ra cơn co thắt tâm thất sớm và các loại rối loạn nhịp tim khác.
Co thắt tâm thất sớm không phải lúc nào cũng cần điều trị và trong nhiều trường hợp, co thắt tâm thất sớm không ảnh hưởng đến tim và sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn bị co thắt tâm thất sớm thường xuyên, có triệu chứng nghiêm trọng hoặc nếu mắc bệnh tim thì cần phải điều trị.
Mối liên hệ giữa căng thẳng và co thắt tâm thất sớm
Căng thẳng và lo âu có thể làm tăng nguy cơ co thắt tâm thất sớm.
Theo một nghiên cứu vào năm 2022, căng thẳng tinh thần có thể gây rối loạn nhịp tim. Một nghiên cứu tại Trung Quốc vào năm 2012 đã theo dõi 1.144 người bị co thắt tâm thất sớm và phát hiện ra rằng khoảng một phần ba số người tham gia có triệu chứng lo âu.
Ngược lại, co thắt tâm thất sớm cũng có thể gây lo âu và căng thẳng, đặc biệt là khi xảy ra thường xuyên. Cảm giác tim đập mạnh cũng như lo lắng về tình trạng của tim có thể gây căng thẳng.
Không phải ai bị căng thẳng và lo lắng cũng đều bị rối loạn nhịp tim. Theo một bài báo nghiên cứu vào năm 2016, một số người có nguy cơ bị co thắt tâm thất sớm do căng thẳng cao hơn so với những người khác nhưng nghiên cứu chưa chỉ ra những yếu tố nào có thể làm tăng nguy cơ. (2)
Căng thẳng và lo lắng ảnh hưởng như thế nào đến nhịp tim?
Theo nghiên cứu, căng thẳng và lo lắng có thể gây rối loạn nhịp tim.
Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ tạo ra các hormone như adrenaline và cortisol. Những hormone này đưa cơ thể vào chế độ “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (flight or fight) với những thay đổi như tim đập nhanh và co mạch máu. Điều này có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim, bao gồm cả co thắt tâm thất sớm.
Ngoài ra, lo lắng và căng thẳng còn làm tăng nguy cơ cao huyết áp (tăng huyết áp). Theo một nghiên cứu vào năm 2021, căng thẳng mạn tính làm tăng nguy cơ cao huyết áp, bất kể tuổi tác. (3)
Cao huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, gồm có co thắt tâm thất sớm.
Triệu chứng co thắt tâm thất sớm
Một số nghiên cứu cho thấy có tới 75% người bị co thắt tâm thất sớm không có bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, nhiều người bị co thắt tâm thất sớm mà không hề hay biết. Thông thường, co thắt tâm thất sớm không triệu chứng không có gì đáng ngại vì hiếm khi dẫn đến biến chứng.
Tuy nhiên, đôi khi, co thắt tâm thất sớm gây ra các triệu chứng như:
- Đau ngực
- Cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực
- Cảm giác như tim đập bỏ nhịp
- Chóng mặt
- Lo lắng, hồi hộp
- Hụt hơi
Ai có nguy cơ bị co thắt tâm thất sớm?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ co thắt tâm thất sớm:
- Là nam giới
- Trên 65 tuổi
- Ít vận động
- Tiêu thụ nhiều caffeine và rượu bia
- Căng thẳng mạn tính
- Gặp khó khăn trong cuộc sống
- Mắc chứng rối loạn lo âu
- Cao huyết áp
- Thiếu magie và kali
- Sử dụng thuốc lá
- Sử dụng các chất kích thích khác, chẳng hạn như cocaine hoặc methamphetamine
Mặc dù một số yếu tố trong số này nằm ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như giới tính và tuổi tác nhưng bạn có thể thay đổi các yếu tố về lối sống như tiêu thụ rượu bia và hút thuốc lá để giảm nguy cơ co thắt tâm thất sớm và các vấn đề về tim mạch khác.
Điều trị rối loạn nhịp tim do căng thẳng
Co thắt tâm thất sớm không phải lúc nào cũng cần điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị là cần thiết nếu bạn mắc bệnh tim mạch, ví dụ như cao huyết áp hoặc có tiền sử nhồi máu cơ tim.
Nếu co thắt tâm thất sớm khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì cũng nên điều trị.
Có nhiều cách để điều trị rối loạn nhịp tim do căng thẳng.
Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta thường được sử dụng để điều trị nhịp tim nhanh, co thắt tâm thất sớm và một số dạng rối loạn lo âu. Thuốc chẹn beta ngăn cản hoạt động của adrenaline để ngăn tim đập nhanh. Các loại thuốc này còn có tác dụng làm giảm huyết áp.
Một số loại thuốc chẹn beta thường được sử dụng gồm có:
- acebutolol
- atenolol
- bisoprolol
- metoprolol
- nadolol
- propranolol
Thuốc chẹn beta có thể gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi và các vấn đề về tiêu hóa.
Thuốc chống loạn nhịp tim
Một nhóm thuốc khác để điều trị rối loạn nhịp tim và thuốc chống loạn nhịp tim, gồm có:
- amiodarone
- flecainide
- procainamide
- propafenone
- quinidin
- tocainide
Mặc dù những loại thuốc này có thể giúp ngăn ngừa rối loạn nhịp tim nhưng trong một số trường hợp lại có thể làm tăng tần suất rối loạn nhịp tim. Nếu bạn nhận thấy dấu hiệu rối loạn nhịp tim trong thời gian dùng thuốc chống loạn nhịp tim thì hãy báo ngay cho bác sĩ.
Đốt điện tim
Đốt điện tim là một thủ thuật trong đó một ống thông được đưa qua tĩnh mạch đến buồng dưới của tim (tâm thất). Sau đó, các bác sĩ sẽ xác định phần của tim gây ra cơn co thắt tâm thất sớm. Bác sĩ sẽ sử dụng sóng cao tần hoặc liệu pháp áp lạnh để xử lý phần tim đó và giảm co thắt tâm thất sớm.
Thủ thuật này hiện không còn được thực hiện phổ biến và thường chỉ được chỉ định trong những trường hợp co thắt tâm thất sớm dẫn đến suy yếu cơ tim, được gọi là bệnh cơ tim do co thắt tâm thất sớm. Bác sĩ sẽ trao đổi về những lợi ích và rủi ro của thủ thuật đốt điện tim trước khi thực hiện.
Thay đổi lối sống
Một số thay đổi về lối sống có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất co thắt tâm thất sớm do căng thẳng. Những thay đổi lối sống này còn giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch khác.
- Tránh các chất kích thích như cocaine và methamphetamine.
- Không hút thuốc lá
- Tập thể dục thường xuyên ở cường độ vừa phải
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh
- Xét nghiệm magie và kali và bổ sung nếu bị thiếu hụt
- Hạn chế tiêu thụ caffeine và rượu bia
Kiểm soát cao huyết áp là điều rất quan trọng để tránh co thắt tâm thất sớm và các vấn đề về tim mạch khác. Nếu bạn bị cao huyết áp, hãy đo huyết áp thường xuyên và thực hiện các biện pháp để giữ huyết áp ổn định, gồm có dùng thuốc và thay đổi thói quen sống.
Kiểm soát căng thẳng
Vì căng thẳng là một trong những tác nhân chính kích hoạt cơn co thắt tâm thất sớm và các loại rối loạn nhịp tim khác nên kiểm soát căng thẳng là điều cần thiết để ngăn ngừa co thắt tâm thất sớm.
Các cách để giảm căng thẳng gồm có:
- Dành thời gian cho sở thích
- Tập thể dục
- Ngủ đủ giấc
- Mát-xa
- Nghe nhạc
- Thiền
- Dành thời gian trò chuyện, đi chơi cùng bạn bè hoặc người thân
- Đi dạo ngoài trời
- Bài tập hít thở sâu
- Tập yoga
Một cách khác là cố gắng giảm bớt tác nhân gây căng thẳng nếu có thể. Bạn không thể tránh hoàn toàn căng thẳng và trên thực tế, một số yếu tố gây căng thẳng, chẳng hạn như một dự án trong công việc hoặc một công việc nào đó mà bạn thích có thể mang lại niềm vui cho cuộc sống.
Tuy nhiên, nếu bạn đang cảm thấy quá tải thì nên đánh giá lại những công việc mình đang làm và cân nhắc xem liệu có nên cắt giảm một số việc nhất định hay không. Bạn có đang đảm nhận nhiều việc hơn khả năng của mình không? Nếu có, hãy xem những công việc nào không quá cần thiết và có thể giảm bớt.
Một cách nữa để giảm căng thẳng là trị liệu, có thể là ngắn hạn hoặc dài hạn. Trị liệu có thể giúp bạn học cách kiểm soát cảm xúc cũng như thay đổi hành vi và cách suy nghĩ để giảm bớt căng thẳng và lo lắng.
Tóm tắt bài viết
Nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ co thắt tâm thất sớm. Mặc dù co thắt tâm thất sớm không phải lúc nào cũng cần điều trị nhưng nếu có các triệu chứng bất thường như đau ngực hoặc khó thở thì cần phải đi khám càng sớm càng tốt. Có nhiều cách để điều trị co thắt tâm thất sớm, gồm có dùng thuốc, thủ thuật đốt điện tim và thay đổi lối sống. Kiểm soát căng thẳng cũng là một điều cần thiết để ngăn ngừa co thắt tâm thất sớm.
Căng thẳng và lo lắng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả thị lực. Căng thẳng có thể gây giảm thị lực và các thay đổi về thị lực khác như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng hoặc thậm chí mất thị lực.
Hầu hết mọi người đều phải trải qua căng thẳng vào một thời điểm nào đó trong đời nhưng căng thẳng mạn tính sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, căng thẳng có thể khiến các triệu chứng tái phát. Giữ tinh thần thoải mái, ít căng thẳng có thể giúp làm giảm nguy cơ tái phát và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Khi phải đối mặt với căng thẳng, một trong những cách để cảm thấy bình tĩnh hơn là hit thở sâu. Có một số bài tập thở có thể giúp tinh thần thư giãn hơn. Bạn có thể thực hiện các bài tập thở này ở bất cứ đâu mà không cần bất cứ dụng cụ nào nhưng nên chọn nơi yên tĩnh để có thể tập trung vào hơi thở của mình.
Nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể làm tăng tình trạng viêm ở ruột và làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, những điều này sẽ khiến cho bệnh Crohn trở nên nghiêm trọng hơn.
Rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể gây cản trở hoạt động hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, điều trị đúng cách có thể giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn.