1

Căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến bệnh Crohn?

Nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể làm tăng tình trạng viêm ở ruột và làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, những điều này sẽ khiến cho bệnh Crohn trở nên nghiêm trọng hơn.
stress Crohns Căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến bệnh Crohn?

Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease - IBD), thường xảy ra ở phần cuối của ruột non và phần đầu của ruột già. Đây là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh của đường ruột. Các triệu chứng thường gặp của bệnh Crohn là đau bụng, tiêu chảy và chán ăn.

Ở người mắc bệnh Crohn, căng thẳng mạn tính có thể khiến cho các triệu chứng trở nên phức tạp và khó xác định hơn. Lý do là vì căng thẳng cũng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa và căng thẳng mức độ cao có thể vừa gây ra vừa làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh Crohn.

Do đó, kiểm soát căng thẳng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh Crohn.

Căng thẳng có gây ra bệnh Crohn không?

Căng thẳng không gây ra bệnh Crohn nhưng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của căn bệnh này, ví dụ như đau bụng, tiêu chảy và nhạy cảm với thức ăn. Việc phải sống chung với bệnh Crohn cũng có thể gây căng thẳng tinh thần và điều này sẽ làm tăng nặng các triệu chứng.

Bệnh Crohn là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh của đường tiêu hóa. Bằng chứng cho thấy nguyên nhân gây bệnh Crohn có thể là do sự kết hợp phức tạp của các yếu tố di truyền, môi trường và miễn dịch.

Các dấu hiệu cho thấy bệnh Crohn đang tiến triển nặng

Các dấu hiệu cho thấy bệnh Crohn đang trở nên nghiêm trọng hơn gồm có:

  • Cơn đau bụng gia tăng về tần suất và/hoặc mức độ
  • Tiêu chảy
  • Đại tiện ra máu
  • Sụt cân
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Sốt
  • Đau và sưng khớp
  • Các vấn đề về da, chẳng hạn như ban đỏ hoặc viêm da mủ hoại thư
  • Thay đổi thói quen đại tiện
  • Thiếu hụt dinh dưỡng
  • Biến chứng, ví dụ như thủng, hẹp, rò, áp xe ruột

Ảnh hưởng của căng thẳng đến bệnh Crohn

Nghiên cứu trên động vật cho thấy căng thẳng có thể gây ra một số thay đổi trong cơ thể và góp phần khiến cho bệnh Crohn tái phát. Những thay đổi này gồm có:

  • Tăng viêm: Căng thẳng gây ra những thay đổi về hormone và hệ miễn dịch, khiến cho hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn, dẫn đến tăng tình trạng viêm trong cơ thể, bao gồm cả ở ruột. Bệnh Crohn xảy ra do viêm ở đường ruột. Do đó, căng thẳng có thể làm cho các triệu chứng của bệnh Crohn trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột: Ruột chứa nhiều loại vi sinh vật khác nhau, bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Bình thường vi khuẩn có lợi nhiều hơn vi khuẩn có hại nhưng khi bị căng thẳng, số lượng vi khuẩn có lợi sẽ giảm đi và vi khuẩn có hại sẽ tăng lên, dẫn đến gia tăng tình trạng viêm ở ruột và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh Crohn.
  • Thay đổi cấu trúc não: Bệnh Crohn không chỉ ảnh hưởng đến đường ruột. Một nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh Crohn có cấu trúc não khác so với những người không mắc bệnh Crohn. Những khác biệt về cấu trúc não này có thể làm gia tăng nguy cơ căng thẳng cũng như nguy cơ lo âu và trầm cảm ở những người mắc bệnh Crohn.

Kiểm soát căng thẳng khi mắc bệnh Crohn

Ở những người mắc bệnh Crohn, kiểm soát căng thẳng là điều cần thiết để ngăn các triệu chứng tái phát và trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể thử các biện pháp dưới đây để giảm căng thẳng và kiểm soát bệnh Crohn:

  • Hít thở sâu: điều này sẽ giúp tinh thần thư giãn và lấy lại sự bình tĩnh.
  • Chuẩn bị trước: Khi ra ngoài, hãy tìm phòng vệ sinh, mang theo những vật dụng cần thiết và chuẩn bị trước cho tình huống khẩn cấp để giảm bớt lo lắng về sự tái phát của bệnh.
  • Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất sẽ giải phóng endorphin, hormone có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.
  • Thiền: Dành vài phút mỗi ngày để thiền. Đây là một cách hữu hiệu để giảm căng thẳng và lo âu. Bạn có thể thiền theo hướng dẫn trên clip hoặc ứng dụng điện thoại.
  • Tránh các yếu tố gây căng thẳng: Xác định các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống và cố gắng tránh hoặc hạn chế.
  • Duy trì lối sống lành mạnh, gồm có tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc hàng ngày và ăn uống cân bằng. Lối sống lành mạnh là điều cần thiết đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
  • Các biện pháp giảm căng thẳng như tập yoga, bài tập giãn cơ, nghe nhạc, đọc sách, đi dạo, ngâm mình trong nước nóng…
  • Học cách quản lý thời gian: Sắp xếp và ưu tiên thực hiện các công việc theo thứ tự mức độ quan trọng để tránh bị quá tải.
  • Dùng thuốc đều đặn: Dùng các loại thuốc được kê đều đặn hàng ngày vì việc dùng thuốc không đều có thể khiến cho các triệu chứng bệnh Crohn tái phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn có thể cài đặt lời nhắc trên điện thoại để uống thuốc đúng giờ hàng ngày.

Tóm tắt bài viết

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng có thể tác động tiêu cực đến bệnh Crohn và việc phải sống chung với bệnh Crohn cũng có thể làm gia tăng căng thẳng, lo lắng. Căng thẳng có thể làm tăng tình trạng viêm ở ruột và gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Những điều này sẽ khiến cho các triệu chứng của bệnh Crohn trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, cấu trúc não bất thường ở người mắc bệnh Crohn có thể làm tăng nguy cơ căng thẳng và các vấn đề về sức khỏe tinh thần khác.

Ở những người mắc bệnh Crohn, ngoài việc tuân thủ điều trị, kiểm soát căng thẳng cũng là điều rất quan trọng để kiểm soát tình trạng bệnh và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây