Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là một loại bệnh viêm ruột.
Đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định rõ bệnh này bắt đầu hình thành như thế nào, đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh và mặc dù lĩnh vực y học đã có nhiều tiến bộ lớn nhưng vẫn chưa có cách nào chữa khỏi bệnh Crohn.
Bệnh Crohn xảy ra chủ yếu ở ruột non và ruột già (đại tràng) nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của hệ tiêu hóa, từ miệng cho đến hậu môn.
Bệnh Crohn có nhiều mức độ, từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy từng trường hợp. Các triệu chứng mà mỗi người gặp phải cũng không hoàn toàn giống nhau và có thể thay đổi theo thời gian. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bệnh này gây ra các đợt bùng phát và có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Các loại bệnh Crohn
Có 6 loại bệnh Crohn tương ứng với 6 bộ phận trong ống tiêu hóa:
- Bệnh Crohn dạ dày – tá tràng (Gastroduodenal Crohn’s disease): xảy ra ở dạ dày và tá tràng (phần đầu của ruột non). Loại này chiếm khoảng 5% tổng số ca bệnh Crohn.
- Viêm hỗng tràng: xảy ra ở hỗng tràng - đoạn thứ hai của ruột non. Giống như bệnh Crohn dạ dày - tá tràng, bệnh Crohn hỗng tràng cũng là dạng ít gặp.
- Viêm hồi tràng: là tình trạng viêm ở hồi tràng - phần cuối của ruột non. Khoảng 30% số ca bệnh Crohn bị loại này.
- Viêm hồi - đại tràng: xảy ra ở hồi tràng và đại tràng. Đây loại bệnh Crohn phổ biến nhất, chiếm đến khoảng 50% tổng số ca mắc bệnh.
- Bệnh Crohn đại tràng: chỉ ảnh hưởng đến đại tràng và khoảng 20% ca bệnh Crohn rơi vào loại này. Cả viêm loét đại tràng và bệnh Crohn đại tràng đều chỉ giới hạn ở đại tràng nhưng bệnh Crohn đại tràng gây viêm ở các lớp sâu hơn so với viêm loét đại tràng.
- Bệnh Crohn rò hậu môn: xảy ra ở khoảng 30% những người mắc bệnh Crohn. Loại này có đặc điểm là hình thành lỗ rò, nhiễm trùng mô sâu và lở loét ở vùng da bên ngoài, xung quanh hậu môn.
Tìm hiểu chi tiết về các loại bệnh Crohn
Nguyên nhân gây bệnh Crohn
Hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh Crohn nhưng có một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- hệ miễn dịch
- gen di truyền
- môi trường
Theo thống kê, có tới 20% những người bị bệnh Crohn có cha mẹ hoặc anh chị em ruột cũng mắc căn bệnh này.
Ngoài các yếu tố nguy cơ trên, theo một nghiên cứu vào năm 2012 thì còn có một số yếu tố làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh như:
- hút thuốc
- tuổi tác cao
- tình trạng viêm xảy ra ở cả trực tràng
- mắc bệnh trong thời gian dài
Những người bị bệnh Crohn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm cao hơn người bình thường. Tình trạng nhiễm trùng sẽ càng làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh và dễ dẫn đến các biến chứng.
Mặc khác, bệnh Crohn và các phương pháp điều trị sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cho tình trạng nhiễm trùng thêm nặng hơn.
Nhiễm nấm men là một vấn đề rất phổ biến ở những người mắc bệnh Crohn và có thể ảnh hưởng đến cả phổi cũng như là đường ruột. Do đó, nếu bị bệnh Crohn thì cần phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách khi bị nhiễm nấm để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây ra bệnh Crohn
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh Crohn gồm có:
- Tuổi tác: Bệnh Crohn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đa phần các triệu chứng thường xuất hiện khi còn trẻ. Hầu hết những người mắc bệnh Crohn đều được chẩn đoán trước khi bước sang tuổi 30.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh: Bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh Crohn cao hơn nếu như có người thân trong gia đình mắc bệnh. Cứ 5 người bị bệnh Crohn lại có một người có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
- Hút thuốc lá: Trong số các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát thì hút thuốc lá là yếu tố lớn nhất làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn. Một khi đã mắc bệnh, hút thuốc sẽ làm cho bệnh tình càng thêm nặng hơn và làm tăng khả năng phải phẫu thuật. Do đó, nếu đang hút thuốc thì cần phải bỏ ngay.
- Thuốc chống viêm không steroid, gồm có ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác), naproxen natri (Aleve), diclofenac sodium (Voltaren)... Mặc dù các loại thuốc này không trực tiếp gây ra bệnh Crohn nhưng có thể gây viêm ruột khiến bệnh Crohn trở nên nặng hơn.
- Điều kiện sống: Những người sống ở khu vực thành thị hoặc những nơi có môi trường ô nhiễm, khói bụi có nguy cơ mắc bệnh Crohn cao hơn. Bên cạnh đó, chế độ ăn nhiều chất béo hoặc thực phẩm tinh chế cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ.
Triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng của bệnh Crohn thường phát triển dần dần và ngày càng trở nên nặng hơn. Mặc dù cũng có nhưng rất hiếm khi các triệu chứng khởi phát đột ngột và nghiêm trọng ngay từ đầu. Các triệu chứng sớm của bệnh Crohn gồm có:
- Tiêu chảy
- Chuột rút cơ bụng
- Có máu trong phân
- Sốt
- Mệt mỏi
- Ăn không ngon
- Sụt cân
- Cảm giác đại tiện không hết phân
- Buồn đi ngoài nhiều hơn bình thường
Đôi khi, người bệnh có thể nhầm lẫn những triệu chứng này với triệu chứng của một vấn đề khác, chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm, đau dạ dày hoặc dị ứng. Bạn nên đi khám bác sĩ nếu thấy có các triệu chứng trên để được chẩn đoán chính xác vấn đề.
Khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, ví dụ như:
- Rò hậu môn, gây đau và chảy dịch gần hậu môn
- Hình thành các vết loét ở bất cứ đâu trong ống tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn
- Viêm khớp và da
- Khó thở hoặc giảm khả năng vận động do thiếu máu
Việc nhận biết được các dấu hiệu sẽ giúp phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh, từ đó có thể điều trị kịp thời và tránh được các biến chứng về sau này.
Tìm hiểu thêm về các triệu chứng của bệnh Crohn
Chẩn đoán bệnh Crohn
Không có bất kỳ phương pháp xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán được bệnh Crohn mà sẽ cần tiến hành nhiều phương pháp để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng bất thường. Các phương pháp thường được sử dụng gồm có:
- Xét nghiệm máu để xác định các chỉ số có liên quan đến các vấn đề tiềm ẩn, chẳng hạn như thiếu máu và viêm.
- Xét nghiệm phân để phát hiện tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
- Nội soi để quan sát chi tiết tình trạng bên trong của đường tiêu hóa trên
- Nội soi đại tràng để kiểm tra bên trong đại tràng
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp cộng hưởng từ (MRI): cung cấp hình ảnh chi tiết hơn so với chụp X-quang. Cả hai phương pháp này đều giúp bác sĩ quan sát được các khu vực cụ thể của mô và các cơ quan.
- Lấy mẫu bệnh phẩm hay sinh thiết trong quá trình nội soi để đánh giá kỹ hơn về tình trạng mô trong đường ruột.
Sau khi tiến hành đủ tất cả các phương pháp cần thiết và loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây nên triệu chứng thì bác sĩ sẽ đưa ra kết luận bạn có bị bệnh Crohn hay không.
Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện lại các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh này để đánh giá sự tiến triển của bệnh.
Tìm hiểu thêm về phương pháp để chẩn đoán bệnh Crohn
Điều trị bệnh Crohn bằng cách nào?
Hiện tại chưa có phương pháp nào chữa khỏi bệnh Crohn nhưng vẫn có thể kiểm soát tình trạng bệnh. Dưới đây là các phương pháp điều trị để làm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất bùng phát của các triệu chứng.
Dùng thuốc
Các loại thuốc sẽ được kê dựa trên bệnh sử, các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng của bệnh và mức độ đáp ứng với thuốc trong từng trường hợp.
Thuốc chống viêm
Hai loại thuốc chống viêm chủ yếu được sử dụng để điều trị bệnh Crohn là 5-ASA hay 5-aminosalicylates và corticosteroid (corticoid) dạng uống.
Corticoid thường được sử dụng cho các trường hợp có các triệu chứng nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Chỉ nên dùng corticoid trong một thời gian ngắn (3 – 4 tháng) do có các tác dụng phụ như nổi mụn, mọc lông trên mặt, đổ mồ hôi về đêm, phù mặt, khó ngủ, tăng cân, đục thủy tinh thể, tiểu đường, tăng nhãn áp, tăng huyết áp và xương dễ gãy. Trước đây, thuốc 5-aminosalicylates được sử dụng rất phổ biến nhưng hiện nay đã không còn được dùng nhiều nữa do hiệu quả ở mức hạn chế.
Thuốc điều hòa miễn dịch
Hệ miễn dịch hoạt động quá mức sẽ gây ra phản ứng viêm nhiều hơn bình thường và dẫn đến các triệu chứng của bệnh Crohn. Các loại thuốc điều hòa miễn dịch có tác dụng làm giảm mức độ đáp ứng miễn dịch và giảm phản ứng viêm, từ đó cải thiện tình trạng bệnh.
Kháng sinh
Thuốc kháng sinh cũng được sử dụng để giảm các triệu chứng của bệnh Crohn và điều trị một số tác nhân kích hoạt triệu chứng bệnh.
Ví dụ, thuốc kháng sinh giúp làm giảm tình trạng chảy dịch và làm lành đường rò (đường nối bất thường giữa các bộ phận của đường ruột do bệnh Crohn gây ra). Ngoài ra, thuốc kháng sinh còn có thể tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập vào từ bên ngoài và gây hại cho đường ruột. Những vi sinh vật này có thể là nguyên nhân gây viêm và nhiễm trùng.
Tìm hiểu thêm về thuốc kháng sinh điều trị bệnh Crohn
Thuốc điều trị sinh học
Trong những trường hợp bị bệnh Crohn mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ thử một trong số các loại thuốc sinh học để điều trị viêm và biến chứng do bệnh gây nên. Đây là liệu pháp sử dụng các loại thuốc có tác dụng ức chế một số protein gây phản ứng viêm.
Tìm hiểu thêm về các loại thuốc trị bệnh Crohn
Các loại thuốc khác
Ngoài các loại thuốc nêu trên, người bị bệnh Crohn có thể còn cần dùng thêm các loại thuốc sau:
- Thuốc chống tiêu chảy
- Thuốc giảm đau: Đối với cơn đau nhẹ thì nên dùng thuốc giảm đau acetaminophen (Tylenol) và không được dùng các loại thuốc giảm đau thông thường khác như ibuprofen hay naproxen natri vì những thuốc này có thể làm cho các triệu chứng bệnh thêm nặng hơn.
- Viên uống bổ sung sắt: Nếu bị xuất huyết tiêu hóa kéo dài thì sẽ bị thiếu máu do thiếu sắt và cần phải bổ sung sắt.
- Tiêm vitamin B12: Bệnh Crohn thường gây thiếu vitamin B12. Đây là vitamin có vai trò ngăn ngừa thiếu máu, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển cơ thể bình thường, và cũng là chất rất cần thiết cho chức năng thần kinh.
- Viên uống bổ sung canxi và vitamin D: Bệnh Crohn và steroid được dùng để điều trị bệnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, vì thế nên cần phải bổ sung canxi và vitamin D.
Thay đổi chế độ ăn uống
Mặc dù đồ ăn thức uống không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh Crohn nhưng một số loại thực phẩm có thể kích hoạt các cơn bùng phát triệu chứng.
Khi đi khám, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về chế độ ăn uống khi bị bệnh Crohn nhưng bạn cũng nên tự theo dõi chế độ ăn của mình để xác định xem các triệu chứng xuất hiện khi ăn những loại thực phẩm nào và từ đó biết cách tránh.
Bạn cũng nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn thêm về chế độ ăn kiêng để kiểm soát tình trạng bệnh mà vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là giải pháp điều trị cuối cùng khi bị bệnh Crohn và theo thống kê, có đến 3/4 số ca mắc bệnh này phải phẫu thuật để làm giảm các triệu chứng hoặc biến chứng.
Khi các loại thuốc không còn hiệu quả hoặc hoặc phải dùng liều cao đến mức gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định tiến hành một trong các phương pháp phẫu thuật sau đây:
Mở rộng những đoạn ruột bị thu hẹp để giảm tác động của mô sẹo hoặc tổn thương mô.
Cắt ruột non: trong quy trình phẫu thuật này, phần ruột non bị tổn hại sẽ được cắt bỏ. Sau đó, phần ruột còn lại được khâu với nhau và khôi phục đường ruột khỏe mạnh.
Mở hậu môn nhân tạo: là thủ thuật tạo một lỗ mở thông ra ngoài trên thành bụng cho ruột già để loại bỏ chất thải. Thủ thuật này thường được thực hiện trong những trường hợp mà một phần của ruột non hoặc ruột già bị cắt bỏ. Lỗ mở này có thể là vĩnh viễn hoặc chỉ được tạo tạm thời trong thời gian chờ ruột lành lại.
Cắt ruột già: cắt bỏ đi phần bị hỏng của ruột già.
Cắt đại - trực tràng là phương pháp cắt đi ruột già và trực tràng. Phương pháp phẫu thuật này thường được thực hiện cùng thủ thuật mở hậu môn nhân tạo.
Tìm hiểu thêm về các phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh Crohn
Phương pháp điều trị tự nhiên và thay thế
Mặc dù các phương pháp dưới đây chưa được chứng minh chính thức về tác dụng điều trị bệnh Crohn nhưng đã được nhiều người sử dụng bên cạnh các loại thuốc chính và cho thấy hiệu quả.
Một số phương pháp điều trị tự nhiên và thay thế cho các trường hợp bị bệnh Crohn gồm có:
- Dùng men vi sinh (Probiotic): Đây là những chế phẩm có chứa các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, giúp bổ sung lợi khuẩn và khôi phục sự cân bằng hệ vi sinh tự nhiên trong đường ruột, từ đó ngăn cản các vi khuẩn có hại kích hoạt triệu chứng bệnh.
- Prebiotic: Đây là những chất có lợi, giúp nuôi dưỡng và tăng số lượng lợi khuẩn trong đường ruột. Prebiotic có trong một số loại thực vật, như măng tây, chuối, atisô hay tỏi tây... và ngoài ra còn có ở dạng viên uống bổ sung.
- Dầu cá: Dầu cá rất giàu omega-3 – một chất có lợi cho người bị bệnh Crohn. Bạn có thể dùng dầu cá dạng viên uống và bổ sung các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá cơm…
- Thực phẩm chức năng: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy một số loại thảo mộc, vitamin và khoáng chất có công dụng làm giảm các triệu chứng viêm nhiễm của bệnh Crohn.
- Nha đam: Nha đam hay lô hội là loại cây có đặc tính chống viêm nên thường được sử dụng làm làm chất chống viêm tự nhiên. Bạn có thể sử dụng gel, kem bôi có chứa lô hội vào những vùng tổn thương ngoài da hoặc ăn và uống nước ép loại cây này nhưng cần gọt vỏ, sơ chế kĩ để loại bỏ nhựa và tránh gây hại cho cơ thể.
- Châm cứu: Đây là phương pháp dùng kim mảnh đâm qua da để kích thích các huyệt (điểm) khác nhau trên cơ thể. Châm cứu giúp não giải phóng ra endorphin – một chất có tác dụng ngăn chặn các cơn đau và tăng cường hệ miễn dịch.
Một số nghiên cứu còn chứng minh rằng việc kết hợp châm cứu với cứu ngải – một liệu pháp y học cổ truyền dùng các loại dược liệu khô để đốt và hơ gần bề mặt da – có tác dụng cải thiện các triệu chứng của bệnh Crohn như đau bụng, tiêu chảy và viêm.
Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ phương pháp điều trị thay thế và dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn hay thực phẩm chức năng nào. Một số chất trong các sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị khác, đôi khi còn có thể tương tác và gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Tìm hiểu thêm về các phương pháp tự nhiên điều trị bệnh Crohn
Chế độ ăn khi bị bệnh Crohn
Không phải ai mắc bệnh Crohn cũng gặp phải các triệu chứng giống nhau bởi bệnh này có thể ảnh hưởng đến các vùng, bộ phận khác nhau của đường ruột. Do đó, không có chế độ ăn kiêng cụ thể nào dành cho tất cả những người bị bệnh này mà phải được điều chỉnh tùy theo từng trường hợp.
Bạn sẽ cần theo dõi chế độ ăn cũng như là các triệu chứng của mình để biết loại thực phẩm nào giúp cải thiện tình trạng bệnh và loại thực phẩm nào kích hoạt các triệu chứng, từ đó có thể thêm và bớt thực phẩm trong chế độ ăn hàng ngày. Việc điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống sẽ giúp giảm bớt tần suất tái phát và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Nhìn chung, những người bị bệnh Crohn cần lưu ý một số điều cơ bản sau:
Điều chỉnh lượng chất xơ
Một số người sẽ cần bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ (như trái cây và rau xanh) và giàu protein (như trứng, ức gà) trong khi đó, đối với một số người thì chế độ ăn với hàm lượng chất xơ quá cao sẽ khiến cho các vấn đề ở đường tiêu hóa thêm nặng hơn.
Hạn chế chất béo
Bệnh Crohn gây cản trở khả năng chuyển hóa và hấp thụ chất béo của cơ thể. Lượng chất béo dư thừa sẽ di chuyển từ ruột non đến ruột già và có thể gây tiêu chảy.
Hạn chế sữa
Khi mắc bệnh Crohn, cơ thể có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa các sản phẩm từ sữa hay còn gọi là tình trạng không dung nạp lactose. Lúc này, việc tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa có thể dẫn đến đau bụng và tiêu chảy.
Uống nhiều nước
Bệnh Crohn có thể làm suy giảm khả năng hấp thụ nước từ hệ tiêu hóa của cơ thể và dẫn đến tình trạng mất nước. Đặc biệt, nguy cơ mất nước sẽ tăng cao khi bị tiêu chảy hoặc xuất huyết tiêu hóa.
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Bệnh Crohn còn làm giảm khả năng hấp thụ các chất từ thực phẩm và dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu chỉ bổ sung dinh dưỡng từ các loại thực phẩm thì có thể sẽ chưa đủ mà nên hỏi bác sĩ về việc dùng các loại viên uống bổ sung vitamin tổng hợp để tăng cường vitamin cho cơ thể.
Biến chứng
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh Crohn có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Tắc ruột: Bệnh Crohn ảnh hưởng đến toàn chiều dày của thành ruột. Theo thời gian, thành ruột sẽ dày lên và hẹp lại, ngăn cản thức ăn đi qua. Người bệnh sẽ cần làm phẫu thuật để loại bỏ phần bị tắc nghẽn của ruột.
- Loét đường tiêu hóa: Tình trạng viêm mãn tính có thể dẫn đến sự hình thành các ổ loét ở bất cứ đâu trong đường tiêu hóa, gồm có cả miệng, hậu môn cũng như là ở vùng sinh dục (đáy chậu).
- Hình thành lỗ rò: Đôi khi, các vết loét có thể ăn xuyên qua thành ruột và tạo thành lỗ rò. Đây là đường thông bất thường giữa các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Lỗ rò có thể hình thành ở giữa ruột và da hoặc giữa ruột và một cơ quan khác. Lỗ rò quanh hậu môn (lỗ rò hậu môn) là loại phổ biến nhất.
Khi lỗ rò hình thành trong ổ bụng, thức ăn sẽ lọt qua lỗ và không đi hết toàn bộ chặng đường như bình thường, có nghĩa là sẽ bỏ qua các đoạn ruột cần thiết cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Lỗ rò có thể xuất hiện ở giữa các vòng ruột, vào bàng quang, âm đạo hoặc qua da, khiến cho các chất bên trong ruột rò rỉ theo lỗ rò lên da.
Trong một số trường hợp, lỗ rò bị nhiễm trùng và hình thành áp xe, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị. - Nứt hậu môn: Bệnh Crohn có thể gây nhiễm trùng và làm rách mô bên trong hậu môn hoặc ở vùng da xung quanh hậu môn. Tình trạng này gây đau đớn khi đi ngoài và có thể gây hình thành lỗ rò quanh hậu môn.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Triệu chứng tiêu chảy, đau bụng và chuột rút sẽ gây khó khăn cho việc ăn uống và khiến cho ruột không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng để nuôi cơ thể và dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Ngoài ra, một vấn đề cũng thường xảy ra ở những người bị bệnh Crohn là thiếu máu do hàm lượng sắt thấp hoặc thiếu vitamin B12.
- Ung thư ruột già: Bệnh Crohn xảy ra ở ruột già (đại tràng) làm tăng nguy cơ ung thư ruột già. Ngay cả những người không bị viêm ruột cũng được khuyến nghị nên đi nội soi đại tràng 10 năm một lần và bắt đầu ở tuổi 50. Nhưng nếu thuộc nhóm có nguy cơ cao thì cần nội soi sớm hơn và thường xuyên hơn.
- Các vấn đề sức khỏe khác: Bệnh Crohn có thể gây ra vấn đề ở các bộ phận khác của cơ thể ví dụ như thiếu máu, bệnh về da, loãng xương, viêm khớp và bệnh về túi mật hoặc gan.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị bệnh Crohn hoạt động với cơ chế ngăn cản các chức năng của hệ miễn dịch và đi kèm với rủi ro phát sinh các dạng ung thư như ung thư hạch và ung thư da. Các loại thuốc này còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ngoài ra, corticoid (corticosteroid) được dùng để điều trị bệnh Crohn còn có thể gây loãng xương, giòn xương, dễ gãy, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, tiểu đường và cao huyết áp.
Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng
Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng (ulcerative colitis) đều là hai bệnh viêm ruột và có nhiều đặc điểm giống nhau nên có thể bị nhầm lẫn.
Hai bệnh này có những đặc điểm chung như:
- Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của cả bệnh Crohn và viêm loét đại tràng đều rất giống nhau, gồm có tiêu chảy, đau bụng, chuột rút bụng, chảy máu trực tràng, sụt cân và cơ thể mệt mỏi.
- Cả hai đều xảy ra phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 35 và những người có tiền sử gia đình mắc một trong hai loại viêm ruột.
- Nhìn chung, tỉ lệ của hai bệnh này ở cả nam giới và nữ giới đều tương đương nhau.
- Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh Crohn và viêm loét đại tràng vẫn chưa được xác định rõ nhưng đều có khả năng là do hệ miễn dịch hoạt động quá mức.
Tuy nhiên, hai bệnh này lại có các điểm khác biệt như:
Viêm loét đại tràng là tình trạng viêm chỉ giới hạn ở đại tràng còn bệnh Crohn có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trong hệ tiêu hóa, từ miệng cho đến hậu môn.
Viêm loét đại tràng chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của mô niêm mạc đại tràng còn bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến tất cả các lớp mô, từ bề mặt cho đến sâu bên trong.
Tìm hiểu thêm về bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và viêm ruột
Bệnh Crohn ở trẻ em
Mặc dù hầu hết các ca mắc bệnh Crohn đều được chẩn đoán ở độ tuổi 20 đến 40 nhưng bệnh này cũng có thể xảy ra ở cả trẻ em và theo thống kê, cứ 4 người lại có 1 người có các triệu chứng trước tuổi 20.
Bệnh Crohn chỉ giới hạn ở đại tràng là loại phổ biến ở trẻ em và độ tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy nên rất khó phân biệt giữa bệnh Crohn và viêm loét đại tràng cho đến khi trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khác.
Việc điều trị kịp thời bệnh Crohn ở trẻ em cũng rất quan trọng vì nếu không được điều trị thì bệnh sẽ gây chậm phát triển và loãng xương. Ngoài ra, căn bệnh này còn có thể ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của trẻ. Các phương pháp điều trị bệnh Crohn ở trẻ em gồm có:
- Thuốc kháng sinh
- aminosalicylat
- Thuốc điều trị sinh học
- Thuốc điều hòa miễn dịch
- Steroid
- Thay đổi chế độ ăn uống
Các loại thuốc điều trị bệnh Crohn thường gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ em nên cần tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và đưa trẻ đi khám ngay khi xuất hiện dấu hiệu bất thường.
Đọc thêm về các triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh Crohn ở trẻ em