1

Căng thẳng có thể gây ra bệnh zona thần kinh không?

Nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể là yếu tố khiến cho bệnh zona thần kinh (hay còn gọi là bệnh giời leo) tái phát.
Căng thẳng có thể gây ra bệnh zona thần kinh không? Căng thẳng có thể gây ra bệnh zona thần kinh không?

Bệnh zona thần kinh, hay dân gian gọi là bệnh giời leo, là một bệnh do nhiễm virus phổ biến. Căn bệnh này có triệu chứng là nổi mụn nước thành cụm gây đau đớn, nóng rát, thường là ở một bên cơ thể. Các cụm mụn nước thường xuất hiện ở thân trên hoặc mặt, thường ở gần mắt. Ngoài ra, người bệnh còn gặp các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, đau đầu.

Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh cao hơn nếu bạn đã từng bị thủy đậu vì virus gây bệnh thủy đậu – virus varicella-zoster - cũng là nguyên nhân gây ra bệnh zona thần kinh. Sau khi bị thủy đậu, virus sẽ không biến mất hoàn toàn mà vẫn tồn tại bên trong cơ thể. Virus có thể tái hoạt động vào một thời điểm nào đó và gây ra bệnh zona thần kinh. Điều này có thể xảy ra sau nhiều năm, thậm chí vài chục năm kể từ khi bị thủy đậu.

Bệnh zona thần kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đa số xảy ra ở người lớn tuổi.

Hiện khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao virus varicella-zoster lại tái hoạt động ở một số người trong khi ở một số người, virus không bao giờ hoạt động lại. Có ý kiến cho rằng căng thẳng có thể kích hoạt virus gây bệnh zona thần kinh tái hoạt động và gây ra các triệu chứng. Liệu điều này có đúng hay không?

Căng thẳng và bệnh zona thần kinh

Hầu hết mọi người đều trải qua căng thẳng ít nhất một vài lần trong đời. Những biến cố lớn, chẳng hạn như sự qua đời của người thân hay mất việc có thể làm tăng mức độ căng thẳng đáng kể. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, cảm xúc, tinh thần và cả hệ miễn dịch.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hệ miễn dịch suy yếu có thể tái kích hoạt virus varicella-zoster. Vì căng thẳng tác động đến hệ miễn dịch nên nhiều nhà nghiên cứu tin rằng căng thẳng có thể là tác nhân kích hoạt bệnh zona thần kinh bùng phát.

Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng tình trạng căng thẳng mạn tính, hàng ngày và các sự kiện gây căng thẳng mức độ cao trong cuộc sống có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ bị zona thần kinh khi có các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tuổi cao, rối loạn tâm trạng và chế độ ăn uống kém. Những điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch.

Các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu gần đây đã đánh giá mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh zona thần kinh. Nghiên cứu này thu thập dữ liệu từ hơn 39.000 người đã từng trải qua những chuyện gây căng thẳng trong cuộc sống, bao gồm người thân qua đời hoặc bị bệnh nặng. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh zona thần kinh.

Tác động của căng thẳng đến cơ thể

Mặc dù các nghiên cứu cho ra kết quả khác nhau về mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh zona thần kinh nhưng rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng căng thẳng có tác động tiêu cực đến cơ thể. Các nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng nghiêm trọng hoặc kéo dài, với nhiều vấn đề khác nhau, gồm có:

  • Vấn đề về đường tiêu hóa
  • Cao huyết áp
  • Béo phì
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh tiểu đường
  • Mất ngủ
  • Đau ngực
  • Đau đầu
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Thay đổi tâm trạng, ví dụ như cảm giác bực bội, dễ cáu gắt, buồn bã hoặc lo lắng ngày càng tăng
  • Ăn quá nhiều hoặc quá ít
  • Lạm dụng chất gây nghiện

Các yếu tố kích hoạt và làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh

Yếu tố nguy cơ chính của bệnh zona thần kinh là đã từng mắc bệnh thủy đậu. Những người đã tiêm vắc xin phòng thủy đậu vẫn có nguy cơ bị bệnh zona thần kinh.

Một yếu tố nguy cơ khác là tuổi tác. Trẻ em, thiếu niên và người trẻ tuổi cũng có thể mắc bệnh zona thần kinh nhưng bệnh này đa số xảy ra ở người trên 50 tuổi.

Hệ miễn dịch suy yếu có thể tạo điều kiện cho bệnh zona thần kinh bùng phát. Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc mỗi ngày đều rất quan trọng vì những điều này có thể giúp giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Một số tình trạng bệnh lý và phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh, ví dụ như:

  • Nhiễm HIV
  • Thuốc chống thải ghép (thuốc ức chế miễn dịch) dùng sau phẫu thuật ghép tạng
  • Ung thư
  • Các phương pháp điều trị ung thư, chẳng hạn như hóa trị và xạ trị

Triệu chứng của bệnh zona thần kinh

Triệu chứng ban đầu của bệnh zona thần kinh thường là cảm giác nóng rát, châm chích như kim đâm hoặc đau. Những triệu chứng này thường xuất hiện ở một bên thân trên hoặc đầu. Trong vòng 1 đến 5 ngày, những vùng da này sẽ đỏ lên và nổi các đám mụn nước chứa dịch trong, sau đó chuyển đục, vỡ ra, đóng vảy rồi bong dần. Những vùng da bị bệnh thường có cảm giác ngứa, đau đớn, bỏng rát, giật giật từng cơn. Ngoài các triệu chứng trên da, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như nhức đầu, mệt mỏi, sốt, chóng mặt, khó chịu, sợ ánh sáng, rối loạn bài tiết mồ hôi…

Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu nghi là bệnh zona thần kinh thi nên đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi bị nổi mụn nước trên mặt hoặc gần mắt. Bệnh zona thần kinh có thể gây mất thính lực hoặc thị lực, nhất là khi không được điều trị kịp thời.

Cho dù các triệu chứng xuất hiện ở đâu thì cũng nên nhanh chóng đi khám. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị để giảm nhẹ và làm cho các triệu chứng biến mất nhanh hơn.

Điều trị bệnh zona thần kinh

Không có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh zona thần kinh nhưng hầu hết mọi người đều bị bệnh một lần trong đời.

Mục đích điều trị là giảm nhẹ triệu chứng và làm cho các triệu chứng nhanh biến mất hơn. Ngoài dùng thuốc do bác sĩ kê, bạn có thể thử các cách dưới đây tại nhà để làm dịu các triệu chứng:

  • Nghỉ ngơi nhiều
  • Dùng khăn thấm nước mát đắp lên vùng da bị bệnh
  • Đắp bột yến mạch để làm dịu da
  • Hạn chế căng thẳng

Bạn nên che vùng da bị bệnh và rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm. Bệnh zona thần kinh không lây nhưng virus gây bệnh có thể lây sang người khác và gây bệnh thủy đậu.

Bệnh zona thần kinh có thể kéo dài từ 2 đến 6 tuần nhưng tình trạng đau đớn có thể kéo dài lâu hơn. Tình trạng này được gọi là đau thần kinh sau zona và thường đỡ dần sau một thời gian. Nếu cơn đau gây khó chịu, bạn có thể dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Các cách giảm căng thẳng

Mặc dù chưa rõ giảm căng thẳng có giúp giảm nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh hay không nhưng chắc chắn giảm căng thẳng sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể. Có rất nhiều cách để giảm và kiểm soát căng thẳng. Bạn có thể thử nhiều cách khác nhau để tìm ra cách phù hợp nhất với mình.

  • Xác định và cố gắng tránh hoặc hạn chế những điều gây căng thẳng.
  • Thực hiện các hoạt động thư giãn trước khi ngủ, ví dụ như đọc sách, nghe nhạc, ngâm chân, bài tập hít thở hay tập yoga nhẹ nhàng.
  • Coi bữa ăn hàng ngày là khoảng thời gian thư giãn. Hãy ăn những món bạn thích, trò chuyện với người thân hay nghe nhạc trong khi ăn….
  • Dành thời gian cho sở thích cá nhân hoặc đi chơi cùng người thân, bạn bè
  • Nuôi thú cưng
  • Hạn chế dùng điện thoại, nhất là trước khi đi ngủ
  • Hòa mình vào thiên nhiên hoặc đi dạo ở một nơi yên tĩnh
  • Thiền
  • Tập yoga
  • Bài tập hít thở sâu
  • Tập thể dục

Kết luận

Các nghiên cứu về mối liên hệ giữa bệnh zona thần kinh và căng thẳng chưa cho kết quả thống nhất. Có nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng có thể kích hoạt bệnh zona thần kinh bùng phát trong khi một số nghiên cứu lại cho thấy căng thẳng không ảnh hưởng gì đến bệnh zona thần kinh. Nếu lo lắng về nguy cơ bị zona thần kinh, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc tiêm vắc xin để phòng bệnh. Bất kể có kích hoạt bệnh zona thần kinh hay không, căng thẳng cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực khác đến sức khỏe. Do đó, hãy cố gắng kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến bệnh Crohn?
Căng thẳng ảnh hưởng như thế nào đến bệnh Crohn?

Nghiên cứu cho thấy căng thẳng có thể làm tăng tình trạng viêm ở ruột và làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, những điều này sẽ khiến cho bệnh Crohn trở nên nghiêm trọng hơn.

Rối loạn căng thẳng cấp tính là gì?
Rối loạn căng thẳng cấp tính là gì?

Rối loạn căng thẳng cấp tính (acute stress disorder) thường xảy ra trong vòng một tháng sau sự kiện gây căng thẳng. Các triệu chứng cũng tương tự như triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau sang chấn (post-traumatic stress disorder) nhưng rối loạn căng thẳng cấp tính chỉ là tạm thời, thường kéo dài từ vài ngày đến một tháng. Tuy nhiên, một số người sau khi bị rối loạn căng thẳng cấp tính lại tiếp tục gặp phải tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Căng thẳng ảnh hưởng đến thị lực như thế nào?
Căng thẳng ảnh hưởng đến thị lực như thế nào?

Căng thẳng và lo lắng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả thị lực. Căng thẳng có thể gây giảm thị lực và các thay đổi về thị lực khác như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng hoặc thậm chí mất thị lực.

Căng thẳng có thể gây co thắt tâm thất sớm
Căng thẳng có thể gây co thắt tâm thất sớm

Co thắt tâm thất sớm có thể xảy ra do căng thẳng, lo lắng và các yếu tố khác. Co thắt tâm thất sớm là một loại rối loạn nhịp tim phổ biến có biểu hiện là cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực.

10 bài tập thở giúp giảm bớt căng thẳng
10 bài tập thở giúp giảm bớt căng thẳng

Khi phải đối mặt với căng thẳng, một trong những cách để cảm thấy bình tĩnh hơn là hit thở sâu. Có một số bài tập thở có thể giúp tinh thần thư giãn hơn. Bạn có thể thực hiện các bài tập thở này ở bất cứ đâu mà không cần bất cứ dụng cụ nào nhưng nên chọn nơi yên tĩnh để có thể tập trung vào hơi thở của mình.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây