Tiêm nội khớp điều trị thoái hóa khớp gối có hiệu quả không?
Thoái hóa khớp gối xảy ra do sụn ở khớp gối bị phá hủy hoặc hao mòn và cuối cùng dẫn đến tổn thương xương và khớp. Khi bị thoái hóa khớp gối, ngay cả những chuyển động đơn giản như đứng dậy cũng có thể gây đau.
Điều chỉnh một số thói quen và thuốc không kê đơn có thể giúp giảm các triệu chứng nhẹ.
Tuy nhiên, theo thời gian, các triệu chứng thoái hóa khớp sẽ tăng nặng dần và những thuốc không kê đơn có thể sẽ không còn hiệu quả. Lúc này, người bệnh sẽ phải chuyển sang dùng thuốc kê đơn, bao gồm cả các loại thuốc tiêm như steroid.
Thuốc tiêm không có tác dụng chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp nhưng có thể giúp giảm đau và giảm viêm. Hiệu quả có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc lâu hơn. Người bệnh sẽ phải tiêm lại định kỳ.
Các loại tiêm nội khớp trị thoái hóa khớp gối
Corticoid
Corticoid, hay còn được gọi là glucocorticoid hay corticosteroid, là một nhóm thuốc có tác dụng tương tự như cortisol - một loại hormone tự nhiên trong cơ thể.
Hydrocortisone là một trong những loại corticoid được sử dụng nhiều nhất. Tiêm hydrocortisone vào khớp gối có thể giúp giảm viêm và giảm đau.
Corticosteroid được dùng để giảm viêm và đau khác với steroid đồng hóa được sử dụng bởi người tập thể hình. Corticoid có cả dạng thuốc đường uống nhưng không được dùng để điều trị thoái hóa khớp.
Hút dịch khớp gối
Phương pháp này không đưa thuốc vào bên trong khớp mà là hút dịch từ khớp ra ngoài. Bình thường, trong khớp có khoảng vài cm3 (cc) hoạt dịch – chất dịch giúp bôi trơn để khớp chuyển động trơn tru.
Tuy nhiên, tình trạng viêm khiến cho hoạt dịch tích tụ trong khớp. Lúc này sẽ phải chọc hút dịch khớp để loại bỏ dịch tích tụ ra khỏi khớp gối. Điều này sẽ giúp giảm đau và sưng tấy ngay lập tức.
Chọc hút dịch khớp còn được thực hiện khi người bệnh có các dấu hiệu nhiễm trùng khớp. Bác sĩ sẽ hút một lượng nhỏ dịch từ khớp. Mẫu dịch sẽ được phân tích để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
Các loại tiêm khớp khác
Ngoài tiêm steroid và hút dịch khớp còn nhiều loại tiêm nội khớp khác để điều trị thoái hóa khớp gối.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Hiệp hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (the American College of Rheumatology) và Tổ chức Viêm khớp (the Arthritis Foundation) hiện không khuyến nghị sử dụng những phương pháp này do chưa có đủ bằng chứng chứng minh tính hiệu quả.
Ví dụ về các chất khác có thể được tiêm vào khớp để trị thoái hóa khớp gồm có:
- Tiêm axit hyaluronic để tăng chất bôi trơn cho khớp
- Tiêm đường vào khớp (prolotherapy)
Tổ chức Viêm khớp khuyến cáo không nên tiêm những chất sau:
- Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
- Tế bào gốc
Quy trình thực hiện
Tiêm nội khớp được thực hiện tại bệnh viện bởi bác sĩ chuyên khoa. Quá trình tiêm thường chỉ mất một vài phút.
Người bệnh sẽ ngồi trong suốt quá trình và đầu gối có thể sẽ được giữ cố định. Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để đưa kim tiêm vào đúng vị trí bên trong khớp.
Quy trình tiêm khớp gồm có các bước như sau:
- Sát khuẩn vùng tiêm và thoa thuốc gây tê tại chỗ
- Đưa kim vào khớp và tiêm thuốc
Thủ thuật tiêm khớp hầu như không gây đau đớn. Người bệnh sẽ chỉ thấy hơi nhói khi kim tiêm được đưa vào khớp.
Đôi khi, bác sĩ sẽ tiến hành hút bớt dịch khớp trước khi tiêm thuốc để giảm áp lực.
Bác sĩ sẽ đưa kim vô trùng vào khớp gối của người bệnh và rút một lượng nhỏ dịch từ khớp.
Sau khi hút dịch, bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào khớp, có thể ở cùng vị trí đã hút dịch trước đó hoặc ở một vị trí khác.
Sau khi tiêm hết lượng thuốc, bác sĩ rút kim và đặt bông vô trùng lên vị trí tiêm.
Hồi phục sau khi tiêm khớp
Người bệnh có thể về nhà ngay sau khi tiêm xong nhưng cần lưu ý những điều sau đây:
- Không đi lại nhiều, bê đồ nặng và vận động mạnh trong 24 giờ
- Không đi bơi
- Không ngâm mình trong nước nóng
- Tránh tiếp xúc với những thứ có thể gây nhiễm trùng vết tiêm trong vòng 24 giờ
- Theo dõi các tác dụng phụ, chẳng hạn như phản ứng dị ứng hoặc nhiễm trùng (sưng và đỏ)
Đầu gối có thể sẽ trở nên nhạy cảm trong vài ngày sau khi tiêm. Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn nếu cần thiết
Ưu và nhược điểm của phương pháp tiêm khớp
Tiêm corticoid
Ưu điểm
- Giúp giảm đau và viêm ngay lập tức sau khi tiêm
- Hiệu quả có thể kéo dài vài tháng.
- Đôi khi, các triệu chứng thoái hóa khớp biến mất vĩnh viễn chỉ sau một lần tiêm.
Nhược điểm
- Chỉ có tác dụng tạm thời, sau một thời gian, tình trạng đau đầu gối sẽ quay trở lại.
- Không hiệu quả đối với những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng
- Đôi khi, các triệu chứng không thuyên giảm sau khi tiêm
- Hiệu quả sẽ giảm dần theo thời gian.
- Đi kèm nhiều tác dụng phụ.
Tiêm corticoid có thể giúp giảm đau ngay lập tức và hiệu quả có thể duy trì được vài tháng nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Người bệnh sẽ phải tiêm lại sau vài tháng và hiệu quả của phương pháp này thường sẽ giảm dần theo thời gian.
Ngoài ra, không phải khi nào tiêm corticoid cũng hiệu quả, đặc biệt là những trường hợp mà khớp đã bị tổn thương nặng.
Một trong rủi ro của phương pháp tiêm corticoid nội khớp là chảy máu trong khớp do một mạch máu nhỏ bị rách trong quá trình tiêm.
Ngoài ra, lạm dụng tiêm corticoid có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như:
- Phá hỏng sụn
- Loãng xương (giảm mật độ khoáng trong xương)
Vì những lý do này nên không nên tiêm corticoid quá thường xuyên. Mỗi lần tiêm nên cách nhau ít nhất 3 tháng, có nghĩa là mỗi khớp chỉ nên tiêm tối đa 3 - 4 lần trong một năm.
Một số nghiên cứu đã thực hiện để đánh giá tính an toàn của phương pháp tiêm steroid nội khớp.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 cho thấy tiêm steroid có thể làm tăng nguy cơ tổn thương khớp và đẩy nhanh tốc độ tiến triển của bệnh thoái hóa khớp. (1)
Vào năm 2017, một nhóm nhà khoa học đã kết luận rằng tiêm steroid có thể làm mỏng lớp sụn của khớp gối. (2, https://doi.org/10.1001/jama.2017.5283
Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy điều trị bằng vật lý trị liệu trong một năm mang lại kết quả tốt hơn so với tiêm steroid nội khớp.
Hút dịch khớp
Việc loại bỏ dịch tích tụ trong khớp có thể giúp giảm đau và sưng tấy. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro như:
- Bầm tím và sưng tấy tại vị trí hút dịch
- Nguy cơ nhiễm trùng
- Tổn thương mạch máu, dây thần kinh và gân
Người bệnh nên điều trị tại chuyên khoa xương khớp của các bệnh viện để đảm bảo an toàn.
Sau khi tiêm, hãy theo dõi đầu gối xem có dấu hiệu bất thường nào hay không và đi khám ngay nếu có những dấu hiệu như tấy đỏ, đau đớn và nóng khớp.
Các phương pháp điều trị khác
Tiêm thuốc, dùng thuốc kê đơn và phẫu thuật là những giải pháp điều trị cho những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng. Ngoài ra, người bệnh nên kết hợp thêm các phương pháp điều trị dưới đây để kiểm soát bệnh thoái hóa khớp hiệu quả hơn:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm cân nếu thừa cân vì khối lượng cơ thể lớn sẽ làm tăng áp lực lên khớp gối
- Tập thể dục để tăng sức mạnh các cơ hỗ trợ đầu gối
- Lựa chọn các bài tập tác động thấp, chẳng hạn như bơi hoặc tập thể dục dưới nước
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen trước khi chuyển sang thuốc kê đơn
- Dùng thuốc giảm đau tại chỗ, ví dụ như NSAID dạng bôi hoặc capsaicin
- Chườm nóng và lạnh để giảm đau, viêm và cứng khớp
- Sử dụng nẹp đầu gối hoặc băng dán Kinesio để hỗ trợ đầu gối
- Sử dụng gậy chống để giữ thăng bằng khi đi lại
- Tập các bài tập giúp cải thiện tính linh hoạt như thái cực quyền và yoga
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Tránh vận động quá sức
- Ăn uống lành mạnh
- Trị liệu vật lý
- Thử các phương pháp điều trị hỗ trợ như châm cứu, mát-xa
Tóm tắt bài viết
Các phương pháp tiêm nội khớp như tiêm steroid có thể giúp giảm đau nhanh chóng nhưng tác dụng chỉ là tạm thời và tất cả các loại thuốc tiêm đều không thể chữa khỏi được bệnh thoái hóa khớp. Hơn nữa, phương pháp tiêm khớp không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Trong những trường hợp thoái hóa khớp quá nghiêm trọng, phương pháp tiêm khớp thường không có tác dụng. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp bán phần hoặc thay khớp toàn phần.
Thoái hóa khớp hông xảy ra do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau khi chuyển động, điều này gây viêm và làm hỏng xương. Tình trạng này gây đau đớn và cứng khớp.
Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.
Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).
Chụp X-quang là một công cụ được sử dụng để chẩn đoán thoái hóa khớp. Tuy nhiên, chụp X-quang không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được bệnh thoái hóa khớp nên bác sĩ còn phải dựa trên các thông tin khác.
Nốt Heberden là những nốt sưng xuất hiện trên khớp ngón tay. Đó là một dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp do sụn trong khớp bị phá hủy. Nốt Heberden gây biến dạng ngón tay và gây khó khăn cho việc sử dụng bàn tay. Tuy rằng không có cách nào có thể điều trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp và nốt Heberden nhưng có nhiều cách để giảm đau và cải thiện khả năng cử động bàn tay.