1

Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị

Khớp vai là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp vai, từ các phương pháp điều trị không xâm lấn như dùng thuốc, vật lý trị liệu cho đến phẫu thuật.
Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị

Vai thường xuyên bị đau có thể là dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp vai. Khớp vai là khớp có nguy cơ bị thoái hóa cao thứ ba trên cơ thể, sau khớp gối và khớp hông.

Thoái hóa khớp vai gây đau đớn và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Đây là một bệnh lý mạn tính, có nghĩa là không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng các phương pháp điều trị có thể giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động.

Cấu tạo của khớp vai

  • Khớp vai là nơi tiếp giáp của đầu xương cánh tay và ổ chảo xương bả vai.
  • Nơi hai xương này gặp nhau được ngăn cách bởi sụn. Sụn là mô liên kết mềm dẻo có chức năng như một lớp đệm giữa các đầu xương và cho phép khớp chuyển động trơn tru.
  • Bên trong của khớp có một lớp đệm mỏng gọi là màng hoạt dịch (hay bao hoạt dịch). Màng hoạt dịch chứa chất lỏng bôi trơn khớp, giảm ma sát giữa các đầu xương và nuôi dưỡng sụn khớp.
  • Khớp vai có các dây chằng giúp giữ ổn định khớp, gồm có dây chằng ổ chảo - cánh tay, dây chằng quạ đòn và dây chằng quạ - cánh tay.
  • Chóp xoay vai là nhóm gồm bốn cơ (cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé và cơ dưới vai), tạo thành cấu trúc bảo vệ xung quanh đầu xương cánh tay, cho phép chúng ta cử động cánh tay theo vòng tròn.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp vai

Thoái hóa khớp vai xảy ra khi sụn bên trong khớp vai bị mòn. Kết quả là các xương bên trong khớp cọ xát với nhau và gây đau.

Lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất gây thoái hóa khớp. Sụn trong khớp bị hao mòn theo thời gian. Đó là lý do tại sao thoái hóa khớp chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi. Ước tính có khoảng một phần ba người từ 60 tuổi trở lên bị thoái hóa khớp vai. (1)

Ngoài tuổi tác, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp vai gồm có:

  • Tiền sử chấn thương vai, ví dụ như gãy xương
  • Tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp
  • Béo phì
  • Viêm, có thể là do một bệnh lý hoặc không rõ nguyên nhân
  • Làm các công việc hoặc chơi các môn thể thao đòi hỏi phải nâng vật nặng hoặc cử động vai nhiều

Càng có nhiều yếu tố này thì nguy cơ bị thoái hóa khớp vai sẽ càng cao.

Triệu chứng thoái hóa khớp vai

Thoái hóa khớp vai gây ra các triệu chứng như:

  • Đau vai
  • Cứng khớp
  • Khó cử động vai
  • Yếu cơ vai

Những triệu chứng này thường nặng hơn vào ban đêm và khi giơ tay qua đầu.

Điều trị thoái hóa khớp vai

Trước tiên, bác sĩ thường sẽ đề xuất các phương pháp điều trị bảo tồn (không xâm lấn), gồm có:

  • Dùng thuốc đường uống
  • Vật lý trị liệu
  • Tập luyện
  • Tiêm khớp

Nếu những phương pháp điều trị này không hiệu quả thì sẽ phải chuyển sang phương pháp điều trị xâm lấn, chẳng hạn như phẫu thuật.

Thuốc đường uống

Thuốc đường uống điều trị thoái hóa khớp vai gồm có cả thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn:

  • Thuốc chống viêm không steroid, ví dụ như:
    • ibuprofen
    • naproxen
  • Steroid đường uống, ví dụ như:
    • prednisone
    • methylprednisolone

Vật lý trị liệu

Người bệnh có thể cần dùng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu để cải thiện phạm vi chuyển động của khớp và giảm đau vai. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh những bài tập thích hợp dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng thoái hóa khớp vai. Tuy nhiên, nếu vai bị đau nghiêm trọng thì nên chờ cho tình trạng được cải thiện mới bắt đầu tập vật lý trị liệu.

Tiêm khớp

Tiêm khớp là phương pháp ít xâm lấn hơn phẫu thuật. Các phương pháp tiêm khớp để điều trị thoái hóa khớp vai gồm có:

  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): tiêm huyết tương có nồng độ tiểu cầu cao được tách từ máu của chính người bệnh vào khớp. Tiêm PRP giúp thúc đẩy quá trình chữa lành các mô bị tổn thương ở khớp vai.
  • Tiêm axit hyaluronic: Axit hyaluronic là một thành phần tự nhiên của hoạt dịch. Tiêm axit hyaluronic tổng hợp giúp tăng sự bôi trơn và cải thiện khả năng cử động của khớp vai.
  • Corticoid: Corticoid là dạng tổng hợp của cortisol, loại hormone mà cơ thể sản xuất ra. Tiêm corticoid trực tiếp vào khớp vai sẽ giúp giảm viêm.

Hiệu quả của các phương pháp tiêm khớp còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thoái hóa khớp. Nếu bệnh quá nghiêm trọng, các phương pháp này cũng sẽ không hiệu quả.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp thoái hóa khớp vai quá nghiêm trọng, khi đã thử các phương pháp điều trị khác mà tình trạng không cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị thoái hóa khớp vai:

  • Thay khớp vai bán phần: thay phần xương cánh tay bị hỏng bằng bộ phận nhân tạo trong khi vẫn giữ nguyên phần còn lại của khớp vai hoặc bọc một lớp kim loại lên đầu xương cánh tay (phương pháp này gọi là tái tạo bề mặt khớp).
  • Thay khớp vai đảo ngược: đảo ngược vị trí tự nhiên của các xương trong khớp vai để giảm đau. Bình thường, ổ chảo của xương bả vai nằm bên trên xương cánh tay. Trong quá trình phẫu thuật thay khớp vai đảo ngược, bác sĩ lắp chỏm khớp nhân tạo vào vị trí ổ chảo xương bả vai và lắp hõm khớp nhân tạo vào vị trí đầu xương cánh tay. Phương pháp này thường dành cho những trường hợp mà chóp xoay vai bị hỏng nặng.
  • Thay khớp vai toàn phần: thay cả đầu xương cánh tay và ổ chảo xương bả vai bằng khớp nhân tạo.

Loại phẫu thuật cần thực hiện sẽ phụ thuộc vào tuổi tác của người bệnh, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và tình trạng của dây chằng cũng như các mô khác xung quanh khớp vai. Bác sĩ sẽ cân nhắc và tư vấn loại phẫu thuật phù hợp nhất cho người bệnh.

Những câu hỏi thường gặp về thoái hóa khớp vai

Bị thoái hóa khớp vai nên tránh những hoạt động nào?

Nâng vật nặng hoặc giơ tay cao qua đầu sẽ gây đau và làm trầm trọng thêm tình trạng thoái hóa khớp vai. Tuy nhiên, cũng không cần thiết và không nên tránh mọi hoạt động cần cử động vai. Duy trì hoạt động và tập các bài tập phù hợp sẽ giúp cải thiện phạm vi chuyển động của khớp vai.

Bệnh thoái hóa khớp vai gồm những giai đoạn nào?

Bệnh thoái hóa khớp vai tiến triển qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Sụn trở nên mềm.
  • Giai đoạn 2: Bề mặt sụn bắt đầu có những thay đổi.
  • Giai đoạn 3: Bề mặt sụn bong tróc và mòn.
  • Giai đoạn 4: Sụn bị mòn hoàn toàn, để lộ phần xương bên dưới.

Các giai đoạn này có thể diễn ra với tốc độ khác nhau. Tuy nhiên, càng sử dụng khớp vai nhiều thì sụn sẽ càng nhanh mòn.

Nên ngủ ở tư thế nào khi bị thoái hóa khớp vai?

  • Nằm nghiêng: Bạn nên nằm nghiêng ở bên không bị thoái hóa khớp và đặt một chiếc gối dày dưới cánh tay ở bên bị thoái hóa khớp để nâng cao cánh tay và giảm áp lực lên khớp vai.
  • Nằm ngửa: Nếu bạn quen nằm ngửa thì nên đặt một chiếc gối bên dưới mỗi cánh tay. Bạn cũng có thể mua một chiếc gối tam giác để hỗ trợ phần thân trên khi nằm.

Tại sao triệu chứng thoái hóa khớp lại nặng hơn vào ban đêm?

Triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp vai thường nặng hơn vào ban đêm. Cơn đau vai có thể khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ hoặc thức giấc giữa chừng. Điều này có thể là do khi nằm, khớp vai phải chịu áp lực lớn hơn, đặc biệt là khi nằm nghiêng ở bên bị đau.

Thoái hóa khớp vai có chữa khỏi được không?

Không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp và phục hồi khớp đã bị thoái hóa. Cũng không có cách nào có thể ngăn chặn quá trình thoái hóa khớp. Mục đích của các phương pháp điều trị là giảm các triệu chứng, duy trì khả năng cử động cho khớp vai và làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).

Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả các khớp của bàn tay.

Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị

Khớp vai là một khớp lồi cầu - ổ chảo, được tạo nên bởi ba xương là chỏm xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Đây là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể do phải chuyển động liên tục hàng ngày. Thoái hóa khớp là tình trạng khớp bị hao mòn theo thời gian. Tình trạng này gây đau đớn và giảm khả năng cử động khớp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây