1

Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả các khớp của bàn tay.
Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp bàn tay thường xảy ra ở:

  • cổ tay
  • khớp nối ngón tay cái và cổ tay
  • khớp liên đốt xa (khớp gần đầu ngón tay)
  • khớp liên đốt gần (khớp ở giữa ngón tay)

Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn bị mòn và khiến các xương trong khớp cọ xát vào nhau. Sự cọ xát này gây viêm, cứng và đau khớp.

Có nhiều nguyên nhân gây thoái hóa khớp bàn tay và cũng có nhiều cách để điều trị tình trạng này.

Triệu chứng thoái hóa khớp bàn tay

Các triệu chứng của thoái hóa khớp bàn tay ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào vị trí khớp bị thoái hóa và các hoạt động mà người bệnh thực hiện hàng ngày.

Tuy nhiên, một số triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Đau nhức khi cử động bàn tay
  • Cứng khớp, thường rõ rệt hơn vào buổi sáng
  • Khó cử động ngón tay
  • Lực nắm tay yếu
  • Sưng tấy và đau ở đốt ngón tay hoặc quanh cổ tay

Nốt Heberden

Thoái hóa khớp có thể gây hình thành gai xương. Điều này thường xảy ra trong những trường hợp thoái hóa khớp nặng.

Khi xương bị tổn thương, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tạo ra mô xương mới. Mô xương mới tích tụ lại tạo thành gai xương dọc theo cạnh đầu xương. Ngoài ra, bao khớp có thể dày lên và to ra.

Ở những người bị thoái hóa khớp bàn tay, sự to lên của bao khớp và tích tụ mô xương mới tạo thành một loại nốt sưng ở khớp liên đốt xa gọi là nốt Heberden. Nốt Heberden thường có hình tròn, cứng và nhô lên ở quanh khớp.

Nốt Heberden tồn tại vĩnh viễn và sẽ khiến cho ngón tay bị biến dạng.

Những người bị thoái hóa khớp liên đốt gần có thể bị một loại nốt sưng khác gọi là nốt Bouchard.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp bàn tay

Thoái hóa khớp xảy ra do sụn trong khớp bị hao mòn theo thời gian. Nguyên nhân chính xác gây điều này vẫn chưa được xác định. Đôi khi, thoái hóa khớp xảy ra do sụn bị phá hủy sau chấn thương.

Bình thường, các đầu xương trong khớp được bao bọc bởi một lớp sụn. Lớp sụn này có vai trò bảo vệ đầu xương và giúp cho khớp chuyển động trơn tru. Khi không còn sụn, các đầu xương sẽ cọ xát vào nhau, gây đau đớn và cứng khớp.

Ai có nguy cơ bị thoái hóa khớp bàn tay?

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp bàn tay, gồm có yếu tố di truyền. Những người có tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và sớm hơn so với dân số chung. Những người này còn có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác còn có:

  • Tuổi cao
  • Làm công việc hoặc thường xuyên chơi các môn thể thao phải cử động bàn tay nhiều
  • Từng bị chấn thương ở bàn tay

Bạn càng sử dụng bàn tay nhiều thì sụn sẽ càng nhanh bị hao mòn và các khớp sẽ càng nhanh bị thoái hóa.

Ngoài ra, phụ nữ có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn nam giới, bao gồm cả thoái hóa khớp bàn tay.

Những người bị dị tật khớp hoặc sụn bàn tay bẩm sinh cũng có nguy cơ bị thoái hóa khớp bàn tay cao hơn.

Chẩn đoán thoái hóa khớp bàn tay

Các sĩ sẽ kiểm tra bàn tay của người bệnh để tìm các dấu hiệu thoái hóa khớp như:

  • Đau khớp
  • Sưng tấy
  • Biến dạng ngón tay
  • Giảm phạm vi chuyển động

Tuy nhiên, không thể chẩn đoán thoái hóa khớp chỉ dựa trên các triệu chứng. Người bệnh sẽ phải chụp X-quang để đánh giá tình trạng sụn và xương trong khớp. Chụp X-quang giúp phát hiện sự mất sụn, mòn xương, gai xương và một số dấu hiệu khác của bệnh thoái hóa khớp.

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá kỹ hơn về tình trạng xương và mô mềm.

Các triệu chứng của thoái hóa khớp ở bàn tay cũng tương tự như các bệnh về khớp khác. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm mẫu máu để loại trừ các loại viêm khớp khác có triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm khớp dạng thấp.

Đôi khi còn phải xét nghiệm dịch khớp để xem tình trạng viêm ở khớp bàn tay có liên quan đến các bệnh gây lắng đọng tinh thể như bệnh gout hoặc giả gout hay không.

Điều trị thoái hóa khớp bàn tay

Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau là cách hữu hiệu nhất để giảm cơn đau khớp.

Nếu bị đau nhẹ thì thường chỉ cần dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn như ibuprofen và naproxen là đủ. Nhưng những trường hợp bị thoái hóa khớp nặng sẽ phải dùng các loại thuốc kê đơn mạnh hơn.

NSAID còn có cả dạng bôi, ví dụ như gel diclofenac.

Nếu thuốc đường uống không hiệu quả, người bệnh có thể phải điều trị bằng thuốc tiêm, thường là các loại thuốc giảm viêm như steroid và thuốc gây tê. Tiêm steroid giúp giảm viêm và giảm đau nhanh chóng. Tác dụng có thể kéo dài trong vài tháng nhưng sử dụng steroid lâu dài có thể gây ra tác dụng phụ.

Bài tập bàn tay

Tình trạng đau và cứng khớp do thoái hóa khớp sẽ gây khó khăn cho việc cử động bàn tay và thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Thực hiện các bài tập bàn tay đơn giản dưới đây vài lần mỗi ngày sẽ giúp cải thiện sự linh hoạt của khớp và khả năng cử động bàn tay:

  • Giương móng vuốt: Gập các ngón tay lại như thế đang giương móng vuốt đốt rồi duỗi thẳng ngón tay. Lặp lại như vậy nhiều lần.
  • Nắm tay: Nắm tay lại rồi lại duỗi ra nhiều lần. Thực hiện chậm rãi để tránh bị đau.
  • Làm chữ O: Chạm đầu ngón tay cái vào đầu ngón tay trỏ để tạo thành hình chữ O và thực hiện lần lượt với các ngón tay khác. Nếu ngón cái bị đau thì dừng lại.
  • Ngón tay đi bộ: Di chuyển các ngón tay trên tường.
  • Bóp nhẹ miếng bọt biển hoặc quả bóng cao su

Phương pháp giảm đau tự nhiên

Người bệnh có thể thử các phương pháp tự nhiên dưới đây để giảm các triệu chứng của thoái hóa khớp ở bàn tay:

  • Chườm nóng và lạnh để giảm đau và sưng
  • Ngâm tay trong nước ấm

Dụng cụ hỗ trợ

  • Đeo nẹp cổ tay hoặc ngón tay để hỗ trợ cho các khớp và giảm đau
  • Dùng dụng cụ hỗ trợ khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, ví dụ như đồ mở nắp chai lọ, gậy lấy đồ, thìa dĩa có cán cầm to

Điều chỉnh chế độ ăn

Tổ chức Viêm khớp (The Arthritis Foundation) khuyến nghị người bị thoái hóa khớp nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh toàn diện với nhiều trái cây và rau củ tươi, ngũ cốc nguyên cám và thịt nạc, đồng thời hạn chế tiêu thụ đường.

Những loại thực phẩm có lợi cho người bị thoái hóa khớp gồm có:

  • Nho (đỏ hoặc tím)
  • Hành tây tím
  • Táo đỏ
  • Các loại quả mọng như mâm xôi, việt quất
  • Bông cải xanh
  • Rau lá xanh
  • Anh đào
  • Mận
  • Trái cây họ cam quýt

Ăn các loại thực phẩm có hàm lượng flavonoid cao ví dụ như rau củ quả sẫm màu cũng rất có lợi. Flavonoid là một nhóm chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp nghiêm trọng, các phương pháp điều trị kể trên sẽ không có tác dụng và người bệnh phải phẫu thuật. Một loại phẫu thuật để điều trị thoái hóa khớp bàn tay là hợp nhất khớp (nối các xương trong khớp lại với nhau). Điều này giúp giảm đau nhưng khớp sẽ không còn khả năng cử động sau phẫu thuật.

Một lựa chọn khác là phẫu thuật ghép sụn, trong đó lấy sụn từ những nơi khác trên cơ thể của người bệnh hoặc sụn nhân tạo ghép vào khớp bị mất sụn.

Thoái hóa khớp bàn tay có chữa khỏi được không?

Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính và tiến triển. Điều này có nghĩa là không có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn và tình trạng sẽ tăng nặng theo thời gian. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh và duy trì chức năng khớp.

Bệnh thoái hóa khớp càng được phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng sẽ càng tốt.

Ngăn ngừa thoái hóa khớp bàn tay

Hiểu rõ nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hóa khớp ở bàn tay.

Một số bước bạn có thể thực hiện để ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc căn bệnh này gồm có:

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ giúp giảm nguy cơ thoái hóa khớp. Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng viêm và làm hỏng sụn khớp.

Tập thể dục

Cố gắng tập thể dục 5 lần một tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút.

Chú ý tập đúng kỹ thuật và sử dụng găng tay bảo vệ nếu cần thiết để tránh bị chấn thương bàn tay. Gãy xương, trật khớp và đứt dây chằng sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

Tóm tắt bài viết

Thoái hóa khớp bàn tay xảy ra do sụn bị hao mòn và khớp bị viêm. Căn bệnh này gây đau đớn và ảnh hưởng đến khả năng cử động bàn tay. Thoái hóa khớp không được điều trị có thể dẫn đến mất chức năng khớp và biến dạng ngón tay.

Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng thoái hóa khớp bàn tay có thể kiểm soát được. các phương pháp điều trị như thuốc giảm đau, tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn và sử dụng dụng cụ hỗ trợ cố thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Sụn bị hao mòn theo thời gian là điều không thể tránh khỏi nên rất khó ngăn ngừa thoái hóa khớp một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, kiểm soát tốt các bệnh lý ảnh hưởng đến khớp như tiểu đường và tập thể dục đều đặn có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ thoái hóa khớp, bao gồm cả thoái hóa khớp bàn tay.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).

Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị

Khớp vai là một khớp lồi cầu - ổ chảo, được tạo nên bởi ba xương là chỏm xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Đây là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể do phải chuyển động liên tục hàng ngày. Thoái hóa khớp là tình trạng khớp bị hao mòn theo thời gian. Tình trạng này gây đau đớn và giảm khả năng cử động khớp.

Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị

Khớp vai là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp vai, từ các phương pháp điều trị không xâm lấn như dùng thuốc, vật lý trị liệu cho đến phẫu thuật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây