1

Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.
Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp xảy ra do sụn trong khớp bị hao mòn. Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất.

Đầu gối là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể. Thoái hóa khớp gối gây khó khăn khi đi lại và thực hiện các công việc hàng ngày khác.

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối, các triệu chứng và phương pháp điều trị giúp làm giảm các triệu chứng.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối xảy ra do sụn của khớp gối bị hao mòn theo thời gian. Điều này khiến cho các đầu xương trong khớp cọ xát với nhau khi cử động và gây đau.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối gồm có:

  • Tuổi tác: Nguy cơ thoái hóa khớp gối tăng theo tuổi tác. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở người trên 50 tuổi.
  • Giới tính: Thoái hóa khớp gối phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
  • Nghề nghiệp: Những người làm công việc khiến khớp gối thường xuyên phải chịu áp lực hoặc chuyển động lặp đi lặp lại, có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn.
  • Chấn thương: Chấn thương xảy ra ở khớp gối sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
  • Cân nặng: Khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lên khớp gối và theo thời gian, điều này có thể dẫn đến thoái hóa khớp.
  • Di truyền: Những người có tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp gối sẽ có nguy cơ gặp phải vấn đề này cao hơn.
  • Các bệnh lý khác: Một số bệnh chuyển hóa và bệnh về xương khớp có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.

Triệu chứng thoái hóa khớp gối

Các triệu chứng của thoái hóa khớp thường xuất hiện từ từ, ban đầu chỉ là những triệu chứng nhẹ và trở nên nặng hơn theo thời gian.

Các triệu chứng thường gặp của thoái hóa gối gồm có:

  • Cứng khớp sau một thời gian không cử động, ví dụ như sau khi ngủ dậy vào buổi sáng
  • Sưng khớp
  • Đau, có thể xảy ra cả khi vận động và khi không vận động
  • Giảm phạm vi chuyển động, chẳng hạn như khó gập hoặc duỗi thẳng chân
  • Tiếng lục cục hoặc lạo xạo ở khớp
  • Cảm giác như đầu gối bị “lỏng lẻo”, không ổn định
  • Khớp gối bị “khóa” khi gập hoặc duỗi chân, có nghĩa là không thể cử động khớp
  • Vẹo khớp

Nên đi khám nếu các triệu chứng này thường xuyên xảy ra hoặc kéo dài dai dẳng và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng như sưng tấy, giảm phạm vi chuyển động, mất ổn định khớp và sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như X-quang để chẩn đoán vấn đề.

Điều trị thoái hóa khớp gối

Không có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa khớp gối. Đây là một tình trạng tiến triển, có nghĩa là sẽ trở nên nặng hơn theo thời gian. Mặc dù vậy nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp giảm đau, cải thiện khả năng vận động và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc

Trước tiên, người bệnh có thể thử các phương pháp điều trị không dùng thuốc để giảm các triệu chứng, ví dụ như:

  • Chườm lạnh nhằm làm giảm lưu lượng máu đến đầu gối, từ đó giảm đau và sưng.
  • Chườm nóng để tăng lưu lượng máu, từ đó giảm đau và cứng khớp.
  • Vật lý trị liệu để tăng sức mạnh của các cơ quanh đầu gối, cải thiện phạm vi chuyển động và tính linh hoạt của khớp.
  • Các liệu pháp điều trị hỗ trợ như châm cứu hoặc mát-xa để tăng lưu lượng máu và giảm đau.
  • Các loại kem bôi chứa thành phần giảm viêm và đau như tinh dầu bạc hà, long não, capsaicin hoặc cannabidiol (CBD).
  • Giảm cân nếu thừa cân để giảm áp lực lên khớp gối, điều này sẽ giúp giảm đau, sưng và cứng khớp.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng để cải thiện lưu lượng máu và khả năng cử động khớp. Một hình thức tập luyện phù hợp với người bị thoái hóa khớp gối là thái cực quyền. Thái cực quyền đã được chứng minh là giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng và giảm nguy cơ té ngã.
  • Các dụng cụ hỗ trợ như gậy chống và nẹp khớp gối để tăng khả năng giữ thăng bằng và tính ổn định của khớp.

Thuốc

Có nhiều loại thuốc có thể giúp giảm các triệu chứng của thoái hóa khớp gối. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bệnh sử và các vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh mắc phải.

Các loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm có:

  • Axit hyaluronic (HA): HA được tiêm trực tiếp vào khớp gối để giảm đau. Đây là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu và là một lựa chọn thay thế phổ biến cho phẫu thuật.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn, chủ yếu là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen. Những loại thuốc này giúp làm giảm đau và viêm ở khớp.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: một số loại NSAID có cả dạng bôi.
  • Thuốc giảm đau kê đơn: nếu thuốc không kê đơn không hiệu quả, người bệnh có thể phải chuyển sang dùng các loại thuốc kê đơn, ví dụ như thuốc ức chế COX-2 (celecoxib và meloxicam).
  • Corticoid (corticosteroid): Có thể tiêm cortisone (một loại corticoid) trực tiếp vào khớp gối để giảm đau và giảm viêm. Chỉ nên tiêm tối đa 4 mũi một năm để giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Phẫu thuật

Nếu đã thử hết các phương pháp điều trị khác mà tình trạng không cải thiện thì có thể sẽ phải phẫu thuật.

Các loại phẫu thuật để điều trị thoái hóa khớp gối gồm có:

  • Ghép sụn: lấy một phần sụn khỏe mạnh từ khớp khác và ghép vào khớp gối. Phương pháp này hiệu quả nhất với những người trẻ tuổi và sụn khớp chưa bị mòn nhiều.
  • Cắt xương: Định hình lại một phần xương ống chân hoặc xương đùi để giảm áp lực lên khớp gối. Loại phẫu thuật này phù hợp nhất cho những trường hợp mà tình trạng thoái hóa khớp mới ở giai đoạn đầu và xảy ra ở một bên khớp.
  • Thay khớp: tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng mà người bệnh sẽ phải thay khớp toàn phần hoặc bán phần. Thay khớp bán phần có nghĩa là chỉ cắt bỏ đi phần khớp bị hỏng và thay bằng bộ phận kim loại hoặc nhựa. Thay khớp toàn phần có nghĩa là cắt bỏ đi phần đầu xương đùi và đầu xương chày, sau đó thay bằng khớp nhân tạo.

Đi bộ có tốt cho người bị thoái hóa khớp gối không?

Khi đầu gối bị đau và cứng, hầu hết mọi người đều sẽ không muốn phải đi lại hay tập thể dục nhưng việc thường xuyên đi bộ và tập các bài tập ít gây áp lực lên khớp khác rất có lợi cho người bị thoái hóa khớp gối.

Trên thực tế, theo một nghiên cứu vào năm 2022 được thực hiện trên những người trên 50 tuổi bị thoái hóa khớp gối, việc đi bộ và tập thể dục giúp làm giảm tần suất đau đầu gối. Đi bộ thậm chí còn có thể giúp làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng. (1)

Ngoài đi bộ, các hình thức tập luyện khác cũng mang lại lợi ích tương tự cho người bị thoái hóa khớp gồm có:

  • Bơi lội
  • Tập thể dục dưới nước
  • Đạp xe

Sống chung với bệnh thoái hóa khớp gối

Bên cạnh các phương pháp điều trị kể trên, những thay đổi trong lối sống dưới đây cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng thoái hóa khớp gối:

  • Tránh các hoạt động khiến cho khớp gối bị tổn thương thêm, chẳng hạn như quỳ, ngồi xổm, bê đồ nặng và leo cầu thang.
  • Duy trì hoạt động thể chất: Như đã nói ở trên, vận động thường xuyên rất có lợi cho người bị thoái hóa khớp. Hãy chọn các bài tập nhẹ nhàng, ít gây áp lực lên khớp gối như đi bộ hoặc bơi lội. Một số hình thức tập luyện như yoga còn giúp tăng khả năng giữ thăng bằng và cải thiện sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể.
  • Giảm cân: Giảm cân nếu thừa cân sẽ làm giảm áp lực lên khớp gối, nhờ đó giảm đau và cải thiện chức năng tổng thể của khớp.
  • Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT): Tổ chức Viêm khớp khuyến nghị liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive behavioral therapy) cho những người mắc bệnh thoái hóa khớp gối. Liệu pháp nhận thức - hành vi giúp người bệnh học cách kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành động.

Tóm tắt bài viết

Thoái hóa khớp gối là một bệnh về khớp phổ biến xảy ra do sụn trong khớp gối bị phá hủy.

Điều này khiến cho các đầu xương trong khớp gối cọ xát với nhau, gây viêm, đau và cứng khớp. Các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối gồm có tuổi tác cao, thừa cân, thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại ở khớp gối hoặc thường xuyên bê đồ nặng.

Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng và sử dụng dụng cụ hỗ trợ cho đến dùng thuốc và phẫu thuật. Phương pháp điều trị ở mỗi ca bệnh là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Mặc dù bị đau và cứng khớp nhưng người bị thoái hóa khớp gối nên duy trì thói quen tập thể dục nhẹ nhàng để cải thiện các triệu chứng và phạm vi chuyển động của khớp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).

Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị
Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị

Nốt Heberden là những nốt sưng xuất hiện trên khớp ngón tay. Đó là một dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp do sụn trong khớp bị phá hủy. Nốt Heberden gây biến dạng ngón tay và gây khó khăn cho việc sử dụng bàn tay. Tuy rằng không có cách nào có thể điều trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp và nốt Heberden nhưng có nhiều cách để giảm đau và cải thiện khả năng cử động bàn tay.

Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả các khớp của bàn tay.

Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị

Khớp vai là một khớp lồi cầu - ổ chảo, được tạo nên bởi ba xương là chỏm xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Đây là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể do phải chuyển động liên tục hàng ngày. Thoái hóa khớp là tình trạng khớp bị hao mòn theo thời gian. Tình trạng này gây đau đớn và giảm khả năng cử động khớp.

Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp vai: Triệu chứng và cách điều trị

Khớp vai là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp vai, từ các phương pháp điều trị không xâm lấn như dùng thuốc, vật lý trị liệu cho đến phẫu thuật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây