1

Thoái hóa cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp xảy ra do sự hao mòn sụn trong khớp. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả các khớp của cột sống. Thoái hóa khớp cột sống, hay còn gọi là thoái hóa cột sống, xảy ra ở khớp mặt - khớp nối các xương của cột sống. Thoái hóa cột sống còn có thể ảnh hưởng đến các dây chằng.
Thoái hóa cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Thoái hóa cột sống: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.

Theo thời gian, sụn bên trong các khớp mặt sẽ bị hao mòn dần. Đĩa đệm được tạo nên chủ yếu từ nước và có thể bị mất nước khi có tuổi.

Điều này khiến cho các đĩa đệm ở cột sống bị hẹp lại và gây áp lực lên các khớp mặt.

Triệu chứng thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Triệu chứng thường gặp nhất là đau lưng, thường bắt đầu ở vùng thắt lưng.

Ở giai đoạn đầu, bệnh thoái hóa cột sống thường chỉ gây đau khi mới thức dậy vào buổi sáng sau một đêm dài không hoạt động. Tuy nhiên, đây là một bệnh lý tiến triển, có nghĩa là các khớp sẽ ngày càng bị hỏng nặng và các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Khi bệnh tiến triển nặng, tần suất và mức độ đau sẽ tăng lên. Các triệu chứng khác của bệnh thoái hóa cột sống gồm có:

  • Đau khi ấn lên vùng xung quanh khớp bị thoái hóa
  • Cứng khớp
  • Giảm phạm vi chuyển động
  • Yếu hoặc tê ở chân hoặc cánh tay
  • Cảm giác như có kim châm ở chân

Đau lưng do thoái hóa cột sống thường nặng hơn khi ngồi thẳng hoặc đứng và thuyên giảm khi nằm xuống.

Tuy nhiên, một số người bị thoái hóa cột sống không gặp bất kỳ triệu chứng nào.

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống xảy ra do sụn xung quanh các khớp ở cột sống (thường là ở vùng thắt lưng) bị mòn hoặc phá hủy. Nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống, gồm có từng bị chấn thương cột sống.

Sụn bị hao mòn một cách tự nhiên theo thời gian nhưng bị chấn thương khi còn trẻ sẽ khiến cho sụn bị mòn nhanh hơn nhiều. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống vì khối lượng cơ thể lớn sẽ làm tăng áp lực lên các khớp của cột sống. Các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống còn có:

  • Tuổi cao
  • Là phụ nữ
  • Tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp
  • Làm công việc đòi hỏi phải thực hiện chuyển động lặp đi lặp lại, ví dụ như vặn mình hay cúi người
  • Dị tật khớp hoặc sụn bẩm sinh

Thoái hóa cột sống xảy ra ở độ tuổi nào?

Bệnh thoái hóa khớp đa phần xảy ra ở người cao tuổi vì tình trạng hao mòn sụn xảy ra từ từ theo thời gian.

Có rất ít nghiên cứu về tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa cột sống nhưng giống như các loại viêm khớp khác, phần lớn các trường hợp thoái hóa cột sống là người ở độ tuổi từ trung niên và người cao tuổi.

Biến chứng của thoái hóa cột sống

Bạn nên đi khám càng sớm càng tốt khi thấy các triệu chứng kể trên. Thoái hóa cột sống là một bệnh lý tiến triển. Nếu không điều trị, bệnh sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn và có thể gây mất khả năng vận động.

Theo thời gian, thoái hóa cột sống có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Đau lưng dữ dội
  • Hẹp ống sống
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Trượt đốt sống

Chẩn đoán thoái hóa cột sống

Để chẩn đoán thoái hóa cột sống, bác sĩ trước tiên sẽ hỏi về tiền sử gia đình bị căn bệnh này và khám lâm sàng để kiểm tra mức độ đau, phạm vi chuyển động và tình trạng sưng ở lưng. Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các triệu chứng mà bạn gặp phải, bao gồm cả tê và yếu cơ.

Công cụ chính để chẩn đoán thoái hóa cột sống là các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ (MRI). Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh này tạo ra hình ảnh chi tiết của cột sống, nhờ đó giúp đánh giá tình trạng xương và sụn ở khớp. Các phương pháp này còn giúp phát hiện gai xương – những phần xương nhỏ hình thành ở rìa các đốt sống bị thương tổn.

Vì nhiều bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự thoái hóa cột sống nên bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu để loại trừ.

Có thể còn phải làm xét nghiệm dịch khớp. Bác sĩ sẽ đưa kim tiêm vào khớp có vấn đề để lấy dịch khớp. Mẫu dịch khớp sẽ được phân tích để xem các triệu chứng có phải do bệnh gout hay nhiễm trùng hay không.

Điều trị thoái hóa cột sống

Không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa cột sống và khôi phục các khớp bị hỏng trở về như trước. Mục đích điều trị là giảm đau và cải thiện khả năng cử động của các khớp bị thoái hóa.

Nếu chỉ bị đau nhẹ, bạn có thể dùng các loại thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen.

Nếu thuốc không kê đơn không hiệu quả, bạn sẽ cần chuyển sang các loại thuốc giảm đau mạnh hơn, chẳng hạn như tramadol hoặc duloxetine. Các loại thuốc này được bán theo đơn của bác sĩ. Hoặc bạn cũng có thể cần dùng thuốc giãn cơ xương để làm giảm các triệu chứng.

Nếu đã dùng thuốc kê đơn mà tình trạng đau vẫn không đỡ thì có thể cần phải tiêm corticoid (corticosteroid) trực tiếp vào khớp mặt. Một giải pháp khác là tiêm ngoài màng cứng, phương pháp tiêm thuốc giảm đau vào khoang ngoài màng cứng gần dây thần kinh gây đau.

Một phương pháp điều trị nữa là đốt dây thần kinh nhánh giữa. Phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh thoái hóa cột sống nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để thay các đĩa đệm bị hỏng ở cột sống.

Các phương pháp điều trị không cần dùng thuốc

Những trường hợp bệnh nhẹ có thể chỉ cần các phương pháp điều trị dưới đây là đủ làm giảm triệu chứng mà không cần dùng thuốc hay các phương pháp điều trị xâm lấn.

  • Các bài tập nhẹ nhàng, ví dụ như thái cực quyền và yoga để giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh
  • Vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu

Ngoài ra, bạn nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và giữ cân nặng hợp lý để làm giảm các triệu chứng và giảm bớt áp lực lên cột sống. Tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 3 lần một tuần và mỗi lần ít nhất 30 phút.

Có thể kết hợp các phương pháp này với dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng hiệu quả hơn.

Đi bộ có tốt cho bệnh thoái hóa cột sống?

Bạn không nhất thiết phải tập các bài tập cường độ cao mà chỉ cần tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ. Trên thực tế, bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện cường độ cao và dừng ngay nếu cảm thấy đau khi tập.

Tập thể dục với cường độ phù hợp có thể giúp tăng cường khớp và cải thiện phạm vi chuyển động. Việc duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên còn mang lại nhiều lợi ích khác như cải thiện tâm trạng, ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng lưu thông máu.

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng hơn và giảm bớt đau đớn. Ngoài đi bộ, bạn cũng có thể lựa chọn các hình thức tập luyện khác như bơi lội, bài tập cardio tại chỗ, yoga, pilates, thái cực quyền và tập gym.

Tiên lượng của người bị thoái hóa cột sống

Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính và tiến triển. Căn bệnh này thường liên quan đến sự lão hóa và tiên lượng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Điều này có nghĩa là rất khó dự đoán tiên lượng cụ thể. Một số người bị thoái hóa cột sống bị tàn tật trong khi một số người lại chỉ gặp phải các triệu chứng nhẹ. Những trường hợp có các triệu chứng nghiêm trọng có thể sẽ phải làm phẫu thuật trong khi những trường hợp có triệu chứng nhẹ thường chỉ cần các phương pháp điều trị không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.

Tuy rằng không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp nhưng các phương pháp điều trị y tế và thay đổi lối sống có thể giúp làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Để có tiên lượng tốt, đừng bỏ qua các triệu chứng và hãy đi khám ngay khi bị đau, tê, yếu hoặc sưng ở lưng hay bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp sau chấn thương là tình trạng các cấu trúc trong khớp bị tổn thương sau khi khớp bị chấn thương.

Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).

Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị
Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị

Nốt Heberden là những nốt sưng xuất hiện trên khớp ngón tay. Đó là một dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp do sụn trong khớp bị phá hủy. Nốt Heberden gây biến dạng ngón tay và gây khó khăn cho việc sử dụng bàn tay. Tuy rằng không có cách nào có thể điều trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp và nốt Heberden nhưng có nhiều cách để giảm đau và cải thiện khả năng cử động bàn tay.

Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả các khớp của bàn tay.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây