Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp là một dạng viêm khớp xảy ra ở khoảng 500 triệu người trên thế giới. (1)
Thoái hóa khớp thường là kết quả do sụn trong khớp bị hao mòn theo thời gian và xương bên dưới bị tổn thương.
Thoái hóa khớp xảy ra từ từ trong nhiều năm. Đó là lý do tại sao bệnh này chủ yếu xảy ra ở người trên 50 tuổi.
Tuy nhiên, thoái hóa khớp cũng có thể xảy ra sau chấn thương. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, ngay cả khi trước đó sụn vẫn còn nguyên vẹn.
Thoái hóa khớp sau chấn thương là gì?
Thoái hóa khớp sau chấn thương là tình trạng các cấu trúc trong khớp bị tổn thương sau khi khớp bị chấn thương.
Có nhiều dạng chấn thương có thể dẫn đến thoái hóa khớp. Tuy nhiên, thoái hóa khớp thường xảy ra sau các chấn thương như:
- Giãn dây chằng cấp tính
- Mất ổn định dây chằng mạn tính
- Đứt dây chằng chéo trước
- Chấn thương sụn khớp
- Gãy xương
- Tổn thương sụn
- Kết hợp những dạng chấn thương này
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến nguy cơ bị thoái hóa khớp sau chấn thương, đặc biệt là chấn thương đầu gối.
Thoái hóa khớp sau chấn thương chủ yếu xảy ra ở người trẻ tuổi, đặc biệt là ở những người khỏe mạnh và vận động nhiều. Vì thoái hóa khớp sau chấn thương thường xảy ra ở người trẻ tuổi nên sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày hơn so với thoái hóa khớp ở người cao tuổi.
Thoái hóa khớp, hay còn gọi là viêm khớp do hao mòn, xảy ra do sử dụng quá mức, sự thoái hóa tự nhiên của sụn do lão hóa hoặc chấn thương. Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất.
Mức độ phổ biến của thoái hóa khớp sau chấn thương
Thoái hóa khớp sau chấn thương chiếm khoảng 12% tổng số trường hợp thoái hóa khớp có triệu chứng. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng con số thực tế có thể còn cao hơn và số người bị thoái hóa khớp sau chấn thương đang ngày một gia tăng. (1)
Thoái hóa khớp sau chấn thương thường xảy ra ở mắt cá chân. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở đầu gối hoặc vai và hông (ít gặp hơn).
Thoái hóa khớp sau chấn thương ở đầu gối thường xảy ra do vỡ, chấn thương sụn chêm hoặc trật khớp.
Ở vai, thoái hóa khớp sau chấn thương thường xảy ra sau khi bị trật khớp. Ở hông, tình trạng này thường xảy ra sau khi bị gãy xương.
Sau chấn thương bao lâu sẽ xảy ra thoái hóa khớp?
Tình trạng thoái hóa khớp có thể xảy ra sau chấn thương 6 – 12 tháng nhưng cũng có những trường hợp phải 10 đến 20 năm sau mới xảy ra.
Thời gian xảy ra thoái hóa khớp phụ thuộc vào chấn thương ban đầu. Ví dụ, gãy xương nghiêm trọng sẽ khiến khớp bị thoái hóa sớm hơn so với chấn thương dây chằng.
Thoái hóa khớp do chấn thương có thể kéo dài suốt đời. Tình trạng viêm sau chấn thương có thể trở thành tình trạng mạn tính hoặc bệnh lý và cuối cùng dẫn đến thoái hóa khớp.
Mặc dù khớp bị thoái hóa không thể hồi phục lại như trước nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, ngăn khớp bị hỏng nặng thêm và cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
Triệu chứng của thoái hóa khớp sau chấn thương
Có thể phải sau vài tháng đến vài năm thì các triệu chứng thoái hóa khớp sau chấn thương mới xuất hiện.
Một số triệu chứng phổ biến của thoái hóa khớp sau chấn thương gồm có:
- Đau khớp
- Sưng tấy
- Mất ổn định khớp
- Tích tụ dịch xung quanh khớp bị thương
- Giảm phạm vi chuyển động khớp
Chẩn đoán thoái hóa khớp sau chấn thương
Việc chẩn đoán thoái hóa khớp sau chấn thương đôi khi khá khó khăn. Trên thực tế, hầu hết các trường hợp không được chẩn đoán lâm sàng cho đến khi xuất hiện triệu chứng (1 đến 20 năm sau chấn thương).
Bác sĩ có thể chẩn đoán thoái hóa khớp sau chấn thương dựa trên:
- Bệnh sử
- Khám lâm sàng
- Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI)
Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử chấn thương ở khớp và có thể sử dụng một số dấu ấn sinh học nhất định để xác định xem các triệu chứng có phải do thoái hóa khớp sau chấn thương hay không.
Điều trị thoái hóa khớp sau chấn thương
Việc điều trị thoái hóa khớp sau chấn thương tùy thuộc vào các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng, tuổi tác và mức độ hoạt động của người bệnh.
Nói chung, mục tiêu chính của việc điều trị thoái hóa khớp sau chấn thương là giảm viêm. Các phương pháp điều trị phổ biến là dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau.
Tiêm corticoid và tiêm axit hyaluronic cũng là những giải pháp để kiểm soát các triệu chứng thoái hóa khớp sau chấn thương. Tập thể dục và vật lý trị liệu có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật, ví dụ như thay khớp, ghép sụn hoặc nắn chính khớp nhưng điều này còn phụ thuộc vào độ tuổi.
Thoái hóa khớp sau chấn thương đầu gối
Một nguyên nhân phổ biến gây thoái hóa khớp sau chấn thương là chấn thương đầu gối, chẳng hạn như rách dây chằng chéo trước.
Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy những người trẻ tuổi có tiền sử chấn thương đầu gối do chơi thể thao có nhiều triệu chứng hơn và có tỷ lệ bị thoái hóa khớp sau chấn thương cao hơn. (2)
Hơn nữa, thoái hóa khớp sau chấn thương dây chằng chéo trước là mạn tính và tiến triển (nặng thêm theo thời gian). Những thay đổi ở khớp gối, đặc biệt là ở giai đoạn muộn, thường không thể đảo ngược và trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật khớp là giải pháp điều trị duy nhất. Đó là lý do tại sao việc phát hiện sớm là điều rất quan trọng.
Hiện vẫn chưa có cách nào thực sự hiệu quả để ngăn chặn sự tiến triển của tình trạng thoái hóa khớp sau chấn thương và số trường hợp bị thoái hóa khớp gối sau chấn thương dây chằng chéo trước vẫn còn cao.
Điều này một phần là do sự phức tạp của quá trình tiến triển từ chấn thương dây chằng chéo trước đến thoái hóa khớp. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng là do thiếu các phương pháp chẩn đoán và những hạn chế của các phương pháp điều trị hiện tại.
Chấn thương sụn khớp, đặc biệt là khi không được điều trị, cũng làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp sau chấn thương. Can thiệp sớm bằng phẫu thuật sửa chữa sụn chêm có thể giúp giảm đau và ngoài ra còn có thể trì hoãn thoái hóa khớp sau chấn thương.
Một số câu hỏi về thoái hóa khớp sau chấn thương
Viêm khớp sau chấn thương có khỏi hoàn toàn được không?
Viêm khớp sau chấn thương có thể khỏi nhưng điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, một số người gặp các triệu chứng trong vài tháng sau chấn thương nhưng sẽ hồi phục ngay sau chấn thương ban đầu.
Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài trên 6 tháng thì rất có thể người bệnh đang phải đối mặt với một tình trạng mạn tính. Điều này có thể dẫn đến thoái hóa khớp, một căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Viêm khớp sau chấn thương có giống với thoái hóa khớp không?
Nếu tình trạng viêm khớp sau chấn thương kéo dài trên 6 tháng thì sẽ được coi là mạn tính. Tình trạng này thường được chẩn đoán là thoái hóa khớp sau chấn thương.
Có thể ngăn ngừa thoái hóa khớp sau chấn thương không?
Các nghiên cứu còn chưa thống nhất về việc liệu có cách nào có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa thoái hóa khớp sau chấn thương hay không. Tình trạng này là kết quả do chấn thương khớp. Ở một số người, tình trạng viêm trong giai đoạn đầu sau chấn thương sẽ dẫn đến thoái hóa khớp.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu những yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp sau chấn thương và từ đó tìm ra cách giảm thiểu nguy cơ.
Tóm tắt bài viết
Con đường từ chấn thương đến thoái hóa khớp sau chấn thương rất phức tạp. Chấn thương ở một khớp nhất định không phải lúc nào cũng dẫn đến thoái hóa khớp. Có nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả di truyền, có ảnh hưởng đến nguy cơ thoái hóa khớp sau chấn thương.
Ngay cả sau khi tổn thương ban đầu lành lại và các triệu chứng giảm bớt, khớp vẫn có thể bị thoái hóa. Điều này có thể xảy ra vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau chấn thương. Đó là lý do tại sao can thiệp sớm sau chấn thương là điều rất quan trọng.
Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.
Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả các khớp của bàn tay.
Khớp vai là một khớp lồi cầu - ổ chảo, được tạo nên bởi ba xương là chỏm xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Đây là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể do phải chuyển động liên tục hàng ngày. Thoái hóa khớp là tình trạng khớp bị hao mòn theo thời gian. Tình trạng này gây đau đớn và giảm khả năng cử động khớp.
Khớp vai là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp vai, từ các phương pháp điều trị không xâm lấn như dùng thuốc, vật lý trị liệu cho đến phẫu thuật.