1

Viêm mạch máu dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm mạch máu là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Viêm mạch máu do viêm khớp dạng thấp được gọi là viêm mạch dạng thấp.
Viêm mạch máu dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị Viêm mạch máu dạng thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh viêm khớp dạng thấp khiến các mạch máu kích cỡ nhỏ hoặc vừa ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể bị viêm. Thành mạch máu bị viêm sẽ dày lên và khiến cho lòng mạch máu thu hẹp lại, cản trở lưu thông máu.

Đọc tiếp bài viết dưới đây để tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị và các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm mạch dạng thấp.

Nguyên nhân gây viêm mạch dạng thấp

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm mạch máu dạng thấp chưa được xác định rõ. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch phản ứng thái quá và tấn công nhầm mô khỏe mạnh của cơ thể và một số nghiên cứu cho thấy phản ứng quá mức của hệ miễn dịch cũng có thể là nguyên nhân gây viêm mạch dạng thấp. Tình trạng viêm mạch máu ở những người bị viêm khớp dạng thấp có thể là do hệ miễn dịch tấn công các mạch máu, khiến cho mạch máu bị viêm và dẫn đến các triệu chứng.

Di truyền, nhiễm trùng và phản ứng với thuốc cũng có thể là những yếu tố góp phần gây viêm mạch dạng thấp. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ nguyên nhân hoặc tác nhân kích hoạt bệnh viêm mạch dạng thấp.

Ai có nguy cơ bị viêm mạch dạng thấp?

Tỷ lệ người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị viêm mạch máu dạng thấp là chưa đến 1%. (1) Tỷ lệ này ngày càng giảm vì các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nguy cơ bị viêm mạch dạng thấp sẽ cao hơn khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp từ 10 năm trở lên.

Ngoài ra, các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ bị viêm mạch dạng thấp gồm có:

  • Hút thuốc lá
  • Nồng độ yếu tố dạng thấp (RF) trong máu cao (RF là kháng thể mà hệ miễn dịch tạo ra để tấn công các mô khỏe mạnh)
  • Có nốt dạng thấp (cục cứng hình thành dưới da gần khớp)
  • Hội chứng Felty (một biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, được xác định bởi ba yếu tố là viêm khớp dạng thấp, giảm số lượng bạch cầu bất thường và lách to)

Mặc dù nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và gặp các biến chứng khác cao hơn nhưng nam giới lại có tỷ lệ bị viêm mạch dạng thấp cao gấp đôi nữ giới. (2)

Chưa bị viêm khớp dạng thấp lâu có nguy cơ bị viêm mạch dạng thấp không?

Mặc dù hiếm gặp nhưng viêm mạch dạng thấp có thể xảy ra ở cả những người chưa mắc bệnh viêm khớp dạng thấp lâu. Trên thực tế đã có báo cáo về những trường hợp như vậy. Một nghiên cứu trường hợp từ năm 2017 thậm chí còn báo cáo về những ca bệnh được chẩn đoán viêm mạch dạng thấp trước viêm khớp dạng thấp. (3)

Triệu chứng viêm mạch dạng thấp

Một số triệu chứng toàn thân của bệnh viêm mạch dạng thấp cũng là do viêm khớp dạng thấp, gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân
  • Sốt
  • Yếu cơ

Khi bị viêm mạch dạng thấp, những triệu chứng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Các triệu chứng cục bộ của viêm mạch dạng thấp có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong cơ thể, bao gồm cả các cơ quan nội tạng. Một số triệu chứng cục bộ thường gặp gồm có:

  • đau ngực và/hoặc khó thở nếu viêm mạch dạng thấp ảnh hưởng đến tim hoặc phổi
  • đau bụng nếu viêm mạch dạng thấp ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
  • đỏ mắt hoặc suy giảm thị lực nếu viêm mạch dạng thấp ảnh hưởng đến mắt

Viêm mạch dạng thấp thường ảnh hưởng nhất đến các bộ phận sau đây.

Da

Tình trạng viêm mạch dạng thấp có thể xảy ra ở các mạch máu dưới da, gây ra những thay đổi về da như:

  • Ban đỏ, đau, thường xảy ra ở chân
  • Bầm tím
  • Vết loét

Dây thần kinh ngoại biên

Dây thần kinh ngoại biên là những dây thần kinh bên ngoài não và tủy sống. Viêm mạch dạng thấp có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ngoại biên ở bất kỳ đâu trong cơ thể và gây ra các triệu chứng:

  • Cảm giác như có kim châm trên da
  • Yếu cơ

Những triệu chứng này thường xảy ra ở bàn tay và bàn chân.

Ngón tay và ngón chân

Đầu ngón tay và đầu ngón chân có nhiều mạch máu rất nhỏ. Khi tình trạng viêm mạch dạng thấp xảy ra ở các mạch máu này, lưu lượng máu đến đầu ngón tay và ngón chân sẽ giảm và dẫn đến các triệu chứng:

  • Những vết lõm nhỏ ở đầu ngón tay
  • Vết loét quanh móng tay
  • Hoại tử ngón tay và ngón chân

Người bệnh còn có thể bị tê và cảm giác kim châm do tổn thương dây thần kinh ngoại biên ở ngón tay và ngón chân.

Khi nào cần đi khám?

Nếu người bệnh bị viêm khớp dạng thấp và gặp các triệu chứng viêm mạch dạng thấp thì hãy đi khám ngay lập tức. Mặc dù hiếm gặp nhưng viêm mạch dạng thấp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng nế tình trạng viêm mạch máu ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng.

Chẩn đoán viêm mạch dạng thấp

Ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm mạch dạng thấp dựa trên các triệu chứng. Bác sĩ sẽ kiểm tra cơ thể xem người bệnh xem có bị ban đỏ, vết lõm, loét hay hoại tử hay không.

Không có bất cứ phương pháp chẩn đoán nào có thể xác nhận viêm mạch dạng thấp. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả của nhiều phương pháp chẩn đoán để loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và từ đó đưa ra kết luận cuối cùng.

Các phương pháp chẩn đoán thường được thực hiện gồm có:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của kháng thể và protein phản ánh tình trạng viêm trong cơ thể
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra nồng độ protein, đường và các chất khác
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang lồng ngực, chụp CT, MRI và chụp CT mạch máu (tiêm thuốc cản quang vào mạch máu và sau đó chụp CT, giúp đánh giá bên trong mạch máu)
  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Sinh thiết để kiểm tra các dấu hiệu tổn thương mô và viêm
  • Nội soi đường tiêu hóa (nếu người bệnh có các triệu chứng về tiêu hóa)
  • Khảo sát dẫn truyền thần kinh để kiểm tra tổn thương thần kinh và đánh giá chức năng thần kinh

Điều trị viêm mạch dạng thấp

Phương pháp điều trị viêm mạch dạng thấp phụ thuộc vào mức độ tổn thương mạch máu và những bộ phận bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm mạch.

Một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng có thể giúp giảm các triệu chứng viêm mạch dạng thấp, gồm có một số loại thuốc sinh học và thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD).

Nếu các triệu chứng viêm mạch dạng thấp chỉ xảy ra ở đầu ngón tay thì bác sĩ có thể sẽ kê thuốc corticoid (corticosteroid), chẳng hạn như prednisone. Những loại thuốc này có tác dụng làm giảm viêm cục bộ và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Các các triệu chứng viêm mạch dạng thấp lan rộng, người bệnh có thể sẽ phải sử dụng corticoid cùng với thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc ức chế miễn dịch ngăn chặn hệ miễn dịch phản ứng thái quá và tấn công mô khớp cũng như mạch máu.

Trong những trường hợp viêm mạch dạng thấp nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng thì các phương pháp điều trị gồm có steroid, thuốc sinh học và thuốc hóa trị, chẳng hạn như cyclophosphamide.

Cho dù tình trạng viêm mạch dạng thấp có nghiêm trọng đến đâu thì cũng vẫn có cách kiểm soát và làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, ngay cả khi việc điều trị có hiệu quả thì bệnh vẫn có thể tái phát.

Điều quan trọng là người bệnh phải tiếp tục theo dõi các triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể của bản thân, ngay cả khi các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất. Hãy đi khám ngay nếu xuất hiện triệu chứng mới hoặc các triệu chứng tăng nặng.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm mạch dạng thấp

Các loại thuốc dùng để điều trị viêm mạch dạng thấp hiện nay đều rất hiệu quả nhưng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Khi kê thuốc, bác sĩ sẽ nói rõ về những tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Các loại thuốc này còn có thể làm giảm hiệu quả của một số loại vắc xin, chẳng hạn như vắc xin MMR phòng bệnh sởi, quai bị và rubella.

Thuốc ức chế miễn dịch còn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như loãng xương.

Cyclophosphamide có thể gây buồn nôn, nôn mửa, rụng tóc và các tác dụng phụ của thuốc hóa trị khác.

Có thể bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc giúp làm giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm mạch dạng thấp.

Biến chứng của viêm mạch dạng thấp

Viêm mạch dạng thấp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Mặc dù không phổ biến nhưng những biến chứng này có thể xảy ra do tác động của tình trạng viêm mạch dạng thấp lên các cơ quan nội tạng, bao gồm cả tim. Các biến chứng gồm có:

  • Đột quỵ
  • Nhồi máu cơ tim
  • Suy thận
  • Xơ vữa động mạch
  • Thiếu máu cục bộ đường ruột
  • Viêm mống mắt
  • Viêm màng ngoài tim
  • Viêm màng phổi
  • Sự xơ hóa viêm phế nang
  • Rối loạn nhịp tim

Ngăn ngừa viêm mạch dạng thấp

Ngoài mắc bệnh viêm khớp dạng thấp trong thời gian dài, hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ viêm mạch dạng thấp. Nếu người bệnh hút thuốc thì hãy cố gắng cai thuốc càng sớm càng tốt. Bỏ thuốc lá là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ viêm mạch dạng thấp.

Một điều quan trọng nữa để phòng ngừa viêm mạch dạng thấp là phải dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp theo đúng chỉ định. Nếu thấy các triệu chứng nặng lên hoặc có triệu chứng mới thì cần phải đi khám ngay.

Điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu tác động và sự lan rộng của bệnh viêm mạch dạng thấp.

Tiên lượng của người bị viêm mạch dạng thấp

Nhờ những tiến bộ trong điều trị viêm khớp dạng thấp nên tỷ lệ người mắc viêm mạch dạng thấp hiện nay đã giảm đi đáng kể so với trước. Tuy nhiên, đây vẫn là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Yếu tố quan trọng nhất quyết định tiên lượng là mức độ ảnh hưởng của viêm mạch dạng thấp đến các cơ quan nội tạng. Những người bị viêm mạch dạng thấp toàn thân (có nghĩa là tình trạng viêm mạch ảnh hưởng đến nhiều bộ phận và triệu chứng xảy ra trên khắp cơ thể) có tiên lượng kém hơn.

Nếu viêm mạch dạng thấp nhẹ và chủ yếu xảy ra ở ngón tay thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn và tiên lượng tốt hơn.

Những người bị viêm mạch dạng thấp nghiêm trọng thường sẽ phải dùng thuốc liên tục để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể dẫn đến các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Phát hiện và điều trị sớm, kết hợp với lối sống lành mạnh sẽ giúp cải thiện tiên lượng cho những người bị viêm mạch dạng thấp.

Tóm tắt bài viết

Viêm mạch dạng thấp là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Nguy cơ bị viêm mạch dạng thấp cao nhất ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp từ 10 năm trở lên hoặc bị viêm khớp dạng thấp và hút thuốc lá.

Viêm mạch dạng thấp có nhiều triệu chứng khác nhau, từ triệu chứng nhẹ cho đến những triệu chứng đe dọa tính mạng. Nếu người bệnh mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và nhận thấy các triệu chứng của viêm mạch dạng thấp, hãy đi khám ngay lập tức. Phát hiện và điều trị sớm viêm mạch dạng thấp sẽ giúp ngăn ngừa những vấn đề nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp sau chấn thương là tình trạng các cấu trúc trong khớp bị tổn thương sau khi khớp bị chấn thương.

Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).

Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị
Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị

Nốt Heberden là những nốt sưng xuất hiện trên khớp ngón tay. Đó là một dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp do sụn trong khớp bị phá hủy. Nốt Heberden gây biến dạng ngón tay và gây khó khăn cho việc sử dụng bàn tay. Tuy rằng không có cách nào có thể điều trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp và nốt Heberden nhưng có nhiều cách để giảm đau và cải thiện khả năng cử động bàn tay.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây