1

Các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp

Các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp gồm có thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm đau, tiêm steroid cùng nhiều loại thuốc khác. Tốt nhất nên đi khám để được bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp Các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp, xảy ra khi sụn bị hao mòn. Đây là một bệnh lý mạn tính và không có bất cứ loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp thường có ba tác dụng chính là giảm viêm, giảm đau và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau và giảm viêm, nhờ đó ngăn khớp tổn thương nặng thêm. NSAID có cả dạng uống và dạng dùng ngoài da.

NSAID không kê đơn thường là phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh thoái hóa khớp. Nếu NSAID không kê đơn không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê các loại NSAID mạnh hơn.

Các loại NSAID được sử dụng phổ biến nhất để điều trị bệnh thoái hóa khớp gồm có:

  • ibuprofen
  • naproxen
  • diclofenac

Những loại thuốc này đều có cả dạng không kê đơn và kê đơn. NSAID kê đơn có hàm lượng hoạt chất cao hơn nên có tác dụng giảm viêm và giảm đau mạnh hơn NSAID không kê đơn.

Bạn cần cho bác sĩ biết về các bệnh lý khác mà bạn đang mắc cũng như tất cả các loại thuốc đang dùng. NSAID có thể tương tác với một số loại thuốc hoặc khiến cho một số bệnh lý trở nên nặng hơn, ví dụ như bệnh thận.

Sử dụng NSAID trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ, gồm có các tác dụng phụ tạm thời như tiêu chảy, nhức đầu và vấn đề về tiêu hóa cũng như các tác dụng phụ kéo dài hoặc nghiêm trọng như:

  • Viêm loét dạ dày
  • Vấn đề về thận
  • Nhồi máu cơ tim
  • Suy tim
  • Đột quỵ

Một số loại NSAID kê đơn đã được phê duyệt để điều trị bệnh thoái hóa khớp gồm có:

  • celecoxib
  • diflunisal
  • etodolac
  • fenoprofen
  • flurbiprofen
  • indomethacin
  • ketoprofen
  • ketorolac
  • meclofenamate
  • mefenamic acid
  • meloxicam
  • nabumetone
  • oxaprozin
  • piroxicam
  • sulindac
  • tolmetin

Thuốc giảm đau đường uống

Thuốc giảm đau là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm cảm giác đau nhưng không giảm viêm. Thuốc giảm đau có cả dạng uống và dạng dùng ngoài da.

Loại thuốc giảm đau đường uống phổ biến nhất được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp là acetaminophen. Loại thuốc này có nhiều dạng bào chế khác nhau, gồm dạng viên nang, viên nén và dạng lỏng.

Duloxetine là một loại thuốc chống trầm cảm nhưng cũng có thể được dùng để giảm đau mạn tính do thoái hóa khớp.

Thuốc giảm đau đường uống là một giải pháp thay thế lâu dài cho NSAID vì nguy cơ tác dụng phụ thấp hơn. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc giảm đau không duy trì được lâu như NSAID và các loại thuốc này không có tác dụng giảm viêm.

Thuốc giảm đau đường uống vẫn có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng, gồm có:

  • Kích ứng da, triệu chứng là mẩn đỏ, ngứa và nổi mề đay
  • Sưng mặt, cổ họng, lưỡi và môi
  • Sưng phù chân tay
  • Khó thở hoặc khó nuốt

Nếu sử dụng acetaminophen, bạn cần dùng đúng liều. Dùng acetaminophen liều cao trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương gan hoặc suy gan, những tình trạng này có thể gây tử vong.

Vào năm 2011, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đặt ra liều dùng tối đa của acetaminophen là 4.000 miligam (mg) mỗi ngày. (1)

Thuốc giảm đau tại chỗ

Thuốc giảm đau tại chỗ có nhiều dạng bào chế, gồm có thuốc mỡ, kem, gel và miếng dán.

Đây là những lựa chọn thay thế cho thuốc đường uống hoặc thuốc tiêm để điều trị thoái hóa khớp.

Nếu bạn gặp tác dụng phụ khi dùng NSAID đường uống, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc dùng ngoài da. Vì hoạt chất hầu như không đi vào máu nên sẽ ít gây tác dụng phụ hơn so với NSAID đường uống.

Thuốc giảm đau tại chỗ cũng có cả dạng kê đơn và không kê đơn. Một số loại thuốc giảm đau tại chỗ có tác dụng giảm đau ngay lập tức và trong thời gian ngắn trong khi một số loại phát huy tác dụng từ từ và hiệu quả kéo dài lâu hơn.

Ví dụ về các loại thuốc giảm đau tại chỗ điều trị bệnh thoái hóa khớp gồm có:

  • capsaicin
  • diclofenac
  • methyl salicylate và menthol
  • trolamine salicylate

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau tại chỗ để điều trị bệnh thoái hóa khớp. Loại thuốc cần sử dụng sẽ tùy thuộc vào vị trí bị thoái hóa khớp.

Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Tổ chức Viêm khớp (ACR/AF) khuyến nghị dùng capsaicin để giảm đau do thoái hóa khớp gối nhưng khuyến cáo không nên dùng loại thuốc này cho bệnh thoái hóa khớp bàn tay. (2)

Corticoid

Corticoid, hay còn được gọi là steroid, có thể giúp giảm đau cấp tính do bệnh thoái hóa khớp nghiêm trọng.

Corticoid được tiêm trực tiếp vào khớp và sẽ giúp giảm viêm nhanh chóng.

Corticoid có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng trong thời gian dài,gồm có:

  • Tăng đường huyết
  • Tăng huyết áp
  • Bầm tím
  • Nhiễm trùng
  • Vấn đề về thị lực, chẳng hạn như nhìn mờ
  • Viêm loét dạ dày

Một số loại corticoid được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp gồm có:

  • betamethasone
  • cortisone
  • dexamethasone
  • hydrocortisone
  • methylprednisolone
  • prednisolone
  • triamcinolone acetonide

Thuốc giảm đau opioid

Opioid là nhóm thuốc giảm đau kê đơn có tác dụng làm giảm cảm giác đau nhưng không giảm viêm. Các loại thuốc này có tác dụng mạnh, giúp làm giảm các cơn đau nghiêm trọng nhưng có thể gây lệ thuộc.

Tramadol là loại thuốc giảm đau opioid duy nhất được ACR/AF khuyến nghị sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng loại thuốc này để điều trị thoái hóa khớp gối, bàn tay hoặc hông trong những trường hợp không đáp ứng với các loại thuốc khác. Không nên dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau opioid nào khác để trị thoái hóa khớp. (3)

Thuốc giảm đau opioid có thể được kết hợp với các loại thuốc khác.

Thuốc giảm đau opioid còn có thể làm giảm khả năng giữ thăng bằng và gây thiếu tỉnh táo. Những tác dụng phụ này sẽ làm tăng nguy cơ té ngã.

Các câu hỏi thường gặp

Phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh thoái hóa khớp là gì?

Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp ở mỗi ca bệnh là khác nhau vì còn phụ thuộc vào một số yếu tố cá nhân. Ví dụ, đối với những người thừa cân hoặc béo phì, thay đổi chế độ ăn và tập thể dục để giảm cân sẽ là bước điều trị đầu tiên cần thực hiện. Loại thuốc thường được kê đầu tiên để điều trị bệnh thoái hóa khớp là thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Loại thuốc nào được dùng phổ biến nhất để điều trị thoái hóa khớp?

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và acetaminophen là hai loại thuốc được dùng phổ biến nhất để điều trị thoái hóa khớp.

Bệnh thoái hóa khớp gồm mấy giai đoạn?

Bệnh thoái hóa khớp được chia thành 4 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, người bệnh mới chỉ có các triệu chứng nhẹ và vẫn có thể vận động bình thường. Khi sang giai đoạn 4, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và việc đi lại, vận động trở nên vô cùng khó khăn.

Người bị thoái hóa khớp cần tránh những hoạt động nào?

Người bị thoái hóa khớp nên tránh các hoạt động gây áp lực lên khớp. Ví dụ, người bị thoái hóa khớp gối hoặc hông nên tránh chạy nhảy và nâng vật nặng.

Tóm tắt bài viết

Hiện không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp nhưng có nhiều loại thuốc giúp kiểm soát tình trạng bệnh, gồm thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau, steroid và opioid.

Bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng thoái hóa khớp, tình trạng sức khỏe của người bệnh, các loại thuốc đang dùng và một số yếu tố khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp hông
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp hông

Thoái hóa khớp hông xảy ra do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau khi chuyển động, điều này gây viêm và làm hỏng xương. Tình trạng này gây đau đớn và cứng khớp.

Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.

Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).

Tiêm nội khớp điều trị thoái hóa khớp gối có hiệu quả không?
Tiêm nội khớp điều trị thoái hóa khớp gối có hiệu quả không?

Tiêm nội khớp không có tác dụng chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp nhưng có thể giúp giảm đau và giảm viêm. Hiệu quả có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc lâu hơn. Người bệnh sẽ phải tiêm lại định kỳ.

Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị
Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị

Nốt Heberden là những nốt sưng xuất hiện trên khớp ngón tay. Đó là một dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp do sụn trong khớp bị phá hủy. Nốt Heberden gây biến dạng ngón tay và gây khó khăn cho việc sử dụng bàn tay. Tuy rằng không có cách nào có thể điều trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp và nốt Heberden nhưng có nhiều cách để giảm đau và cải thiện khả năng cử động bàn tay.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây