1

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn (lớp mô liên kết bao bọc đầu xương trong khớp) bị mòn hoặc bị phá hủy. Điều này gây đau, cứng và sưng khớp. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể nhưng đầu gối là một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất.
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh. Các phương pháp điều trị còn giúp cải thiện hoặc duy trì khả năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Việc điều trị thoái hóa khớp gối sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của tình trạng thoái hóa khớp, bệnh sử và tuổi tác của người bệnh.

Dưới đây là các phương pháp chính để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối.

1. Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Ở những người bị thừa cân, giảm cân là điều cần thiết để làm giảm các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp và ngăn bệnh tiến triển nặng thêm. Giảm cân sẽ giảm bớt áp lực lên khớp, nhờ đó khớp sẽ bớt đau và làm chậm tốc độ mòn sụn khớp.

Giảm cân còn giúp giảm viêm trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như cao huyết áp, tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.

Nếu bạn bị thoái hóa khớp gối và đang bị thừa cân hoặc béo phì thì giảm cân là bước điều trị đầu tiên mà bạn cần thực hiện.

Cách giảm cân hiệu quả và an toàn nhất là kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục.

2. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục là điều rất quan trọng đối với người bị thoái hóa khớp gối. Tập thể dục mang lại những lợi ích như:

  • Giúp giảm cân và kiểm soát cân nặng
  • Tăng cường sức mạnh của các cơ hỗ trợ khớp gối
  • Cải thiện và duy trì khả năng vận động
  • Giảm áp lực lên khớp gối

Người bị thoái hóa khớp gối nên chọn các bài tập tác động thấp như:

  • Đạp xe
  • Đi bộ
  • Bơi lội hoặc các hình thức tập thể dục dưới nước khác
  • Thái cực quyền
  • Yoga (tránh các động tác gây áp lực lên khớp gối)
  • Các bài tập giãn cơ, tăng cường sức mạnh của cơ và cải thiện khả năng giữ thăng bằng

Đạp xe tại chỗ sẽ giúp duy trì sức mạnh của cơ tứ đầu và nhóm cơ gân kheo mà không gây áp lực lên khớp gối. Các cơ này giúp chúng ta đứng dậy và giữ ổn định khớp gối.

Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu để được tư vấn chế độ tập luyện phù hợp.

3. Thuốc giảm đau

Có nhiều loại thuốc giúp giảm đau và các triệu chứng khác của thoái hóa khớp gối.

Nếu chỉ bị đau nhẹ, người bệnh có thể dùng các loại thuốc không kê đơn như:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) đường uống, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen
  • Acetaminophen nếu không thể dung nạp NSAID
  • Thuốc giảm đau dạng bôi chứa NSAID hoặc capsaicin

Nếu các loại thuốc không kê đơn không hiệu quả, người bệnh sẽ cần dùng các loại thuốc kê đơn như:

  • duloxetine
  • tramadol

Tramadol là một loại thuốc giảm đau opioid. Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ và Tổ chức Thoái hóa khớp (ACR/AF) không khuyến khích sử dụng thuốc giảm đau opioid vì các loại thuốc này có thể gây nghiện. Tuy nhiên, nếu các loại thuốc khác đều không có tác dụng thì người bệnh sẽ phải dùng thuốc giảm đau opioid.

4. Phương pháp điều trị bổ sung và thay thế

Ngoài tập thể dục và dùng thuốc, người bệnh có thể thử các phương pháp điều trị điều trị bổ sung và thay thế dưới đây để giảm các triệu chứng thoái hóa khớp gối:

  • Các biện pháp kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như yoga và thái cực quyền
  • Châm cứu
  • Chườm nóng và lạnh để giảm đau và viêm
  • Hoạt động trị liệu, giúp người bệnh điều chỉnh cách thực hiện các hoạt động hàng ngày để giảm đau và giảm áp lực lên khớp gối
  • Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT), giúp người bệnh kiểm soát cơn đau, cảm giác khó chịu và căng thẳng khi phải sống chung với bệnh mạn tính

ACR/AF không khuyến khích liệu pháp mát-xa và kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS) để điều trị thoái hóa khớp gối. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng những liệu pháp điều trị này có tác dụng làm giảm các triệu chứng thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, mát-xa có thể mang lại các lợi ích khác cho người bị thoái hóa khớp, ví dụ như giảm căng thẳng.

Có nhiều loại thực phẩm chức năng được cho là có thể giúp điều trị thoái hóa khớp, ví dụ như colchicine, dầu cá và vitamin D nhưng chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của các sản phẩm này. Ngoài ra, colchicine có thể gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy và nôn mửa.

ACR/AF khuyến cáo tránh sử dụng các loại thực phẩm chức năng và thuốc như glucosamine, chondroitin sulfate, hydroxychloroquine, tiêm Botox và tiêm axit hyaluronic vì chưa có đủ bằng chứng kiểm chứng tính an toàn và hiệu quả.

5. Tiêm steroid

Nếu khớp gối bị đau và viêm nặng, người bệnh có thể phải tiêm glucocorticoid hoặc corticoid trực tiếp vào khớp.

Điều này giúp giảm viêm và đau nhanh chóng nhưng tác dụng chỉ là tạm thời. Hơn nữa, tiêm steroid thường xuyên sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ. Do đó, phương pháp điều trị này thường chỉ dành cho những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng.

6. Phẫu thuật

Khi tất cả các phương pháp điều trị khác đều không có tác dụng, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật. Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị thoái hóa khớp gối.

Phẫu thuật nội soi khớp gối

Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ sử dụng ống nội soi đưa vào bên trong đầu gối của người bệnh qua một đường rạch nhỏ. Sau đó, bác sĩ sẽ sửa những phần bị hỏng của khớp hoặc loại bỏ các mảnh vụn, chẳng hạn như các mảnh xương hay sụn bị vỡ khỏi khớp để bảo vệ mô khớp khỏe mạnh.

Điều này có thể giúp làm giảm các triệu chứng thoái hóa khớp gối. Phẫu thuật nội soi khớp gối ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật thay khớp. Tuy nhiên, hầu hết những người bị thoái hóa khớp gối đều vẫn phải thay khớp gối toàn phần trong tương lai.

Cắt xương

Phẫu thuật cắt xương là một giải pháp để làm giảm các triệu chứng thoái hóa khớp gối trong những trường hợp bệnh mới chỉ ở giai đoạn đầu và chỉ xảy ra ở một bên của khớp gối.

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt và định hình lại xương. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên khu vực bị tổn thương và nắn chỉnh lại các xương trong khớp gối.

Phẫu thuật cắt xương thường được chỉ định trong những trường hợp:

  • người bệnh dưới 60 tuổi, vận động nhiều và không thừa cân
  • chỉ bị đau ở một bên của đầu gối
  • bị thoái hóa khớp chủ yếu do hoạt động hoặc đứng lâu

Phẫu thuật cắt xương có thể giúp ngăn chặn hoặc làm chậm tốc độ tiến triển của tình trạng thoái hóa khớp.

Thay khớp gối toàn phần

Trong ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần bị hỏng của khớp gối và thay bằng khớp nhân tạo. Ca phẫu thuật này có thể được thực hiện bằng kỹ thuật mổ mở truyền thống hoặc kỹ thuật xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ sẽ cân nhắc liệu thay khớp gối toàn phần có phải giải pháp phù hợp hay không dựa trên các yếu tố như tuổi tác, mức độ hoạt động và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Tuy rằng không có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp gối nhưng có nhiều cách để giảm các triệu chứng. Trước tiên, người bệnh có thể thử dùng thuốc giảm đau và các thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên, tránh các hoạt động gây áp lực lên khớp và giảm cân nếu thừa cân. Nếu bệnh được phát hiện sớm, những phương pháp điều trị này sẽ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng và duy trì khả năng vận động trong suốt nhiều năm. Nhưng nếu tình trạng thoái hóa khớp nghiêm trọng và đã thử những biện pháp này mà các triệu chứng không cải thiện thì có thể phải cân nhắc điều trị bằng phẫu thuật, ví dụ như nội soi khớp gối hay thay khớp toàn phần.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.

Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).

Tiêm nội khớp điều trị thoái hóa khớp gối có hiệu quả không?
Tiêm nội khớp điều trị thoái hóa khớp gối có hiệu quả không?

Tiêm nội khớp không có tác dụng chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp nhưng có thể giúp giảm đau và giảm viêm. Hiệu quả có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc lâu hơn. Người bệnh sẽ phải tiêm lại định kỳ.

Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị
Nốt Heberden do thoái hóa khớp: Nguyên nhân và cách điều trị

Nốt Heberden là những nốt sưng xuất hiện trên khớp ngón tay. Đó là một dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp do sụn trong khớp bị phá hủy. Nốt Heberden gây biến dạng ngón tay và gây khó khăn cho việc sử dụng bàn tay. Tuy rằng không có cách nào có thể điều trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp và nốt Heberden nhưng có nhiều cách để giảm đau và cải thiện khả năng cử động bàn tay.

Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn tay: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả các khớp của bàn tay.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây