1

Thoái hóa khớp khoang trong là gì?

Thoái hóa khớp khoang trong là một loại thoái hóa khớp xảy ra ở một phần của đầu gối.
Thoái hóa khớp khoang trong là gì? Thoái hóa khớp khoang trong là gì?

Khớp gối gồm có ba khoang là:

  • Khoang ngoài: khoang ở mặt bên ngoài của đầu gối
  • Khoang trong: khoang nằm ở mặt bên trong của đầu gối
  • Khoang bánh chè - đùi: khoang được tạo nên bởi xương bánh chè và một phần xương đùi

Tình trạng thoái hóa khớp có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khoang này. Trong một nghiên cứu trên 250 người bị thoái hóa khớp gối, trên 85% số người tham gia bị thoái hóa khớp ở hai khoang trở lên. Nếu tình trạng thoái hóa khớp xảy ra ở cả 3 khoang thì được gọi là thoái hóa khớp ba khoang (tricompartmental osteoarthritis).

Thoái hóa khớp thường là kết quả của sự hao mòn sụn theo thời gian nhưng cũng có thể xảy ra do sử dụng khớp quá mức hoặc chấn thương.

Không có cách nào để chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp và các triệu chứng thường tăng nặng theo thời gian nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Triệu chứng thoái hóa khớp khoang trong

Các triệu chứng của thoái hóa khớp khoang trong cũng tương tự như các loại thoái hóa khớp gối khác.

Các triệu chứng thường tăng dần theo thời gian, cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Đau đớn, nhất là khi cử động khớp hoặc bê vác đồ nặng
  • Cứng khớp, đặc biệt là sau khi thức dậy vào buổi sáng và sau khi ngồi một chỗ trong thời gian dài
  • Khớp sưng tấy
  • Mất ổn định khớp gối
  • Đầu gối chuyển động hướng vào bên trong khi đi lại

Cơn đau và các triệu chứng này sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống.

Các triệu chứng của thoái hóa khớp khoang trong thường dễ kiểm soát hơn so với thoái hóa khớp ba khoang.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp khoang trong

Sụn có vai trò là lớp đệm giữa các đầu xương bên trong khớp. Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn bị hao mòn.

Khi không còn sụn, các đầu xương cọ xát với nhau khi di chuyển, điều này gây viêm và kích thích các dây thần kinh, dẫn đến đau đớn. Theo thời gian, các xương trong khớp sẽ bị hỏng.

Khoảng trống bên trong khớp sẽ bị thu hẹp lại và gai xương có thể hình thành trên xương.

Thoái hóa khớp khoang trong có thể xảy ra do:

  • chấn thương làm hỏng sụn
  • trật khớp gối
  • tiếp tục cử động đầu gối khi bị chấn thương hoặc bị trật
  • tổn thương sụn chêm, phần sụn giữa xương đùi và xương ống chân

Chẩn đoán thoái hóa khớp khoang trong

Để chẩn đoán thoái hóa khớp khoang trong, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, bao gồm triệu chứng đau, sưng tấy, giảm phạm vi chuyển động và hỏi về bệnh sử, bao gồm cả tiền sử chấn thương đầu gối. Sau đó, người bệnh sẽ phải chụp X-quang.

Chụp X-quang sẽ cho thấy tổn thương ở khớp gối hoặc sụn và qua phim X-quang, bác sĩ sẽ có thể xác định tình trạng thoái hóa khớp xảy ra ở nhiều khoang hay chỉ khoang trong.

Điều trị thoái hóa khớp khoang trong

Phương pháp điều trị bước đầu thường gồm có:

  • Dùng thuốc
  • Tập thể dục
  • Giảm cân nếu thừa cân

Thuốc không kê đơn và các biện pháp khắc phục tại nhà

Thuốc không kê đơn và các biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây có thể giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen để giảm đau và viêm
  • Acetaminophen để giảm đau, nếu người bệnh không thể sử dụng NSAID
  • Thuốc giảm đau tại chỗ như NSAID dạng bôi hoặc capsaicin
  • Chườm nóng và lạnh để giảm đau, viêm và sưng tấy

Thuốc kê đơn

Thuốc không kê đơn có thể giúp kiểm soát các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, theo thời gian, khi các triệu chứng tăng nặng, người bệnh có thể cần phải sử dụng thuốc kê đơn, ví dụ như:

  • tramadol, một loại thuốc giảm đau opioid
  • duloxetine, một loại thuốc chống trầm cảm nhưng có thể giúp giảm đau
  • tiêm steroid, giúp giảm đau và viêm trong thời gian ngắn

Tramadol là loại thuốc giảm đau opioid duy nhất được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp. Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên sử dụng các loại thuốc giảm đau opioid khác vì các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và khiến cho cơ thể phụ thuộc vào thuốc.

Tập thể dục

Khi bị đau đầu gối, đa số mọi người đều sẽ không muốn vận động nhưng tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho người bị thoái hóa khớp gối:

  • Tăng cường sức mạnh của các cơ hỗ trợ đầu gối
  • Duy trì hoặc cải thiện sự linh hoạt và khả năng vận động.
  • Giúp kiểm soát cân nặng và giảm cân, từ đó giảm áp lực lên khớp gối
  • Giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể

Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn chế độ tập luyện phù hợp.

Dưới đây là một số lưu ý khi tập thể dục đối với người bị thoái hóa khớp.

  • Chọn các bài tập ít gây áp lực lên khớp, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe, bơi lội, tập thể dục dưới nước, thái cực quyền và yoga.
  • Ban đầu tập trong thời gian ngắn và tăng dần thời lượng buổi tập
  • Không tập quá sức và có thời gian nghỉ hợp lý giữa các buổi tập
  • Không lặp đi lặp lại một động tác liên tục
  • Tập bài tập giúp tăng cường sức mạnh và tính ổn định của đầu gối, chẳng hạn như mini squat, cùng với các bài tập giãn gân kheo và cơ tứ đầu.
  • Dừng tập nếu một động tác gây đau đớn

Cơ tứ đầu là một nhóm gồm 4 cơ nằm ở mặt trước của đùi. Tăng cường cơ tứ đầu có thể giúp cải thiện tính ổn định của đầu gối và giảm đau. Theo nghiên cứu, điều này có thể giúp làm chậm sự tiến triển của tình trạng thoái hóa khớp gối.

Các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế

Các phương pháp giúp giảm đau và cải thiện khả năng vận động gồm có:

  • Vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu
  • Các dụng cụ hỗ trợ, chẳng hạn như gậy chống hoặc khung tập đi
  • Đai nẹp đầu gối

Giảm cân

Ở những người bị thừa cân, giảm cân sẽ giúp làm giảm áp lực lên khớp gối. Giảm cân còn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như các biến chứng khác.

Trên thực tế, giảm cân được khuyến nghị như một phương pháp điều trị cho những người thừa cân mắc bệnh thoái hóa khớp.

Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để xem cần giảm bao nhiêu cân và làm thế nào để giảm cân hiệu quả.

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật thay khớp gối.

Nếu tình trạng thoái hóa khớp chỉ xảy ra ở một phần của khớp gối thì sẽ không cần phải thay toàn bộ khớp mà chỉ cần thay một phần khớp (thay khớp gối bán phần). Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở đầu gối của người bệnh, sau đó cắt bỏ khoang bị hỏng trong khớp gối và thay bằng bộ phận kim loại hoặc nhựa. Sụn và dây chằng không bị hỏng sẽ được giữ nguyên.

Thay khớp bán phần ít xâm lấn và ít gây đau hơn so với thay khớp toàn phần. Thời gian hồi phục sau ca phẫu thuật thay khớp bán phần cũng nhanh hơn.

Tuy nhiên, nếu các phần khác của đầu gối bị hỏng sau phẫu thuật thì người bệnh sẽ phải thay toàn bộ khớp.

Tiên lượng

Hiện không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoòa toàn thoái hóa khớp khoang trong và các loại thoái hóa khớp khác nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và tránh hoặc trì hoãn phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị này còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng vận động cho người bệnh.

Duy trì hoạt động thể chất và giữ cân nặng khỏe mạnh là điều rất quan trọng để kiểm soát thoái hóa khớp khoang trong.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thế nào là thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát?
Thế nào là thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát?

Thoái hóa khớp được chia thành hai loại: thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát. Thoái hóa khớp nguyên phát xảy ra do sự hao mòn sụn không rõ nguyên nhân còn thoái hóa khớp thứ phát xảy ra do một bệnh lý khác.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp hông
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp hông

Thoái hóa khớp hông xảy ra do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau khi chuyển động, điều này gây viêm và làm hỏng xương. Tình trạng này gây đau đớn và cứng khớp.

Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.

Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).

Các bài tập giúp giảm đau hông do thoái hóa khớp
Các bài tập giúp giảm đau hông do thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp xảy ra do sụn bị phá hủy. Điều này khiến các xương trong khớp cọ xát vào nhau, gây viêm, đau đớn, cứng khớp và còn có thể dẫn đến hình thành gai xương. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả khớp háng (hông).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây