Thoái hóa khớp thường đi kèm những bệnh lý nào?
Thoái hóa khớp là một nguyên nhân phổ biến gây đau khớp, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Thoái hóa khớp thường xảy ra ở đầu gối, hông, cột sống và bàn tay.
Một số yếu tố như từng bị chấn thương khớp hoặc thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp. Nhiều người bị thoái hóa khớp còn mắc các bệnh khác như bệnh tim mạch và trầm cảm, điều này có thể là do các bệnh lý này có chung một số yếu tố nguy cơ. Và bệnh thoái hóa khớp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Dưới đây là một số bệnh lý có liên quan đến thoái hóa khớp.
Các bệnh lý làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp
Mắc một trong những bệnh lý hay tình trạng dưới đây có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Chấn thương khớp
Thoái hóa khớp xảy ra sau chấn thương khớp được gọi là thoái hóa khớp do chấn thương. Thoái hóa khớp do chấn thương thường xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn so với thoái hóa khớp thông thường và phần lớn là do chấn thương thể thao.
Nghiên cứu chỉ ra rằng thoái hóa khớp do chấn thương chiếm khoảng 10 – 12% tổng số trường hợp thoái hóa khớp. Hầu hết các trường hợp thoái hóa khớp do chấn thương xảy ra ở mắt cá chân (chiếm gần 80%).
Béo phì
Ở những người béo phì, các khớp ở phần dưới cơ thể như thắt lưng, hông và đầu gối phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể. Béo phì là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp. Béo phì còn khiến cho bệnh thoái hóa khớp tiến triển nhanh hơn.
Khác biệt về đặc điểm cơ thể
Đặc điểm cơ thể của mỗi người là khác nhau. Bất thường ở một bộ phận cơ thể có thể khiến cho khớp phải chịu áp lực nhiều hơn bình thường và dễ bị thoái hóa hơn.
Ví dụ, những người có bàn chân lật ngoài có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn. Ở người có bàn chân lật ngoài (supination), mé ngoài của bàn chân là khu vực tiếp xúc nhiều nhất với mặt đất thay vì tiếp xúc đều ở cả bàn chân.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết những người có tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn so với những người không có tiền sử gia đình.
Các bệnh lý thường xảy ra cùng với thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp thường xảy ra đồng thời với một số bệnh lý khác. Các bệnh này không gây ra thoái hóa khớp và cũng không phải biến chứng của thoái hóa khớp.
Bệnh tim mạch
Những người bị thoái hóa khớp dường như có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Điều này một phần có thể là do tình trạng đau khớp mạn tính do thoái hóa khớp khiến người bệnh ít vận động và lối sống ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Một lý do khác là bệnh tim mạch và thoái hóa khớp có chung một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như béo phì.
Trong một nghiên cứu vào năm 2023 thu thập dữ liệu y tế của người Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị thoái hóa khớp gối có:
- nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 26%
- nguy cơ nhồi máu cơ tim cao hơn 20%
- nguy cơ đột quỵ cao hơn 29%
Hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hóa là một nhóm gồm năm yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các yếu tố này thường xảy ra cùng nhau, gồm có:
- Nhiều mỡ bụng
- Lượng đường trong máu cao
- Rối loạn lipid máu (nồng độ triglyceride trong máu cao)
- Cao huyết áp
- HDL cholesterol thấp
Hội chứng chuyển hóa có liên quan nhiều đến béo phì mà đây là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh thoái hóa khớp.
Trầm cảm và rối loạn lo âu
Nghiên cứu cho thấy những người bị thoái hóa khớp có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn. Ở những người bị thoái hóa khớp, trầm cảm có thể xảy ra do:
- Đau mạn tính
- Giảm khả năng vận động
- Khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày
- Giảm tương tác xã hội
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh về phổi khiến luồng không khí bị tắc nghẽn ở phối và gây ra các vấn đề về hô hấp. Cả COPD và thoái hóa khớp đều có liên quan đến tình trạng viêm trong khắp cơ thể và đều làm giảm khả năng hoạt động thể chất. Nghiên cứu cho thấy thoái hóa khớp là một vấn đề phổ biến ở những người mắc COPD.
Theo một tổng quan vào năm 2018 tổng hợp 14 nghiên cứu, khoảng 35,5% số người mắc bệnh COPD bị thoái hóa khớp.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Calgary (Canada) vào năm 2019 đã chỉ ra rằng trầm cảm, COPD và cao huyết áp là ba tình trạng bệnh lý phổ biến nhất ở người bị thoái hóa khớp.
Loét dạ dày
Một nguyên nhân gây loét dạ dày là do sử dụng nhiều thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Đây là nhóm thuốc chính để điều trị bệnh hoái hóa khớp.
Trong một nghiên cứu vào năm 2019, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng những người bị thoái hóa khớp có tỷ lệ bị loét dạ dày cao hơn gấp đôi so với dân số nói chung.
Các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp có thể dẫn đến các biến chứng sau đây.
Rối loạn giấc ngủ
Thoái hóa khớp có thể gây rối loạn giấc ngủ, ví dụ như:
- Mất ngủ
- Ngưng thở khi ngủ
- Hội chứng chân không yên
Những rối loạn giấc ngủ này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng thoái hóa khớp. Nghiên cứu cho thấy rối loạn giấc ngủ cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp.
Chèn ép dây thần kinh
Thoái hóa khớp cột sống có thể gây sưng tấy và chèn ép các rễ thần kinh đi ra từ tủy sống. Tình trạng này được gọi là bệnh rễ thần kinh và gây ra các triệu chứng như:
- Yếu cơ chân
- Đau nhói lan xuống phía sau chân
- Cảm giác kim châm
- Tê
Gãy xương
Các nghiên cứu cho ra nhiều kết quả khác nhau nên chưa rõ liệu thoái hóa khớp có làm tăng nguy cơ gãy xương hay không.
Một nghiên cứu lớn tại Anh đã tìm thấy mối liên hệ giữa thoái hóa khớp và tăng nguy cơ gãy xương. Và một nghiên cứu vào năm 2024 cho thấy thoái hóa khớp cột sống làm tăng nguy cơ gãy đốt sống.
Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2023 lại cho thấy mặc dù thoái hóa khớp làm tăng nguy cơ té ngã nhưng không làm tăng nguy cơ gãy xương.
Các bệnh lý tương tự thoái hóa khớp
Các nhà khoa học đã xác định được hơn 100 loại bệnh viêm khớp. Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp cũng tương tự như nhiều loại viêm khớp và các bệnh về cơ xương khớp khác, gồm có:
- Viêm khớp dạng thấp: xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong khớp.
- Viêm khớp vảy nến: thường xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến, một bệnh tự miễn do hệ miễn dịch tấn công tế bào da.
- Viêm bao hoạt dịch: tình trạng viêm lớp đệm chứa dịch bao quanh khớp.
- Viêm gân: tình trạng viêm ở cấu trúc nối cơ với xương.
- Bệnh gout: xảy ra do sự tích tụ tinh thể urat trong khớp, gây đau đớn dữ dội. Bệnh gout thường xảy ra ở khớp ngón chân cái.
- Hoại tử vô mạch: tình trạng mô xương chết do không được cung cấp máu tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Thoái hóa khớp và loãng xương
Thoái hóa khớp và loãng xương là hai bệnh lý khác nhau nhưng thường xảy ra cùng nhau và có chung một số yếu tố nguy cơ.
Thoái hóa khớp là một vấn đề xảy ra ở khớp (nơi các xương gặp nhau) trong khi loãng xương là một vấn đề về xương (giảm mật độ khoáng chất trong xương).
Khi nào cần đi khám?
Bạn nên đến đi khám khi có các triệu chứng kéo dài dai dẳng để xác nhận nguyên nhân và có phương pháp điều trị. Các triệu chứng gồm có:
- Đau nhức khớp
- Sưng khớp
- Khớp nóng, đỏ
- Cứng khớp
- Giảm phạm vi chuyển động
- Tiếng lục cục hoặc lạo xạo phát ra từ khớp
Tóm tắt bài viết
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gồm có béo phì và chấn thương khớp. Thoái hóa khớp thường xảy ra cùng với các bệnh lý khác như bệnh tim mạch và trầm cảm nhưng các bệnh lý này không phải nguyên nhân gây ra hay biến chứng của thoái hóa khớp. Bệnh thoái hóa khớp có thể dẫn đến các biến chứng như rối loạn giấc ngủ, chèn ép dây thần kinh và gãy xương.
Điều quan trọng là phải đi khám khi có các triệu chứng thoái hóa khớp để được chẩn đoán và bắt đầu điều trị từ sớm.
Thoái hóa khớp là một vấn đề rất phổ biến. Ước tính khoảng một phần ba số người trên 65 tuổi bị thoái hóa khớp. Hiện nay, tỷ lệ người mắc căn bệnh này ở độ tuổi trẻ hơn đang ngày một gia tăng.
Bệnh thoái hóa khớp có thể gây ra các biến chứng như đau mạn tính, gián đoạn giấc ngủ và tăng cân. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này nhưng điều trị sớm và đúng cách có thể giúp ngăn ngừa biến chứng.
Thoái hóa khớp là do sự hao mòn khớp theo thời gian. Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này, trong đó có cả yếu tố di truyền. Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính với hàng trăm triệu người mắc trên thế giới. Đây là loại viêm khớp phổ biến nhất, chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tàn tật ở người lớn. Bất kỳ ai cũng có thể bị thoái hóa khớp nhưng những người có tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp khớp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Thoái hóa khớp là một bệnh xương khớp phổ biến với hàng trăm triệu người mắc trên thế giới. Bệnh lý này xảy ra khi sụn bao bọc các đầu xương trong khớp bị mòn.
Hầu hết các trường hợp thoái hóa khớp đều có thể kiểm soát bằng thuốc, tập thể dục, trị liệu và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ. Nếu những phương pháp này không hiệu quả thì sẽ phải điều trị bằng phẫu thuật.