1

Những ai có nguy cơ bị thoái hóa khớp?

Thoái hóa khớp là một bệnh xương khớp phổ biến với hàng trăm triệu người mắc trên thế giới. Bệnh lý này xảy ra khi sụn bao bọc các đầu xương trong khớp bị mòn.
Những ai có nguy cơ bị thoái hóa khớp? Những ai có nguy cơ bị thoái hóa khớp?

Sụn là một loại mô liên kết có vai trò bảo vệ đầu xương và cho phép khớp chuyển động trơn tru. Khi sụn bị mòn, các đầu xương trong khớp sẽ cọ xát với nhau mỗi khi cử động. Điều này gây viêm, đau và cứng khớp.

Bất kỳ ai cũng có thể bị thoái hóa khớp nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này, trong đó có những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát và cũng có những yếu tố có thể thay đổi được để giảm nguy cơ.

Tuổi tác

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất và chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ (the National Library of Medicine - NLM), hầu hết mọi người đều có triệu chứng thoái hóa khớp khi bước sang tuổi 70. (1)

Tuy nhiên, không phải chỉ có người lớn tuổi mới bị thoái hóa khớp. Những người trẻ tuổi cũng có thể gặp các triệu chứng thoái hóa khớp như:

  • cứng khớp vào buổi sáng
  • khớp đau nhức
  • đau khi ấn lên khớp
  • giảm phạm vi chuyển động

Thoái hóa khớp ở người cao tuổi là do sụn bị hao mòn dần theo thời gian trong khi thoái hóa khớp ở người trẻ tuổi đa phần là do sụn bị phá hủy do chấn thương.

Tiền sử gia đình

Theo nghiên cứu, những người có ông bà, cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị thoái hóa khớp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường, đặc biệt là khi bị dị tật khớp bẩm sinh.

Nếu bạn có triệu chứng thoái hóa khớp, hãy tìm hiểu xem trong gia đình mình có ai mắc bệnh này hay không. Khi đi khám, ngoài khám lâm sàng và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, có thể bác sĩ sẽ còn hỏi về tiền sử gia đình.

Tìm hiểu về tiền sử bệnh của gia đình sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác và kế hoạch điều trị thích hợp.

Giới tính

Giới tính cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp. Nhìn chung, tỷ lệ bị thoái hóa khớp ở phụ nữ cao hơn nam giới và phụ nữ thường gặp phải các triệu chứng nặng hơn.

Tuy nhiên, ở độ tuổi dưới 55, tỷ lệ mắc thoái hóa khớp ở cả hai giới là như nhau, kể từ sau 55 tuổi mới có sự chênh lệch. (2)

Khoa học hiện vẫn chưa lý giải được lý do tại sao phụ nữ lại có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn nam giới.

Tiền sử chấn thương

Chấn thương có thể dẫn đến thoái hóa khớp ở mọi lứa tuổi. Các dạng chấn thương phổ biến có thể dẫn đến thoái hóa khớp gồm có:

  • Rách sụn
  • Trật khớp
  • Tổn thương dây chằng

Những người bị chấn thương đầu gối do chơi thể thao, chẳng hạn như giãn và đứt dây chằng chéo trước, đặc biệt dễ bị thoái hóa khớp gối.

Nghề nghiệp và hoạt động hàng ngày

Một số nghề nghiệp và hoạt động hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Việc thường xuyên thực hiện một chuyển động lặp đi lặp lại ở khớp sẽ khiến cho sụn bị mòn sớm hơn.

Cụ thể, những nghề nghiệp và hoạt động có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gồm có:

  • Lao động chân tay
  • Quỳ gối
  • Ngồi xổm
  • Leo cầu thang

Thoái hóa khớp liên quan đến nghề nghiệp thường xảy ra ở các khớp bàn tay, đầu gối và hông.

Thừa cân

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính và cân nặng. Tuy nhiên, những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Lý do là vì khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối, hông và các khớp cột sống. Điều này khiến cho sụn trong khớp bị mòn nhanh hơn.

Béo phì còn làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể và điều này cũng có tác động tiêu cực đến sức khỏe khớp. Nếu đang bị thừa cân, bạn nên cố gắng giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn uống và tập thể dục. Tập thể dục còn giúp tăng cường sức mạnh của các cấu trúc hỗ trợ khớp như dây chằng, gân và cơ. Điều này cũng sẽ giúp giảm nguy cơ thoái hóa khớp.

Các bệnh lý gây chảy máu gần khớp

Các bệnh lý gây chảy máu gần khớp có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp và khiến cho tình trạng thoái hóa khớp trở nên trầm trọng hơn. Ví dụ về các bệnh lý này gồm có rối loạn đông máu hay bệnh máu khó đông và hoại tử vô mạch (tình trạng mô xương bị chết do không được cung cấp máu).

Các loại viêm khớp khác

Bạn sẽ có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn nếu đang mắc các loại viêm khớp khác, chẳng hạn như bệnh gout hoặc viêm khớp dạng thấp.

Có thể chữa khỏi thoái hóa khớp không?

Thoái hóa khớp là một bệnh lý mạn tính và tiến triển, có nghĩa là không thể chữa khỏi hoàn toàn và các triệu chứng sẽ nặng dần lên theo thời gian.

Mặc dù không có cách chữa trị khỏi nhưng có nhiều phương pháp điều trị để giảm đau và duy trì khả năng vận động, gồm có dùng thuốc, vật lý trị liệu, tập thể dục, thay đổi thói quen sống và dùng dụng cụ hỗ trợ. Nếu tình trạng nghiêm trọng thì có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp. Bạn nên đi khám ngay khi có các triệu chứng thoái hóa khớp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp sau chấn thương là tình trạng các cấu trúc trong khớp bị tổn thương sau khi khớp bị chấn thương.

Thế nào là thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát?
Thế nào là thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát?

Thoái hóa khớp được chia thành hai loại: thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát. Thoái hóa khớp nguyên phát xảy ra do sự hao mòn sụn không rõ nguyên nhân còn thoái hóa khớp thứ phát xảy ra do một bệnh lý khác.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp hông
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp hông

Thoái hóa khớp hông xảy ra do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau khi chuyển động, điều này gây viêm và làm hỏng xương. Tình trạng này gây đau đớn và cứng khớp.

Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây