1

Các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp

Bệnh thoái hóa khớp có thể gây ra các biến chứng như đau mạn tính, gián đoạn giấc ngủ và tăng cân. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này nhưng điều trị sớm và đúng cách có thể giúp ngăn ngừa biến chứng.
Các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp Các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một bệnh khớp mạn tính. Nguyên nhân là do sụn – lớp mô bao bọc các đầu xương - bị hao mòn. Điều này khiến cho các xương trong khớp cọ xát với nhau và để lộ ra các đầu dây thần kinh, dẫn đến đau đớn và cứng khớp.

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp đa phần xảy ra do sự hao mòn sụn theo thời gian nhưng cũng có thể xảy ra khi sụn bị phá hủy do chấn thương.

Nếu không điều trị, tình trạng đau mạn tính do thoái hóa khớp sẽ dẫn đến nhiều biến chứng và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

Các triệu chứng của thoái hóa khớp

Các triệu chứng thường gặp của bệnh thoái hóa khớp gồm có:

  • Đau và cứng khớp
  • Giảm phạm vi chuyển động
  • Đi lại và hoạt động khó khăn
  • Tiếng lục cục, lạo xạo ở khớp
  • Cảm giác các xương trong khớp cọ xát với nhau khi cử động

Những ai có nguy cơ bị thoái hóa khớp?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gồm có:

  • Tuổi cao: Sụn bị hao mòn dần theo thời gian nên những người cao tuổi có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn.
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp cao hơn nam giới.
  • Thừa cân hoặc béo phì: Khối lượng cơ thể lớn gây áp lực lên khớp và khiến sụn nhanh bị mòn hơn.
  • Tiền sử chấn thương khớp: Sau khi bị chấn thương, khớp sẽ trở nên yếu và dễ bị thoái hóa hơn.
  • Hoạt động quá mức: Sử dụng khớp quá mức hoặc thường xuyên thực hiện chuyển động lặp đi lặp lại sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
  • Tăng động khớp (hypermobility): tình trạng khớp chuyển động vượt ra ngoài phạm vi bình thường.
  • Dây chẳng lỏng lẻo
  • Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Dị tật xương: Những người bị dị tật xương hoặc sụn bẩm sinh có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp cao hơn.
  • Một số công việc nhất định: Những công việc phải bê vác nặng hoặc thực hiệc chuyển động lặp đi lặp lại sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp.

Các biến chứng của bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân chính gây đau khớp mạn tính. Tình trạng này làm giảm khả năng vận động và gây cản trở các hoạt động hàng ngày. Tình trạng đau đớn và những xáo trộn trong cuộc sống do bệnh thoái hóa khớp gây ra còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người bệnh.

Dưới đây là những ảnh hưởng của bệnh thoái hóa khớp đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cuộc sống của người bệnh.

Gián đoạn giấc ngủ

Các cơn đau nhức sẽ khiến cho người bệnh không thể ngủ ngon giấc. Tình trạng cứng khớp và giảm phạm vi chuyển động cũng sẽ khiến cho người cảm thấy không thoải mái khi nằm và dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém. Thiếu ngủ sẽ gây mệt mỏi và có thể khiến các triệu chứng thoái hóa khớp trở nên trầm trọng hơn. Đây là một trong những lý do tại sao bệnh thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Giảm khả năng vận động

Đau khớp và cứng khớp khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày như:

  • Dọn dẹp nhà cửa
  • Nấu nướng
  • Mặc quần áo
  • Chăm sóc cá nhân
  • Làm việc
  • Tập thể dục

Các phương pháp điều trị như dùng thuốc và vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện khả năng vận động. Tuy nhiên, người bị thoái hóa khớp nghiêm trọng có thể cần người khác hỗ trợ các hoạt động hàng ngày.

Gãy xương

Các khớp bị thoái hóa sẽ trở nên yếu và mất ổn định. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị té ngã hơn khi đi lại và làm tăng nguy cơ gãy xương.

Tăng cân

Đau và cứng khớp do thoái hóa khớp sẽ dẫn đến giảm mức độ hoạt động, bao gồm cả tập thể dục. Và việc ít vận động có thể dẫn đến tăng cân.

Tăng cân sẽ làm tăng áp lực lên các khớp và điều này khiến cho các triệu chứng thoái hóa khớp càng trở nên nặng hơn. Thừa cân còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như tiểu đường, cao huyết áp và bệnh tim mạch.

Lo âu và trầm cảm

Một nghiên cứu vào năm 2010 đã tìm hiểu về mối liên hệ giữa chứng lo âu, trầm cảm và bệnh thoái hóa khớp. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tình trạng đau mạn tính do thoái hóa khớp có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

Hơn 40% người tham gia nghiên cứu có dấu hiệu bị rối loạn lo âu và trầm cảm do các triệu chứng thoái hóa khớp.

Các biến chứng khác

Bệnh thoái hóa khớp còn có thể dẫn đến các biến chứng khác như:

  • Hoại tử xương
  • Gãy xương do mỏi
  • Chảy máu hoặc nhiễm trùng ở khớp
  • Viêm gân và dây chằng quanh khớp
  • Chèn ép dây thần kinh (xảy ra do thoái hóa khớp cột sống)

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp

Không có cách nào có thể chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Mục tiêu điều trị là kiểm soát các triệu chứng, cải thiện chức năng khớp, tính linh hoạt và khả năng vận động. Điều này giúp giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng như té ngã và gãy xương, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Vật lý trị liệu có thể giúp tăng khả năng vận động. Tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng và tăng cường các cơ hỗ trợ khớp. Tuy nhiên, tránh các bài tập gây áp lực lên khớp và làm cho các triệu chứng nặng thêm. Nghỉ ngơi khi khớp bị đau và không vận động quá sức.

Có nhiều loại thuốc giúp giảm đau do thoái hóa khớp, gồm có acetaminophen và các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen.

Nếu thuốc đường uống không có tác dụng, người bệnh có thể cần tiêm corticoid trực tiếp vào khớp để giảm sưng vàđau. Ngoài ra có thể tiêm axit hyaluronic để tăng chất nhờn bôi trơn khớp. Trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để thay khớp để giảm các triệu chứng và khôi phục chức năng khớp.

Bên cạnh các phương pháp điều trị kể trên, người bệnh có thể kết hợp thêm các phương pháp điều trị bổ sung dưới đây để giảm đau và cải thiện khả năng vận động:

  • Tập yoga
  • Châm cứu
  • Thủy trị liệu, ví dụ như bơi lội hoặc tập các bài tập trong bể bơi nước ấm

Tiên lượng của người bị thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là một bệnh tiến triển. Nếu không được điều trị, tình trạng bệnh sẽ ngày càng trở nên nặng hơn theo thời gian. Mặc dù thoái hóa khớp hiếm khi gây tử vong nhưng đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tàn tật ở người lớn.

Bạn nên đi khám ngay nếu thường xuyên bị đau khớp hoặc cứng khớp để phát hiện và điều trị bệnh từ sớm. Bạn cũng nên đi khám nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc tăng nặng dù đã điều trị. Bệnh thoái hóa khớp đa phần chỉ cần điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu, thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà nhưng nếu khớp bị hỏng nặng thì sẽ phải cân nhắc phẫu thuật thay khớp.

Tuy rằng không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa khớp nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các triệu chứng ban đầu của bệnh thoái hóa khớp
Các triệu chứng ban đầu của bệnh thoái hóa khớp

Triệu chứng ban đầu thường gặp của bệnh thoái hóa khớp là đau khớp. Các triệu chứng khác còn có cứng khớp, khớp phát ra âm thanh bất thường hoặc khó chịu tại một thời điểm nhất định vào ban ngày hoặc ban đêm.

Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp sau chấn thương: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp sau chấn thương là tình trạng các cấu trúc trong khớp bị tổn thương sau khi khớp bị chấn thương.

Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.

Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị
Thoái hóa khớp bàn ngón chân cái: Triệu chứng và cách điều trị

Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây