Thoái hóa khớp ăn mòn là gì?
Thoái hóa khớp ăn mòn (erosive osteoarthritis) là một loại thoái hóa khớp, thường xảy ra ở các khớp bản lề của ngón tay. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở các khớp ngón chân nhưng ít gặp hơn. Các khớp này được gọi là khớp liên đốt hay khớp gian đốt.
Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ có chưa đầy 3% dân số bị thoái hóa khớp ăn mòn. Thoái hóa khớp ăn mòn chiếm khoảng 10% tổng số ca bệnh thoái hóa khớp có triệu chứng. (1)
Thoái hóa khớp ăn mòn dẫn đến các vấn đề như:
- Đặc xương dưới sụn (xương gần sụn bị cứng lại)
- Thu hẹp khoảng cách giữa các xương
- Một số thành phần cấu tạo xương bị phá hủy (mòn xương)
Triệu chứng của thoái hóa khớp ăn mòn
Thoái hóa khớp ăn mòn là một tình trạng khó chẩn đoán, ngay cả khi chụp X-quang hay các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Một phân tích tổng hợp nhiều nghiên cứu cho thấy các bác sĩ chưa thống nhất về tiêu chí chẩn đoán thoái hóa khớp ăn mòn.
Một trong những tiêu chí chẩn đoán thoái hóa khớp ăn mòn được đồng tình nhiều nhất là bệnh xảy ra đột ngột. Tình trạng đau và cứng khớp do thoái hóa khớp thông thường đa phần tăng dần về tần suất và mức độ. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp ăn mòn thường xảy ra đột ngột.
Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp ăn mòn chủ yếu xảy ra ở ngón tay. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Cơn đau khởi phát đột ngột
- Sưng tấy
- Khớp nóng đỏ
- Giảm khả năng cử động bàn tay
Các triệu chứng thường xảy ra ở khớp liên đốt gần (khớp ở giữa ngón tay) và hiếm khi xảy ra ở khớp liên đốt xa (khớp gần đầu ngón tay).
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp ăn mòn
Hiện vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc liệu thoái hóa khớp ăn mòn là một dạng thoái hóa khớp nặng hay là một loại viêm khớp riêng biệt.
Thoái hóa khớp thông thường xảy ra do khớp bị hao mòn theo thời gian hoặc do chấn thương phá hủy sụn trong khớp. Thoái hóa khớp ăn mòn không phải do những nguyên nhân này gây ra. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thoái hóa khớp ăn mòn có thể là do nội tiết tố vì phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Cũng có giả thuyết cho rằng thoái hóa khớp ăn mòn là một bệnh tự miễn, có nghĩa là xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp.
Ai có nguy cơ bị thoái hóa khớp ăn mòn?
Thoái hóa khớp ăn mòn thường xảy ra ở phụ nữ ở độ tuổi 50. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm estrogen ở độ tuổi này có thể là nguyên nhân góp phần gây thoái hóa khớp ăn mòn. Một lý do dẫn đến suy đoán này là bởi phụ nữ sau mãn kinh có tỷ lệ bị thoái hóa khớp ở bàn tay và đầu gối cao hơn.
Tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp ăn mòn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Những người mắc bệnh thoái hóa khớp thông thường sẽ có nguy cơ bị thoái hóa khớp ăn mòn cao hơn. Tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp ăn mòn ước tính ở dân số nói chung là dưới 3%. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh này ở những người bị thoái hóa khớp bàn tay có triệu chứng là khoảng 10%. (2)
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), gần 50% số người từ 65 tuổi trở lên được chẩn đoán mắc ít nhất một loại viêm khớp. (3) Tỷ lệ mắc bệnh thực tế còn cao hơn vì nhiều trường hợp không được chẩn đoán.
Phụ nữ có tỷ lệ bị viêm khớp cao hơn nam giới.
Chẩn đoán thoái hóa khớp ăn mòn
Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp ăn mòn, chẳng hạn như đau và sưng ngón tay cũng tương tự như bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh viêm khớp vảy nến cũng có thể bắt đầu xảy ra ở ngón tay. Do đó, một số trường hợp thoái hóa khớp ăn mòn ban đầu bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh lý khác.
Một điểm khác biệt lớn giữa thoái hóa khớp ăn mòn và viêm khớp dạng thấp là thoái hóa khớp ăn mòn thường không xảy ra ở cổ tay và khớp bàn – ngón tay (khớp nối ngón tay với xương bàn tay) trong khi đây là hai vị trí phổ biến bị viêm khớp dạng thấp.
Trước tiên, bác sĩ sẽ xem xét kỹ lưỡng các triệu chứng, đồng thời khai thác bệnh sử cá nhân và gia đình của người bệnh. Một bước quan trọng để chẩn đoán các bệnh về xương khớp là thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang. Một điểm khác biệt dễ nhận biết của bệnh thoái hóa khớp ăn mòn là nang dưới sụn ở ngón tay do sụn và xương trong khớp bị phá hủy.
Một điểm khác biệt giúp phân biệt thoái hóa khớp ăn mòn với thoái hóa khớp thông thường là sự hiện diện của tình trạng mòn xương.
Nang dưới sụn và mòn xương
Nang dưới sụn nằm ngay bên dưới sụn. Khi nang hình thành, phần xương đặc hay màng xương (lớp bên ngoài của xương) vẫn còn nguyên vẹn.
Tình trạng mòn xương thường xảy ra ở giữa khớp. Khi xảy ra tình trạng mòn xương, lớp bên ngoài của xương không còn nguyên vẹn.
Điều trị thoái hóa khớp ăn mòn
Thoái hóa khớp ăn mòn là một bệnh lý mạn tính tiến triển không thể đảo ngược, có nghĩa là không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn, không thể phục hồi khớp bị hỏng và tình trạng bệnh sẽ ngày càng nặng theo thời gian. Mục tiêu của việc điều trị là làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và duy trì chức năng khớp.
Một số phương pháp điều trị thoái hóa khớp thông thường cũng có thể giúp điều trị thoái hóa khớp ăn mòn. Tuy nhiên, việc điều trị ở mỗi ca bệnh là khác nhau vì còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Dưới đây là các phương pháp điều trị chính cho bệnh thoái hóa khớp ăn mòn.
Thuốc chống viêm và thuốc giảm đau
Thuốc chống viêm và thuốc giảm đau thường là bước điều trị đầu tiên cho bệnh thoái hóa khớp ăn mòn.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen có thể giúp giảm viêm ở các khớp.
Các loại thuốc giảm đau như acetaminophen giúp làm dịu cơn đau một cách nhanh chóng. Đây là giải pháp thay thế cho những người không thể dùng NSAID.
Tiêm steroid
Tiêm steroid giúp giảm viêm và đau nhưng mỗi khớp chỉ nên tiêm steroid vài lần một năm. Phương pháp tiêm steroid có hiệu quả giảm đau tốt hơn đối với các khớp lớn, chẳng hạn như đầu gối hoặc vai thay vì các khớp nhỏ ở bàn tay.
Thuốc sinh học
Thuốc sinh học là các loại thuốc được bào chế từ vi sinh vật sống. Một thử nghiệm vào năm 2018 cho thấy một loại thuốc sinh học có tên là etanercept giúp giảm đau sau 1 năm và cải thiện sức khỏe xương ở một nhóm nhỏ người bị thoái hóa khớp ăn mòn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng cần tiến hành thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn và dài hạn hơn để xác nhận kết quả.
Hoạt động trị liệu
Khi khả năng cử động của ngón tay và bàn tay bị suy giảm do thoái hóa khớp, các công việc cơ bản hàng ngày như cầm nắm đồ vật, ăn uống hay mặc quần áo sẽ trở nên khó khăn. Trong quá trình hoạt động trị liệu, người bệnh sẽ được dạy cách điều chỉnh để tự mình thực hiện các công việc hàng ngày hoặc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ.
Kỹ thuật viên trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh các bài tập giúp cải thiện chức năng của các khớp bị thoái hóa.
Chườm nóng
Chườm nóng hoặc ngâm nước nóng giúp làm giãn các mạch máu, làm tăng lượng máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến mô khớp, nhờ đó giúp giảm cứng và đau khớp.
Người bệnh nên kết hợp chườm nóng với dùng thuốc đường uống và các phương pháp điều trị khác để kiểm soát các triệu chứng hiệu quả hơn.
Thoái hóa khớp ăn mòn và các bệnh lý tương tự
Hầu hết các loại viêm khớp đều gây sưng, đau và cứng khớp. Tuy nhiên, mỗi loại viêm khớp có những điểm khác biệt nhất định.
Thoái hóa khớp ăn mòn và thoái hóa khớp thông thường
Thoái hóa khớp ăn mòn thường gây đau, sưng và giảm chức năng khớp nhiều hơn so với thoái hóa khớp thông thường. Thoái hóa khớp ăn mòn còn thường đi kèm với tình trạng mòn hoặc phá hủy xương.
Thoái hóa khớp thông thường xảy ra do sụn trong khớp bị hao mòn và thường xảy ra ở khớp bàn – ngón tay cái trong khi bệnh thoái hóa khớp ăn mòn không xảy ra ở vị trí này.
Thoái hóa khớp ăn mòn và viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp cũng thường bắt đầu ở bàn tay nhưng đa phần xảy ra ở các khớp khác, chẳng hạn như cổ tay và khuỷu tay. Thoái hóa khớp ăn mòn thường xảy ra ở ngón tay và đôi khi xảy ra ở cả ngón chân.
Hầu hết những người bị viêm khớp dạng thấp có kết quả xét nghiệm dương tính với một số dấu ấn sinh học nhất định, gồm có kháng thể kháng CCP (anti-CCP) trong khi những người bị thoái hóa khớp ăn mòn lại có kết quả xét nghiệm âm tính với các kháng thể này.
Thoái hóa khớp ăn mòn và viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến thường đi kèm với bệnh vảy nến. Nếu như không có triệu chứng của bệnh vảy nến (mảng ban đỏ đóng vảy trên da) thì sẽ khó phân biệt thoái hóa khớp ăn mòn và viêm khớp vảy nến.
Đa phần, bệnh vảy nến xảy ra trước viêm khớp vảy nến nhưng đôi khi, các triệu chứng viêm khớp như cứng và đau khớp xuất hiện trước những thay đổi trên da. Một khi đã xác nhận chẩn đoán bệnh vảy nến thì có thể loại trừ bệnh thoái hóa khớp ăn mòn.
Tóm tắt bài viết
Thoái hóa khớp ăn mòn có nhiều triệu chứng giống như thoái hóa khớp thông thường nhưng triệu chứng đau, sưng tấy và cứng khớp thường chỉ xảy ra ở các khớp ngón tay và không xảy ra ở các vị trí khác.
Nếu có các triệu chứng viêm khớp, bạn nên đi khám để xác định vấn đề chính xác. Phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hóa khớp ăn mòn.
Thoái hóa khớp được chia thành hai loại: thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát. Thoái hóa khớp nguyên phát xảy ra do sự hao mòn sụn không rõ nguyên nhân còn thoái hóa khớp thứ phát xảy ra do một bệnh lý khác.
Thoái hóa khớp hông xảy ra do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau khi chuyển động, điều này gây viêm và làm hỏng xương. Tình trạng này gây đau đớn và cứng khớp.
Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.
Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).
Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp xảy ra do sụn bị phá hủy. Điều này khiến các xương trong khớp cọ xát vào nhau, gây viêm, đau đớn, cứng khớp và còn có thể dẫn đến hình thành gai xương. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả khớp háng (hông).