1

Testosterone thấp có thể dẫn đến loãng xương

Testosterone là một hormone cần thiết để duy trì cơ và xương khỏe mạnh. Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu tác động của testosterone đến mật độ xương nhưng bằng chứng hiện tại cho thấy những nam giới bị thiếu hụt testosterone có nguy cơ mắc bệnh loãng xương và gãy xương cao hơn.
Testosterone thấp có thể dẫn đến loãng xương Testosterone thấp có thể dẫn đến loãng xương

Loãng xương là một bệnh xương tiến triển, có nghĩa là nặng dần theo thời gian. Loãng xương khiến xương giòn và tăng nguy cơ gãy xương nếu không được điều trị. Tổ chức Loãng xương Quốc tế (The International Osteoporosis Foundation) ước tính rằng cứ 3 phụ nữ trên 50 tuổi thì có 1 người bị gãy xương do loãng xương và tỷ lệ này ở nam giới trên 50 tuổi là 1/5. (1)

Testosterone là một hormone cần thiết để duy trì cơ và xương khỏe mạnh. Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu tác động của testosterone đến mật độ xương nhưng bằng chứng hiện tại cho thấy những nam giới bị thiếu hụt testosterone có nguy cơ mắc bệnh loãng xương và gãy xương cao hơn.

Testosterone ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe xương?

Cơ thể liên tục phân hủy và tái tạo mô xương. Quá trình này được gọi là chu chuyển xương. Chứng loãng xương xảy ra khi cơ thể phân hủy mô xương nhanh hơn tốc độ tái tạo xương mới.

Có ba loại tế bào tham gia vào quá trình chu chuyển xương:

  • Nguyên bào xương hay tế bào tạo xương (osteoblast): có nhiệm vụ tạo ra mô xương mới.
  • Tế bào hủy xương (osteoclast): tái hấp thu xương.
  • Tế bào xương (osteocyte): điều hòa sự cân bằng nội môi xương (giai đoạn tái phát triển và tái hấp thu của quá trình tăng trưởng xương).

Một số tế bào này có các thụ thể hormone androgen. Testosterone có thể kích hoạt các thụ thể này và làm thay đổi khối lượng xương.

Testosterone và bệnh loãng xương ở nam giới

Ở phụ nữ, nồng độ estrogen đột ngột sụt giảm mạnh khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Trong khi đó, nồng độ hormone của nam giới giảm dần theo thời gian. Mức testosterone giảm khoảng 1% mỗi năm sau khoảng 30 hoặc 40 tuổi.

Testosterone thấp là nguyên nhân chính gây loãng xương ở nam giới. Tình trạng này còn gây ra các vấn đề khác như trầm cảm, cáu gắt, rối loạn chức năng tình dục và giảm khối cơ.

Ở nam giới lớn tuổi, chứng loãng xương thường gây gãy xương sống và xương hông.

Mật độ khoáng xương có mối liên hệ chặt chẽ với nồng độ testosterone ở nam giới. Khi nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt và phải điều trị bằng liệu pháp triệt androgen (ADT), một tác dụng phụ thường gặp là loãng xương. Mật độ khoáng xương thường giảm từ 2% - 8% trong vòng một năm đầu sau điều trị. (2)

Nghiên cứu cho thấy những nam giới có mức testosterone thấp có nguy cơ gãy xương cao hơn so với những nam giới có mức testosterone ở mức trung bình. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu việc bổ sung testosterone có làm giảm nguy cơ gãy xương hay không.

Testosterone và bệnh loãng xương ở phụ nữ

Ở phụ nữ, nguyên nhân chính gây loãng xương là do thiếu hụt estrogen vào thời kỳ mãn kinh.

Cơ thể phụ nữ cũng tạo ra testosterone nhưng lượng ít hơn nhiều so với nam giới. Testosterone ở phụ nữ được tạo ra ở buồng trứng và tuyến thượng thận. Giống như ở nam giới, testosterone cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và duy trì xương của phụ nữ..

Trong một nghiên cứu vào năm 2015 được thực hiện trên 64 phụ nữ sau mãn kinh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức testosterone không ảnh hưởng đến mật độ khoáng xương của những người tham gia.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng một số nghiên cứu trước đây cho thấy mức androgen cao có liên quan đến sự tăng mật độ khoáng xương ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Nguyên nhân gây thiếu hụt testosterone

Nghiên cứu cho thấy mật độ khoáng xương có vẻ như bị ảnh hưởng bởi nồng độ testosterone và thói quen tập thể dục. Nồng độ testosterone bắt đầu giảm một cách tự nhiên ở nam giới từ khoảng 30 hoặc 40 tuổi, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt testosterone ở tuổi trung niên.

Loãng xương có thể là một tác dụng phụ của liệu pháp triệt androgen (ADT) – một phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Trong liệu pháp này, bệnh nhân phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật để làm giảm nồng độ testosterone và các hormone androgen khác.

Khoảng 9% đến 53% nam giới bị chứng loãng xương sau khi điều trị bằng ADT. (3, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/iju.13473

Một số bệnh di truyền, chẳng hạn như hội chứng Turner và hội chứng Klinefelter, cũng có thể dẫn đến thiếu hụt testosterone. Các nguyên nhân khác gây suy giảm testosterone còn có:

  • Điều trị ung thư
  • Tinh hoàn ẩn
  • Viêm tinh hoàn do quai bị
  • Quá tải sắt

Các nguyên nhân thứ phát gây thiếu hụt testosterone (xảy ra do các vấn đề với tuyến yên hoặc vùng dưới đồi) gồm có:

  • Hội chứng Kallmann
  • Bệnh tuyến yên
  • Nhiễm HIV
  • Béo phì
  • Phẫu thuật
  • Chấn thương
  • Stress

Testosterone ở phụ nữ được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng và tuyến thượng thận. Các nguyên nhân gây testosterone thấp ở phụ nữ gồm có:

  • Thiếu các enzyme chuyển đổi các hợp chất DHEA và DHEA-S thành testosterone
  • Rối loạn chức năng tuyến thượng thận
  • Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng
  • Suy giảm chức năng tuyến yên
  • Liệu pháp estrogen
  • Mãn kinh sớm

Chẩn đoán thiếu hụt testosterone và loãng xương

Loãng xương thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi xảy ra gãy xương. Thiếu hụt testosterone có các triệu chứng rõ rệt hơn.

Chẩn đoán thiếu hụt testosterone

Xét nghiệm máu sẽ giúp phát hiện thiếu hụt testosterone. Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay người bệnh, sau đó đem đi phân tích để đo nồng độ testosterone.

Chẩn đoán loãng xương

Loãng xương được chẩn đoán bằng phương pháp đo mật độ xương. Công cụ đo mật độ xương được sử dụng phổ biến nhất là DEXA hay đo hấp thụ tia X năng lượng kép (dual-energy X-ray absorptiometry). DEXA đo số lượng tia X được mô và xương hấp thụ để ước tính mật độ khoáng xương.

Trong quá trình kiểm tra, người bệnh nằm trên bàn và máy sẽ quét qua cơ thể. Thông thường chỉ cần đo mật độ khoáng xương ở hông và cột sống.

Kết quả đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA có dạng T-score.

Điều trị loãng xương

Mặc dù không thể đảo ngược được tình trạng loãng xương nhưng người bệnh có thể dùng thuốc để làm chậm quá trình mất xương và giảm nguy cơ gãy xương. Một số loại thuốc còn có tác dụng kích thích sự hình thành xương mới.

Những phụ nữ đã mãn kinh từng bị gãy xương do chấn thương nhẹ hoặc có T-score từ -2,5 trở xuống nên cân nhắc dùng thuốc điều trị loãng xương.

Những phụ nữ có T-score từ −2,0 đến −2,5 cũng có thể cần dùng thuốc điều trị nếu cha mẹ có tiền sử gãy xương hông hoặc có các yếu tố nguy cơ loãng xương khác.

Dựa trên kết quả đo mật độ xương và mức độ nguy cơ, bác sĩ sẽ cho biết có cần thiết phải dùng thuốc điều trị loãng xương hay không hay chỉ cần thay đổi lối sống là đủ để kiểm soát tình trạng bệnh.

Điều trị bằng thuốc

Nhóm thuốc chính được sử dụng để điều trị loãng xương là bisphosphonate. Những trường hợp loãng xương nặng có thể cần điều trị bằng các loại thuốc sau đây:

  • Forteo (teriparatide): Thuốc này được kê cho những người có nguy cơ gãy xương cao.
  • Tymlos (abaloparatide): Thuốc này cũng có thể được kê cho những người có nguy cơ gãy xương cao.
  • Evenity (romosozumab): Thuốc này thường được sử dụng cho phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao và những người đã điều trị bằng các phương pháp khác mà không hiệu quả.

Liệu pháp thay thế testosterone (testosterone replacement therapy - TRT) cũng có thể được sử dụng để điều trị loãng xương cho những người có mức testosterone thấp. Người bệnh có thể dùng testosterone dưới dạng viên uống, thuốc bôi, miếng dán ngoài da hoặc tiêm định kỳ.

Điều quan trọng cần lưu ý là tác dụng của liệu pháp thay thế testosterone đối với mật độ khoáng xương vẫn chưa được khẳng định. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng điều này.

Thay đổi lối sống

Những thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện sức khỏe xương gồm có:

  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế rượu bia
  • Tăng cường hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên, nên kết hợp nhiều hình thức tập luyện khác nhau như:
    • Tập tạ
    • Tập kháng lực
    • Các bài tập thăng bằng
  • Bổ sung đủ canxi
  • Bổ sung ít nhất 600 IU vitamin D mỗi ngày (đối với người từ 70 tuổi trở xuống) và 800 IU (đối với người trên 70 tuổi)
  • Điều trị các bệnh lý có thể gây giảm mật độ xương
  • Trao đổi với bác sĩ nếu đang dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương, chẳng hạn như glucocorticoid

Tóm tắt bài viết

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về tác động của testosterone đến mật độ khoáng xương.

Bằng chứng hiện tại cho thấy testosterone thấp có thể làm gia tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương ở nam giới, mặc dù cần có thêm nghiên cứu để xác nhận mối liên hệ này.

Nguyên nhân gây loãng xương phổ biến ở phụ nữ là thiếu hụt estrogen.

Một giải pháp điều trị testosterone thấp là liệu pháp thay thế testosterone (TRT). Mặc dù lợi ích của TRT trong việc giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương vẫn chưa được chứng minh nhưng liệu pháp này có thể giúp cải thiện chức năng tình dục và chất lượng cuộc sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
5 tư thế yoga có lợi cho người bị loãng xương
5 tư thế yoga có lợi cho người bị loãng xương

Tập yoga là một cách hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng loãng xương. Duy trì thói quen tập yoga đều đặn có thể giúp tăng cường sức mạnh của cơ và xương, giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.

Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?
Truyền thuốc điều trị loãng xương có hiệu quả không?

Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.

5 bài tập tĩnh có lợi cho người bị loãng xương
5 bài tập tĩnh có lợi cho người bị loãng xương

Các bài tập tĩnh là một phần rất cần thiết trong thói quen tập luyện để kiểm soát bệnh loãng xương. Những bài tập này nhắm vào các nhóm cơ cụ thể, tạo ra các cơn co cơ tĩnh mà không làm thay đổi chiều dài của cơ.

Các phương pháp đo mật độ xương giúp phát hiện loãng xương
Các phương pháp đo mật độ xương giúp phát hiện loãng xương

Những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương được khuyến nghị đo mật độ xương 2 năm một lần. Phương pháp đo mật độ xương phổ biến nhất là DEXA nhưng ngoài ra còn một lựa chọn khác là QCT.

Những ai nên sàng lọc loãng xương?
Những ai nên sàng lọc loãng xương?

Loãng xương là tình trạng mật độ khoáng chất trong xương giảm, làm thay đổi cấu trúc xương và khiến xương trở nên yếu, dễ gãy. Kiểm tra mật độ xương định kỳ bằng các công nghệ chẩn đoán hình ảnh đặc biệt giúp phát hiện bệnh loãng xương và từ đó người bệnh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Thời điểm nên bắt đầu sàng lọc loãng xương phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có giới tính và tuổi tác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây