Sự khác biệt giữa viêm khớp vảy nến và thoái hóa khớp
Viêm khớp vảy nến gây sưng khớp, cứng khớp và đau, ngoài ra còn kèm theo các triệu chứng của bệnh vảy nến như mảng da đỏ, khô, đóng vảy và rỗ móng tay. Viêm khớp vảy nến có thể chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ nhưng cũng có thể nghiêm trọng đến mức gây cản trở sinh hoạt hàng ngày.
Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp xảy ra do khớp bị hao mòn theo thời gian. Đây là loại viêm khớp phổ biến nhất với khoảng 600 triệu người mắc trên toàn thế giới.
Đôi khi không xác định được nguyên nhân gây đau khớp và các triệu chứng viêm khớp khác. Nếu bệnh viêm khớp vảy nến ảnh hưởng đến khớp trước khi ảnh hưởng đến da thì sẽ khó phân biệt với thoái hóa khớp. Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng, kết quả xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để xác định loại viêm khớp và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Triệu chứng viêm khớp vảy nến và thoái hóa khớp
Viêm khớp vảy nến và thoái hóa khớp có một số triệu chứng giống nhau nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt.
Triệu chứng |
Viêm khớp vảy nến |
Thoái hóa khớp |
Sưng ngón tay và ngón chân | ✓ | |
Đau gân hoặc dây chằng |
✓ | |
Mảng đỏ trên da |
✓ | |
Các vùng thương tổn có vảy màu trắng bạc |
✓ | |
Rỗ móng hoặc những thay đổi khác ở móng |
✓ | |
Mệt mỏi |
✓ | |
Mắt đỏ |
✓ | |
Đau mắt |
✓ | |
Khớp kêu lục cục hoặc lạo xạo khi cử động |
✓ | |
Gai xương |
✓ | |
Khớp bị biến dạng |
✓ | |
Đau khớp |
✓ | ✓ |
Sưng ở nhiều khu vực trên cơ thể |
✓ | ✓ |
Cứng khớp |
✓ | ✓ |
Giảm tính linh hoạt của khớp | ✓ | ✓ |
Điểm khác biệt giữa triệu chứng thoái hóa khớp và viêm khớp vảy nến
Bệnh viêm khớp vảy nến và thoái hóa khớp có nhiều triệu chứng tương đồng. Tuy nhiên, triệu chứng của hai loại viêm khớp này có một số điểm khác biệt chính như sau:
- Sưng ngón tay hoặc ngón chân: Viêm khớp vảy nến khiến cho ngón tay và ngón chân sưng to. Tình trạng này được gọi là ngón tay/ngón chân xúc xích.
- Mảng da dày đỏ: Sự tích tụ các tế bào da do bệnh vảy nến khiến da dày lên và có màu hồng đỏ, bề mặt đóng vảy màu trắng bạc. Những mảng da này thường xuất hiện ở da đầu, mặt, bàn tay, bàn chân, bộ phận sinh dục và ở các nếp gấp da như rốn.
- Thay đổi ở móng: Khoảng 80% người mắc bệnh viêm khớp vảy nến có triệu chứng ở móng.
Bệnh thoái hóa khớp và viêm khớp vảy nến xảy ra ở các khớp giống nhau, gồm có các khớp cột sống ở lưng dưới, ngón tay, ngón chân và đầu gối. Tuy nhiên, cơn đau do thoái hóa khớp thường kéo dài dai dẳng trong khi các triệu chứng viêm khớp vảy nến lại thường xảy ra theo đợt. Người bị viêm khớp vảy nến sẽ trải qua những giai đoạn các triệu chứng tăng nặng và sau đó các triệu chứng sẽ thuyên giảm một thời gian. Khoảng thời gian bệnh tái phát và thuyên giảm ở mỗi người là khác nhau.
Triệu chứng thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp không phải là một bệnh có tính chu kỳ như viêm khớp vảy nến mà sẽ dần dần trở nên nặng hơn theo thời gian.
Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp, ví dụ như đau khớp, ban đầu thường nhẹ và thi thoảng mới xảy ra, ví dụ như sau khi hoạt động trong thời gian dài.
Dần dần, khớp sẽ ngày càng bị tổn thương nặng. Mức độ đau và sưng khớp sẽ tăng lên và xảy ra thường xuyên hơn, ngay cả khi không hoạt động. Ngoài sưng đau, người bệnh còn bị cứng khớp, đặc biệt là khi mới thức dậy vào buổi sáng và sau một thời gian ngồi một chỗ.
Thoái hóa khớp thường xảy ra ở các khớp chuyển động nhiều nhất trên cơ thể, gồm có các khớp ở:
- bàn tay
- bàn chân
- đầu gối
- hông
- cột sống
Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến là một bệnh tự miễn, có nghĩa là xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các các tế bào khỏe mạnh của cơ thể.
Viêm khớp vảy nến thường chỉ xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến, một bệnh về da tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các tế bào da, khiến cho tế bào da phát triển quá nhanh và tích tụ lại. Khoảng 20% số người mắc bệnh vảy nến bị viêm khớp vảy nến. (1)
Ở hầu hết người mắc bệnh viêm khớp vảy nến, bệnh vảy nến xảy ra trước và sau đó mới xảy ra tình trạng viêm khớp.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vảy nến gồm có:
- Tiền sử gia đình: Những người có cha mẹ, anh chị em hoặc người thân ruột thịt khác mắc bệnh vảy nến hoặc viêm khớp vảy nến sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Tuổi tác: Viêm khớp vảy nến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh lý này thường được chẩn đoán ở người từ 30 – 50 tuổi. (2)
- Nhiễm trùng: Những người bị nhiễm một số loại virus nhất định, chẳng hạn như HIV, có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp vảy nến cao hơn.
Điều trị viêm khớp vảy nến
Bệnh viêm khớp vảy nến không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Mục đích của các phương pháp điều trị là giảm các triệu chứng và làm chậm hoặc ngăn khớp bị tổn thương thêm.
Các phương pháp chính để điều trị bệnh viêm khớp vảy nến gồm có:
- Thuốc đường uống
- Tiêm steroid
- Phẫu thuật thay khớp
- Phương pháp điều trị bổ sung và thay thế
Người bệnh sẽ phải kết hợp các phương pháp điều trị này với các phương pháp điều trị bệnh vảy nến., ví dụ như thuốc bôi ngoài da.
Thuốc uống và thuốc tiêm
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là cách phổ biến để giảm đau và sưng khớp. Các triệu chứng nhẹ có thể điều trị bằng NSAID không kê đơn nhưng các triệu chứng nặng sẽ cần đến NSAID kê đơn có hàm lượng hoạt chất cao hơn.
Các loại NSAID không kê đơn phổ biến gồm có ibuprofen và naproxen.
Các loại NSAID kê đơn phổ biến gồm có:
- diclofenac
- ketoprofen
- meclofenamate
- meloxicam
- nabumetone
- oxaprozin
- tolmetin
NSAID chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng. Người bệnh sẽ phải dùng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) để làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch và giảm viêm, từ đó làm chậm hoặc ngăn chặn tổn thương khớp.
Một số loại DMARD thường được sử dụng phổ biến gồm có:
- cyclosporine (Sandimmune)
- hydroxychloroquine (Plaquenil)
- azathioprine (Imuran)
- leflunomide (Arava)
- methotrexat (Trexall)
- sulfasalazine (Azulfidine)
Thuốc sinh học là một phương pháp điều trị mới cho các loại viêm khớp tự miễn như viêm khớp vảy nến. Thay vì làm giảm hoạt động của toàn bộ hệ miễn dịch như DMARD, thuốc sinh học tác động đến các bộ phận gây viêm của hệ miễn dịch và nhờ đó giúp ngăn chặn tổn thương khớp. Thuốc sinh học có dạng lỏng để tiêm hoặc truyền qua đường tĩnh mạch.
Các loại thuốc sinh học thường được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp vảy nến gồm có:
- adalimumab (Humira)
- certolizumab pegol (Cimzia)
- etanercept (Enbrel)
- golimumab (Simponi)
- Infliximab (Remicade)
- secukinumab (Cosentyx)
- ustekinumab (Stelara)
Một nhóm thuốc khác cũng mới được đưa vào sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp vảy nến là thuốc ức chế PDE4. Các loại thuốc này nhắm đến các phân tử nhất định bên trong tế bào miễn dịch, từ đó làm giảm sự tấn công của hệ miễn dịch. Một trong những loại thuốc ức chế PDE4 được sử dụng phổ biến nhất là apremilast (Otezla).
Nếu đã dùng các loại thuốc này mà các triệu chứng viêm khớp vảy nến không cải thiện, người bệnh có thể sẽ phải tiêm steroid trực tiếp vào khớp. Steroid sẽ giúp giảm sưng và giảm đau.
Phẫu thuật
Nếu khớp bị hỏng nghiêm trọng thì sẽ phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay khớp.
Trị liệu
Người bệnh có thể cân nhắc vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu để giảm đau và cải thiện khả năng vận động.
Phương pháp điều trị bổ sung
Đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện để đánh giá các phương pháp điều trị bổ sung nhưng chưa có phương pháp nào trong số đó được chứng minh là có hiệu quả đáng kể đối với các triệu chứng viêm khớp vảy nến. Một số phương pháp điều trị bổ sung đã được nghiên cứu gồm có:
- Châm cứu
- Thảo dược như capsaicin (một hợp chất có trong ớt) và củ nghệ
- Mát xa
- Thái cực quyền
- Yoga
Các phương pháp điều trị này đều không thể thay thế cho thuốc và các phương pháp điều trị chính thống khác. Nếu muốn, bạn có thử nhưng nên trao đổi với bác sĩ trước để đảm bảo an toàn. Thảo dược và thực phẩm chức năng có thể tương tác với loại thuốc mà bạn đang dùng.
Phương pháp điều trị bệnh vảy nến
Một số loại thuốc điều trị viêm khớp vảy nến, chẳng hạn như thuốc sinh học và methotrexate (một loại DMARD) cũng có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến trên da. Các phương pháp khác để điều trị các triệu chứng trên da gồm có:
- Anthralin
- Nhựa than (coal tar)
- Retinoid dạng bôi, chẳng hạn như tazarotene
- Axit salicylic
- Steroid dạng bôi
- Các loại thuốc bôi chứa vitamin D, chẳng hạn như calcipotriene
Một phương pháp điều trị khác là quang trị liệu bằng tia cực tím. Phương pháp này sử dụng tia cực tím phổ hẹp để làm giảm các triệu chứng của vảy nến trên da.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp xảy ra do sụn bên trong khớp bị hao mòn hoặc phá hủy. Sụn là mô liên kết dẻo dai bao quanh các đầu xương.
Sụn có chức năng bảo vệ đầu xương, cho phép các xương chuyển động trơn tru trong khớp và hấp thụ sốc khi cử động. Theo thời gian, sụn sẽ bị hao mòn dần. Sụn cũng có thể bị phá hủy do chấn thương.
Khi không có sụn, các xương trong khớp sẽ cọ xát với nhau gây đau đớn. Các đầu xương sẽ bị mòn dần và khớp không còn chuyển động linh hoạt được nữa.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gồm có:
- Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình bị thoái hóa khớp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Một số đột biến gen nhất định cũng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
- Tuổi tác: Càng có tuổi thì nguy cơ bị thoái hóa khớp càng cao.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị viêm khớp, bao gồm cả thoái hóa khớp cao hơn nam giới.
- Cân nặng: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp cao hơn vì khối lượng cơ thể lớn gây áp lực lên khớp.
- Chấn thương hoặc dị tật khớp: Những người từng bị chấn thương khớp hoặc dị tật khớp bẩm sinh sẽ dễ bị thoái hóa khớp hơn.
- Hút thuốc: Hút thuốc lá không trực tiếp gây thoái hóa khớp nhưng sẽ đẩy nhanh tốc độ hao mòn sụn.
- Thường xuyên bê vác nặng: Những người làm công việc chân tay thường xuyên phải bê vác nặng sẽ có nguy cơ thoái hóa khớp cao hơn, nhất là khớp háng và khớp gối.
- Chuyển động khớp lặp đi lặp lại: Chơi các môn thể thao hoặc làm công việc cần phải thực hiện chuyển động lặp đi lặp lại ở khớp sẽ làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Điều trị thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp cũng không có cách chữa khỏi dứt điểm. Việc điều trị nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Các phương pháp điều trị chính gồm có:
- Thuốc uống
- Thuốc bôi
- Tiêm khớp
- Tập thể dục
- Vật lý trị liệu
- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ khớp, chẳng hạn như đai nẹp khớp
- Biện pháp điều trị bổ sung
Nếu khớp bị hỏng nặng, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật.
Thuốc
Các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp có tác dụng chính là giảm đau và sưng tấy.
Các loại thuốc không kê đơn gồm có acetaminophen và NSAID, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi dùng thuốc không kê đơn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc kê đơn như duloxetine, tramadol hay các loại NSAID mạnh hơn.
Những trường hợp thoái hóa khớp nặng có thể phải tiêm thuốc vào khớp để giảm viêm và cải thiện khả năng vận động. Các loại thuốc tiêm gồm có corticoid (corticosteroid) và axit hyaluronic.
Phương pháp điều trị bổ sung
Người bệnh có thể kết hợp dùng thuốc với các phương pháp điều trị bổ sung để kiểm soát các triệu chứng tốt hơn và cải thiện khả năng vận động.
Các phương pháp điều trị bổ sung có thể giúp làm giảm các triệu chứng thoái hóa khớp gồm có:
- Châm cứu
- Dụng cụ hỗ trợ, chẳng hạn như đai nẹp khớp, lót giày y khoa, gậy chống, khung tập đi và dụng cụ hỗ trợ thực hiện các hoạt động hàng ngày, ví dụ như đồ mở nắp
- Mát xa
- Thiền và các biện pháp thư giãn, giảm căng thẳng khác
- Hoạt động trị liệu
- Vật lý trị liệu
- Thủy trị liệu
Tập thể dục
Tập thể dục giúp tăng cường sức mạnh của các cơ hỗ trợ khớp, nhờ đó giúp cho khớp ổn định hơn và chuyển động linh hoạt hơn. Hoạt động thể chất thường xuyên còn giúp giảm cân hoặc kiểm soát cân nặng. Cân nặng hợp lý sẽ làm giảm áp lực lên khớp gối và khớp háng.
Người bị thoái hóa khớp nên kết hợp các bài tập cardio tác động thấp với tập thể hình. Ngoài ra, có thể kết hợp thêm yoga, pilates hoặc thái cực quyền để cải thiện sự linh hoạt.
Phẫu thuật
Nếu khớp bị hỏng nặng và không thể điều trị được bằng các phương pháp kể trên thì người bệnh sẽ phải phẫu thuật, gồm có phẫu thuật thay khớp. Bác sĩ sẽ cắt bỏ phần khớp bị hỏng và thay bằng khớp nhân tạo làm bằng nhựa hoặc kim loại. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định thay khớp bán phần hoặc toàn phần.
Khi nào cần đi khám?
Nếu bị đau khớp, sưng hoặc cứng khớp thường xuyên hoặc kéo dài dai dẳng thì bạn nên đi khám. Đó có thể là triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp hoặc viêm khớp vảy nến. Dù là bệnh lý nào thì việc phát hiện và điều trị sớm cũng sẽ có lợi. Bạn cũng nên đi khám khi da xuất hiện các mảng đỏ, khô, đóng vảy ở những vùng như da đầu, mặt hoặc dưới cánh tay.
Tuy rằng bệnh viêm khớp vảy nến và thoái hóa khớp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bắt đầu điều trị từ sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp giảm đáng kể các triệu chứng và duy trì chức năng khớp về lâu dài.
Thoái hóa khớp sau chấn thương là tình trạng các cấu trúc trong khớp bị tổn thương sau khi khớp bị chấn thương.
Thoái hóa khớp được chia thành hai loại: thoái hóa khớp nguyên phát và thoái hóa khớp thứ phát. Thoái hóa khớp nguyên phát xảy ra do sự hao mòn sụn không rõ nguyên nhân còn thoái hóa khớp thứ phát xảy ra do một bệnh lý khác.
Thoái hóa khớp hông xảy ra do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau khi chuyển động, điều này gây viêm và làm hỏng xương. Tình trạng này gây đau đớn và cứng khớp.
Thoái hóa khớp gối là một vấn đề phổ biến gây đau, sưng tấy, cứng khớp và giảm khả năng vận động. Có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, từ các biện pháp khắc phục tại nhà như chườm, tập thể dục nhẹ nhàng cho đến dùng thuốc và phẫu thuật.
Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể. Thoái hóa khớp là do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau. Điều này gây sưng, đau khớp và làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Thoái hóa khớp thường tiến triển từ từ theo thời gian. Một trong những khớp dễ bị thoái hóa nhất trên cơ thể là khớp bàn ngón chân cái (khớp nối ngón chân cái với xương bàn chân).