Các biện pháp khắc phục tại nhà để giảm đau do thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp xảy ra do sụn trong khớp bị phá hủy hoặc hao mòn theo thời gian.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), có hơn 100 loại viêm khớp khác nhau và thoái hóa khớp là loại phổ biến nhất. Ước tính có khoảng trên 500 triệu người bị thoái hóa khớp trên toàn thế giới. (1) Ở độ tuổi dưới 45 tuổi, nam giới có tỷ lệ bị thoái hóa khớp cao hơn phụ nữ nhưng ở độ tuổi trên 45, phụ nữ lại có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Thoái hóa khớp xảy ra do khớp bị hao mòn theo thời gian. Thoái hóa khớp khác hoàn toàn với bệnh viêm khớp dạng thấp, một loại viêm khớp tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm niêm mạc khớp.
Mặc dù thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng tình trạng này đa phần xảy ra ở các khớp của bàn tay, đầu gối, hông, cột sống cổ và cột sống thắt lưng.
Triệu chứng chính của bệnh thoái hóa khớp là đau và cứng khớp.
Hiện nay chưa có cách chữa khỏi hoặc đảo ngược tình trạng thoái hóa khớp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng.
Điều trị thoái hóa khớp bằng các biện pháp khắc phục tại nhà có hiệu quả không?
Để giảm đau và cứng khớp do thoái hóa khớp một cách hiệu quả, bạn nên kết hợp cả dùng thuốc, thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà. Sử dụng thuốc là cách hiệu quả nhất để giảm viêm và đau khớp nhưng lạm dụng thuốc sẽ gây hại cho sức khỏe.
Mặc dù các biện pháp khắc phục tại nhà không thể thay thế thuốc nhưng cũng có thể giúp làm giảm sưng, đau và cứng khớp. Các biện pháp này an toàn hơn nhiều so với thuốc. Trên thực tế, một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy thay đổi lối sống và các biện pháp điều trị tự nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng thoái hóa khớp. (2)
Dưới đây là một số phương pháp điều trị tự nhiên và biện pháp khắc phục tại nhà mà bạn có thể thử để điều trị bệnh thoái hóa khớp.
Chườm nóng và lạnh
Chườm nóng và lạnh là cách hiệu quả để giảm các triệu chứng thoái hóa khớp. Những cách này không gây ra các tác dụng phụ giống như thuốc giảm đau. Chườm nóng giúp giảm cứng khớp và cơ, trong khi chườm lạnh giúp giảm viêm và đau khớp.
Chườm còn giúp giảm đau cơ và co thắt cơ quanh khớp. Bạn có thể sử dụng túi chườm hoặc nhúng một chiếc khăn vào nước nóng rồi đắp lên khớp bị cứng. Có thể chườm lạnh bằng nước đá nhưng nên bọc nước đá trong khăn trước khi đặt lên khớp.
Tắm muối Epsom
Tắm muối Epsom có thể giúp giảm đau nhức toàn thân và đau ở khớp. Magie trong muối Epsom có tác dụng giảm viêm và giảm đau. Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng ngâm mình trong nước pha muối Epsom trong thời gian dài có thể làm tăng lượng magie trong cơ thể.
Bạn có thể mua muối Epsom ở các hiệu thuốc hoặc mua trực tuyến. Có thể tắm muối Epsom hàng ngày, mỗi lần 30 phút.
Ngoài giảm đau nhức, tắm muối Epsom còn mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe như giảm stress và thư giãn, cải thiện sức khỏe tim mạch và đảo thải độc tố khỏi cơ thể.
Thuốc giảm đau tại chỗ
Bạn có thể thử dùng các loại thuốc giảm đau bôi ngoài da thay cho các loại thuốc đường uống như acetaminophen và ibuprofen.
Những loại thuốc giảm đau này thường chứa thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc các hoạt chất khác giúp làm mất cảm giác ở khu vực bôi thuốc. Bôi thuốc trực tiếp lên các khớp bị đau. Hoạt chất trong thuốc sẽ thẩm thấu qua da, đi vào khớp và làm giảm cảm giác đau.
Một trong những hoạt chất được sử dụng phổ biến trong các loại thuốc giảm đau tại chỗ là diclofenac, một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Theo nghiên cứu vào năm 2020, diclofenac có hiệu quả giảm đau tốt khi bôi ngoài da.
Một hoạt chất khác trong các loại thuốc giảm đau tại chỗ là capsaicin. Đây là một hợp chất có trong quả ớt. Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy capsaicin cho hiệu quả giảm đau tốt nhất khi thoa lên khớp bị đau từ 3 đến 4 lần mỗi ngày. Tránh để thuốc dính vào mắt và phải rửa tay kỹ sau mỗi lần thoa thuốc.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử các loại cao hay dầu xoa bóp giảm đau. Những sản phẩm này thường được làm từ thảo dược.
Thảo dược
Ngày càng có nhiều người lựa chọn sử dụng thảo dược để điều trị các bệnh lý mạn tính như thoái hóa khớp. Một trong những lý do chính là vì mọi người cho rằng thảo dược có ít tác dụng phụ hơn thuốc Tây y.
Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào. Thảo dược cũng có thể gây tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc mà bạn đang dùng. Ngoài ra cần mua thảo dược ở những nơi uy tín. Dưới đây là một số loại thảo dược có lợi cho bệnh thoái hóa khớp.
Trà xanh
Trà xanh có chứa polyphenol. Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy nhóm hợp chất thực vật này có thể giúp giảm viêm và giảm nhu cầu dùng thuốc.
Một nghiên cứu nhỏ vào năm 2018 cho thấy trà xanh có thể giúp cải thiện chức năng khớp ở những người bị thoái hóa khớp, nhưng cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng những công dụng này.
Những người có vấn đề về gan nên thận trọng khi uống trà xanh. Nếu sử dụng thực phẩm chức năng chứa chiết xuất trà xanh, bạn cần dùng tuân thủ hướng dẫn về liều dùng để tránh gặp phải tác dụng phụ.
Gừng
Gừng cũng đã được nghiên cứu chứng minnh là có tác dụng giảm đau do thoái hóa khớp. Theo một nghiên cứu vào năm 2015, sử dụng gừng lâu dài thậm chí còn có thể làm giảm nguy cơ tàn tật do thoái hóa khớp.
Tốt nhất bạn nên dùng gừng làm gia vị nấu ăn hoặc uống trà gừng thay vì dùng thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng chứa chiết xuất gừng có thể gây tác dụng phụ.
Tuy nhiên, cũng không nên uống quá nhiều trà gừng. Điều này có thể gây đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy và ợ chua. Lưu ý, gừng còn có thể tương tác với một số loại thuốc, ví dụ như thuốc chống đông máu. Gừng cũng có đặc tính làm loãng máu nên nếu dùng cùng thuốc chống đông máu thì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
Nghệ và hợp chất curcumin
Curcumin là hợp chất hoạt tính trong củ nghệ. Mặc dù nghệ và gừng thuộc cùng họ nhưng hai loại củ này giúp điều trị thoái hóa khớp theo các cơ chế khác nhau. Một nghiên cứu vào năm 2016 trên chuột bị thoái hóa khớp cho thấy hợp chất curcumin có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hóa khớp và giúp giảm đau. Tuy nhiên, một tổng quan gồm các nghiên cứu lâm sàng trên người vào năm 2017 lại không tìm thấy kết quả tương tự. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác minh hiệu quả của củ nghệ cũng như hợp chất curcumin trong điều trị bệnh thoái hóa khớp.
Bạn có thể dùng nghệ làm gia vị nấu ăn, uống tinh bột nghệ hoặc thực phẩm chức năng curcumin. Liều dùng khuyến nghị là 500mg x 02 lần mỗi ngày. Mặc dù nghệ nói chung là an toàn nhưng có thể gây buồn nôn và có thể tương tác với thuốc chống đông máu.
Thay đổi lối sống
Một số thay đổi về lối sống có thể giúp giảm đau về lâu dài. Tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và chức năng của khớp. Thường xuyên hoạt động thể chất sẽ giúp các cơ hỗ trợ khớp trở nên khỏe hơn và cải thiện khả năng vận động.
Tập thể dục
Khi các khớp bị đau và cứng, việc tập thể dục sẽ khó khăn nhưng duy trì hoạt động thể chất sẽ giúp giảm đau về lâu dài, tăng cường các cơ hỗ trợ chuyển động khớp và ngăn khớp bị tổn thương thêm. Theo Tổ chức Viêm khớp (the Arthritis Foundation), tập thể dục là “phương pháp điều trị không dùng thuốc hiệu quả nhất để giảm đau và cải thiện khả năng vận động ở bệnh nhân thoái hóa khớp”. (3)
Người bị thoái hóa khớp nên kết hợp cả tập cardio và các bài tập kháng lực nhẹ, có tác dụng cải thiện tính linh hoạt và ít gây áp lực lên khớp. Một số hình thức tập luyên phù hợp gồm có:
- Đạp xe
- Bơi lội
- Thái cực quyền
- Đi bộ
- Yoga
Bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ tập luyện mới, đặc biệt là khi bạn chưa từng tập thể dục trước đây. Tổ chức Viêm khớp khuyến nghị nên tập cardio cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần hoặc tập cường độ cao 75 phút mỗi tuần. Ban đầu, bạn có thể chọn các bài tập nhẹ nhàng và tập trong thời gian ngắn, sau đó tăng dần cường độ và thời gian tập.
Ví dụ, ban đầu bạn có thể chỉ cần đi bộ chậm 10 - 15 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần tốc độ và thời gian đi bộ. Nếu bạn là người ít vận động thì sẽ cảm thấy hơi đau khớp khi mới bắt đầu tập thể dục. Hãy nghỉ 1 - 2 ngày rồi tiếp tục tập. Đừng từ bỏ.
Ăn thực phẩm tốt cho xương khớp
Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ giúp giảm cân và cải thiện sức khỏe tổng thể. Một số loại thực phẩm còn có thể giúp cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp. Một trong những chế độ ăn đã được chứng minh là có lợi cho người bị thoái hóa khớp là chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải. Chế độ ăn này gồm các loại thực phẩm có đặc tính chống viêm như các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám, cá và rau củ quả.
Theo một nghiên cứu nhỏ vào năm 2020, các loại rau họ Cải như bông cải xanh, cải bó xôi, rau diếp, cải xoăn và bắp cải rất giàu vitamin K và có đặc tính chống viêm. Bên cạnh đó, chế độ ăn nên có các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, phô mai. Sữa rất giàu canxi và vitamin D. Đây là những chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sức khỏe xương khớp.
Ngoài ra, bạn nên ăn các loại hạt và dầu có nguồn gốc từ thực vật, ví dụ như dầu ô liu. Một nhóm thực phẩm có lợi khác là các loại cá giàu axit béo omega-3, chẳng hạn như cá ngừ, cá hồi và cá thu.
Tránh các loại thực phẩm có thể làm nặng thêm các triệu chứng thoái hóa khớp và tăng tình trạng viêm trong cơ thể, ví dụ như:
- Rượu bia
- Aspartame, một chất làm ngọt nhân tạo
- Muối
- Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
- Axit béo omega-6
- Đường
- Ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng và mì ống
- Bột ngọt (MSG)
- Gluten
- Casein
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Ở những người bị thừa cân, giảm cân có thể giúp giảm đau khớp và ngăn ngừa thoái hóa khớp.
Duy trì cân nặng vừa phải sẽ giúp giảm áp lực lên khớp, từ đó giúp giảm đau và viêm.
Điều này đặc biệt có lợi cho những người bị thoái hóa khớp ở đầu gối và hông vì đây là những khớp phải chịu trọng lượng cơ thể.
Có cách nào chữa khỏi được thoái hóa khớp không?
Thoái hóa khớp là một bệnh mạn tính không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh, làm giảm các triệu chứng và ngăn khớp bị hỏng nặng thêm. Bên cạnh dùng thuốc, thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà cũng là một phần quan trọng trong việc điều trị thoái hóa khớp.
Thoái hóa khớp hông xảy ra do sụn trong khớp bị mòn, khiến cho các đầu xương cọ xát vào nhau khi chuyển động, điều này gây viêm và làm hỏng xương. Tình trạng này gây đau đớn và cứng khớp.
Thoái hóa khớp là một loại viêm khớp xảy ra do sụn bị phá hủy. Điều này khiến các xương trong khớp cọ xát vào nhau, gây viêm, đau đớn, cứng khớp và còn có thể dẫn đến hình thành gai xương. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả khớp háng (hông).
Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) và thoái hóa khớp (osteoarthritis) là hai trong số những dạng viêm khớp phổ biến nhất. Thoái hóa khớp xảy ra do sự hao mòn khớp theo thời gian và đa phần xảy ra ở người cao tuổi trong khi viêm khớp vảy nến là một bệnh tự miễn có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào.
Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất với hàng trăm triệu người mắc phải trên toàn thế giới. Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn bị hao mòn hoặc phá hủy. Sụn là mô liên kết bao bọc các đầu xương, giúp cho khớp chuyển động trơn tru và giảm lực tác động lên các xương.
Bệnh thoái hóa khớp có thể gây ra các biến chứng như đau mạn tính, gián đoạn giấc ngủ và tăng cân. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này nhưng điều trị sớm và đúng cách có thể giúp ngăn ngừa biến chứng.