Sử dụng biện pháp tránh thai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường là do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu gây ra. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng niệu đạo, bàng quang, niệu quản hoặc thận.
Nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Trên thực tế, hơn một nửa số phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời. (1)
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, trong đó có một số biện pháp tránh thai.
Những biện pháp tránh thai làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu
Không phải tất cả các biện pháp tránh thai đều làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại biện pháp tránh thai có thể gây ra điều này, gồm có:
- Màng ngăn âm đạo: là một dụng cụ tránh thai hình vòm bằng silicone được đặt bên trong âm đạo và khít với cổ tử cung, tạo ra một rào cản ngăn cách giữa tử cung và tinh trùng.
- Mũ chụp cổ tử cung: tương tự như màng ngăn âm đạo và cũng ngăn tinh trùng đi vào tử cung. Điểm khác biệt chính là mũ chụp cổ tử cung nhỏ hơn màng ngăn âm đạo và khít với cổ tử cung hơn.
- Thuốc diệt tinh trùng: có dạng kem, gel, bọt và thuốc đạn. Thuốc diệt tinh trùng bít cổ tử cung và đồng thời chứa chất hóa học giết chết tinh trùng. Thuốc diệt tinh trùng có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với màng chắn âm đạo, mũ chụp cổ tử cung hay bao cao su.
- Bao cao su có chất diệt tinh trùng: một số loại bao cao su được phủ chất diệt tinh trùng để tăng hiệu quả ngừa thai.
Tại sao một số biện pháp tránh thai làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu?
Âm đạo bình thường có chứa các vi khuẩn có lợi giúp giữ cho âm đạo khỏe mạnh và cân bằng độ pH. Tuy nhiên, một số yếu tố, chẳng hạn như sử dụng các biện pháp tránh thai kể trên, có thể tiêu diệt những vi khuẩn có lợi này.
Điều này phá vỡ sự cân bằng vi sinh vật tự nhiên của âm đạo, khiến cho vi khuẩn có hại phát triển quá mức và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ngoài ra, màng ngăn âm đạo có thể chèn ép lên niệu đạo và khiến cho bàng quang không thể làm trống hoàn toàn khi đi tiểu. Nước tiểu còn sót lại trong bàng quang có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn phát triển và dẫn đến nhiễm trùng.
Thuốc tránh thai đường uống có làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc tránh thai đường uống không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. (2)
Ngoài ra, trong một cuộc họp báo vào năm 2019, Cơ quan Nghiên cứu Y tế và Chất lượng (Agency for Healthcare Research and Quality) đã tuyên bố rằng các yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát đã được xác định rõ và không gồm có việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống.
Mặc dù một số phụ nữ dùng thuốc tránh thai đường uống cho biết họ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều hơn so với những phụ nữ không dùng thuốc tránh thai nhưng điều này có thể là do một nguyên nhân khác chứ không phải do thuốc tránh thai. Theo một số chuyên gia, những phụ nữ uống thuốc tránh thai quan hệ tình dục nhiều hơn và đây có thể là lý do tại sao họ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều hơn.
Nói chung, quan hệ tình dục là một yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu vì vi khuẩn có thể được đưa vào đường tiết niệu trong khi quan hệ tình dục.
Các biện pháp tránh thai không gây nhiễm trùng đường tiết niệu
Ngoài thuốc tránh thai đường uống, các biện pháp tránh thai sau đây cũng không làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Bao cao su (không có chất diệt tinh trùng)
- Vòng tránh thai
- Thuốc tránh thai dạng tiêm Depo-Provera
- Que cấy tránh thai
- Vòng âm đạo NuvaRing
- Miếng dán tránh thai
- Thắt ống dẫn trứng hoặc thắt ống dẫn tinh
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
Ngoài quan hệ tình dục thường xuyên và sử dụng một số biện pháp tránh thai, những điều sau đây cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Sử dụng sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm: Các sản phẩm như dung dịch thụt rửa, băng vệ sinh hoặc tampon có mùi thơm và xịt khử mùi vùng kín có thể gây mất cân bằng pH tự nhiên trong âm đạo và dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại.
- Lau từ sau ra trước: Lau từ sau ra trước khi đi vệ sinh có thể đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo và dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Thay vào đó, hãy lau từ trước ra sau.
- Không đi tiểu sau khi quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo. Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục sẽ đẩy vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu.
- Nhịn tiểu: Nhịn tiểu quá lâu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể gây xáo trộn hệ vi khuẩn trong đường tiết niệu. Ngoài ra, vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi chèn ép lên bàng quang, khiến cho bàng quang không thể làm trống hoàn toàn khi đi tiểu. Nước tiểu sót lại trong bàng quang có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Mãn kinh: Sự sụt giảm mức estrogen khi mãn kinh khiến mô âm đạo trở nên khô và teo đi, điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Hệ miễn dịch yếu có nghĩa là cơ thể khó chống lại nhiễm trùng hơn. Bất cứ điều gì làm suy yếu hệ miễn dịch đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Sỏi thận: Sỏi thận gây cản trở dòng nước tiểu chảy từ thận vào bàng quang và điều này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Sử dụng ống thông tiểu: Đặt ống thông tiểu có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo.
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu
Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Một số triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Đi tiểu nhiều lần
- Tiểu gấp
- Nước tiểu có máu, đục hoặc sẫm màu
- Căng tức hoặc đau bụng
- Sốt
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đa số các loại thuốc kháng sinh được dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu đều rất hiệu quả và thời gian điều trị chỉ kéo dài vài ngày.
Ngoài ra còn có các loại thuốc khác cũng được dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, ví dụ như thuốc giảm đau.
Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu đã tiến triển nặng, bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc khác kèm theo thuốc kháng sinh. Nếu tình trạng nhiễm trùng quá nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải nhập viện điều trị.
Trong thời gian điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh cần:
- Uống nhiều nước để tăng đi tiểu, điều này giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và ngăn tình trạng nhiễm trùng tiến triển nặng thêm.
- Tránh những thứ gây kích thích bàng quang như caffeine, đồ uống có cồn, trái cây họ cam quýt, đồ ăn có tính axit và đồ ăn cay.
- Chườm ấm lên bụng để đau.
Tóm tắt bài viết
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, trong đó có một số biện pháp tránh thai, chẳng hạn như màng ngăn âm đạo, mũ chụp cổ tử cung, thuốc diệt tinh trùng và bao cao su có chất diệt tinh trùng.
Nếu bạn đang dùng các biện pháp tránh thai này và bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc lo lắng về nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu thì có thể cân nhắc chuyển sang các biện pháp tránh thai khác như thuốc tránh thai đường uống.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Dầu dừa cũng là một phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Dầu dừa chứa axit béo có đặc tính kháng khuẩn và vì thế nên dầu dừa được cho là có tác dụng chống nhiễm trùng. Nhưng điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng dầu dừa có thực sự hiệu quả và an toàn hay không? Cách sử dụng dầu dừa như thế nào?
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra nhiều triệu chứng như đau bụng dưới, buồn tiểu liên tục, nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu đục, có mùi nồng và thậm chí có máu. Các triệu chứng này thường thuyên giảm nhanh chóng sau khi bắt đầu điều trị.
Nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp (complicated urinary tract infection) là nhiễm trùng đường tiết niệu không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Điều này có thể là do các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như tuổi tác và sự khác biệt về cấu tạo đường tiết niệu.
Nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thực phẩm và đồ uống, chẳng hạn như nước ngọt có ga, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nhiễm trùng đường tiết niệu.