Chế độ ăn uống có ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu?
Nhiều ý kiến cho rằng chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu (hay viêm đường tiết niệu). Một số loại thực phẩm và đồ uống được cho là có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu trong khi một số khác lại có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
Vậy điều này có đúng hay không? Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu như thế nào? Để phòng ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu thì cần ăn và tránh những loại thực phẩm nào? Hãy cùng tìm hiểu những điều này trong bài viết dưới đây.
Chế độ ăn uống có thể ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Cho đến nay vẫn chưa có nhiều bằng chứng chứng minh mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mặc dù một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại đồ uống và thói quen ăn uống nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng hầu hết đều chưa giải thích rõ chế độ ăn uống ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu như thế nào và liệu một số loại thực phẩm và đồ uống có giúp rút ngắn thời gian hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.
Trên thực tế, theo nghiên cứu, chế độ ăn uống và lượng nước uống không được coi là yếu tố nguy cơ độc lập của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tuy nhiên, vẫn có nghiên cứu về tác động của chế độ ăn uống, thực phẩm và đồ uống đến nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Kết quả của những nghiên cứu này sẽ được nêu ở phần bên dưới.
Tóm tắt: Chưa có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nhiễm trùng đường tiết niệu. Chế độ ăn uống hiện không được coi là một yếu tố nguy cơ độc lập của nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rằng một số chế độ ăn uống nhất định có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Những thực phẩm làm tăng hoặc giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
Nghiên cứu cho thấy rằng một số chế độ ăn uống nhất định có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong khi đó, một số loại thực phẩm và đồ uống lại có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Chế độ ăn dựa trên thực vật
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn chay có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2020 đã theo dõi 9.724 người theo đạo Phật trong vòng 9 năm và nhận thấy rằng chế độ ăn chay giúp làm giảm 16% nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguy cơ giảm rõ rệt nhất ở phụ nữ. (1)
Theo các nhà nghiên cứu, một số loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, gồm có thịt lợn và thịt gia cầm, cung cấp thức ăn cho vi khuẩn E. coli – thủ phạm chính gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Điều này có nghĩa là việc theo chế độ ăn có thịt có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và dẫn đến nhiễm trùng. Theo các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu vào năm 2020, vì chế độ ăn chay không có các loại thực phẩm có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây hại nên người theo chế độ ăn chay có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu thấp hơn.
Ngoài ra, chế độ ăn chay còn có thể làm giảm tính axit của nước tiểu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nước tiểu có tính axit yếu hơn và có độ pH trung tính, vi khuẩn sẽ giảm khả năng sinh sôi phát triển và nhờ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Thịt đỏ và các nguồn protein động vật khác sẽ làm tăng tính axit của nước tiểu trong khi trái cây và rau củ lại có thể làm giảm tính axit của nước tiểu.
Đó là lý do tại sao chế độ ăn chay có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về lợi ích này của chế độ ăn chay.
Tóm tắt: Một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn chay có thể giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do có thể là vì một số loại thực phẩm nguồn gốc động vật như thịt lợn cung cấp thức ăn cho vi khuẩn E. coli – thủ phạm chính của hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu.
Những đồ uống làm tăng hoặc giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
Các nghiên cứu cũng đã tìm thấy mối liên hệ giữa một số loại đồ uống và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nước có ga có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một nghiên cứu với sự tham gia của 225 phụ nữ đã chứng minh rằng uống nước ngọt có ga có mối liên hệ chặt chẽ với nhiễm trùng đường tiết niệu.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một số loại đồ uống gây kích thích bàng quang và có thể gây ra các triệu chứng đường tiết niệu dưới.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 30 phụ nữ cho thấy rằng việc cắt giảm các loại thực phẩm và đồ uống gây kích thích, gồm có cà phê, trà, rượu bia, đồ uống có ga và đồ uống chứa chất làm ngọt nhân tạo có thể làm giảm các triệu chứng đường tiết niệu dưới, gồm có tiểu gấp và tiểu nhiều lần. (2)
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa thể xác định được sự thuyên giảm các triệu chứng là nhờ giảm một loại đồ uống nào đó hay nhờ giảm tất cả các loại đồ uống kể trên.
Một nghiên cứu khác với sự tham gia của 4.145 người trưởng thành cũng tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống cà phê và nước có ga với nhiễm trùng đường tiết niệu dưới.
Mặt khác, một số nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại thực phẩm và đồ uống có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Một nghiên cứu vào năm 2003 ở 324 phụ nữ đã phát hiện ra rằng thường xuyên uống nước ép rau củ quả tươi, đặc biệt là nước ép quả mọng, và ăn các sản phẩm từ sữa lên men như sữa chua, có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. (3)
Nghiên cứu được thực hiện trên 4.145 nam giới và phụ nữ còn cho thấy rằng uống nước ép trái cây họ cam quýt có thể làm giảm 50% triệu chứng đường tiết niệu dưới ở nam giới.
Ngoài ra, tăng lượng nước uống hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Một nghiên cứu vào năm 2019 được thực hiện trên những người lớn tuổi sống tại viện dưỡng lão cho thấy rằng uống đủ 6 – 8 ly (1,5 – 1,8l) nước mỗi ngày giúp giảm 58% nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng kháng sinh và 36% nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cần nhập viện.
Một nghiên cứu khác ở 140 phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát uống dưới 1,5 lít nước mỗi ngày cho thấy những người tăng lượng nước uống hàng ngày thêm 1,5 lít trong vòng 1 năm ít bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát hơn so với những người giữ nguyên lượng nước uống. (4)
Uống nhiều nước mỗi ngày là một cách rất đơn giản mà hiệu quả để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Đồ ăn và đồ uống gây kích thích bàng quang
Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên tránh các loại đồ uống có thể gây kích thích bàng quang, chẳng hạn như cà phê, trà, nước có ga, đồ uống có cồn và đồ uống chứa chất làm ngọt nhân tạo như nước ngọt có ga dành cho người ăn kiêng. Điều này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy rằng một số loại thực phẩm và đồ uống, gồm có đồ ăn cay, đồ uống có cồn, đồ uống chứa caffeine, chất làm ngọt nhân tạo, một số loại trái cây và nước ép trái cây còn có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng của các bệnh liên quan đến bàng quang như hội chng đau bàng quang/viêm bàng quang kẽ.
Những bệnh này khác với nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mặc dù việc hạn chế hoặc kiêng những thực phẩm và đồ uống kể trên có thể giúp giảm đau đớn, khó chịu nhưng hiện tại chưa có bằng chứng nào khẳng định chắc chắn việc tránh một số loại thực phẩm hay đồ uống có thể giúp chữa khỏi hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tóm tắt: Một số loại đồ uống như nước có ga, caffeine, rượu bia và đồ uống chứa chất làm ngọt nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và kích thích bàng quang. Uống đủ nước, uống nước ép rau củ quả tươi và sản phẩm từ sữa lên men có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Thay đổi lối sống để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu
Ngoài điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi một số thói quen sống khác cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Hệ miễn dịch bị suy yếu
- Quan hệ tình dục từ 4 lần trở lên mỗi tuần
- Mức estrogen thấp
- Bất thường về cấu tạo hệ tiết niệu và sinh dục
- Rối loạn chức năng bàng quang
- Quan hệ tình dục với bạn tình mới và sử dụng thuốc diệt tinh trùng, điều này có thể làm thay đổi độ ph âm đạo
- Có tiền sử gia đình mắc nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi còn nhỏ
- Có nhóm máu không xuất tiết, có nghĩa là các chất dịch cơ thể như nước mắt, nước bọt, nước tiểu hoặc sữa mẹ không có các kháng nguyên nhóm máu
- Mất cân bằng hệ vi khuẩn
- Thường xuyên nhịn tiểu
Tuy rằng cần nghiên cứu thêm nhưng một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có thường xuyên mặc đồ lót và quần chật, thói quen ngâm mình trong bồn nước nóng, không đi tiểu sau khi quan hệ tình dục và thụt rửa âm đạo.
Mặc dù một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được, ví dụ như dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, nhóm máu hay tiền sử gia đình nhưng bạn hoàn toàn có thể thay đổi chế độ ăn uống và các thói quen hàng ngày để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng hiện tại chưa có bằng chứng nào chứng minh bất kỳ loại thực phẩm hay đồ uống nào có thể điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nên đi khám khi có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu và khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát để được điều trị thích hợp. Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, gồm có nhiễm trùng máu, đây là một tình trạng có thể đe dọa đến tính mạng.
Tóm tắt: Một số thay đổi về lối sống có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nên đi khám nếu thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy rằng một số thay đổi trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu và giảm một số triệu chứng liên quan đến bàng quang nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ điều này.
Chế độ ăn chay, tăng lượng nước uống và tránh các tác nhân gây kích thích bàng quang như nước có ga, đồ uống có cồn, caffeine và chất làm ngọt nhân tạo có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và giảm nhẹ các triệu chứng.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thể đưa ra kết luận chắc chắn về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nếu bạn thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu, điều quan trọng là phải đi khám để được điều trị đúng cách. Bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tái phát.
Không phải tất cả các biện pháp tránh thai đều làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại biện pháp tránh thai có thể gây ra điều này, ví dụ như màng ngăn âm đạo, mũ chụp cổ tử cung và thuốc diệt tinh trùng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra nhiều triệu chứng như đau bụng dưới, buồn tiểu liên tục, nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu đục, có mùi nồng và thậm chí có máu. Các triệu chứng này thường thuyên giảm nhanh chóng sau khi bắt đầu điều trị.
Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.
Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.
Mặc dù nguy cơ thấp hơn phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ở nam giới, nhiễm trùng đường tiết niệu được coi là một bệnh nhiễm trùng phức tạp. Các triệu chứng thường gặp gồm có tiểu gấp, tiểu nhiều lần và nóng rát khi đi tiểu.