Phân biệt nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang

Nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang có một số triệu chứng tương tự nhau như đi tiểu nhiều lần và đau. Nên đi khám ngay khi gặp những triệu chứng này để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Phân biệt nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang Phân biệt nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang

Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu. Nhiễm trùng bàng quang là loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất nhưng nhiễm trùng cũng có thể xảy ra ở thận. Nhiễm trùng đường tiết niệu khác với ung thư bàng quang. Ung thư xảy ra khi các tế bào trong bàng quang biến đổi và nhân lên một cách mất kiểm soát.

Mặc dù một số triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Hãy đi khám khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp.

Dưới đây là điểm khác biệt về triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị giữa ung thư bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu.

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang

Hãy đi khám khi có bất kỳ sự thay đổi bất thường nào khi đi tiểu, chẳng hạn như đau hoặc tăng tần suất đi tiểu. Bác sĩ sẽ thực hiện một số bước kiểm tra để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Nếu nghi ngờ trẻ nhỏ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa. Ở trẻ từ 0 – 3 tuổi và người cao tuổi, sốt có thể là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu.

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu

Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Đau hoặc nóng rát đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Nước tiểu có máu hoặc đục, mùi nồng
  • Buồn tiểu nhưng không tiểu được
  • Khó chịu ở bụng dưới hoặc bẹn

Nhiễm trùng bàng quang là loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất. Nhiễm trùng bàng quang không được điều trị có thể lan đến thận. Lúc này, tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Các triệu chứng của nhiễm trùng thận gồm có:

  • Sốt/ớn lạnh
  • Đau thắt lưng
  • Buồn nôn và/hoặc nôn mửa

Triệu chứng ung thư bàng quang

Triệu chứng đầu tiên của ung thư bàng quang thường là tiểu ra máu. Tuy nhiên, ung thư bàng quang cũng có thể gây ra các triệu chứng khác tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Buồn tiểu nhưng không tiểu được

Khi ung thư bàng quang tiến triển, các triệu chứng khác sẽ xuất hiện, gồm có:

  • Đau một bên lưng dưới
  • Đau bụng
  • Tiểu khó
  • Sụt cân không chủ đích
  • Mệt mỏi
  • Sưng phù chân

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang

Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang có một số triệu chứng giống nhau nhưng hai bệnh lý này có nguyên nhân và yếu tố nguy cơ hoàn toàn khác nhau.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường là do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và đi lên các cơ quan ở trên trong đường tiết niệu. Vi khuẩn có thể đến từ da hoặc hậu môn. Phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn và nằm gần trực tràng hơn, điều này khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào đường tiết niệu hơn.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu còn có:

  • Tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Quan hệ tình dục
  • Mang thai
  • Vệ sinh kém
  • Tuổi tác (người lớn tuổi và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn)
  • Vấn đề về cấu trúc đường tiết niệu
  • Mất cân bằng hệ vi sinh vật âm đạo, ví dụ như do sử dụng thuốc diệt tinh trùng hoặc thay đổi nội tiết tố

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang xảy ra do đột biến trong DNA của tế bào bàng quang khiến chúng phát triển mất kiểm soát. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Những yếu tố này không trực tiếp gây ra bệnh ung thư mà chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Những yếu tố nguy cơ này gồm có:

  • Sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là hút thuốc lá
  • Là nam giới
  • Tuổi cao (trên 55 tuổi)
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư bàng quang
  • Mang một số đột biến gen như HRAS, RB1, PTEN/MMAC1, NAT2, GSTM1
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
  • Từng xạ trị ở vùng chậu hoặc điều trị ung thư bằng một số loại thuốc hóa trị như cyclophosphamide
  • Uống nước qua xử lý bằng clo hoặc nước nhiễm asen
  • Tiếp xúc với một số loại hóa chất độc hại

Nhiễm trùng đường tiết niệu có dẫn đến ung thư bàng quang không?

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang do phản ứng viêm lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, đây là trường hợp hiếm gặp và cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận mối liên hệ này.

Những người thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu và lo lắng về nguy cơ mắc ung thư bàng quang có thể cân nhắc khám sàng lọc ung thư.

Ung thư bàng quang có gây nhiễm trùng đường tiết niệu không?

Ung thư bàng quang đôi khi có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều này là do ung thư phá hỏng lớp màng bảo vệ của bàng quang, khiến cho bàng quang dễ bị nhiễm trùng và một khi bị nhiễm trùng thì sẽ khó điều trị hơn.

Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang

Để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiến hàn khám lâm sàng. Sau đó, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng như bạch cầu hay vi khuẩn trong nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu có thể xác nhận chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu.

Quá trình chẩn đoán ung thư bàng quang phức tạp hơn, gồm nhiều xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác nhau. Ngoài khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình, xét nghiệm nước tiểu và khám lâm sàng, người bệnh sẽ phải trải qua các bước chẩn đoán khác sau đây:

  • Nội soi bàng quang: đưa ống soi qua niệu đạo vào bàng quang để xem có khu vực bất thường nào hay không.
  • Sinh thiết: nếu phát hiện khu vực bất thường trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô tại đó. Mẫu mô được kiểm tra dưới kính hiển vi xem có tế bào ung thư hay không
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp thận tĩnh mạch (IVP): các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp khối u ở thận, bàng quang và niệu quản.
  • Xét nghiệm chất chỉ dấu khối u trong nước tiểu: xét nghiệm này giúp phát hiện các chất được tạo ra bởi các tế bào ung thư bàng quang hoặc phản ứng của cơ thể với ung thư bàng quang.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang

Nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang là do những nguyên nhân khác nhau gây ra nên cách điều trị sẽ khác nhau.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần do vi khuẩn gây ra và được điều trị bằng thuốc kháng sinh, có thể kết hợp với các thay đổi lối sống uống nhiều nước để đào thải vi khuẩn. Nhiễm trùng bàng quang thường có thể trị khỏi bằng kháng sinh đường uống nhưng nhiễm trùng thận có thể phải điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch.

Điều trị ung thư bàng quang

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư bàng quang, chẳng hạn như:

  • Phẫu thuật
  • Xạ trị
  • Hóa trị
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Liệu pháp nhắm trúng đích

Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào loại, giai đoạn ung thư và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù có một số triệu chứng tương tự nhưng nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang là hai bệnh riêng biệt với nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị khác nhau.

Các triệu chứng của ung thư bàng quang, đặc biệt là ở giai đoạn đầu, có thể giống với triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều quan trọng là phải đi khám khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau một thời gian điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy báo cho bác sĩ. Có thể phải đổi thuốc kháng sinh hoặc cũng có thể các triệu chứng là do một bệnh lý khác không phải nhiễm trùng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư bàng quang
Tin liên quan
Phân biệt nhiễm trùng nấm men và nhiễm trùng đường tiết niệu
Phân biệt nhiễm trùng nấm men và nhiễm trùng đường tiết niệu

Nếu bạn cảm thấy đau hoặc nóng rát ở bộ phận sinh dục hoặc khi đi tiểu thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng nấm men. Mặc dù đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau nhưng lại có một số điểm tương đồng về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp phòng ngừa.

Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?
Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?

Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.

Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần do vi khuẩn E. coli gây ra?
Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần do vi khuẩn E. coli gây ra?

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều là do vi khuẩn E. coli gây ra và phương pháp điều trị là dùng thuốc kháng sinh. Nếu có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy nhanh chóng đi khám để ngăn nhiễm trùng lan đến thận.

Tại sao đã điều trị bằng kháng sinh mà nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn không khỏi?
Tại sao đã điều trị bằng kháng sinh mà nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn không khỏi?

Nếu các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn kéo dài sau khi điều trị thì có thể phải điều trị bằng một loại thuốc khác hoặc cũng có thể các triệu chứng là do một bệnh lý khác gây ra.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây