1

Ung thư bàng quang: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư bàng quang là bệnh ung thư bắt đầu ở tế bào của bàng quang. Ung thư bàng quang gây ra các triệu chứng về tiết niệu cùng các triệu chứng khác như đau lưng và mệt mỏi. Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn và loại ung thư.
Ung thư bàng quang: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng Ung thư bàng quang: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư bàng quang xảy ra khi các tế bào bàng quang phân chia và phát triển mất kiểm soát. Các tế bào này hình thành khối u và theo thời gian sẽ lan đến các cơ và cơ quan xung quanh bàng quang cũng như các cơ quan ở xa trong cơ thể.

Ung thư ở các vị trí khác có thể lan đến bàng quang nhưng được gọi là ung thư di căn bàng quang. Ung thư bàng quang là ung thư bắt đầu ở bàng quang.

Vào năm 2020, ước tính trên thế giới có khoảng tren 570.000 ca mắc mới ung thư bàng quang. Ung thư bàng quang xếp thứ 10 trong số những bệnh ung thư phổ biến nhất. Căn bệnh này phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ.

Triệu chứng ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang có nhiều triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Tiểu ra máu, khiến nước tiểu có màu nâu đỏ, đỏ tươi hoặc hồng
  • Đau khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Buồn tiểu đột ngột, dữ dội (tiểu gấp)
  • Tiểu không tự chủ

Ung thư bàng quang còn có thể gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là khi ung thư đã lan ra ngoài bàng quang. Các triệu chứng này gồm có:

  • Đau ở vùng bụng
  • Đau ở một bên thắt lưng
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Ăn không ngon miệng
  • Đau xương
  • Sưng phù bàn chân

Nguyên nhân gây ung thư bàng quang

Ung thư xảy ra khi DNA của tế bào bị đột biến, khiến các tế bào phát triển và nhân lên nhanh chóng một cách mất kiểm soát. Các tế bào này hình thành nên khối u và lan đến các vị trí khác trong cơ thể.

Mặc dù một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ biến đổi DNA của tế bào nhưng đột biến cũng có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên. Đến nay khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân chính xác gây đột biến DNA của tế bào dẫn đến ung thư.

Ai có nguy cơ mắc ung thư bàng quang?

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang gồm có:

  • Hút thuốc lá
  • Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư, chẳng hạn như hóa chất dùng trong sản xuất dầu mỏ, cao su, kim loại, sơn, thuốc nhuộm hoặc khói diesel
  • Tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang
  • Mang một số đột biến gen
  • Mắc bệnh sán máng, một loại nhiễm trùng bàng quang do ký sinh trùng gây ra
  • Uống nước bị nhiễm asen hoặc clo
  • Dùng một số loại thảo dược hoặc thực phẩm chức năng
  • Từng điều trị bằng thuốc hóa trị cyclophosphamide (Cytoxan) hoặc ifosfamide (ifex)
  • Từng xạ trị để điều trị ung thư ở vùng chậu
  • Nhiễm trùng bàng quang mạn tính hoặc sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
  • Không uống đủ nước
  • Dị tật bàng quang bẩm sinh

Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn ít nhất ba lần so với những người không hút thuốc.

Tỷ lệ mắc ung thư bàng quang cũng cao hơn ở một số nhóm đối tượng như:

  • Nam giới
  • 55 tuổi trở lên
  • Người da trắng

Cần lưu ý, có những yếu tố này không có nghĩa là chắc chắn sẽ bị ung thư bàng quang. Nhiều trường hợp ung thư bàng quang không có các yếu tố nguy cơ kể trên trong khi lại có những người dù có nhiều yếu tố nguy cơ nhưng không mắc bệnh.

Các loại ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang được phân loại dựa trên loại tế bào mà ung thư bắt đầu phát triển. Các loại ung thư bàng quang chính gồm có:

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp

Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp hay ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất. Loại ung thư này bắt đầu ở các tế bào chuyển tiếp ở lớp bên trong của bàng quang. Tế bào chuyển tiếp là những tế bào có khả năng thay đổi hình dạng mà không bị hỏng khi mô bị kéo giãn.

Ung thư biểu mô tế bào vảy

Ung thư biểu mô tế bào vảy bắt đầu khi các tế bào vảy mỏng, dẹt hình thành trong bàng quang sau khi bị bàng quang bị nhiễm trùng hoặc kích thích trong thời gian dài.

Ung thư biểu mô tuyến

Ung thư biểu mô tuyến bắt đầu khi các tế bào tuyến hình thành trong bàng quang sau khi bàng quang bị kích thích và viêm trong thời gian dài. Các tế bào tuyến tạo nên các tuyến tiết chất nhầy trong cơ thể.

Ung thư biểu mô tế bào nhỏ

Ung thư biểu mô tế bào nhỏ bắt đầu trong các tế bào thần kinh nội tiết. Những tế bào này giải phóng hormone vào máu theo tín hiệu từ hệ thần kinh.

Chẩn đoán ung thư bàng quang

Nếu người bệnh có các triệu chứng ung thư bàng quang hoặc kết quả xét nghiệm, chẳng hạn như kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy dấu hiệu ung thư bàng quang, bác sĩ sẽ lấy bệnh sử và tiến hành khám lâm sàng. Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ sờ nắn qua âm đạo hoặc trực tràng để xem có khối u hay không. Sau đó sẽ cần làm một số xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm có:

  • Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư trong nước tiểu: xét nghiệm này có thể giúp phát hiện một số loại ung thư bàng quang.
  • Nội soi bàng quang: đưa đưa một ống dài, hẹp có gắn camera và đèn chiếu sáng qua niệu đạo để quan sát bên trong bàng quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp thận tĩnh mạch (IVP): giúp phát hiện các bất thường ở bàng quang
  • Sinh thiết: lấy một mẫu mô nhỏ từ bàng quang để kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không

Sau khi chẩn đoán ung thư bàng quang, bước tiếp theo là xác định giai đoạn ung thư bằng các phương pháp sau đây:

  • Chụp CT
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp X-quang lồng ngực
  • Xạ hình xương

Các phương pháp này giúp kiểm tra ung thư đã lan ra ngoài bàng quang đến các cơ quan khác trong cơ thể hay chưa.

Ung thư bàng quang được phân giai đoạn dựa trên mức độ lan rộng của ung thư trong bàng quang, hạch bạch huyết và các cơ quan khác. Có nhiều hệ thống phân chia giai đoạn ung thư bàng quang. Một hệ thống được sử dụng phổ biến là hệ thống phân giai đoạn theo số. Theo đó, ung thư bàng quang được chia thành 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn 0: Ung thư chưa lan qua niêm mạc bàng quang
  • Giai đoạn 1: Ung thư đã lan qua niêm mạc bàng quang nhưng chưa vào lớp cơ của thành bàng quang
  • Giai đoạn 2: Ung thư đã lan vào lớp cơ trong thành bàng quang
  • Giai đoạn 3: Ung thư đã lan đến các mô xung quanh bàng quang
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã lan ra khỏi bàng quang đến các vùng khác trong cơ thể

Mỗi giai đoạn tiếp tục được chia nhỏ để mô tả cụ thể hơn mức độ lan rộng của bệnh ung thư.

Điều trị ung thư bàng quang

Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất dựa trên loại, giai đoạn ung thư, các triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 0 và 1

Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 0 và giai đoạn 1 gồm có:

  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u
  • Hóa trị
  • Liệu pháp miễn dịch, phương pháp dùng các loại thuốc giúp hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 2 và 3

Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 2 và giai đoạn 3 gồm có:

  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần bàng quang
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang (cắt toàn bộ bàng quang), sau đó tạo ra con đường mới để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể (chuyển lưu dòng tiểu)
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp miễn dịch

Hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch có thể được thực hiện vì nhiều mục đích như:

  • Thực hiện trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u, giúp cho việc cắt bỏ khối u dễ dàng hơn
  • Thay cho phẫu thuật trong những trường hợp không thể phẫu thuật
  • Tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật
  • Ngăn ngừa ung thư tái phát

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 4

Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) gồm có:

  • Phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang và cắt bỏ các hạch bạch huyết xung quanh, sau đó là phẫu thuật tạo ra con đường mới để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Thuốc thử nghiệm lâm sàng

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh mà phác đồ điều trị sẽ nhằm mục đích loại bỏ các tế bào ung thư hoặc làm giảm các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ.

Tiên lượng của người bị ung thư bàng quang

Tiên lượng của người bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, gồm có:

  • Loại và giai đoạn ung thư
  • Tuổi tác
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể, các bệnh lý khác đang mắc
  • Đáp ứng điều trị

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute - NCI), tỷ lệ sống sau 5 năm ở các giai đoạn của bệnh ung thư bàng quang như sau: (1)

  • 97% ở giai đoạn ung thư biểu mô tại chỗ (ung thư chưa lan qua niêm mạc bàng quang)
  • 71% ở giai đoạn ung thư chưa lan ra ngoài bàng quang
  • 39% ở giai đoạn ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan lân cận
  • 8% ở giai đoạn ung thư đã di căn đến một cơ quan ở xa trong cơ thể

Tỷ lệ sống sau 5 năm là gì?

Các chuyên gia y tế thường sử dụng tỷ lệ sống sau 5 năm (5-year survival rate) làm thước đo tiên lượng của người bệnh. Tỷ lệ sống sau 5 năm là tỷ lệ người mắc bệnh còn sống ít nhất 5 năm sau chẩn đoán.

Cần lưu ý, tỷ lệ sống sót chỉ là con số trung bình chứ không dự đoán được tiên lượng thực tế của người bệnh. Hơn nữa, số liệu về tỷ lệ sống sau 5 năm được thống kê từ ít nhất 5 năm trước đó trong khi các phương pháp điều trị ung thư liên tục được cải tiến, ngày càng hiệu quả hơn và nhờ đó, tuổi thọ của bệnh nhân ung thư ngày nay đã cao hơn so với trước.

Phòng ngừa ung thư bàng quang

Vì vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư bàng quang nên không có cách nào có thể phòng ngừa bệnh một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang bằng các cách sau đây:

  • Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc
  • Tránh tiếp xúc với các hóa chất gây ung thư và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân khi phải tiếp xúc với hóa chất gây ung thư
  • Uống nhiều nước

Tóm tắt bài viết

Ung thư bàng quang là bệnh ung thư bắt đầu trong các tế bào của bàng quang. Ung thư bàng quang gây ra các triệu chứng về tiết niệu, chẳng hạn như tiểu gấp và tiểu nhiều lần, ngoài ra còn có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi.

Việc điều trị và tiên lượng phụ thuộc vào loại, giai đoạn ung thư và các yếu tố khác, gồm có tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: ung thư bàng quang
Tin liên quan
Ung thư bàng quang giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư bàng quang giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư bàng quang bắt đầu lớp niêm mạc bàng quang. Sau một thời gian, ung thư sẽ lan vào các lớp bên trong của thành bàng quang rồi lan ra khỏi bàng quang đến khu vực xung quanh. Tế bào ung thư có thể lan theo máu hoặc hệ bạch huyết đến các cơ quan ở xa trong cơ thể.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Giai đoạn 3 là khi ung thư tuyến tiền liệt đã trở nên nghiêm trọng nhưng vẫn có thể điều trị được. Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến tiền liệt cũng được phân giai đoạn dựa trên mức độ tiến triển của bệnh.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 2: Triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có thể điều trị và là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ sống cao. Phát hiện ung thư ở giai đoạn 2 vẫn được coi là phát hiện sớm và tiên lượng sẽ tốt hơn so với những trường hợp phát hiện muộn hơn.

Ung Thư Thận Ở Trẻ Em: Triệu Chứng, Điều Trị Và Tiên Lượng
Ung Thư Thận Ở Trẻ Em: Triệu Chứng, Điều Trị Và Tiên Lượng

Mặc dù hiếm gặp nhưng ung thư thận có thể xảy ra ở trẻ em. Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào loại và giai đoạn ung thư. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về bệnh ung thư thận ở trẻ em, gồm có các triệu chứng, cách điều trị và tiên lượng.

Ung Thư Thận: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Điều Trị Và Tiên Lượng
Ung Thư Thận: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Điều Trị Và Tiên Lượng

Ung thư thận: Triệu chứng, Nguyên nhân, điều trị và tiên lượng về bệnh lý này ra sao? Thận là cặp cơ quan hình hạt đậu, mỗi quả có kích thước bằng một nắm tay, nằm bên dưới khung xương sườn, đối xứng hai bên cột sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây