1

Phân biệt nhiễm trùng nấm men và nhiễm trùng đường tiết niệu

Nếu bạn cảm thấy đau hoặc nóng rát ở bộ phận sinh dục hoặc khi đi tiểu thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng nấm men. Mặc dù đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau nhưng lại có một số điểm tương đồng về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp phòng ngừa.
Phân biệt nhiễm trùng nấm men và nhiễm trùng đường tiết niệu Phân biệt nhiễm trùng nấm men và nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men thường xảy ra ở phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể mắc bệnh. Cả hai đều có thể chữa khỏi nếu điều trị đúng cách.

Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men là hai bệnh riêng biệt nhưng có thể xảy ra cùng một lúc. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng thuốc kháng sinh đôi khi có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm men.

Triệu chứng

Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men là hai bệnh nhiễm trùng khác nhau. Mặc dù các triệu chứng có thể xảy ra ở cùng một khu vực nhưng mỗi bệnh có triệu chứng riêng.

Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra khi đi tiểu. Một số triệu chứng phổ biến là nóng rát khi đi tiểu và đi tiểu nhiều lần. Nhiễm trùng nấm men cũng có thể gây đau khi đi tiểu nhưng cảm giác đau, khó chịu và ngứa ngáy có thể kéo dài dai dẳng cả những lúc không đi tiểu. Nhiễm nấm men âm đạo thường có triệu chứng là khí hư đặc và có màu trắng đục.

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Buồn tiểu liên tục, dù vừa mới đi tiểu xong
  • Tiểu nhiều lần vào ban đêm
  • Nước tiểu đục hoặc có màu bất thường, ví dụ như có màu hồng hoặc đỏ do có máu
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Sốt hoặc ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn, đây là những triệu chứng của nhiễm trùng nghiêm trọng
  • Đau hoặc cảm giác căng ở bụng dưới, thắt lưng hoặc vùng hạ sườn
  • Đau ở vùng mu, đặc biệt là ở phụ nữ

Triệu chứng nhiễm trùng nấm men:

  • Đau khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục
  • Ngứa ngáy
  • Sưng tấy ở vùng bị nhiễm nấm (ví dụ, nhiễm nấm âm đạo gây sưng âm đạo và âm hộ)
  • Nóng rát ở vùng bị nhiễm nấm
  • Khí hư đặc, có màu trắng đục trông giống như bã đậu, thường không mùi (đối với nhiễm nấm men âm đạo)

Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới thường nhẹ hơn nhiễm trùng đường tiết niệu trên. Nhiễm trùng ảnh hưởng đến thận có triệu chứng nặng hơn và có thể dẫn đến nhiều biến chứng.

Nguyên nhân

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Đường tiết niệu gồm có thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

Một số nguyên nhân khiến vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Tiếp xúc với phân có chứa vi khuẩn, chẳng hạn như vi khuẩn E. Coli
  • Quan hệ tình dục
  • Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)
  • Sử dụng thuốc diệt tinh trùng và màng ngăn âm đạo khi quan hệ tình dục
  • Thường xuyên nhịn tiểu

Nhiễm trùng nấm men xảy ra khi nấm Candida phát triển quá mức ở những vùng ẩm ướt trên cơ thể. Nấm Candida vốn tồn tại tự nhiên trên cơ thể nhưng bình thường, nấm phát triển ở mức độ vừa phải và không gây ra bất kỳ vấn đề nào. Chỉ khi nấm Candida phát triển quá nhiều thì mới dẫn đến nhiễm trùng nấm men. Một số nguyên nhân dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm Candida gồm có:

  • Hệ miễn dịch bị suy yếu do stress, bệnh tật, mang thai và các yếu tố khác
  • Thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh và steroid
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Lượng đường trong máu cao (chẳng hạn như do bệnh tiểu đường được kiểm soát kém)
  • Thường xuyên mặc quần bó sát, điều này tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nấm

Ai có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men?

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề phổ biến. Theo một thống kê, cứ 25 phụ nữ lại có 10 người từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu và tỷ lệ ở nam giới là 3/25. Nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn và nằm gần âm đạo, hậu môn hơn, do đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang hơn.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu còn có:

  • Quan hệ tình dục
  • Đang mang thai
  • Hiện đang sử dụng hoặc mới sử dụng thuốc kháng sinh gần đây
  • Béo phì
  • Đang trong thời kỳ mãn kinh
  • Đã từng sinh nở nhiều lần
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Đang bị hoặc từng bị sỏi thận hoặc các loại tắc nghẽn đường tiết niệu khác
  • Bị suy giảm miễn dịch

Phụ nữ cũng dễ bị nhiễm trùng nấm men hơn nam giới. 75% phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men ít nhất một lần trong đời. Nhiễm trùng nấm men thường xảy ra ở âm đạo và âm hộ nhưng cũng có thể xảy ra ở vú ở những phụ nữ đang cho con bú và những khu vực ẩm ướt khác của cơ thể, chẳng hạn như khoang miệng. Mặc dù nhiễm nấm âm đạo không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng đôi khi, tình trạng này có thể lây sang bạn tình khi quan hệ tình dục.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo:

  • Đang ở tuổi dậy thì hoặc mãn kinh
  • Đang mang thai
  • Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố
  • Mắc bệnh tiểu đường và không kiểm soát tốt lượng đường trong máu
  • Đang sử dụng hoặc gần đây mới sử dụng thuốc kháng sinh hoặc steroid
  • Sử dụng các sản phẩm ở vùng âm đạo như dung dịch thụt rửa
  • Hệ miễn dịch yếu

Cả nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men đều cần được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Chỉ khi chẩn đoán đúng vấn đề thì việc điều trị mới có hiệu quả. Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng nấm men cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn hoặc đôi khi, các triệu chứng tưởng chừng là nhiễm trùng nấm men lại là của một bệnh lý khác, chẳng hạn như các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Chẩn đoán

Nhiễm trùng đường tiết niệu được chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm nước tiểu. Người bệnh cần lấy mẫu nước tiểu giữa dòng vào lọ đựng vô trùng. Sau đó, mẫu nước tiểu được phân tích để xem có vi khuẩn hay không.

Phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán nhiễm trùng nấm men là lấy mẫu dịch ở vùng nghi nhiễm nấm và sau đó kiểm tra xem có nấm Candida hay không. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu nhiễm nấm như tấy đỏ, tiết dịch bất thường

Nếu không thể xác định được nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng nấm men qua khám lâm sàng và các triệu chứng thì sẽ phải tiến hành cả xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra mẫu dịch cũng như các phương pháp chẩn đoán khác.

Điều trị

Cả nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men đều có thể điều trị được dễ dàng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Các triệu chứng thường thuyên giảm chỉ sau vài ngày dùng thuốc nhưng phải dùng thuốc đủ liều mà bác sĩ kê để ngăn nhiễm trùng tái phát.

Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu còn có thể được điều trị bằng các loại thuốc khác ngoài kháng sinh.

Nhiễm trùng nấm men cần điều trị bằng thuốc kháng nấm kê đơn hoặc không kê đơn. Người bệnh có thể dùng thuốc đường uống, thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc đạn. Thời gian điều trị ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Cũng giống như điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh cần dùng thuốc điều trị nhiễm trùng nấm men đủ liều để ngăn ngừa bệnh tái phát.

Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men tái phát sẽ cần điều trị tích cực hơn, đặc biệt là khi bệnh tái phát nhiều lần trong thời gian ngắn.

Bao lâu sẽ khỏi bệnh?

Nếu điều trị đúng cách, nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men sẽ khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng kể cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm hoặc biến mất thì vẫn phải dùng thuốc đủ liều. Nếu dừng thuốc giữa chừng, vi khuẩn hoặc nấm sẽ không bị tiêu diệt hết và bệnh sẽ tái phát.

Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men

Một số điều chỉnh trong thói quen hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa cả nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men, ví dụ như:

  • Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh
  • Mặc đồ lót bằng cotton
  • Thay đồ lót hàng ngày
  • Tránh mặc quần bó sát
  • Thay đồ ngay khi bị ướt
  • Không thụt rửa âm đạo
  • Không dùng các sản phẩm có mùi thơm ở vùng kín

Các biện pháp giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn, không nhịn tiểu
  • Vệ sinh vùng sinh dục thường xuyên
  • Uống nhiều nước
  • Đi tiểu trước và ngay sau khi quan hệ tình dục

Một số nghiên cứu cho thấy uống nước ép quả nam việt quất có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng vẫn nghiên cứu thêm để xác nhận điều này. Bạn có thể tự ép nước việt quất tại nhà hoặc mua nước ép đóng chai nhưng nhớ chọn loại nguyên chất không đường. Nếu nước ép quá chua, bạn có thể pha thêm nước để dễ uống hơn.

Các cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng nấm men:

  • Hạn chế tắm nước nóng
  • Thay băng vệ sinh hay tampon thường xuyên
  • Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bị tiểu đường

Tóm tắt bài viết

Cả nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men đều là những vấn đề phổ biến. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Hai bệnh lý này có một số triệu chứng và yếu tố nguy cơ giống nhau nhưng lại là do nguyên nhân khác nhau gây ra và do đó cần điều trị bằng các phương pháp khác nhau.

Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng nấm men. Cả hai tình trạng này đều có thể chữa khỏi được nhưng nếu không điều trị thì sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần do vi khuẩn E. coli gây ra?
Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần do vi khuẩn E. coli gây ra?

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều là do vi khuẩn E. coli gây ra và phương pháp điều trị là dùng thuốc kháng sinh. Nếu có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy nhanh chóng đi khám để ngăn nhiễm trùng lan đến thận.

Sự khác biệt giữa nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu
Sự khác biệt giữa nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng bàng quang là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều xảy ra bàng quang, vì thế nên người bệnh có các triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó và đau vùng chậu phía trên xương mu.

Có nên sử dụng dầu dừa để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Có nên sử dụng dầu dừa để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?

Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.

Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?
Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?

Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới: Nguyên nhân và điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới: Nguyên nhân và điều trị

Mặc dù nguy cơ thấp hơn phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ở nam giới, nhiễm trùng đường tiết niệu được coi là một bệnh nhiễm trùng phức tạp. Các triệu chứng thường gặp gồm có tiểu gấp, tiểu nhiều lần và nóng rát khi đi tiểu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây