Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần do vi khuẩn E. coli gây ra?
Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập đường tiết niệu. Đường tiết niệu gồm có thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo. Niệu quản là ống nối thận với bàng quang. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể.
Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation), 80 đến 90% số trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra. E. coli là một loại vi khuẩn sống trong ruột và bình thường, vi khuẩn này vô hại. Nhưng E. coli sẽ gây ra vấn đề nếu xâm nhập vào đường tiết niệu. Điều này thường xảy ra do vi khuẩn từ phân xâm nhập vào niệu đạo.
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề vô cùng phổ biến. Mặc dù có thể xảy ra ở bất cứ ai nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn gấp 30 lần so với nam giới và lý do chủ yếu là bởi sự khác biệt về cấu tạo đường tiết niệu.
E. coli xâm nhập vào đường tiết niệu như thế nào?
Nước tiểu chủ yếu gồm có nước, muối, hóa chất và chất thải. Trước đây, nước tiểu được cho là vô trùng nhưng các nghiên cứu hiện tại đã chỉ ra rằng ngay cả đường tiết niệu khỏe mạnh cũng có chứa nhiều loại vi khuẩn. Nhưng có một loại vi khuẩn không được tìm thấy trong đường tiết niệu, đó là vi khuẩn E. coli.
E. coli thường xâm nhập vào đường tiết niệu qua phân. Phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới vì niệu đạo của phụ nữ nằm gần hậu môn hơn mà hậu môn là nơi có vi khuẩn E. coli. Niệu đạo của phụ nữ còn ngắn hơn niệu đạo của nam giới và do đó, vi khuẩn sẽ dễ dàng tiếp cận bàng quang cũng như phần còn lại của đường tiết niệu hơn.
Vi khuẩn E. coli có thể xâm nhập đường tiết niệu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân phổ biến gồm có:
- Lau không đúng cách khi đi vệ sinh: Lau từ sau ra trước có thể mang vi khuẩn E. coli từ hậu môn đến niệu đạo.
- Quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục có thể di chuyển phân chứa E. coli từ hậu môn vào niệu đạo và lên phần bên trên của đường tiết niệu.
- Một số biện pháp tránh thai: Các biện pháp tránh thai như màng ngăn âm đạo và bao cao su chứa thuốc diệt tinh trùng có thể tiêu diệt những vi khuẩn có lợi giúp kiểm soát sự phát triển của các vi khuẩn có hại như E. coli. Sự mất cân bằng vi khuẩn này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Mang thai: Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của một số loại vi khuẩn. Ngoài ra, vào những tháng cuối của thai kỳ, thai nhi phát triển lớn khiến bàng quang bị lệch khỏi vị trí và vi khuẩn E. coli dễ dàng tiếp cận bàng quang hơn.
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu do E. coli
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra nhiều triệu chứng, gồm có:
- Buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu ít
- Đột ngột buồn tiểu dữ dội
- Tiểu không hết bãi
- Nóng rát khi đi tiểu
- Đau vùng chậu
- Nước tiểu có mùi hôi, đục
- Nước tiểu có màu nâu, hồng hoặc đỏ do có lẫn máu
Tình trạng nhiễm trùng sẽ nghiên trọng hơn nếu như lây lan đến thận. Các triệu chứng nhiễm trùng thận gồm có:
- Sốt
- Đau ở lưng trên và vùng hạ sườn
- Buồn nôn và nôn
Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu do E. coli
Phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có phân tích nước tiểu và xét nghiệm cấy nước tiểu.
Phân tích nước tiểu
Mẫu nước tiểu của người bệnh được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem có vi khuẩn hay không.
Xét nghiệm cấy nước tiểu
Trong một số trường hợp, đặc biệt là khi các triệu chứng không thuyên giảm sau điều trị hoặc nhiễm trùng tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm cấy nước tiểu. Mẫu nước tiểu được nuôi cấy trong môi trường thạch dinh dưỡng để tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Phương pháp này giúp xác định chính xác loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và từ đó bác sĩ sẽ kê loại thuốc kháng sinh phù hợp.
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu do E. coli
Phương pháp điều trị bước đầu cho tất cả các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn là thuốc kháng sinh.
Nếu kết quả phân tích nước tiểu cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn một hoặc nhiều loại thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn E. coli vì đây là thủ phạm phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nếu kết quả xét nghiệm cấy nước tiểu cho thấy có một loại vi khuẩn khác gây nhiễm trùng thì bác sẽ kê thuốc kháng sinh tiêu diệt loại vi khuẩn đó.
Người bệnh có thể được kê thêm pyridium để giảm đau bàng quang.
Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát từ 4 lần trở lên trong một năm thì có thể bạn sẽ cần dùng thuốc kháng sinh liều thấp hàng ngày trong vài tháng.
Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có thể sẽ còn kê thêm các loại thuốc khác ngoài kháng sinh.
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu kháng kháng sinh
Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đang là một tình trạng đáng báo động. Kháng kháng sinh là khi vi khuẩn tự biến đổi và hình thành khả năng phân hủy hoặc tránh các loại kháng sinh vốn thường được sử dụng để chống lại chúng.
Vi khuẩn càng tiếp xúc nhiều với kháng sinh thì khả năng chúng tự biến đổi để tồn tại sẽ càng cao. Lạm dụng hoặc dùng không đủ liều thuốc kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.
Nết phân tích nước tiểu cho kết quả dương tính, bác sĩ có thể kê Bactrim hoặc Cipro, đây là hai loại kháng sinh thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn E. coli. Nếu như đã dùng một vài liều mà các triệu chứng không cải thiện thì có thể vi khuẩn E. coli đã kháng những loại thuốc này.
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm cấy nước tiểu, trong đó vi khuẩn E. coli trong mẫu nước tiểu được thử nghiệm với nhiều loại kháng sinh khác nhau để tìm ra loại kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả nhất. Người bệnh có thể phải dùng kết hợp nhiều loại kháng sinh để chống lại vi khuẩn kháng thuốc.
Các vi khuẩn khác gây nhiễm trùng đường tiết niệu
Mặc dù phần lớn các ca nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn E. coli gây ra nhưng nguyên nhân cũng có thể là do các loại vi khuẩn khác như:
- Klebsiella pneumoniae
- Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh)
- Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng)
- Enterococcus faecalis (liên cầu khuẩn nhóm D)
- Streptococcus agalactiae (liên cầu khuẩn nhóm B)
Tóm tắt bài viết
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất và hầu hết là do E. coli gây ra. Đa số các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều có thể điều trị thành công bằng một đợt kháng sinh. Hãy đi khám ngay khi có các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu để điều trị sớm.
Nếu điều trị sớm, nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ không để lại biến chứng và không gây ra bất kỳ tổn hại lâu dài nào cho đường tiết niệu. Nhưng nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận và gây ra tổn thương vĩnh viễn.
Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn liên cầu có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu do liên cầu khuẩn nhóm B không phổ biến bằng nhiễm trùng đường tiết niệu do các loại vi khuẩn khác nhưng cũng có các triệu chứng tương tự.
Nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư bàng quang có một số triệu chứng tương tự nhau như đi tiểu nhiều lần và đau. Nên đi khám ngay khi gặp những triệu chứng này để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.
Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.
Mặc dù nguy cơ thấp hơn phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ở nam giới, nhiễm trùng đường tiết niệu được coi là một bệnh nhiễm trùng phức tạp. Các triệu chứng thường gặp gồm có tiểu gấp, tiểu nhiều lần và nóng rát khi đi tiểu.