Nhiễm trùng đường tiết niệu có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không?
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ có quan hệ tình dục trong độ tuổi sinh sản.
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo trong quá trình quan hệ tình dục.
Vì lỗ niệu đạo nằm ngay trước âm đạo nên có ý kiến cho rằng việc nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, ví dụ như gây chậm kinh (trễ kinh).
Nhưng trên thực tế, nhiễm trùng đường tiết niệu không ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt hay cơ quan sinh sản.
Trong một số trường hợp, vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu có thể đi vào đường tiết niệu trên. Điều này có thể gây nhiễm trùng thận. Loại nhiễm trùng này nghiêm trọng hơn nhiễm trùng đường tiết niệu dưới nhưng cũng sẽ không gây chậm kinh.
Tuy nhiên, mắc bệnh, thậm chí cả những bệnh nhẹ như cảm lạnh hay cúm sẽ khiến cho cơ thể bị stress về thể chất và điều này có thể gây xáo trộn chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp nhưng điều này cũng có thể xảy ra khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu không ảnh hưởng đến kinh nguyệt?
Ngoài đau đớn, nhiễm trùng đường tiết niệu còn gây nóng rát và stress. Mặc dù xảy ra ở đường tiết niệu nhưng tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy toàn thân không khỏe và thậm chí còn ảnh hưởng đến tinh thần, ví dụ như lo âu. Nếu bạn bị chậm kinh trong khi mắc nhiễm trùng đường tiết niệu thì rất có thể nguyên nhân là do stress chứ không phải do bản thân tình trạng nhiễm trùng.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2006 và nghiên cứu vào năm 2015, mức độ stress cao có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Và cũng rất có thể chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến thời điểm bị nhiễm trùng đường tiết niệu chứ không phải ngược lại. Điều này là do sự sụt giảm mức estrogen trong cơ thể.
Estrogen có đặc tính chống viêm. Vì thế nên khi mức estrogen cao, bạn sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn.
Estrogen còn giúp giữ cho Lactobacillus (vi khuẩn có lợi trong âm đạo) khỏe mạnh và hoạt động bình thường. Lactobacillus giúp kiểm soát độ pH âm đạo và điều này ngăn vi khuẩn có hại phát triển quá mức.
Sự sản xuất estrogen giảm sau khi rụng trứng. Do đó, vào khoảng thời gian này, bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Nhiễm trùng có thể gây stress và điều này có thể khiến kinh nguyệt đến chậm vài ngày.
Thuốc kháng sinh có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không?
Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn gây ra thì bạn sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt hoặc ngăn chặn vi khuẩn nhân lên. Hầu hết các loại thuốc kháng sinh đều không ảnh hưởng đến hormone điều hòa sự rụng trứng và kinh nguyệt.
Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới - loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất - thường đáp ứng tốt với thuốc kháng sinh đường uống. Các loại kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu dưới hay nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản là:
- cephalexin
- trimethoprim-sulfamethoxazole
- ceftriaxone
- fosfomycin
- nitrofurantoin
Không có loại thuốc nào trong số này được chứng minh là làm chậm kinh nguyệt.
Tuy nhiên, thuốc kháng sinh rifampin có thể ảnh hưởng đến mức hormone và dẫn đến trễ kinh. Sử dụng rifampin kết hợp với trimethoprim có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng rifampin không phải một loại thuốc được dùng phổ biến cho tình trạng này.
Nhiễm trùng đường tiết niệu trên có thể cần điều trị bằng kháng sinh truyền tĩnh mạch, chẳng hạn như Vabomere. Chưa có bằng chứng nào cho thấy Vabomere gây chậm kinh.
Nguyên nhân gây chậm kinh
Một trong những lý do chính gây chậm kinh ở phụ nữ có quan hệ tình dục là mang thai
Ngoài ra, chậm kinh cũng có thể là do một số bệnh lý hoặc tình trạng như:
- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Suy buồng trứng nguyên phát
- Stress
- Giảm cân hoặc tăng cân quá mức
- Bệnh tiểu đường không được kiểm soát
Dấu hiệu mang thai
Ngoài chậm kinh hoặc mất kinh, thời gian đầu mang thai còn có những dấu hiệu khác và trong đó có một số dấu hiệu giống như triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, ví dụ như mệt mỏi, buồn nôn và đi tiểu nhiều lần.
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra khi đang mang thai. Nếu bạn gặp các triệu chứng kể trên và không biết là do mang thai hay nhiễm trùng đường tiết niệu hay cả hai thì tốt nhất nên đi khám.
Nếu bạn đang mang thai và bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì cần phải điều trị sớm vì nhiễm trùng đường tiết niệu trong thai kỳ có thể gây ra nhiều vấn đề cho cả mẹ và thai nhi, gồm có viêm thận bể thận, sinh non, sinh con nhẹ cân và tăng nguy cơ tử vong chu sinh.
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám ngay khi phát hiện các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu như buồn tiểu liên tục, tiểu ra máu, nước tiểu đục hay nóng rát khi đi tiểu. Nếu đúng là nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Nếu bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu và đang mang thai, bác sĩ sẽ kê các loai thuốc kháng sinh an toàn cho phụ nữ mang thai.
Trong trường hợp thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn có thể sẽ phải dùng kháng sinh dự phòng để giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Nếu trì hoãn điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy nên cần phải đi khám càng sớm càng tốt khi phát hiện các triệu chứng.
Nếu bị đau ở vùng thắt lưng thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng thận hoặc sảy thai. Cần đến bệnh viện khám khi cảm thấy đau thắt lưng, bất kể có đi kèm buồn nôn hay không.
Nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính, bạn có thể thực hiện các thay đổi lối sống sau đây để giảm nguy cơ tái phát triệu chứng:
- Uống nhiều nước
- Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn, không nhịn tiểu
- Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục
- Rửa bộ phận sinh dục hàng ngày và sau khi quan hệ tình dục
- Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh
- Không thụt rửa âm đạo và sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi thơm, chẳng hạn như xịt khử mùi vùng kín
Tóm tắt bài viết
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có quan hệ tình dục.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không trực tiếp gây chậm kinh nhưng stress do nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra điều này.
Do mức estrogen giảm trước khi có kinh nguyệt nên bạn sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn vào khoảng thời gian này.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Nếu đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên đợi cho đến khi hết triệu chứng và hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị mới quan hệ tình dục trở lại.
Stress có thể làm giảm chức năng hệ miễn dịch và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nếu các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn kéo dài sau khi điều trị thì có thể phải điều trị bằng một loại thuốc khác hoặc cũng có thể các triệu chứng là do một bệnh lý khác gây ra.
Dầu dừa cũng là một phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Dầu dừa chứa axit béo có đặc tính kháng khuẩn và vì thế nên dầu dừa được cho là có tác dụng chống nhiễm trùng. Nhưng điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng dầu dừa có thực sự hiệu quả và an toàn hay không? Cách sử dụng dầu dừa như thế nào?