Stress có gây nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Stress có tác động tiêu cực đến sức khỏe. Stress trong thời gian ngắn, ví dụ như stress trước kỳ thi, một buổi thuyết trình hay một cuộc phỏng vấn xin việc thường không gây ra vấn đề gì lớn.
Nhưng stress kéo dài hoặc mức độ cao có thể gây ra nhiều xáo trộn trong cơ thể. Stress mạn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy rằng stress quá mức có thể gây ra:
- đau đầu
- vấn đề về tiêu hóa
- bệnh tim mạch
- cao huyết áp
Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng chỉ ra rằng stress trực tiếp gây nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng stress có thể làm giảm chức năng hệ miễn dịch và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Stress còn có thể làm tăng nặng một số triệu chứng rối loạn đường tiết niệu dưới.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng và viêm ở bàng quang, thận hoặc niệu quản (ống nối thận và bàng quang). Đa phần, nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn E. coli gây ra nhưng cũng có thể do các vi khuẩn khác như:
- Klebsiella pneumoniae
- Staphylococcus saprophyticus (tụ cầu hoại sinh)
- Proteus mirabilis (
- Enterococcus faecalis
- Liên cầu khuẩn nhóm b
- Candida spp
- Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh)
- Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng)
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Quan hệ tình dục thường xuyên
- Thay đổi cấu trúc của âm đạo hoặc âm hộ do tuổi tác hoặc do chấn thương
- Mất cân bằng hệ vi sinh vật trong âm đạo
- Tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu
- Tắc nghẽn đường tiết niệu, ví dụ như sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt
- Sử dụng ống thông tiểu
- Sử dụng màng ngăn âm đạo có chứa thuốc diệt tinh trùng
- Nhóm máu không xuất tiết
Stress và nhiễm trùng đường tiết niệu
Mặc dù stress không trực tiếp gây ra nhiễm trùng nhưng stress có thể làm giảm sức đề kháng tự nhiên, có nghĩa là làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng và bệnh tật của cơ thể.
Khi bị stress, cơ thể sản sinh ra một loại hormone tên là cortisol. Khi có quá nhiều cortisol trong thời gian dài, cơ thể sẽ không thể chống lại nhiễm trùng hoặc giảm viêm hiệu quả như bình thường. Hệ miễn dịch suy yếu có thể dẫn đến nhiễm trùng mạn tính.
Stress và sức khỏe đường tiết niệu có mối liên hệ hai chiều. Stress có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và dẫn đến nhiễm trùng. Mặt khác, nhiễm trùng hoặc bệnh tật có thể làm gia tăng mức độ stress.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy những người mắc bệnh về đường tiết niệu có mức độ stress về tâm lý cao hơn và điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Ảnh hưởng của stress đến triệu chứng tiết niệu
Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu tùy thuộc vào vị trí bị nhiễm trùng và nguyên nhân chính xác gây nhiễm trùng. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Đau thắt lưng hoặc bụng
- Sốt
- Nước tiểu đục, có máu hoặc sẫm màu
- Buồn tiểu liên tục
- Đột ngột buồn tiểu dữ dội
Lo âu và stress có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm một số triệu chứng liên quan đến đường tiết niệu dưới khác, ngay cả khi không bị nhiễm trùng.
Ví dụ, theo một nghiên cứu vào năm 2015, những người bị hội chứng bàng quang tăng hoạt (tình trạng cơ bàng quang hoạt động quá mức và gây buồn tiểu liên tục) có mức độ stress cao hơn đáng kể so với những người không bị bàng quang tăng hoạt.
Khi stress gia tăng, tần suất và mức độ buồn tiểu cũng sẽ tăng theo. Stress còn có thể làm bùng phát các triệu chứng viêm bàng quang kẽ - một bệnh tiết niệu mạn tính.
Trong một nghiên cứu vào năm 2019 được thực hiện trên trẻ nhỏ và thiếu niên bị triệu chứng đường tiết niệu dưới (lower urinary tract symptoms - LUTS), các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoảng 20% trẻ tham gia có mức độ stress cao hơn đáng kể so với những trẻ không bị triệu chứng đường tiết niệu dưới. Tình trạng stress ở những trẻ này khiến cho các triệu chứng đường tiết niệu dưới trở nên nghiêm trọng hơn.
Hiểu một cách đơn giản, mối liên hệ giữa stress và các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu như sau: stress mạn tính có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cũng như các triệu chứng đường tiết niệu và các triệu chứng khó chịu có thể làm gia tăng mức độ stress.
Triệu chứng đường tiết niệu dưới (LUTS) là gì?
Triệu chứng đường tiết niệu dưới (lower urinary tract symptoms - LUTS) là tình trạng rối loạn tiểu tiện mà không phải do nhiễm trùng hay các nguyên nhân khác. Các triệu chứng gồm có:
- Tiểu đêm (đi tiểu nhiều hơn một lần vào ban đêm)
- Tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu)
- Dòng tiểu yếu, ngập ngừng
- Buồn tiểu gấp
- Đau khi đi tiểu
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu là do nhiễm vi khuẩn thì phương pháp điều trị chính là dùng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm đau.
Thay đổi lối sống để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Có thể phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách thay đổi lối sống, ví dụ như:
- Uống đủ nước mỗi ngày. Đây là điều rất cần thiết để có hệ tiết niệu khỏe mạnh.
- Không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm ở trong hoặc gần âm đạo
- Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn, không được nhịn.
- Đi tiểu ngay trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Ăn quả nam việt quất hoặc uống nước ép nam việt quất không đường.
Nếu bạn đang dùng biện pháp ngừa thai và thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì hãy hỏi bác sĩ xem nguy nhân có phải do biện pháp ngừa thai hay không
Bổ sung men vi sinh có chứa lactobacilli - một chủng vi khuẩn giúp tăng cường sức khỏe đường tiết niệu.
Cách giảm stress
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng giảm stress có thể cải thiện chức năng miễn dịch. Dưới đây là một số biện pháp đã được khoa học chứng minh là có thể giúp giảm stress và tăng cường chức năng miễn dịch tự nhiên:
- Liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive behavioral therapy)
- Thiền và thực hành chánh niệm
- Tập yoga
- Tập thể dục và tăng hoạt động thể chất
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám bất cứ khi nào nhận thấy vấn đề bất thường về tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu cần được điều trị sớm vì nhiễm trùng bàng quang có thể lan đến niệu quản và thận.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị còn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Vi khuẩn gây nhiễm trùng ở đường tiết niệu sẽ đi vào máu, sau đó theo dòng máu đến các cơ quan khác trong cơ thể, dẫn đến suy tạng và thậm chí tử vong. Khoảng 25% số trường hợp nhiễm trùng máu bắt đầu ở đường tiết niệu.
Bạn cũng nên đi khám nếu bị stress nặng và nhận thấy sức khỏe giảm sút. Giảm stress không chỉ tốt cho hệ tiết niệu mà còn có lợi cho sức khỏe tinh thần và toàn bộ cơ thể.
Tóm tắt bài viết
Bản thân stress không trực tiếp gây nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng stress có thể làm suy giảm sức đề kháng và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cũng như các bệnh khác. Stress cũng có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng đường tiết niệu, ngay cả khi không bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Hệ tiết niệu có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Nếu đang bị stress và gặp phải triệu chứng về tiết niệu thì bạn nên đi khám để được tư vấn cách điều trị và phòng ngừa.
Có nhiều cách để giảm stress như thiền, yoga, trị liệu tâm lý và hoạt động thể chất.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Nếu đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn nên đợi cho đến khi hết triệu chứng và hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị mới quan hệ tình dục trở lại.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt hay cơ quan sinh sản.
Nếu các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn kéo dài sau khi điều trị thì có thể phải điều trị bằng một loại thuốc khác hoặc cũng có thể các triệu chứng là do một bệnh lý khác gây ra.
Dầu dừa cũng là một phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Dầu dừa chứa axit béo có đặc tính kháng khuẩn và vì thế nên dầu dừa được cho là có tác dụng chống nhiễm trùng. Nhưng điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng dầu dừa có thực sự hiệu quả và an toàn hay không? Cách sử dụng dầu dừa như thế nào?