Bị Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu Có Thể Quan Hệ Tình Dục Không?
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề phổ biến. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiết niệu, từ niệu đạo cho đến thận. Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Buồn tiểu liên tục
- Tiểu gấp
- Đau khi đi tiểu
- Đau hoặc khó chịu ở vùng chậu
Mặc dù những triệu chứng này gây khó chịu nhưng nếu muốn, bạn vẫn có thể quan hệ tình dục qua đường âm đạo. Tuy nhiên, nhiễm trùng đường tiết niệu gây kích ứng các mô nhạy cảm trong đường tiết niệu và việc quan hệ tình dục có thể khiến càng mô này càng bị tổn thương nhiều hơn.
Quan hệ tình dục còn có thể làm tăng nguy cơ biến chứng và có thể lây nhiễm trùng sang bạn tình. Đó là lý do tại sao bạn nên chờ cho đến khi hết triệu chứng và hoàn thành toàn bộ quá trình điều trị mới quan hệ tình dục trở lại.
Lý do không nên quan hệ tình dục khi đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Quan hệ tình dục có thể gây đau và làm trầm trọng thêm các triệu chứng khác
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây kích ứng và viêm các mô nhạy cảm trong đường tiết niệu. Bất kỳ vật thể nào thâm nhập như ngón tay, dương vật hay đồ chơi tình dục đều có thể gây áp lực lên các cơ quan tiết niệu khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo. Lỗ niệu đạo nằm ở đầu dương vật cũng có thể bị kích thích do nhiễm trùng đường tiết niệu. Những điều này có thể dẫn đến đau và khó chịu thêm khi quan hệ tình dục.
Mặc dù quan hệ tình dục qua đường âm đạo sẽ không thoải mái khi bạn đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng quan hệ tình dục qua đường hậu môn thường không bị ảnh hưởng. Nếu cảm thấy các triệu chứng ảnh hưởng đến tâm trạng và có thể làm gián đoạn “cuộc thân mật” thì tốt nhất nên ngừng quan hệ tình dục hoàn toàn cho đến khi điều trị khỏi nhiễm trùng.
Không nên quan hệ tình dục bằng miệng khi đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu, trừ khi sử dụng màng chắn miệng. Màng chắn miệng giúp ngăn chặn sự lây lan vi khuẩn từ dương vật hoặc âm đạo sang miệng. Nếu vi khuẩn lây lan thì có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ phát.
Nếu như vẫn muốn quan hệ tình dục trong khi đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu thì bạn nên điều chỉnh lại tư thế để cảm thấy thoải mái hơn. Nếu vẫn tiếp tục bị đau sau khi điều trị khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu thì nên đi khám.
Vi khuẩn mới có thể xâm nhập vào đường tiết niệu khi quan hệ tình dục
Quan hệ tình dục là một trong những con đường chính mà vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. 90% trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) xâm nhập vào niệu đạo và sau đó vi khuẩn tiếp tục di chuyển lên các cơ quan bên trên.
E. coli là một loại vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong cơ thể, chủ yếu là ở đường tiêu hóa và phân. Những vi khuẩn này có thể di chuyển từ hậu môn hoặc đường tiêu hóa đến tay, miệng, bộ phận sinh dục, đồ chơi tình dục hoặc cơ thể bạn tình.
Quan hệ tình dục còn có thể đẩy vi khuẩn vào sâu hơn trong cơ thể thông qua sự xâm nhập, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nếu bạn đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu, việc quan hệ tình dục xâm nhập có thể khiến bạn tiếp tục bị nhiễm trùng hoặc đưa vào một loại vi khuẩn mới vào đường tiết niệu. Điều này sẽ khiến cho bệnh lâu khỏi hơn.
Nguy cơ lây bệnh cho bạn tình
Nhiễm trùng đường tiết niệu không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) và cũng không được coi là một bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, nếu bạn quan hệ tình dục khi đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu, vi khuẩn gây nhiễm trùng có thể lây sang bạn tình.
Ví dụ, vi khuẩn E. coli có thể di chuyển từ hậu môn đến âm đạo hoặc dương vật. Khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, vi khuẩn ở dương vật có thể đi vào âm đạo, điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Trong một số trường hợp, nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra do bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc trichomonas.
Lưu ý khi quan hệ tình dục trong thời gian bị nhiễm trùng đường tiết niệu
Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn nếu bạn vẫn quyết định quan hệ tình dục trong khi đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Chú ý các triệu chứng
Nếu đột nhiên muốn đi tiểu, hãy dừng lại và đi tiểu. Nhịn tiểu có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục
Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo.
Rửa vùng kín sau khi quan hệ tình dục
Vi khuẩn từ xung quanh hậu môn có thể di chuyển đến gần lỗ niệu đạo khi quan hệ tình dục xâm nhập, đặc biệt là khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Rửa vùng kín sau khi quan hệ tình dục có thể giúp loại bỏ những vi khuẩn này.
Không chuyển đổi hình thức quan hệ tình dục
Bạn có thể làm giảm nguy cơ lây lan vi khuẩn bằng cách không chuyển từ quan hệ tình dục qua đường âm đạo sang hậu môn và ngược lại. Ngoài ra, tránh quan hệ tình dục bằng miệng để ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.
Khi nào cần đi khám?
Nếu bạn vẫn băn khoăn không chắc liệu quan hệ tình dục trong khi đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu có an toàn hay không thì hãy hỏi bác sĩ để được giải đáp chi tiết.
Bạn cũng nên báo cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng mới nào, chẳng hạn như:
- Tiểu ra máu
- Đau lưng hoặc đau bụng dữ dội
- Tiết dịch bất thường từ dương vật hoặc âm đạo
Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau khi dùng hết đợt kháng sinh, bạn nên đi khám lại. Các triệu chứng có thể là của một bệnh lý khác hoặc nhiễm trùng thứ phát.
Sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh. Vì lý do này nên ngày càng có nhiều người muốn tìm các biện pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát và một trong những cách đó là sử dụng tinh dầu.
Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính là nhiễm trùng đường tiết niệu không đáp ứng với điều trị hoặc tiếp tục tái phát sau điều trị.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt hay cơ quan sinh sản.