1

Stress mạn tính có thể gây sỏi thận

Stress mạn tính có thể dẫn đến hình thành sỏi thận - các khối khoáng chất cứng gây đau đớn, khó chịu và cản trở dòng chảy nước tiểu trong đường tiết niệu.
Stress mạn tính có thể gây sỏi thận Stress mạn tính có thể gây sỏi thận

Stress có thể đến từ bất kỳ sự kiện hay suy nghĩ nào khiến bạn cảm thấy sợ hãi hay lo lắng. Stress thực chất là phản ứng của cơ thể với một khó khăn hay thách thức. Khi bị stress, một số quá trình sinh lý sẽ diễn ra và dẫn đến phản ứng stress.

Chuỗi phản ứng này có sự tham gia của hầu hết mọi hệ thống trong cơ thể, gồm có tăng nhịp tim và hô hấp, chuyển hướng lưu thông máu và tăng sản xuất các hormone giúp phục hồi cơ thể ngay lập tức.

Stress ngắn hạn thực chất là một điều có lợi vì có thể giúp chúng ta cố gắng đạt được mục tiêu và vượt qua các tình huống khó khăn.

Tuy nhiên, stress kéo dài, hay còn được gọi là stress mạn tính, sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ bị sỏi thận.

Mối liên hệ giữa stress và sỏi thận

Stress gây ra một số thay đổi trong cơ thể, những thay đổi này khiến cho các chất thải tăng nồng độ, tích tụ lại và hình thành sỏi thận.

Tại sao stress có thể gây sỏi thận?

Khi cơ thể bắt đầu phản ứng với stress, một số hormone sẽ tăng lên, gồm có vasopressin (hormone chống bài niệu) và adrenocorticotropin (ACTH). Sự gia tăng những hormone này kích thích sự sản xuất các hormone khác như cortisol và parathormone.

Những hormone này có thể làm tăng nồng độ canxi, giảm lượng nước tiểu và tạo ra trạng thái nước tiểu cô đặc.

Nước tiểu cô đặc có nghĩa là lượng chất thải trong nước tiểu lớn hơn lượng nước, điều này tạo ra một môi trường mà các khoáng chất có thể dễ dàng liên kết với nhau và hình thành sỏi.

Khi bị stress ngắn hạn, những thay đổi sinh lý này chỉ là tạm thời. Ngay cả khi nước tiểu cô đặc, phản ứng stress sẽ kết thúc trước khi cơ sỏi thận bắt đầu hình thành.

Tuy nhiên, stress mạn tính có thể gây ra những thay đổi kéo dài trong cơ thể và điều này khiến cho trạng thái nước tiểu cô đặc, sự gia tăng sản xuất hormone và tăng khoáng chất kéo dài đủ lâu để sỏi thận hình thành.

Những thay đổi dẫn đến sự hình thành sỏi thận do stress có thể diễn ra âm thầm trong suốt thời gian dài và do đó, có thể phải nhiều năm sau khoảng thời gian bị stress mạn tính thì các triệu chứng sỏi thận mới xuất hiện.

Mất nước

Stress có thể gây mất nước và điều này cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy uống ít nước và ăn ít thức ăn là một phần của phản ứng stress chống trả hay bỏ chạy (fight-or-flight).

Ví dụ, khi chúng ta cảm thấy stress cực độ, cơ thể sẽ giảm cảm giác khát để ưu tiên các chức năng sinh lý quan trọng khác cần thiết cho sự trốn thoát hay tồn tại.

Khi uống quá ít nước, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc hơn, có nghĩa là nồng độ khoáng chất trong nước tiểu sẽ tăng. Các khoáng chất này trong nước tiểu có thể tích tụ lại và hình thành sỏi thận.

Tăng huyết áp

Tăng huyết áp cũng là một phản ứng tức thì đối với stress. Theo thời gian, huyết áp tăng cao sẽ gây hại cho cơ thể nói chung và gây hại thận nói riêng.

Tăng huyết áp có thể gây tổn thương tế bào và tổn thương tế bào trong đường tiết niệu có thể thúc đẩy sự tích tụ các hạt chất thải trên bề mặt thận.

Nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp kéo dài có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Tăng cân

Stress có thể làm tăng cảm giác thèm ăn, đặc biệt là những món nhiều calo, nhiều chất béo và việc ăn nhiều những thứ này có thể gây tăng cân. Stress còn khiến cơ thể dễ tích mỡ hơn so với khi tinh thần thoải mái.

Trong một báo cáo về tình trạng stress ở Mỹ của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ vào năm 2021, 42% người trưởng thành cho biết họ bị tăng cân ngoài ý muốn do stress kéo dài trong năm qua.

Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. Những tình trạng bệnh lý này khiến cho thận phải làm việc nhiều hơn và theo thời gian, thận sẽ bị tổn thương và suy giảm chức năng, điều này sẽ góp phần gây ra sỏi thận.

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là những khối rắn hình thành từ các khoáng chất tích tụ trong nước tiểu. Mặc dù được gọi là sỏi thận nhưng những khối rắn này có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trong đường tiết niệu.

Kích thước sỏi thận rất đa dạng, có thể chỉ nhỏ như hạt cát hoặc cũng có thể đủ lớn đến mức gây chảy máu hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu.

Sỏi thận được phân loại theo thành phần khoáng chất. Có 4 loại sỏi thận phổ biến là:

  • Sỏi canxi
  • Sỏi axit uric
  • Sỏi struvite
  • Sỏi cystin
  • Sỏi canxi oxalat (một loại sỏi canxi) là loại sỏi thận phổ biến nhất.

Nguyên nhân gây sỏi thận

Stress có thể là một yếu tố góp phần hình thành sỏi thận nhưng ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác gây sỏi thận, chẳng hạn như:

  • Chế độ ăn uống
  • Yếu tố di truyền
  • Vấn đề sức khỏe
  • Uống không đủ nước

Các yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi thận gồm có:

  • Là phụ nữ
  • Chế độ ăn nhiều cá, động vật có vỏ hoặc nội tạng
  • Bị một vấn đề khác gây tắc nghẽn đường tiết niệu
  • Có tiền sử gia đình bị sỏi thận
  • Từng bị sỏi thận
  • Bị viêm ruột mạn tính
  • Có tiền sử mắc bệnh tiêu hóa hoặc phẫu thuật đường tiêu hóa
  • Bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
  • Dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc kháng axit có chứa canxi trong thời gian dài
  • Sử dụng một số loại thuốc chống động kinh và thuốc điều trị HIV trong thời gian dài

Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận gồm có:

  • Bệnh gout
  • Tăng canxi niệu
  • Toan hóa ống thận
  • Béo phì
  • Bệnh tiểu đường
  • Cao huyết áp
  • Cường giáp
  • Tăng oxalat niệu
  • Cystin niệu
  • Bệnh nang thận

Triệu chứng sỏi thận

Không phải khi nào sỏi thận cũng có triệu chứng. Sỏi thận nhỏ có thể trôi theo nước tiểu qua đường tiết niệu và ra ngoài mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.

Nếu có thì các triệu chứng thường là:

  • Máu trong nước tiểu
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Tiểu gấp
  • Nước tiểu có mùi hôi, khai nồng
  • Nước tiểu đục
  • Đau dai dẳng, dữ dội ở lưng hoặc hạ sườn
  • Sốt và/hoặc ớn lạnh
  • Nôn
  • Tiểu khó, dòng tiểu ngắt quãng hoặc không thể đi tiểu

Điều trị sỏi thận

Trước tiên bác sĩ sẽ xác định vị trí, kích thước và mức độ nghiêm trọng của sỏi thận thông qua xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Nếu sỏi thận nhỏ và tạm thời chưa ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan hay sức khỏe của người bệnh thì có thể chưa cần điều trị ngay mà chỉ cần tăng lượng nước uống để đào thải sỏi ra ngoài một cách tự nhiên. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như mất nước nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phải truyền dịch tĩnh mạch.

Trong những trường hợp cần phải can thiệp loại bỏ sỏi thận, sỏi sẽ được phá vỡ thành những mảnh nhỏ để dễ dàng trôi ra ngoài theo nước tiểu hơn hoặc bác sĩ lấy toàn bộ viên sỏi ra ngoài. Các phương pháp thường được sử dụng gồm có:

  • Mổ nội soi sỏi thận
  • Tán sỏi thận qua da
  • Tán sỏi bằng sóng xung kích

Có thể phải đặt stent niệu quản hoặc dẫn lưu bể thận qua da để dẫn nước tiểu hoặc các mảnh sỏi thận ra ngoài.

Sỏi thận sau khi tự trôi hoặc được lấy ra ngoài sẽ được đem đi kiểm tra để xác định loại sỏi. Bác sĩ sẽ theo dõi lượng nước tiểu của người bệnh sau phẫu thuật để xác định thể tích nước tiểu và nồng độ khoáng chất, từ đó biết được nguyên nhân gây hình thành sỏi thận.

Tóm tắt bài viết

Phản ứng stress sinh lý kéo dài có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Stress gây ra những thay đổi như nước tiểu cô đặc, tăng sản xuất khoáng chất, tăng huyết áp vàsự thay đổi lượng thức ăn, nước uống. Đây là những cơ chế sinh tồn tự nhiên của cơ chế nhưng theo thời gian sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe thận.

Sỏi thận nhỏ có thể tự trôi ra ngoài và không có triệu chứng nhưng sỏi thận lớn có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và cần can thiệp điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: có thể
Tin liên quan
Uống collagen có gây sỏi thận không?
Uống collagen có gây sỏi thận không?

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc uống bổ sung collagen có thể gây hại cho thận và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Điều này có đúng hay không?

8 triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận
8 triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận

Nếu sỏi thận có kích thước rất nhỏ thì người bệnh thường sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khi viên sỏi di chuyển qua đường tiết niệu. Nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ gây ra một số triệu chứng.

Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát
Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát

Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến. Mặc dù sỏi thận nhỏ thường tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng quá trình này có thể gây đau đớn và một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát là rất cao. Tuy nhiên, có nhiều cách tự nhiên để giảm thiểu nguy cơ và một trong những cách đó là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Các cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả nhất
Các cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả nhất

Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp. Không có biện pháp nào có thể đảm bảo ngăn ngừa sỏi thận một cách hoàn toàn nhưng có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ.

Nghiên cứu phát hiện thuốc kháng sinh có thể gây sỏi thận
Nghiên cứu phát hiện thuốc kháng sinh có thể gây sỏi thận

Ngày càng có nhiều người bị sỏi thận và theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là do việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh đường uống trong vài năm trở lại đây.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây