1

8 triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận

Nếu sỏi thận có kích thước rất nhỏ thì người bệnh thường sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khi viên sỏi di chuyển qua đường tiết niệu. Nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ gây ra một số triệu chứng.
8 triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận 8 triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận

Sỏi thận là bệnh lý phổ biến nhất xảy ra ở đường tiết niệu. Sỏi thận hình thành khi tinh thể khoáng chất lắng động trong thận, chẳng hạn như canxi, oxalat và axit uric. Thông thường, các viên sỏi chỉ có kích thước nhỏ và bị đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, nếu sỏi thận có kích thước lớn thì sẽ cần tiến hành các thủ thuật y tế để loại bỏ.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi là sỏi thận thì hãy đi khám ngay. Đặc biệt, sốt do sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu là những trường hợp cần phải cấp cứu.

Nếu không được điều trị, sỏi thận có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu hay hình thành sẹo và dẫn đến suy thận vĩnh viễn

Dưới đây là các triệu chứng thường gặp của sỏi thận.

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là những khối cứng được tạo nên từ tinh thể muối và khoáng chất trong thận, thường là từ canxi hoặc axit uric. Các viên sỏi hình thành bên trong thận và có thể di chuyển đến các bộ phận khác của đường tiết niệu.

Sỏi thận có nhiều kích thước khác nhau, từ chỉ nhỏ như hạt cát hoặc có kích thước vài cm cho đến những viên sỏi lớn đến mức chiếm gần như toàn bộ thận.

Sỏi thận hình thành khi nồng độ một số loại khoáng chất nhất định tăng cao trong cơ thể và tích tụ trong nước tiểu. Khi không uống đủ nước, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc và nồng độ các khoáng chất tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Nam giới dễ bị sỏi thận hơn phụ nữ. Theo số liệu thống kê tại Mỹ, khoảng 11% nam giới và 6% nữ giới bị sỏi thận ít nhất một lần trong đời. (1)

Sỏi thận xảy ra phổ biến hơn ở những người bị tiểu đường hoặc béo phì. Nguy cơ sỏi thận cũng tăng cao hơn bình thường ở những người mắc một bệnh lý di truyền gọi là cystin niệu.

Sỏi thận nhỏ và nằm trong thận thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng các triệu chứng có thể xuất hiện khi sỏi di chuyển vào niệu quản - ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang.

Viên sỏi có kích thước nhỏ sẽ tiếp tục di chuyển từ bàng quang đến niệu đạo và ra khỏi cơ thể theo nước tiểu. Sỏi thận càng nhỏ thì càng dễ bị đào thải qua nước tiểu và quá trình này diễn ra càng nhanh.

Thông thường, thời gian để các viên sỏi thận nhỏ bị đào thải ra ngoài là từ 31 đến 45 ngày. Nếu sỏi vẫn còn trong cơ thể sau khoảng thời gian này thì sẽ cần phải can thiệp vì sỏi sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương thận và dẫn đến các biến chứng khác.

Người bệnh nên uống nhiều nước để thúc đẩy quá trình đào thải sỏi thận. Khi sỏi đã bị đào thải ra khỏi cơ thể, hãy giữ lại và đem theo khi đi khám. Viên sỏi sẽ được phân tích để tìm ra nguyên nhân gây hình thành sỏi thận.

Sỏi thận thường gây đau đớn dữ dội. Trong hầu hết các trường hợp, sỏi thận tự biến mất mà không cần điều trị nhưng cũng có nhiều trường hợp cần phải tiến hành các thủ thuật để phá vỡ hoặc loại bỏ những viên sỏi không tự đào thải.

Các triệu chứng sỏi thận

Nếu sỏi thận có kích thước rất nhỏ thì người bệnh thường sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khi viên sỏi di chuyển qua đường tiết niệu. Nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ gây ra một số triệu chứng dưới đây.

1. Đau lưng, bụng hoặc hạ sườn

Đau do sỏi thận - hay còn gọi là cơn đau quặn thận - là một trong những loại cơn đau dữ dội nhất. Một số người bị sỏi thận cho biết cơn đau giống như khi sinh con hoặc bị dao đâm.

Trong nhiều trường hợp, cơn đau do sỏi thận dữ dội đến mức người bệnh phải đi cấp cứu.

Thông thường, cơn đau bắt đầu khi một viên sỏi di chuyển vào niệu quản hẹp. Điều này gây tắc nghẽn và làm tăng áp lực trong thận. Áp lực kích hoạt các dây thần kinh truyền tín hiệu đau đến não bộ.

Cơn đau quặn thận thường khởi phát đột ngột. Khi viên sỏi di chuyển, cơn đau sẽ thay đổi vị trí và cường độ.

Đau do sỏi thận thường xảy ra theo đợt và tình trạng này sẽ trở nên nặng hơn khi niệu quản co bóp để đẩy viên sỏi ra ngoài. Mỗi đợt đau quặn thận có thể kéo dài vài phút, sau đó biến mất và quay trở lại.

Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc bên hông, lưng và vùng hạ sườn (bên dưới xương sườn). Cảm giác đau có thể lan đến vùng bụng và vùng bẹn khi sỏi thận di chuyển xuống đường tiết niệu.

Sỏi thận lớn sẽ gây đau nhiều hơn sỏi nhỏ nhưng đôi khi, mức độ đau đớn không liên quan đến kích thước viên sỏi. Ngay cả sỏi thận nhỏ cũng có thể gây đau dữ dội khi di chuyển hoặc gây tắc nghẽn,

2. Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu

Khi viên sỏi di chuyển đến vị trí giao giữa niệu quản và bàng quang, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu. Đây cũng có thể là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu nên cần phải đi khám càng sớm càng tốt. Đôi khi, sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra đồng thời.

3. Buồn tiểu gấp

Buồn tiểu gấp hoặc đi tiểu nhiều hơn bình thường cũng là một dấu hiệu cho thấy sỏi thận đã di chuyển xuống phần dưới của đường tiết niệu.

Các triệu chứng này có thể xảy ra vào cả ban ngày lẫn ban đêm và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như là giấc ngủ.

Buồn tiểu gấp cũng là một triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu.

4. Có máu trong nước tiểu

Tiểu ra máu là một triệu chứng thường gặp ở những người bị sỏi thận. Nước tiểu lẫn máu có thể có màu đỏ, hồng hoặc nâu. Đôi khi, các tế bào máu trong nước tiểu có kích thước quá nhỏ nên người bệnh không nhận thấy (được gọi là tiểu máu vi thể). Xét nghiệm nước tiểu để tìm sự hiện diện của tế bào máu là một trong những biện pháp chẩn đoán sỏi thận.

5. Nước tiểu đục hoặc có mùi

Nước tiểu của người khỏe mạnh thường trong suốt và không có mùi nặng. Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng thận hoặc nhiễm trùng ở một bộ phận khác của đường tiết niệu.

Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy rằng khoảng 16% những người bị sỏi thận cấp tính cũng bị nhiễm trùng đường tiết niệu. (2)

Nước tiểu đục là một dấu hiệu cho thấy có lẫn mủ trong nước tiểu. Mùi hôi có thể là do vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Một triệu chứng khác ở người bị sỏi thận là nước tiểu có mùi khai nồng. Nguyên nhân là do nước tiểu cô đặc hơn bình thường.

Những trường hợp sỏi thận và nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra đồng thời cần phải phẫu thuật khẩn cấp.

6. Tiểu rắt

Sỏi thận kích thước lớn có thể bị mắc kẹt trong niệu quản và gây cản trở nước tiểu chảy từ thận đến bàng quang.

Tình trạng này dẫn đến tiểu rắt (buồn tiểu thường xuyên nhưng mỗi lần chỉ tiểu được một ít). Nếu hoàn toàn không đi tiểu được thì cần phải đến bệnh viện ngay.

7. Buồn nôn và nôn

Những người bị sỏi thận thường có cảm giác buồn nôn và nôn.

Nguyên nhân có các triệu chứng này là do thận và đường tiêu hóa có chung các kết nối thần kinh. Sỏi trong thận có thể kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như buồn nôn.

Buồn nôn và nôn đôi khi là do phản ứng của cơ thể với cơn đau dữ dội.

8. Sốt và ớn lạnh

Sốt và ớn lạnh là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng ở thận hoặc ở một bộ phận khác trong đường tiết niệu. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng của sỏi thận. Ngoài ra, sốt và ớn lạnh cũng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Khi có những dấu hiệu này thì cần phải đến bệnh viện ngay, đặc biệt là khi sốt và ớn lạnh còn kèm theo đau đớn.

Thân nhiệt khi bị sốt do nhiễm trùng thường là từ 38˚C trở lên và người bệnh còn cảm thấy ớn lạnh hoặc rùng mình liên tục.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi thận

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi thận nhưng nguy cơ sẽ cao hơn nếu như có một số yếu tố nhất định. Một số yếu tố nguy cơ là không thể thay đổi nhưng một số khác lại có thể được kiểm soát hoặc điều chỉnh.

Các yếu tố chính làm tăng nguy cơ sỏi thận gồm có:

  • Là nam giới
  • Đã từng bị sỏi thận trước đây
  • Có tiền sử gia đình bị sỏi thận
  • Không uống đủ nước
  • Chế độ ăn uống có nhiều đạm, muối (natri) hoặc đường
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Mắc bệnh gút
  • Bệnh thận đa nang
  • Dùng thuốc kháng axit dựa trên canxi hoặc thuốc lợi tiểu
  • Từng phẫu thuật nối tắt dạ dày hoặc các phương pháp phẫu thuật tiêu hóa khác
  • Phụ nữ ở độ tuổi sinh sản và đã từng mang thai một hoặc nhiều lần
  • Ăn nhiều thịt đỏ hoặc thực phẩm chức nhiều oxalat
  • Mắc các bệnh làm tăng nồng độ cystine, axit uric, canxi hoặc oxalat trong nước tiểu

Khi nào cần đi khám?

Cần đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sỏi thận và phải đến bệnh viện khẩn cấp khi có các triệu chứng dưới đây:

  • Đau đớn dữ dội và kéo dài
  • Buồn nôn, nôn, sốt hoặc ớn lạnh vì đau
  • Tiểu ra máu
  • Tiểu khó

Đây có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.

Tóm tắt bài viết

Sỏi thận hình thành từ tinh thể muối và khoáng chất trong thận và có thể di chuyển đến các bộ phận khác trong đường tiết niệu.

Sỏi thận gây ra nhiều triệu chứng như đau đớn, khó tiểu, thường xuyên buồn tiểu gấp, nước tiểu đục hoặc có mùi, buồn nôn và nôn.

Nếu có kích thước nhỏ, sỏi thận sẽ tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu sau một thời gian nhưng những trường hợp có sỏi thận lớn sẽ cần phải điều trị bằng các phương pháp như tán sỏi ngoài cơ thể hoặc phẫu thuật.

Cần đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào của sỏi thận. Điều trị càng sớm thì sẽ càng ít có nguy cơ gặp phải biến chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: triệu chứng
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa sỏi thận và các bệnh về đường tiêu hóa
Mối liên hệ giữa sỏi thận và các bệnh về đường tiêu hóa

Sỏi thận có thể gây ra một số triệu chứng về tiêu hóa cũng như các biến chứng về đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích và tắc ruột nếu như không được điều trị.

Giấm táo có thể giúp điều trị sỏi thận
Giấm táo có thể giúp điều trị sỏi thận

Giấm táo (apple cider vinegar) không chỉ là một nguyên liệu nấu ăn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì thế nên giấm táo được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có sỏi thận.

Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận
Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận

Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi thận nhưng những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao hơn.

Uống collagen có gây sỏi thận không?
Uống collagen có gây sỏi thận không?

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc uống bổ sung collagen có thể gây hại cho thận và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Điều này có đúng hay không?

Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát
Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát

Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến. Mặc dù sỏi thận nhỏ thường tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng quá trình này có thể gây đau đớn và một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát là rất cao. Tuy nhiên, có nhiều cách tự nhiên để giảm thiểu nguy cơ và một trong những cách đó là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây