1

Các triệu chứng của sỏi struvite – loại sỏi thận ít gặp

Sỏi struvite tăng kích thước rất nhanh và có thể gây tắc nghẽn thận, niệu quản hoặc bàng quang và làm hỏng thận.
Các triệu chứng của sỏi struvite – loại sỏi thận ít gặp Các triệu chứng của sỏi struvite – loại sỏi thận ít gặp

Sỏi struvite là gì?

Sỏi thận là những khối rắn hình thành khi các khoáng chất như canxi và phốt phát kết tinh và tích tụ lại bên trong thận. Có nhiều loại sỏi thận và một trong số đó là sỏi struvite. Struvite là một khoáng chất được tạo ra bởi vi khuẩn trong đường tiết niệu.

Loại sỏi này chiếm khoảng 10 đến 15% số trường hợp sỏi thận và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới.

Sỏi struvite tăng kích thước rất nhanh và có thể gây tắc nghẽn thận, niệu quản hoặc bàng quang và làm hỏng thận.

Các triệu chứng sỏi thận struvite

Các triệu chứng của sỏi struvite cũng tương tự như các loại sỏi thận khác, gồm có:

  • Đau ở hông và lưng
  • Sốt
  • Buồn tiểu liên tục
  • Đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu có máu

Nguyên nhân gây sỏi struvite

Vi khuẩn trong đường tiết niệu tạo ra struvite khi chúng phân hủy urê thành amoniac. Điều này chỉ diễn ra khi nước tiểu có tính kiềm. Nước tiểu bình thường có tính axit nhẹ nhưng sẽ chuyển sang tính kiềm khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, những phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu có nguy cơ cao bị sỏi thận struvite.

Chẩn đoán sỏi thận struvite

Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng gồm có:

  • Xét nghiệm máu để đo nồng độ các chất có thể gây hình thành sỏi thận như canxi và axit uric.
  • Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu. Có thể cần nuôi cấy nước tiểu để xem nước tiểu có chứa vi khuẩn hay không.
  • Xét nghiệm nước tiểu 24 giờ: Người bệnh cần lấy mẫu nước tiểu mỗi lần đi tiểu trong vòng 24 giờ. Sau đó, mẫu nước tiểu được nuôi cấy để tìm các chất tạo sỏi như canxi, oxalat hay axit uric.
  • Chụp X-quang để quan sát hình ảnh của thận và các cơ quan khác trong đường tiết niệu.
  • Chụp cắt lớp vi tính: chụp X-quang từ nhiều góc độ khác nhau để có được hình ảnh chi tiết của đường tiết niệu.
  • Chụp công hưởng từ (MRI): sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của đường tiết niệu.
  • Chụp niệu đồ tĩnh mạch: sử dụng kết hợp tia X và thuốc cản quang để tìm ra các vấn đề ở thận, niệu quản và bàng quang.

Điều trị sỏi struvite

Đối với các loại sỏi thận khác, nếu sỏi có kích thước nhỏ thì có thể sẽ tự đào thải ra ngoài qua nước tiểu mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu là sỏi struvite thì sẽ phải điều trị vì càng để lâu, viên sỏi sẽ càng phát triển to lên, làm hỏng thận và dẫn đến nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Loại sỏi thận này thường được điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích hoặc tán sỏi qua da.

Tán sỏi qua da là một phương pháp điều trị xâm lấn, dành cho những trường hợp có sỏi thận quá lớn và không thể làm vỡ bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Trong quá trình tán sỏi qua da, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở lưng và đưa ống nội soi cùng một số dụng cụ cần thiết vào bên trong và lấy viên sỏi ra ngoài qua đường rạch. Bệnh nhân sẽ được gây mê trong suốt quá trình phẫu thuật và có thể phải ở lại bệnh viện vài ngày sau đó.

Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng xung kích cường độ cao truyền từ một thiết bị bên ngoài vào cơ thể để tán vỡ những viên sỏi thành những mảnh nhỏ. Sau đó, các mảnh sỏi nhỏ sẽ di chuyển qua đường tiết niệu và bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Nếu sỏi thận có kích thước quá lớn hoặc có nhiều sỏi, người bệnh sẽ phải điều trị nhiều lần để loại bỏ hết sỏi.

Trong những trường hợp không thể điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể hay tán sỏi qua da, bác sĩ có thể sẽ chỉ định mổ mở, trong đó một đường rạch dài được tạo ở bụng hoặc hông để loại bỏ sỏi ra khỏi thận. Nếu thận đã bị hỏng nghiêm trọng do sỏi thì có thể sẽ phải cắt bỏ thận.

Chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận

Không giống như các loại sỏi thận khác, điều chỉnh chế độ ăn uống không phải cách hiệu quả để phòng ngừa sỏi struvite vì nguyên nhân gây hình thành loại sỏi này là do nhiễm trùng. Tuy nhiên, uống một số loại nước nhất định có thể làm cho nước tiểu có tính axit và không thích hợp cho sự hình thành sỏi, chẳng hạn như nước chanh, nước cam, nước ép quả nam việt quất, cà phê và trà.

Ngoài ra, uống đủ nước hàng ngày là điều quan trọng để phòng ngừa tất cả các loại sỏi thận. Khi nước tiểu loãng, nồng độ các chất tạo sỏi sẽ giảm và không hình thành tinh thể. Hãy cố gắng uống nhiều nước lọc hoặc các loại nước khác để cơ thể tạo ra đủ 2 lít nước tiểu mỗi ngày.

Ngăn ngừa sỏi struvite tái phát

Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc để ngăn hình thành sỏi mới, chẳng hạn như axit acetohydroxamic (AHA). AHA có tác dụng ngăn chặn sự tích tụ amoniac và làm giảm nguy cơ hình thành sỏi struvite.

Những người bị sỏi struvite tái phát nhiều lần có thể cần dùng kháng sinh liều thấp trong thời gian dài để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu – nguyên nhân gây sỏi thận struvite.

Khi nào cần đi khám?

Đi khám ngay nếu có các triệu chứng sỏi thận như đau lưng và hông, sốt và đi tiểu nhiều. Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết để kiểm tra xem nguyên nhân gây ra các triệu chứng có phải do sỏi tiết niệu hay không và xác định loại sỏi cụ thể.

Hầu hết các trường hợp sỏi thận struvite đều được điều trị thành công bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể hoặc tán sỏi qua da, đặc biệt là khi sỏi chỉ có kích thước nhỏ. Những trường hợp có sỏi thận lớn có thể phải điều trị nhiều lần để loại bỏ sỏi hoàn toàn hoặc phải mổ mở để lấy sỏi.

Đến bệnh viện ngay lập tức nếu gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng như:

  • Đau dữ dội ở vùng hạ sườn hoặc lưng
  • Sốt và ớn lạnh
  • Buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: triệu chứng
Tin liên quan
Có những loại sỏi thận nào và cách điều trị có khác nhau không?
Có những loại sỏi thận nào và cách điều trị có khác nhau không?

Sỏi thận được chia làm 4 loại chính là sỏi canxi, sỏi axit uric, sỏi struvite (magie amoni photphat) và sỏi cystin. Mỗi loại sỏi thận có hình dạng khác nhau do sự khác biệt về đặc điểm về tinh thể khoáng chất.

Giấm táo có thể giúp điều trị sỏi thận
Giấm táo có thể giúp điều trị sỏi thận

Giấm táo (apple cider vinegar) không chỉ là một nguyên liệu nấu ăn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì thế nên giấm táo được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có sỏi thận.

Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận
Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận

Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi thận nhưng những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao hơn.

Uống collagen có gây sỏi thận không?
Uống collagen có gây sỏi thận không?

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc uống bổ sung collagen có thể gây hại cho thận và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Điều này có đúng hay không?

Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát
Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát

Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến. Mặc dù sỏi thận nhỏ thường tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng quá trình này có thể gây đau đớn và một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát là rất cao. Tuy nhiên, có nhiều cách tự nhiên để giảm thiểu nguy cơ và một trong những cách đó là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây