1

Sỏi bàng quang và sỏi thận có gì giống và khác nhau?

Mặc dù đều hình thành từ khoáng chất tích tụ trong nước tiểu nhưng sỏi bàng quang và sỏi thận không giống nhau. Hai loại sỏi này nằm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể và thường có các triệu chứng khác nhau. Nhưng sỏi bàng quang và sỏi thận đều có thể bị mắc kẹt và dẫn đến biến chứng.
Sỏi bàng quang và sỏi thận có gì giống và khác nhau? Sỏi bàng quang và sỏi thận có gì giống và khác nhau?

Sỏi bàng quang và sỏi thận là những khối rắn hình thành từ các tinh thể khoáng chất được tạo nên từ protein có trong nước tiểu.

Sỏi bàng quang hình thành trong bàng quang, nơi chứa nước tiểu. Sỏi thận hình thành ở một hoặc cả hai quả thận, nơi tạo ra nước tiểu. Cả hai loại sỏi đều hình thành khi các khoáng chất trong nước tiểu trở nên cô đặc và cứng lại.

Sỏi thận phổ biến hơn sỏi bàng quang. Trong một số trường hợp, sỏi thận có thể trở thành sỏi bàng quang khi sỏi di chuyển qua niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang).

Dưới đây là những điểm giống và khác nhau giữa sỏi thận và sỏi bàng quang cũng như cách chẩn đoán, điều trị hai loại sỏi này.

Triệu chứng sỏi thận và sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang và sỏi thận có các triệu chứng hơi khác nhau.

Triệu chứng sỏi bàng quang

Thông thường, sỏi bàng quang nhỏ không gây ra triệu chứng rõ rệt. Sỏi bàng quang thường có thể tự trôi ra ngoài một cách dễ dàng.

Nhưng sỏi bàng quang lớn sẽ gây ra các triệu chứng như:

  • Đau bụng dưới
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đau khi đi tiểu, tiểu khó
  • Tiểu ra máu
  • Buồn tiểu nhưng chỉ tiểu được một lượng nhỏ
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu

Triệu chứng sỏi thận

Các triệu chứng của sỏi thận thường rõ rệt hơn, gồm có:

  • Đau nhói ở lưng, vùng hạ sườn, bụng dưới hoặc bẹn
  • Tiểu ra máu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đau khi đi tiểu
  • Lượng nước tiểu ít
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi nồng
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Sốt
  • Ớn lạnh

Nếu sỏi thận bị mắc kẹt trong niệu quản hoặc niệu đạo thì sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân gây sỏi thận và sỏi bàng quang

Sỏi thận và sỏi bàng quang hình thành khi nước tiểu cô đặc. Nước tiểu cô đặc làm cho các khoáng chất trong nước tiểu cứng lại, kết tinh thành tinh thể và tích tụ lại tạo thành các khối rắn.

Nguyên nhân gây sỏi bàng quang

Sỏi bàng quang có thể hình thànhh nếu bàng quang không làm trống hoàn toàn. Những nguyên nhân có thể dẫn đến sỏi bàng quang gồm có:

  • Bệnh bàng quang thần kinh: là tình trạng rối loạn chức năng bàng quang do tổn thương các dây thần kinh kiểm soát cơ bàng quang. Điều này khiến cơ bàng quang khó co bóp và nước tiểu đọng lại trong bàng quang khi đi tiểu.
  • Túi thừa bàng quang: Tình trạng này xảy ra khi một phần của thành bàng quang bị suy yếu và tạo nên túi phình. Nước tiểu có thể đọng lại trong túi phình này và trở nên cô đặc.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây viêm bàng quang và dẫn đến sỏi bàng quang.
  • Phì đại tuyến tiền liệt: Phì đại tuyến tiền liệt hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính có thể khiến bàng quang không thể làm trống hoàn toàn khi đi tiểu. Đây là một vấn đề phổ biến ở nam giới lớn tuổi.
  • Sỏi thận: Đôi khi, sỏi thận bị mắc kẹt trong bàng quang, phát triển to lên và trở thành sỏi bàng quang.

Nguyên nhân gây sỏi thận

Các nguyên nhân phổ biến gây sỏi thận gồm có:

  • Mất nước: Khi không uống đủ nước hoặc đổ quá nhiều mồ hôi, cơ thể sẽ bị mất nước. Điều này khiến cho nước tiểu cô đặc và có thể hình thành sỏi.
  • Chế độ ăn uống: Ăn quá nhiều muối, đường, fructose và protein động vật có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận.
  • Phẫu thuật giảm cân: Phẫu thuật giảm cân có thể thay đổi thành phần khoáng chất của nước tiểu và dẫn đến hình thành sỏi thận. Phẫu thuật giảm cân còn có thể làm giảm lượng nước trong nước tiểu, khiến cho nước tiểu trở nên cô đặc.
  • Nhiễm trùng: Một số loại sỏi thận là do nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra.
  • Rối loạn chuyển hóa: Các tình trạng như tăng canxi niệu (nồng độ canxi trong nước tiểu cao), tăng oxalat niệu (nồng độ oxalat trong nước tiểu cao) và tăng axit uric niệu (nồng độ axit uric trong nước tiểu tăng cao) có thể ảnh hưởng đến thành phần khoáng chất trong nước tiểu và làm tăng nguy cơ sỏi thận.

Các yếu tố nguy cơ của sỏi bàng quang và sỏi thận

Sỏi bàng quang và sỏi thận có chung một số yếu tố nguy cơ.

Yếu tố nguy cơ của sỏi bàng quang

Các yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi bàng quang gồm có:

  • Là nam giới
  • Tuổi cao
  • Từng xạ trị
  • Phẫu thuật mở rộng bàng quang
  • Hẹp niệu đạo
  • Bệnh sán máng
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
  • Sử dụng ống thông tiểu foley
  • Sỏi thận tái phát

Yếu tố nguy cơ của sỏi thận

Các yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi thận:

  • Là nam giới
  • Bị cường tuyến cận giáp
  • Uống quá ít nước
  • Tiền sử gia đình bị sỏi thận
  • Bất thường về cấu tạo của thận
  • Cao huyết áp
  • Béo phì
  • Bệnh viêm ruột
  • Bệnh nang thận
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
  • Dùng một số loại thuốc (ví dụ như thuốc lợi tiểu)
  • Tiền sử sỏi thận

Chẩn đoán sỏi bàng quang và sỏi thận

Sỏi bàng quang và sỏi thận được chẩn đoán bằng các phương pháp giống nhau, gồm có:

  • Khai thác bệnh sử: Biết tiền sử bệnh sẽ giúp bác sĩ xác định nguy cơ mắc sỏi bàng quang hoặc sỏi thận.
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra các khu vực bị đau và các triệu chứng khác.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện máu và đo nồng độ một số khoáng chất trong nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu còn giúp phát hiện bạch cầu và vi khuẩn trong nước tiểu – các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Xét nghiệm máu: để đo nồng độ một số khoáng chất trong máu.
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh: Chụp CT ổ bụng và vùng chậu hoặc siêu âm sẽ giúp phát hiện sỏi. Ngoài ra có thể phải chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch hay chụp X-quang thận, niệu quản và bàng quang.

Điều trị sỏi thận và sỏi bàng quang

Sỏi thận và sỏi bàng quang nhỏ có thể tự trôi ra ngoài theo nước tiểu và không cần điều trị

Tuy nhiên, nếu sỏi có kích thước lớn và gây tắc nghẽn thì sẽ phải điều trị.

Các phương pháp điều trị sỏi bàng quang và sỏi thận gồm có:

  • Dùng thuốc: Có thể làm vỡ sỏi bàng quang hoặc sỏi thận bằng thuốc. Thời gian điều trị sẽ tùy thuộc vào loại sỏi.
  • Đặt stent niệu quản: Đặt một ống mềm vào niệu quản để giữ cho niệu quản mở rộng và giúp nước tiểu chảy ra từ quả thận có sỏi.
  • Dẫn lưu bể thận qua da: Đưa ống dẫn lưu vào thận để dẫn nước tiểu từ thận vào trong một túi chứa bên ngoài.
  • Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích: Sử dụng sóng âm thanh để phá vỡ viên sỏi thành nhiều mảnh nhỏ và nhờ đó giúp sỏi tự trôi ra ngoài dễ dàng hơn.
  • Tán sỏi qua nội soi niệu quản: Luồn ống nội soi qua niệu đạo và bàng quang vào niệu quản để xác định sỏi trong thận hoặc bàng quang. Bác sĩ sẽ lấy viên sỏi ra ngoài hoặc phá vỡ viên sỏi thành những mảnh nhỏ.

Nói chung, người bệnh thường phục hồi nhanh chóng sau các thủ thuật này.

Phòng ngừa sỏi bàng quang và sỏi thận

Không thể phòng ngừa sỏi thận và sỏi bàng quang một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm nguy cơ bằng các cách sau đây:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế muối, đường và protein động vật (thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản).
  • Ở những người bị cường tuyến cận giáp, cắt bỏ tuyến cận giáp có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận và sỏi bàng quang.
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi bị sỏi thận.
  • Đi khám nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát để tìm ra nguyên nhân và điều trị.
  • Cho bác sĩ biết nếu có tiền sử gia đình bị sỏi thận hoặc sỏi bàng quang.

Câu hỏi thường gặp về sỏi thận và sỏi bàng quang

Sỏi thận và sỏi bàng quang có nghiêm trọng không?

Sỏi thận và sỏi bàng quang nhỏ có thể tự trôi ra ngoài và không đáng ngại nhưng sỏi lớn có thể bị mắc kẹt, gây tắc nghẽn và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Sỏi bàng quang và sỏi thận có tái phát không?

Sỏi bàng quang và sỏi thận có thể tái phát sau điều trị. Nếu sỏi thận hoặc sỏi bàng quang tái phát nhiều lần thì người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các biện pháp phòng ngừa.

Sỏi bàng quang và sỏi thận có thể tự khỏi không?

Sỏi bàng quang hoặc sỏi thận nhỏ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ phải can thiệp để loại bỏ sỏi.

Điều gì xảy ra nếu sỏi bàng quang hoặc sỏi thận không được điều trị?

Nếu sỏi bàng quang hoặc sỏi thận không được loại bỏ thì có thể dẫn đến nhiễm trùng, đau dữ dội và tổn thương thận.

Tóm tắt bài viết

Sỏi bàng quang và sỏi thận là những khối rắn hình thành từ các tinh thể khoáng chất tích tụ trong nước tiểu. Hai loại sỏi này khác nhau về vị trí hình thành, một số triệu chứng và nguyên nhân. Trong một số trường hợp, sỏi thận có thể di chuyển qua niệu quản và trở thành sỏi bàng quang.

Sỏi nhỏ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nhưng sỏi kích thước lớn có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu và dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng.

Các phương pháp chính để điều trị sỏi bàng quang và sỏi thận là thuốc, thiết bị khôi phục dòng nước tiểu và thủ thuật phá vỡ sỏi. Có thể ngăn ngừa sỏi bàng quang và sỏi thận bằng những thay đổi lối sống đơn giản.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Điều trị sỏi thận bằng nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser
Điều trị sỏi thận bằng nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser

Nội soi ngược dòng tán sỏi bằng laser là kỹ thuật kết hợp nội soi niệu quản với tán sỏi bằng laser để xác định vị trí sỏi và loại bỏ sỏi thận nằm trong niệu quản. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, an toàn và hiệu quả hơn so với phẫu thuật truyền thống.

Sự Khác Biệt Giữa Sỏi Thận Và Ung Thư Thận
Sự Khác Biệt Giữa Sỏi Thận Và Ung Thư Thận

Sự khác biệt giữa sỏi thận và ung thư thận là gì? Hai bệnh lý này có liên quan gì đến nhau. Những triệu. Những triệu chứng, yếu tố nguy cơ và tiên lượng hai bệnh lý này ra sao. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!

Có cần chụp X-quang để chẩn đoán sỏi thận không?
Có cần chụp X-quang để chẩn đoán sỏi thận không?

Có nhiều phương pháp được sử dụng để phát hiện sỏi thận và một trong số đó là chụp X-quang. Bài viết này sẽ giải thích khi nào cần chụp X-quang để chẩn đoán sỏi thận và một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thay thế cho chụp X-quang.

Trị sỏi thận bằng nước ép nam việt quất có hiệu quả không?
Trị sỏi thận bằng nước ép nam việt quất có hiệu quả không?

Sỏi thận là một vấn đề phổ biến. Có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận và một trong số đó là chế độ ăn uống. Trong khi một số loại thực phẩm góp phần gây sỏi thận thì một số lại được cho là có công dụng trị sỏi thận, ví dụ như quả nam việt quất.

Giấm táo có thể giúp điều trị sỏi thận
Giấm táo có thể giúp điều trị sỏi thận

Giấm táo (apple cider vinegar) không chỉ là một nguyên liệu nấu ăn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì thế nên giấm táo được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có sỏi thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây