Sỏi mật và sỏi thận có gì giống và khác nhau?
Sỏi mật và sỏi thận hình thành ở hai cơ quan khác nhau nhưng đều gây đau đớn. Sỏi mật hình thành do sự lắng đọng dịch tiêu hóa, trong khi sỏi thận hình thành từ các tinh thể chất hóa học trong nước tiểu. Cả sỏi thận và sỏi mật đều có thể tự trôi ra ngoài. Tuy nhiên, một số trường hợp sỏi mật cần phải phẫu thuật bỏ túi mật.
Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là loại sỏi hình thành do các thành phần trong dịch mật kết tinh tạo thành khối rắn trong túi mật. Người bệnh có thể có một hoặc nhiều viên sỏi cùng lúc. Sỏi mật có kích thước đa dạng, từ chỉ nhỏ như hạt gạo cho đến to như quả bóng bàn.
Không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân gây sỏi mật. Các nguyên nhân phổ biến nhất gồm có:
- Giảm co bóp túi mật: Túi mật không làm rỗng thường xuyên hoặc không làm rỗng hoàn toàn, điều này có thể khiến dịch mật trở nên cô đặc và dẫn đến sự hình thành các tinh thể trong túi mật.
- Quá nhiều cholesterol trong dịch mật: Nếu gan giải phóng nhiều cholesterol hơn lượng cholesterol mà dịch mật có thể hòa tan, lượng cholesterol dư thừa có thể kết tinh thành tinh thể. Theo thời gian, những tinh thể này sẽ tạo thành sỏi.
- Quá nhiều bilirubin trong dịch mật: Cơ thể tạo ra bilirubin trong quá trình phá vỡ hồng cầu. Một số bệnh lý khiến gan tạo ra quá nhiều bilirubin và điều này có thể dẫn đến hình thành sỏi mật.
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận hình thành từ các hóa chất trong nước tiểu. Khi nước tiểu có quá ít nước hoặc có quá nhiều chất thải, các hóa chất có thể tích tụ lại với nhau và tạo thành tinh thể. Nếu như thận không thể đào thải các tinh thể này ra ngoài, chúng sẽ tiếp tục kết tụ hóa chất và hình thành sỏi thận.
Sỏi thận được chia làm 4 loại chính dựa trên thành phần của sỏi:
- Sỏi canxi: Đây là loại sỏi thận phổ biến nhất. Sỏi canxi thường hình thành do các yếu tố như chế độ ăn uống, lượng vitamin D cao, rối loạn chuyển hóa hay phẫu thuật cắt dạ dày.
- Sỏi struvite: Sỏi struvite thường hình thành do nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Sỏi axit uric: Sỏi axit uric thường hình thành do mất nước sau một thời gian tiêu chảy kéo dài hoặc do hấp thu kém. Loại sỏi thận này cũng có thể hình thành do chế độ ăn có quá nhiềuu protein, bệnh tiểu đường và một số rối loạn chuyển hóa.
- Sỏi cystin: Sỏi cystine thường hình thành ở những người bị cystin niệu - một bệnh di truyền.
Sỏi thận và sỏi mật khác nhau như thế nào?
Sỏi mật và sỏi thận là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Hai loại sỏi này hình thành ở các cơ quan khác nhau, do nguyên nhân khác nhau gây ra và có triệu chứng khác nhau.
Sỏi thận hình thành trong thận và thường do các yếu tố như chế độ ăn uống và mất nước.
Sỏi mật hình thành trong túi mật và thường do vấn đề về tiêu hóa hay chức năng gan.
Triệu chứng
Triệu chứng của sỏi mật
Một số người bị sỏi mật mà không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu sỏi mật nằm trong ống mật thì có thể gây tắc nghẽn. Điều này dẫn đến các triệu chứng như:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau đột ngột ở vùng bụng trên bên phải, cơn đau ngày càng dữ dội
- Đau đột ngột ở vùng giữa bụng và đau ngày càng tăng
- Đau giữa hai bả vai
- Đau ở vai phải
Triệu chứng của sỏi thận
Triệu chứng của sỏi thận phụ thuộc vào kích thước của sỏi. Sỏi càng lớn thì càng triệu chứng càng nghiêm trọng.
Các triệu chứng phổ biến của sỏi thận gồm có:
- Đau dữ dội ở thắt lưng
- Tiểu ra máu
- Nước tiểu đục
- Đau bụng dưới hoặc vùng hạ sườn
- Đi tiểu nhiều lần
- Đau khi đi tiểu
- Buồn tiểu nhưng lượng nước tiểu ít
- Sốt
- Ớn lạnh
- Buồn nôn
- Nôn mửa
Yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ của sỏi mật
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi mật, gồm có:
- Trên 40 tuổi
- Là phụ nữ
- Có tiền sử gia đình bị sỏi mật
- Chế độ ăn nhiều chất béo
- Chế độ ăn nhiều cholesterol
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Béo phì
- Mang thai
- Mắc bệnh tiểu đường
- Bị bệnh gan
- Bị bệnh bạch cầu, thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm hoặc các bệnh về máu khác
- Lối sống ít vận động
- Giảm cân quá nhanh
- Dùng thuốc có chứa estrogen
Yếu tố nguy cơ của sỏi thận
Các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận gồm có:
- Tiền sử gia đình bị sỏi thận
- Từng bị sỏi thận
- Mất nước
- Sống ở vùng khí hậu ấm và khô
- Chế độ ăn nhiều protein
- Chế độ ăn nhiều natri
- Béo phì
- Từng phẫu thuật dạ dày
- Mắc bệnh viêm ruột, tiêu chảy mạn tính và các bệnh đường tiêu hóa khác
- Bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần
- Có các bệnh lý khác như cường tuyến cận giáp, toan hóa ống thận và cystin niệu
- Dùng một số loại thuốc như thuốc trị đau nửa đầu và thuốc chống trầm cảm.
Điều trị
Điều trị sỏi mật
Nếu không có triệu chứng thì sỏi mật không cần điều trị. Người bệnh cần chú ý theo dõi và đi khám khi nhận thấy các triệu chứng. Các phương pháp điều trị sỏi mật gồm có:
- Thuốc làm tan sỏi mật: Có thể phải mất vài tháng thuốc mới phát huy tác dụng. Trong nhiều trường hợp, dùng thuốc không phải là giải pháp điều trị sỏi mật lâu dài.
- Phẫu thuật cắt túi mật: Vì sỏi mật rất dễ tái phát nên trong những trường hợp có triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh cần phải phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Điều trị sỏi thận
Việc điều trị sỏi thận phụ thuộc vào kích thước của sỏi. Sỏi thận nhỏ có thể tự trôi ra ngoài. Tùy vào kích thước của viên sỏi mà thời gian đào thải sỏi thận có thể mất từ 1 – 3 tuần. Người bệnh nên uống nhiều nước để giúp thận đào thải sỏi ra ngoài nhanh hơn.
Nếu cần thiết, người bệnh có thể dùng các loại thuốc làm giảm axit trong nước tiểu để sỏi trôi ra ngoài dễ dàng hơn.
Nếu sau 4 tuần mà sỏi vẫn không trôi ra ngoài thì sẽ phải điều trị. Nếu không điều trị, sỏi sẽ mắc kẹt trong đường tiết niệu và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.
Các lựa chọn điều trị sỏi thận gồm có:
- Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích: sử dụng sóng âm thanh để phá vỡ sỏi từ bên ngoài. Sau đó, các mảnh sỏi sẽ được đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
- Nội soi niệu quản: sử dụng ống nội soi luồn qua niệu đạo và bàng quang vào niệu quản để loại bỏ sỏi thận.
- Tán sỏi thận qua da: dùng kim chọc qua da vùng lưng vào trong thận để loại bỏ sỏi.
Tiên lượng
Tiên lượng sỏi mật
Sỏi mật rất dễ tái phát. Tuy nhiên, đa phần sỏi mật không gây triệu chứng và không cần điều trị. Nếu sỏi mật thường xuyên tái phát và có triệu chứng thì phẫu thuật cắt túi mật là một giải pháp hiệu quả để phòng ngừa sỏi mật về lâu dài.
Tiên lượng sỏi thận
Phần lớn các ca bệnh sỏi thận đều được điều trị thành công. Tuy nhiên, những người từng bị sỏi thận rất dễ tái phát bệnh. Ngoài ra, người có tiền sử sỏi thận còn có nguy cơ mắc bệnh thận mạn.
Những người từng bị sỏi thận nên trao đổi với bác sĩ về nguy cơ tái phát cũng như nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ đưa ra các cách giúp giảm nguy cơ biến chứng thận trong tương lai.
Phòng ngừa
Phòng ngừa sỏi mật
Không có cách nào có thể phòng ngừa hoàn toàn sỏi mật nhưng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách điều chỉnh một số thói quen sống, chẳng hạn như duy trì cân nặng vừa phải, ăn nhiều chất xơ và các bữa ăn cách đều nhau trong ngày (từ 3 – 4 tiếng). Nếu muốn giảm cân thì nên lựa chọn các phương pháp giảm cân bền vững, giảm từ từ, ví dụ như giảm từ 0,5 – 1kg, không nên theo các chế độ ăn kiêng khắc nghiệt để giảm cân cấp tốc
Phòng ngừa sỏi thận
Một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ bị sỏi thận là uống đủ nước mỗi ngày. Hãy uống nước thường xuyên trong suốt cả ngày và hạn chế ăn các món có hàm lượng natri cao như bim bim, thịt muối, đồ hộp, dưa muối…
Những người đã từng bị sỏi thận hoặc có nguy cơ cao bị sỏi thận có thể hỏi bác sĩ về các loại thuốc giúp giảm nguy cơ sỏi thận.
Tóm tắt bài viết
Sỏi mật và sỏi thận là hai bệnh lý riêng biệt với nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
Sỏi mật hình thành trong túi mật và có thể không cần điều trị nếu không có triệu chứng. Tuy nhiên, sỏi mật có thể gây đau đớn dữ dội và thậm chí nhiễm trùng. Những trường hợp này sẽ cần phải điều trị. Các phương pháp điều trị sỏi mật gồm có điều chỉnh chế độ ăn uống, thuốc và phẫu thuật cắt bỏ túi mật.
Sỏi thận hình thành trong thận và cũng gây đau đớn. Sỏi thận nhỏ có thể được đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng nếu sỏi lớn thì sẽ phải dùng thuốc hoặc các thủ thuật làm vỡ và loại bỏ sỏi.
Sự khác biệt giữa sỏi thận và ung thư thận là gì? Hai bệnh lý này có liên quan gì đến nhau. Những triệu. Những triệu chứng, yếu tố nguy cơ và tiên lượng hai bệnh lý này ra sao. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
Giấm táo (apple cider vinegar) không chỉ là một nguyên liệu nấu ăn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì thế nên giấm táo được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có sỏi thận.
Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi thận nhưng những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao hơn.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc uống bổ sung collagen có thể gây hại cho thận và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Điều này có đúng hay không?
Nếu sỏi thận có kích thước rất nhỏ thì người bệnh thường sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khi viên sỏi di chuyển qua đường tiết niệu. Nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ gây ra một số triệu chứng.