1

Sỏi thận bao lâu sẽ đào thải và khi nào cần đi khám?

Thời gian mà sỏi thận di chuyển từ thận ra ngoài cơ thể tùy thuộc vào một số yếu tố như kích thước và vị trí sỏi kẹt trong niệu quản.
Sỏi thận bao lâu sẽ đào thải và khi nào cần đi khám? Sỏi thận bao lâu sẽ đào thải và khi nào cần đi khám?

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là những khối rắn hình thành khi các hóa chất và khoáng chất trong nước tiểu kết tinh thành tinh thể và tích tụ lại.

Những hóa chất và khoáng chất này, chẳng hạn như canxi và axit uric, luôn có trong nước tiểu ở nồng độ thấp. Lượng dư thừa thường bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân mà đôi khi, nồng độ khoáng chất lại tăng lên quá cao và dẫn đến hình thành sỏi thận.

Có nhiều trường hợp sỏi thận hình thành mà không rõ nguyên nhân nhưng một số yếu tố về sức khỏe và lối sống nhất định có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận, ví dụ như:

  • Ăn nhiều protein
  • Uống bổ sung quá nhiều vitamin D
  • Không uống đủ nước
  • Béo phì
  • Rối loạn chuyển hóa
  • Bệnh gút hoặc bệnh viêm ruột

Nam giới có nguy cơ sỏi thận cao hơn phụ nữ và nguy cơ cũng tăng cao hơn ở những người có tiền sử gia đình bị sỏi thận.

Các triệu chứng thường gặp của sỏi thận gồm có:

  • Đau ở lưng và hai bên hông, cơn đau thường đến đột ngột
  • Có máu trong nước tiểu, khiến nước tiểu có màu hồng hoặc nâu
  • Buồn tiểu liên tục
  • Đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
  • Buồn tiểu nhưng chỉ tiểu được rất ít hoặc hoàn toàn không tiểu được

Sỏi thận hình thành trong thận và sau đó di chuyển vào niệu quản. Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Những viên sỏi nhỏ thường dễ dàng trôi qua niệu quản nhưng những viên lớn có thể mắc kẹt trong niệu quản và gây ra các triệu chứng trên.

Vậy phải mất bao lâu để sỏi thận đào thải ra khỏi cơ thể?

Sỏi thận bao lâu sẽ đào thải?

Thời gian mà sỏi thận di chuyển từ thận ra ngoài cơ thể tùy thuộc vào một số yếu tố như kích thước và vị trí sỏi kẹt trong niệu quản.

Kích thước

Kích thước của viên sỏi là một yếu tố chính quyết định sỏi thận có tự trôi ra ngoài hay không. 80% sỏi thận kích thước dưới 4mm có thể tự đào thải và quá trình này thường mất trung bình 31 ngày. (1)

Những viên sỏi có kích thước lớn hơn (từ 4 – 6mm) thường cần phải can thiệp điều trị nhưng khoảng 60% có thể tự đào thải và quá trình đào thải mất trung bình 45 ngày.

Phần lớn các trường hợp có sỏi thận từ 6mm trở lên đều cần phải điều trị và chỉ khoảng 20% có thể tự đào thải. Trong những trường hợp này, viên sỏi di chuyển rất chậm và có thể phải mất đến 1 năm sỏi mới trôi ra khỏi cơ thể.

Vị trí sỏi trong niệu quản

Mặc dù kích thước là yếu tố chính quyết định sỏi có tự đào thải hay không nhưng sự đào thải sỏi thận còn tùy thuộc vào vị trí sỏi trong niệu quản.

Sỏi thận nằm gần bàng quang thường dễ đào thải hơn so với sỏi nằm gần thận. Nghiên cứu cho thấy gần 80% những viên sỏi này sẽ tự đào thải.

Khi sỏi nằm gần thận, tỷ lệ tự đào thải mà không cần điều trị là khoảng 48%. (2)

Làm thế nào để sỏi thận đào thải nhanh hơn?

Biện pháp tự nhiên hiệu quả nhất để thúc đẩy quá trình đào thải sỏi thận là uống nhiều nước, đặc biệt là nước lọc và các loại nước trái cây họ cam quýt như cam, chanh hoặc bưởi. Uống nhiều nước sẽ khiến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn, từ đó đẩy sỏi thận ra ngoài nhanh hơn và còn giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi mới. Cố gắng uống từ 1,8 – 2,7 lít nước mỗi ngày.

Sỏi thận nhỏ sẽ dễ đào thải hơn nên ngoài uống nhiều nước, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp để ngăn viên sỏi tăng kích thước, chẳng hạn như ăn ít muối và protein.

Quá trình đào thải sỏi thận có thể gây đau đớn nên người bệnh có thể uống thuốc giảm đau như ibuprofen. Mặc dù các loại thuốc này không giúp đẩy nhanh quá trình đào thải sỏi nhưng sẽ giúp người bệnh dễ chịu hơn rất nhiều. Một cách giảm đau nữa là chườm nóng.

Nếu bị sốt, buồn nôn hoặc nôn nhiều thì nên đi khám. Sốt hoặc ớn lạnh có thể là dấu hiệu cho thấy đường tiết niệu đã bị nhiễm trùng.

Những người chỉ còn một quả thận hoặc mắc các bệnh về thận đã biết cũng cần đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng sỏi thận.

Sỏi thận có thể gây nhiễm trùng và những trường hợp này cần phải điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Các biện pháp điều trị sỏi thận không cần phẫu thuật

Nếu sỏi thận chỉ có kích thước nhỏ, người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc hoặc các thủ thuật không xâm lấn để hỗ trợ sỏi đào thải nhanh hơn. Các loại thuốc và thủ thuật thường được sử dụng để điều trị sỏi thận gồm có:

  • Thuốc chẹn kênh canxi: Thuốc chẹn kênh canxi thường được sử dụng để điều trị bệnh cao huyết áp nhưng cũng có thể dùng để thúc đẩy đào thải sỏi thận. Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn niệu quản co thắt, nhờ đó giúp giảm đau và còn giúp mở rộng niệu quản để sỏi thận có thể đi qua dễ dàng hơn.
  • Thuốc chẹn alpha: Thuốc chẹn alpha có tác dụng làm giãn cơ trong niệu quản. Điều này giúp cho viên sỏi trôi qua dễ dàng hơn. Việc làm giãn các cơ còn giúp giảm đau do co thắt ở niệu quản.
  • Tán sỏi ngoài cơ thể: Tán sỏi ngoài cơ thể là một thủ thuật không xâm lấn sử dụng sóng âm năng lượng cao (còn gọi là sóng xung kích) để làm vỡ sỏi thành các mảnh nhỏ hơn. Sóng âm được truyền từ một thiết bị bên ngoài vào trong cơ thể, nhắm vào vị trí của thận. Các mảnh sỏi nhỏ sẽ trôi qua đường tiết niệu dễ dàng hơn. Người bệnh có thể phải ở lại viện 1 - 2 ngày sau thủ thuật để theo dõi.

Mất nước là một vấn đề thường gặp khi bị sỏi thận và người bệnh có thể cần phải truyền dịch qua tĩnh mạch để bổ sung nước cho cơ thể. Cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bị nôn hoặc có các dấu hiệu mất nước nghiêm trọng khác.

Khi nào cần phẫu thuật?

Nếu gặp các triệu chứng nghi ngờ là sỏi thận thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện có sỏi, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp, có thể chỉ cần chờ để sỏi tự đào thải, uống thuốc, điều trị bằng thủ thuật không xâm lấn hoặc phải phẫu thuật loại bỏ sỏi.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật ngay lập tức nếu như viên sỏi có kích thước quá lớn (trên 6 mm) và không thể tự đào thải hoặc sỏi thận đang gây tắc nghẽn, cản trở dòng chảy nước tiểu. Tình trạng tắc nghẽn do sỏi thận có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc tổn thương thận.

Nếu sỏi thận chỉ có kích thước nhỏ, người bệnh có thể tự theo dõi tại nhà để xem sỏi có tự đào thải hay không. Nếu các triệu chứng ngày càng nặng hoặc nhận thấy bất kỳ triệu chứng mới nào thì cần phải đi khám ngay.

Nếu sỏi không tự đào thải mà ngày càng phát triển to lên, người bệnh bị đau đớn dữ dội hoặc có các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt thì có thể sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ sỏi. Phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp nhiễm trùng, sốt, tổn thương thận, đau dữ dội hoặc nôn nhiều.

Tóm tắt bài viết

Sỏi thận có thể gây đau đớn nhưng thường tự đào thải mà không cần điều trị. Nếu có các dấu hiệu sỏi thận thì hãy đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp điều trị.

Sỏi thận càng lớn thì càng lâu đào thải. Tùy vào khả năng tự đào thải của sỏi và các triệu chứng gặp phải mà bệnh nhân có thể tự theo dõi tại nhà hoặc phải can thiệp điều trị.

Một khi đã bị sỏi thận, nguy cơ tái phát là rất cao. Uống đủ nước mỗi ngày là cách hiệu quả để giảm nguy cơ hình thành sỏi mới. Dấu hiệu cho thấy cơ thể được cung cấp đủ nước là nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc không màu. Ngoài ra, hãy ăn nhiều trái cây, rau xanh và hạn chế ăn muối.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: khi nào
Tin liên quan
Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận
Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận

Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi thận nhưng những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao hơn.

Uống collagen có gây sỏi thận không?
Uống collagen có gây sỏi thận không?

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc uống bổ sung collagen có thể gây hại cho thận và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Điều này có đúng hay không?

8 triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận
8 triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận

Nếu sỏi thận có kích thước rất nhỏ thì người bệnh thường sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khi viên sỏi di chuyển qua đường tiết niệu. Nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ gây ra một số triệu chứng.

Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát
Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát

Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến. Mặc dù sỏi thận nhỏ thường tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng quá trình này có thể gây đau đớn và một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát là rất cao. Tuy nhiên, có nhiều cách tự nhiên để giảm thiểu nguy cơ và một trong những cách đó là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Các cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả nhất
Các cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả nhất

Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp. Không có biện pháp nào có thể đảm bảo ngăn ngừa sỏi thận một cách hoàn toàn nhưng có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây