1

Phụ nữ mang thai có dùng được melatonin không?

Bổ sung melatonin là một cách phổ biến để cải thiện giấc ngủ. Ngủ đủ giấc là điều rất quan trọng trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra kết luận rõ ràng liệu dùng melatonin khi mang thai có an toàn hay không.
Phụ nữ mang thai có dùng được melatonin không? Phụ nữ mang thai có dùng được melatonin không?

Melatonin là một loại hormone mà cơ thể tạo ra một cách tự nhiên. Hormone này có nhiều chức năng trong cơ thể nhưng một trong những chức năng chính là điều phối nhịp sinh học hay chu kỳ ngủ - thức hàng ngày. Mặc dù melatonin được tạo ra tự nhiên trong cơ thể nhưng đôi khi vẫn cần bổ sung thêm melatonin để cải thiện giấc ngủ.

Cả buồng trứng và nhau thai đều tạo ra một lượng lớn melatonin và sử dụng hormone này trong suốt quá trình mang thai và sinh nở. Nồng độ melatonin tăng lên đáng kể ở tuần thứ 24 của thai kỳ và thậm chí còn tiếp tục tăng sau tuần 32.

Melatonin phối hợp với oxytocin để thúc đẩy quá trình chuyển dạ và sinh nở. Nồng độ melatonin cao hơn vào buổi tối. Đó có thể là lý do tại sao nhiều phụ nữ chuyển dạ vào buổi tối và sáng sớm.

Melatonin còn có trong nước ối và sữa mẹ. Trong thời gian còn trong bụng mẹ và những tháng đầu sau sinh, cơ thể trẻ chưa thể tự tạo ra melatonin mà sẽ sử dụng lượng melatonin từ người mẹ. Như vậy, việc bổ sung melatonin trong thời gian mang thai có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

Vậy việc sử dụng melatonin khi mang thai có lợi hay có hại?

Dùng melatonin khi mang thai có an toàn không?

Cơ thể chúng ta tự tạo ra melatonin. Việc có nên dùng thực phẩm chức năng bổ sung hay không vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi. Mặc dù melatonin là một loại hormone được cơ thể tạo ra tự nhiên nhưng không có nghĩa là thực phẩm chức năng bổ sung melatonin cũng an toàn tuyệt đối. Tốt hơn hết bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng melatonin.

Melatonin chưa được chứng minh là an toàn khi dùng trong thai kỳ và cũng chưa có liều dùng tiêu chuẩn.

Melatonin nói chung là an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn nhưng tính an toàn khi dùng lâu dài hiện vẫn chưa được nghiên cứu.

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy bổ sung melatonin khi mang thai gây ảnh hưởng tiêu cực đến cân nặng của mẹ, cân nặng khi sinh và tỷ lệ tử vong của con.

Ngoài ra, melatonin còn có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Buồn ngủ
  • Buồn nôn
  • Đau đầu
  • Chóng mặt

Lợi ích của melatonin trong thai kỳ

Các nghiên cứu trên người về tác động của melatonin đến thai kỳ và trẻ sơ sinh vẫn đang ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, một số thử nghiệm trên động vật đã cho thấy lợi ích của melatonin đối với thai kỳ.

Một số lợi ích của melatonin đối với thai nhi:

  • Cần thiết cho sự phát triển trí não khỏe mạnh
  • Giảm nguy cơ thai chậm phát triển trong tử cung
  • Ngăn ngừa stress oxy hóa (gây tổn thương tế bào)
  • Ngăn ngừa rối loạn hành vi thần kinh

Những lợi ích của melatonin đối với phụ nữ mang thai:

  • Tăng khả năng sinh sản
  • Giảm nguy cơ tiền sản giật, tuy rằng cần có thêm nghiên cứu trên người để kiểm chứng
  • Giảm nguy cơ sinh non nhưng cần có nghiên cứu trên người để kiểm chứng
  • Tăng cường chức năng của nhau thai
  • Cải thiện giấc ngủ, đặc biệt là ở những phụ nữ phải làm việc ca đêm.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người hơn nữa để xem liệu thực phẩm chức năng bổ sung melatonin có mang lại những lợi ích giống như melatonin tự nhiên hay không.

Cách dùng thực phẩm chức năng melatonin

Hầu hết các loại thực phẩm chức năng melatonin đều có dạng viên nén để dùng qua đường uống.

Liều dùng thông thường là 1 - 3mg. Liều dùng này sẽ làm tăng nồng độ melatonin trong cơ thể lên gấp 20 lần mức bình thường. Bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn liều dùng thích hợp.

Nên dùng melatonin vào cùng một thời điểm mỗi ngày vì hormone này ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ - thức.

Các cách khác để cải thiện giấc ngủ

Ngủ đủ giấc quan trọng với tất cả người nhưng đặc biệt cần thiết khi mang thai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị mất ngủ.

Nếu bạn đang mang thai và thường xuyên bị khó ngủ hoặc giấc ngủ gián đoạn thì đừng nên vội dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Trước tiên nên thử thay đổi thói quen hàng ngày để cải thiện giấc ngủ.

1. Không dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ

Ngừng dùng tất cả các thiết bị điện tử có màn hình phát sáng như điện thoại và máy tính trong ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh phát ra từ những thiết bị này sẽ gây cản trở sự sản xuất melatonin trong cơ thể và khiến bạn khó ngủ.

2. Điều chỉnh phòng ngủ

Sắp xếp đồ đạc gọn gàng và không để những vật dụng không cần thiết trong phòng ngủ. Duy trì nhiệt độ mát mẻ. Loại bỏ toàn bộ ánh sáng và tiếng động trong phòng.

3. Kê thêm gối

Bạn không cần thiết phải dùng gối dành riêng cho bà bầu mà chỉ cần đặt thêm một chiếc gối ở lưng, giữa hai đầu gối và dưới bụng để tạo sự thoải mái khi nằm ngủ.

4. Thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày

Cố gắng đi ngủ vào một giờ mỗi tối và thức dậy vào một giờ mỗi sáng. Điều này sẽ duy trì nhịp sinh học và giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ cũng như dễ thức dậy hơn.

5. Thư giãn trước khi ngủ

Thực hiện các hoạt động giúp thư giãn tinh thần trong vòng một giờ trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắm nước ấm, ngâm chân, đọc sách, thiền hoặc nghe nhạc êm dịu.

6. Sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ an toàn cho bà bầu

Có nhiều loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ an toàn với phụ nữ mang thai, ví dụ như Unisom. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thuốc này.

Kết luận

Bổ sung melatonin là một cách điều trị mất ngủ phổ biến. Melatonin an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn nhưng vẫn chưa được chứng minh là an toàn khi dùng trong thời gian mang thai. Nếu bạn bị mất ngủ và có ý định dùng melatonin thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước. Còn nhiều cách khác an toàn hơn để cải thiện giấc ngủ, gồm có thay đổi thói quen sống, thư giãn trước khi đi ngủ và điều chỉnh môi trường ngủ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Có thể dùng clonidine để trị mất ngủ không?
Có thể dùng clonidine để trị mất ngủ không?

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ có biểu hiện là khó khi đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc cả hai. Một giải pháp khắc phục tình trạng mất ngủ là dùng thuốc ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác cũng có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Một trong số đó là clonidine.

Có nên dùng thuốc ngủ để điều trị mất ngủ mạn tính không?
Có nên dùng thuốc ngủ để điều trị mất ngủ mạn tính không?

Có rất nhiều loại thuốc được dùng để điều trị chứng mất ngủ mạn tính. Một nhóm thuốc chính là thuốc an thần. Tuy nhiên, những loại thuốc này đều chỉ là giải pháp tạm thời. Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài sẽ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.

Có thể uống melatonin mỗi tối không?
Có thể uống melatonin mỗi tối không?

Melatonin là một loại hormone mà cơ thể tạo ra một cách tự nhiên. Hormone này có vai trò điều phối chu kỳ ngủ - thức. Ngoài ra còn có các loại thực phẩm chức năng chứa dạng tổng hợp của melatonin. Những loại thực phẩm chức năng này chủ yếu được sử dụng để khắc phục tình trạng mất ngủ.

Melatonin: Lợi ích, cách dùng và tác dụng phụ
Melatonin: Lợi ích, cách dùng và tác dụng phụ

Đã có nhiều bằng chứng chỉ ra những lợi ích mà melatonin mang lại. Một trong những lợi ích được biết đến nhiều nhất của melatonin là cải thiện thời lượng và chất lượng giấc ngủ cũng như điều trị chứng mất ngủ. Ngoài ra, melatonin còn mang lại nhiều lợi ích khác. Bài viết dưới đây sẽ giải thích về tác dụng hỗ trợ giấc ngủ của melatonin, các lợi ích khác đối với sức khỏe, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng melatonin.

Melatonin có an toàn cho trẻ em không?
Melatonin có an toàn cho trẻ em không?

Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng khó ngủ là uống bổ sung melatonin, một loại hormone hỗ trợ giấc ngủ. Mặc dù melatonin an toàn với người lớn nhưng liệu có thể cho trẻ nhỏ dùng hormone này để cải thiện giấc ngủ hay không.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây