Melatonin có an toàn cho trẻ em không?
Ước tính có tới 75% trẻ em trong độ tuổi đi học không ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng, khả năng chú ý và học tập của trẻ. Thiếu ngủ kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như béo phì. (1)
Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng khó ngủ là uống bổ sung melatonin, một loại hormone hỗ trợ giấc ngủ. Mặc dù melatonin an toàn với người lớn nhưng liệu có thể cho trẻ nhỏ dùng hormone này để cải thiện giấc ngủ hay không.
Melatonin là gì?
Melatonin là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tùng của não.
Melatonin được gọi là hormone ngủ vì có vai trò điều phối đồng hồ sinh học và chu kỳ ngủ - thức.
Nồng độ melatonin tăng vào buổi tối, điều này báo cho cơ thể biết rằng đã đến lúc cần đi ngủ. Khi trời bắt đầu sáng, nồng độ melatonin giảm và báo hiệu đã đến giờ thức giấc.
Melatonin còn đóng vai trò quan trọng trong các chức năng khác của cơ thể ngoài giấc ngủ, gồm có điều hòa huyết áp, thân nhiệt, nồng độ cortisol và chức năng miễn dịch. (2)
Melatonin được sử dụng để khắc phục nhiều vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như:
- Mất ngủ
- Lệch múi giờ
- Rối loạn giấc ngủ do bệnh tâm thần
- Rối loạn bắt đầu giấc ngủ muộn
- Rối loạn nhịp sinh học
Melatonin có giúp trẻ dễ ngủ hơn không?
Có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng bổ sung melatonin có thể giúp trẻ dễ ngủ hơn.
Việc bổ sung melatonin đặc biệt có lợi đối với những trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), chứng tự kỷ và các vấn đề về thần kinh khác ảnh hưởng đến khả năng đi vào giấc ngủ.
Ví dụ, một phân tích gồm 35 nghiên cứu được thực hiện trên trẻ bị tự kỷ cho thấy bổ sung melatonin giúp trẻ đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ lâu hơn.
Tương tự, một phân tích gồm 13 nghiên cứu cho thấy những trẻ mắc bệnh thần kinh chìm vào giấc ngủ nhanh hơn 29 phút và ngủ lâu hơn trung bình 48 phút khi dùng melatonin.
Những kết quả tương tự cũng được quan sát thấy ở những trẻ khỏe mạnh và thiếu niên bị khó ngủ.
Tuy nhiên, các vấn đề về giấc ngủ rất phức tạp và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Ví dụ, sử dụng các thiết bị điện tử phát sáng vào đêm khuya có thể ngăn chặn sự sản xuất melatonin và dẫn đến khó ngủ. Trong trường hợp này, chỉ cần hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ là có thể khắc phục vấn đề về giấc ngủ.
Đôi khi, tình trạng khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc là do một bệnh lý tiềm ẩn gây ra. Nếu vậy thì cần phải điều trị bệnh lý đó để cải thiện giấc ngủ của trẻ.
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu nhận thấy con có vấn đề về giấc ngủ để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp. Không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc hay thực phẩm chức năng điều trị mất ngủ.
Melatonin có an toàn cho trẻ em không?
Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy rằng sử dụng melatonin trong thời gian ngắn an toàn cho trẻ em.
Tuy nhiên, một số trẻ gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, đái dầm, đổ mồ hôi nhiều, chóng mặt, uể oải vào buổi sáng, đau bụng…
Hiện tại, chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng phụ lâu dài của melatonin. Vì vậy, cha mẹ cần thận trọng khi dùng melatonin để điều trị vấn đề về giấc ngủ ở trẻ.
Cần có thêm các nghiên cứu dài hạn để khẳng định tính an toàn của melatonin đối với trẻ em.
Nếu trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ thì tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.
Các cách khác để giúp trẻ dễ ngủ
Có nhiều cách để giải quyết vấn đề về giấc ngủ mà không cần sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng như melatonin.
Nếu trẻ bị khó ngủ hoặc hay thức giấc giữa đêm, cha mẹ có thể thử những cách sau đây để giúp trẻ dễ ngủ và ngủ sâu giấc hơn:
- Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày: điều này sẽ thiết lập đồng hồ sinh học, giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ và dễ thức dậy hơn.
- Hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ: Các thiết bị điện tử như TV, điện thoại phát ra ánh sáng xanh làm gián đoạn quá trình sản xuất melatonin và khiến trẻ khó ngủ. Không cho trẻ sử dụng các thiết bị này trong ít nhất một giờ trước khi đi ngủ để trẻ dễ ngủ hơn.
- Giúp trẻ thư giãn: căng thẳng sẽ khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ và ngủ không ngon giấc. Thực hiện các hoạt động giúp trẻ thư giãn trước khi đi ngủ như đọc truyện có thể giúp trẻ ngủ nhanh hơn.
- Tạo thói quen trước khi đi ngủ: Điều này rất tốt cho trẻ nhỏ vì sẽ giúp hình thành phản xạ có điều kiện. Khi thực hiện hành động đó, cơ thể sẽ hiểu rằng đã đến lúc cần đi ngủ.
- Giữ nhiệt độ phòng mát mẻ: Đôi khi, nguyên nhân khiến cho trẻ khó ngủ là do phòng ngủ nóng bức. Nhiệt độ phòng mát mẻ sẽ giúp trẻ dễ ngủ hơn.
- Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày: Tăng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày có thể giúp cải thiện vấn đề về giấc ngủ và giúp trẻ chìm vào giấc ngủ nhanh hơn, đồng thời ngủ sâu giấc hơn.
- Tắm gần giờ đi ngủ: Tắm trước khi đi ngủ khoảng 90 – 120 phút có thể giúp trẻ thư giãn và có được chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Tóm tắt bài viết
Ngủ đủ giấc là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt.
Hầu hết các nghiên cứu ngắn hạn cho thấy bổ sung melatonin có thể giúp trẻ dễ ngủ hơn và ngủ sâu giấc hơn. Nói chung, melatonin an toàn và hầu như không gây tác dụng phụ khi sử dụng trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về tác động lâu dài của melatonin ở trẻ em. Nếu thấy trẻ có vấn đề về giấc ngủ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Không nên tự ý cho trẻ dùng melatonin.
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân khiến trẻ bị khó ngủ là do thói quen trước khi đi ngủ, chẳng hạn như sử dụng các thiết bị công nghệ.
Hạn chế sử dụng các thiết bị này trước khi đi ngủ có thể giúp trẻ dễ ngủ hơn.
Các cách khác để khắc phục tình trạng khó ngủ và ngủ không ngon giấc ở trẻ gồm có duy trì lịch trình ngủ thức đều đặn, giúp trẻ thư giãn trước khi đi ngủ, tạo thói quen trước khi đi ngủ, giảm nhiệt độ phòng ngủ và cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời vào ban ngày.
Thực phẩm chức năng melatonin nói chung là an toàn nhưng không nên uống rượu bia khi dùng melatonin. Uống rượu bia trong khi dùng melatonin có thể gây ra nhiều vấn đề như chóng mặt, lo lắng và giảm khả năng suy nghĩ, ngoài ra còn có thể gây tổn hại gan.
Bổ sung melatonin là một cách phổ biến để cải thiện giấc ngủ. Ngủ đủ giấc là điều rất quan trọng trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra kết luận rõ ràng liệu dùng melatonin khi mang thai có an toàn hay không.
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ có biểu hiện là khó khi đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc cả hai. Một giải pháp khắc phục tình trạng mất ngủ là dùng thuốc ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác cũng có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Một trong số đó là clonidine.
Một số thay đổi về thói quen sống có thể giúp khắc phục tình trạng mất ngủ cấp tính nhưng chứng mất ngủ mạn tính thường phải điều trị bằng thuốc hoặc trị liệu.
Tập thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như cải thiện giấc ngủ, thư giãn tinh thần, giảm lo âu, căng thẳng và điều hòa đồng hồ sinh học. Tập thể dục sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể và khi thân nhiệt giảm, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ.