Tác dụng phụ của melatonin
Melatonin là gì?
Melatonin là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tùng trong não. Sự sản xuất melatonin tăng lên khi trời tối và giảm khi trời sáng.
Melatonin đưa cơ thể vào trạng thái chuẩn bị cho giấc ngủ nên được gọi là “hormone ngủ”.
Vì lý do này nên thực phẩm chức năng melatonin thường được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ. Melatonin giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn, cải thiện chất lượng giấc ngủ và tăng thời lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, nhìn chung thì thực phẩm chức năng melatonin có hiệu quả không cao như thuốc ngủ.
Melatonin không chỉ điều phối giấc ngủ. Hormone này còn góp phần bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi sự oxy hóa và giúp điều hòa huyết áp, thân nhiệt, nồng độ cortisol cũng như chức năng tình dục và miễn dịch.
Ở nhiều nước trên thế giới, melatonin được coi là thực phẩm chức năng và mọi người có thể dễ dàng mua mà không cần đơn của bác sĩ. Trong khi đó, ở hầu hết các nước châu Âu, melatonin lại được phân loại là thuốc kê đơn và chỉ được phép sử dụng cho người lớn tuổi bị rối loạn giấc ngủ.
Tác dụng phụ của melatonin
Nhiều nghiên cứu đã đánh giá tính an toàn của melatonin và hầu hết đều không tìm thấy bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Melatonin cũng không lệ thuộc và hội chứng cai nghiện khi ngừng sử dụng.
Có ý kiến lo ngại rằng bổ sung melatonin có thể làm giảm sự sản xuất melatonin tự nhiên trong cơ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu ngắn hạn cho thấy việc dùng melatonin không ảnh hưởng gì đến quá trình sản xuất melatonin tự nhiên.
Một số nghiên cứu đã báo cáo các tác dụng phụ toàn thân, gồm có chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và kích động. Tuy nhiên, những tác dụng phụ này xảy ra ở cả nhóm dùng melatonin và nhóm dùng giả dược nên chưa thể kết luận nguyên nhân là do melatonin.
Thực phẩm chức năng melatonin nhìn chung là an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn, ngay cả khi dùng liều rất cao. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về tính an toàn khi dùng lâu dài, đặc biệt là ở trẻ em.
Các phần bên dưới sẽ nêu ra một số tác dụng phụ nhẹ và tương tác thuốc của melatonin.
Tóm tắt: Thực phẩm chức năng melatonin nhìn chung là an toàn và cho đến nay chưa ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để đánh giá tính an toàn khi dùng lâu dài.
Melatonin có an toàn cho trẻ em không?
Thực phẩm chức năng melatonin hiện chưa được phê duyệt sử dụng cho trẻ em. Tính an toàn của melatonin đối với trẻ em cũng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ở Châu Âu, melatonin được coi là thuốc kê đơn và chỉ được dùng cho người lớn. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Na Uy cho thấy melatonin đang ngày càng được sử dụng nhiều cho trẻ em.
Mặc dù chưa xác định được những tác hại cụ thể ở trẻ em nhưng nhiều chuyên gia y tế không khuyến khích sử dụng thực phẩm chức năng melatonin cho trẻ em.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu dài hạn hơn nữa để kết luận về tính an toàn của melatonin đối với trẻ em.
Melatonin gây buồn ngủ vào ban ngày
Chỉ nên dùng melatonin vào buổi tối. Nếu uống vào những thời điểm khác trong ngày, melatonin sẽ gây buồn ngủ.
Nhưng đôi khi, dùng melatonin vào buổi tối cũng có thể gây buồn ngủ vào ban ngày. Điều này chủ yếu xảy ra ở những người có độ thanh thải melatonin thấp hơn bình thường, có nghĩa melatonin lâu bị đào thải khỏi cơ thể hơn và kết quả là cảm giác buồn ngủ kéo dài đến tận ngày hôm sau.
Mặc dù điều này hiếm khi xảy ra ở người trưởng thành khỏe mạnh nhưng độ thanh thải melatonin thấp có thể xảy ra ở người lớn tuổi và trẻ sơ sinh. Chưa rõ liệu điều này có ảnh hưởng đến mức melatonin tự nhiên trong cơ thể vào buổi sáng hay không.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy ngay cả khi dùng vào ban ngày, melatonin cũng không gây ảnh hưởng đến khả năng tập trung.
Một số nghiên cứu đã cho những người khỏe mạnh tiêm 10 hoặc 100mg melatonin hoặc uống 5 mg melatonin. Các nhà nghiên cứu nhận thấy melatonin không ảnh hưởng đến phản xạ, sự tập trung, chú ý và hiệu suất hoạt động.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định thời điểm dùng melatonin tối ưu và loại thực phẩm chức năng này có gây buồn ngủ vào ban ngày hay không.
Tương tác thuốc và các tác dụng phụ khác
Tương tác thuốc
Melatonin có thể tương tác với một số loại thuốc. Ví dụ, melatonin có thể làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của zolpidem (một loại thuốc ngủ), gồm có suy giảm trí nhớ và hoạt động của cơ.
Tác dụng phụ khác
- Giảm thân nhiệt: Melatonin có thể làm giảm nhẹ thân nhiệt. Mặc dù điều này không đáng lo ngại ở người khỏe mạnh nhưng lại gây ra vấn đề ở những người nhạy cảm với lạnh hoặc khó giữ ấm cơ thể.
- Làm loãng máu: Melatonin có đặc tính làm loãng máu. Do đó, nếu đang dùng warfarin hoặc các loại thuốc chống đông máu khác thì bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng melatonin.
Cách sử dụng melatonin
Liều dùng melatonin để hỗ trợ giấc ngủ dao động từ 1 – 10mg mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện chưa khuyến nghị cụ thể về liều dùng.
Mỗi loại thực phẩm chức năng melatonin có hàm lượng hoạt chất khác nhau nên bạn cần sử dụng theo đúng hướng dẫn của sản phẩm.
Các chuyên gia y tế hiện không khuyến khích sử dụng thực phẩm chức năng melatonin cho trẻ em và thiếu niên. Cần có thêm bằng chứng xác nhận tính an toàn của việc bổ sung melatonin ở các lứa tuổi này.
Vì melatonin có thể đi vào sữa mẹ nên phụ nữ đang cho con bú cần thận trọng khi dùng melatonin. Dùng melatonin khi đang cho con bú có thể khiến trẻ bị buồn ngủ nhiều vào ban ngày.
Cách tăng melatonin tự nhiên
Bạn có thể tăng nồng độ melatonin trong cơ thể mà không cần dùng thực phẩm chức năng.
Hãy tắt tất cả đèn trong nhà và không dùng điện thoại, máy tính hay TV trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.
Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Điều này sẽ giúp thiết lập nhịp sinh học và cải thiện sự sản xuất melatonin vào buổi tối. Sau một thời gian, bạn sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn và dễ thức dậy hơn vào buổi sáng.
Tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào buổi tối sẽ làm giảm sự sản xuất melatonin trong não và điều này sẽ khiến bạn khó ngủ.
Tuy nhiên, tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên vào ban ngày, nhất là vào buổi sáng sẽ giúp cải thiện nhịp sinh học hay chu kỳ ngủ - thức và giúp bạn ngủ ngon giấc hơn vào ban đêm.
Ngoài ra, hạn chế căng thẳng cũng có thể cải thiện mức melatonun tự nhiên.
Tóm tắt bài viết
Thực phẩm chức năng melatonin không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, ngay cả khi dùng liều rất cao. Nói chung, đây là một giải pháp hỗ trợ giấc ngủ hiệu quả.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để hiểu rõ về tính an toàn của melatonin khi dùng lâu dài. Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai và đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng melatonin.
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ có biểu hiện là khó khi đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc cả hai. Một giải pháp khắc phục tình trạng mất ngủ là dùng thuốc ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác cũng có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Một trong số đó là clonidine.
Có rất nhiều loại thuốc được dùng để điều trị chứng mất ngủ mạn tính. Một nhóm thuốc chính là thuốc an thần. Tuy nhiên, những loại thuốc này đều chỉ là giải pháp tạm thời. Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài sẽ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Zolpidem là một loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ. Loại thuốc này giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ hơn và duy trì giấc ngủ sâu.
Melatonin là một loại hormone mà cơ thể tạo ra một cách tự nhiên. Hormone này có vai trò điều phối chu kỳ ngủ - thức. Ngoài ra còn có các loại thực phẩm chức năng chứa dạng tổng hợp của melatonin. Những loại thực phẩm chức năng này chủ yếu được sử dụng để khắc phục tình trạng mất ngủ.
Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng khó ngủ là uống bổ sung melatonin, một loại hormone hỗ trợ giấc ngủ. Mặc dù melatonin an toàn với người lớn nhưng liệu có thể cho trẻ nhỏ dùng hormone này để cải thiện giấc ngủ hay không.