1

Zolpidem: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Zolpidem là một loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ. Loại thuốc này giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ hơn và duy trì giấc ngủ sâu.
Zolpidem: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Zolpidem: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Zolpidem là thuốc gì?

Zolpidem là một loại thuốc kê đơn có hai dạng bào chế là dạng viên nén và dạng thuốc xịt miệng.

Zolpidem dạng viên nén có ba loại là viên nén phóng thích tức thì, viên nén phóng thích kéo dài và viên ngậm dưới lưỡi. Phóng thích tức thì (immediate-release) có nghĩa là hoạt chất trong thuốc được giải phóng ngay lập tức vào máu sau khi uống. Phóng thích kéo dài (extended-release) có nghĩa là hoạt chất được giải phóng từ từ vào máu. Viên ngậm dưới lưỡi tan từ từ và giải phóng hoạt chất.

Zolpidem được bán dưới các tên thương mại (biệt dược) là:

  • Ambien (viên nén phóng thích tức thì)
  • Ambien CR (viên nén phóng thích kéo dài)
  • Edluar (viên ngậm dưới lưỡi)

Zolpidem còn được bán dưới dạng thuốc gốc* với đủ cả ba dạng bào chế trên. Thuốc gốc thường có giá thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về hàm lượng và dạng bào chế như biệt dược.

(*Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)

Chỉ định

Zolpidem dạng viên nén được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ. Mất ngủ là tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ hoặc cả hai.

Dạng viên nén phóng thích tức thì và viên ngậm dưới lưỡi được sử dụng để điều trị tình trạng khó đi vào giấc ngủ. Dạng viên nén phóng thích kéo dài có thể được sử dụng cho cả tình trạng khó đi vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ.

Viên ngậm dưới lưỡi hàm lượng thấp (1,75mg và 3,5mg) được sử dụng để điều trị tình trạng thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại.

Cơ chế tác dụng

Zolpidem thuộc nhóm thuốc an thần gây ngủ (nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có công dụng và cơ chế tác dụng giống nhau).

Zolpidem làm tăng hoạt động của GABA - một chất hóa học gây buồn ngủ trong cơ thể. Tăng hoạt động của GABA sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn.

Tác dụng phụ của zolpidem

Zolpidem có thể gây ra tác dụng phụ, bao gồm cả tác dụng phụ nhẹ và tác dụng phụ nghiêm trọng. Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp của zolpidem. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ của zolpidem và các cách đối phó với tác dụng phụ, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ phổ biến

Một số tác dụng phụ phổ biến của zolpidem gồm có:

  • Đau đầu
  • Buồn ngủ
  • Chóng mặt
  • Tiêu chảy
  • Khô miệng
  • Đau ngực
  • Đánh trống ngực (tim đập nhanh, mạnh hoặc không đều hoặc có cảm giác như tim đập bỏ nhịp)
  • Chóng mặt, đi loạng choạng
  • Đau cơ

Nếu những tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì người bệnh cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng zolpidem. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của zolpidem và các triệu chứng gồm có:

  • Phản ứng dị ứng. Các triệu chứng gồm có:
    • Sưng phù mặt, lưỡi hoặc cổ họng
    • Khó thở
  • Trầm cảm. Ở những người đã bị trầm cảm, zolpidem có thể khiến cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Các triệu chứng của trầm cảm gồm có:
    • Mất hứng thú với những điều từng yêu thích
    • Cảm giác chán nản, buồn bã, tuyệt vọng
    • Thiếu năng lượng
    • Khó suy nghĩ và tập trung
    • Sụt cân hoặc tăng cân
    • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
    • Chán ăn
    • Suy nghĩ đến việc tự tử hoặc tự làm đau bản thân
  • Những suy nghĩ hoặc hành vi bất thường. Các triệu chứng gồm có:
    • Kích động, hung hăng
    • Đột nhiên nói chuyện với người khác nhiều hơn bình thường
    • Rối loạn giải thể nhân cách (nghĩ rằng mọi thứ không có thật hoặc có cảm giác như đang quan sát bản thân từ bên ngoài)
    • Ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có thật)
  • Mộng du - thực hiện những hành động giống như khi thức trong khi đang ngủ và không có ký ức về những hành động đó khi ngủ dậy, chẳng hạn như lái xe, nấu ăn, ăn uống, nói chuyện điện thoại, đi lại…
  • Khó thở. Các triệu chứng gồm có:
    • Nhịp thở chậm
    • Hô hấp yếu
    • Mệt mỏi
    • Giảm oxy trong máu
  • Mất trí nhớ
  • Ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có thật)

Tương tác thuốc

Zolpidem dạng viên nén có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hoạt động của thuốc trong cơ thể, dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ.

Dưới đây là danh sách các loại thuốc có thể tương tác với zolpidem. Đây chưa phải là danh sách đầy đủ. Zolpidem còn có thể tương tác với rất nhiều loại thuốc khác.

Bạn cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng và thảo dược. Điều này sẽ giúp bác sĩ kê loại thuốc phù hợp và tránh xảy ra tương tác thuốc.

Trong thời gian dùng zolpidem, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào khác.

Các loại thuốc làm tăng tác dụng phụ của cả zolpidem và các thuốc khác

Dùng zolpidem cùng với các loại thuốc có tác dụng phụ tương tự sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Ví dụ về những loại thuốc này gồm có:

  • Các loại thuốc làm giảm sự tỉnh táo như imipramine và chlorpromazine. Dùng các loại thuốc này cùng với zolpidem sẽ làm tăng tình trạng buồn ngủ vào ban ngày.

Các loại thuốc làm tăng tác dụng phụ của zolpidem

Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ zolpidem trong máu và điều này làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của zolpidem. Ví dụ về những loại thuốc này gồm có:

  • Thuốc kháng sinh như clarithromycin và erythromycin
  • Thuốc kháng nấm như ketoconazol, itraconazol và voriconazol
  • Ritonavir và atazanavir

Các loại thuốc làm giảm hiệu quả của zolpidem

Một số loại thuốc có thể làm giảm  nồng độ zolpidem trong máu và từ đó làm giảm hiệu quả điều trị mất ngủ của zolpidem. Ví dụ về những loại thuốc này gồm có:

  • Thuốc kháng sinh như rifampin, rifabutin và rifapentine
  • Thuốc chống co giật như carbamazepine, phenobarbital và phenytoin
  • Thảo dược St. John's wort

Dạng bào chế và hàm lượng

Thuốc gốc: Zolpidem

  • Dạng bào chế: viên nén phóng thích tức thì
  • Hàm lượng: 5mg, 10mg
  • Dạng bào chế: viên nén phóng thích kéo dài
  • Hàm lượng: 6,25mg, 12,5mg
  • Dạng bào chế: viên ngậm dưới lưỡi
  • Hàm lượng: 1,75mg, 3,5mg, 5mg, 10mg

Biệt dược: Ambien

  • Dạng bào chế: viên nén phóng thích tức thì
  • Hàm lượng: 5mg, 10mg

Biệt dược: Ambien CR

  • Dạng bào chế: viên nén phóng thích kéo dài
  • Hàm lượng: 6,25mg, 12,5mg

Biệt dược: Edluar

  • Dạng bào chế: viên ngậm dưới lưỡi
  • Hàm lượng: 5mg, 10mg

Liều dùng

Liều dùng zolpidem mà bác sĩ kê sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có:

  • loại mất ngủ
  • tuổi tác và giới tính
  • dạng bào chế
  • các bệnh lý khác mà bạn đang mắc, chẳng hạn như tổn thương gan
  • các loại thuốc khác mà bạn đang dùng

Ban đầu, bác sĩ thường kê liều thấp và điều chỉnh liều dùng từ từ theo thời gian cho đến khi đạt đến liều dùng phù hợp nhất. Liều dùng này được gọi là liều lượng hiệu quả tối thiểu, có nghĩa là liều thấp nhất để có được hiệu quả như mong muốn.

Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng hoặc khuyến nghị. Tuy nhiên, bạn cần dùng thuốc đúng liều mà bác sĩ đã kê.

Liều dùng để điều trị tình trạng khó đi vào giấc ngủ

Liều dùng cho người lớn (18 - 64 tuổi)

Ambien, Edluar và thuốc gốc:

  • Liều khởi đầu: 5mg đối với phụ nữ và 5mg hoặc 10mg đối với nam giới, uống ngay trước khi đi ngủ. Chỉ nên dùng thuốc khi có đủ thời gian ngủ 7 – 8 tiếng.
  • Tăng liều: Bác sĩ có thể tăng liều lên 10mg mỗi ngày nếu liều 5mg không có hiệu quả.
  • Liều tối đa: 10mg x 01 lần/ngày, uống ngay trước khi đi ngủ.

Liều dùng cho trẻ em (0 - 17 tuổi)

Zolpidem chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không sử dụng loại thuốc này cho người dưới 18 tuổi.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Gan của người lớn tuổi không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ xử lý thuốc chậm hơn và thuốc sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người lớn tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hơn hoặc giảm tần suất dùng thuốc nhằm ngăn zolpidem tích tụ quá nhiều trong cơ thể và gây tác dụng phụ.

  • Ambien, Edluar và thuốc gốc: 5mg một lần mỗi ngày, uống ngay trước khi đi ngủ.

Liều dùng cho người mắc bệnh gan

  • Ambien, Edluar và thuốc gốc: người bị bệnh gan mức độ nhẹ đến vừa vẫn có thể dùng thuốc với liều 5mg một lần mỗi ngày, uống ngay trước khi đi ngủ. Những người mắc bệnh gan nặng không nên dùng zolpidem.

Liều dùng để điều trị tình trạng khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ

Liều dùng cho người lớn (18 - 64 tuổi)

Ambien CR và thuốc gốc dạng viên nén phóng thích kéo dài:

  • Liều khởi đầu: 6,25mg đối với nữ và 6,25mg hoặc 12,5mg đối với nam, uống ngay trước khi đi ngủ. Chỉ nên dùng thuốc khi có đủ thời gian ngủ 7 – 8 tiếng.
  • Tăng liều: Bác sĩ có thể tăng liều lên 12,5mg mỗi ngày nếu liều 6,25mg không hiệu quả.
  • Liều tối đa: 12,5mg một lần mỗi ngày, uống ngay trước khi đi ngủ.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 - 17 tuổi)

Zolpidem chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không sử dụng loại thuốc này cho người dưới 18 tuổi.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Gan của người lớn tuổi không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ xử lý thuốc chậm hơn và thuốc sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người lớn tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hơn hoặc giảm tần suất dùng thuốc nhằm ngăn zolpidem tích tụ quá nhiều trong cơ thể và gây tác dụng phụ.

  • Ambien CR và thuốc gốc dạng viên nén phóng thích kéo dài: 6,25mg một lần mỗi ngày, uống ngay trước khi đi ngủ.

Liều dùng cho người mắc bệnh gan

  • Ambien CR và thuốc gốc dạng viên nén phóng thích kéo dài: người bị bệnh gan mức độ nhẹ đến vừa vẫn có thể dùng thuốc với liều 6,25mg một lần mỗi ngày, uống ngay trước khi đi ngủ. Những người mắc bệnh gan nặng không nên dùng zolpidem

Liều dùng để điều trị tình trạng khó ngủ lại sau khi tỉnh giấc giữa đêm

Liều dùng cho người lớn (18 - 64 tuổi)

Thuốc gốc dạng viên ngậm dưới lưỡi hàm lượng thấp:

  • Liều khởi đầu: 1,75mg đối với phụ nữ và 3,5mg đối với nam giới. Chỉ nên dùng thuốc khi khó ngủ lại sau khi tỉnh giấc giữa đêm. Mỗi đêm chỉ dùng thuốc một lần. Ngoài ra, chỉ dùng thuốc khi có thể ngủ thêm ít nhất 4 giờ nữa.
  • Tăng liều: Nếu bạn là nam giới và liều khởi đầu là 1,75mg, bác sĩ có thể tăng liều lên 3,5mg mỗi ngày
  • Liều tối đa: 1,75mg mỗi ngày đối với phụ nữ và 3,5mg mỗi ngày đối với nam giới.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 - 17 tuổi)

Zolpidem chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không sử dụng loại thuốc này cho người dưới 18 tuổi.

Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)

Gan của người lớn tuổi không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ xử lý thuốc chậm hơn và thuốc sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Do đó, đối với người lớn tuổi, bác sĩ thường kê liều thấp hơn hoặc giảm tần suất dùng thuốc nhằm ngăn zolpidem tích tụ quá nhiều trong cơ thể và gây tác dụng phụ.

  • Thuốc gốc dạng viên ngậm dưới lưỡi hàm lượng thấp: 1,75mg. Chỉ nên dùng thuốc khi khó ngủ lại sau khi tỉnh giấc giữa đêm. Mỗi đêm chỉ dùng thuốc một lần. Ngoài ra, chỉ dùng thuốc khi có thể ngủ thêm ít nhất 4 giờ nữa.

Liều dùng cho người mắc bệnh gan

  • Thuốc gốc dạng viên ngậm dưới lưỡi hàm lượng thấp: 1,75mg. Chỉ nên dùng thuốc khi khó ngủ lại sau khi tỉnh giấc giữa đêm. Mỗi đêm chỉ dùng thuốc một lần. Ngoài ra, chỉ dùng thuốc khi có thể ngủ thêm ít nhất 4 giờ nữa.

Cảnh báo về zolpidem

Zolpidem dạng viên nén có một số cảnh báo.

Giảm khả năng nhận thức và phản ứng

Nếu bạn dùng zolpidem và không ngủ đủ giấc, bạn có thể sẽ bị giảm khả năng nhận thức và phản ứng vào ngày hôm sau. Điều này sẽ gây nguy hiểm khi lái xe và thực hiện các hoạt động khác. Không nên lái xe và thực hiện các hoạt động khác đòi hỏi sự tỉnh táo khi không ngủ đủ giấc sau khi dùng zolpidem.

Nếu dùng zolpidem dạng viên ngậm dưới lưỡi hàm lượng thấp, bạn không nên lái xe hoặc thực hiện các hoạt động khác đòi hỏi sự tỉnh táo nếu không đủ ít nhất 4 giờ sau khi dùng thuốc.

Hành vi bất thường

Zolpidem có thể gây ra những thay đổi về hành vi. Bạn có thể sẽ hành động khác với ngày thường sau khi dùng loại thuốc này. Một số ví dụ gồm có:

  • Kích động, hung hăng
  • Cởi mở, nói chuyện, cười đùa với người khác nhiều hơn bình thường
  • Ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những điều không có thật)
  • Rối loạn giải thể nhân cách (cảm thấy như đang quan sát chính mình từ bên ngoài cơ thể)
  • Thực hiện các hành vi bất thường trong lúc ngủ và không nhớ gì sau khi thức dậy

Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải những điều này sau khi dùng zolpidem.

Hội chứng cai thuốc

Nếu muốn ngừng dùng zolpidem, bạn nên trao đổi trước với bác sĩ. Nếu đã dùng zolpidem được một thời gian dài và dừng đột ngột, bạn có thể sẽ gặp phải hội chứng cai thuốc với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, đổ mồ hôi, đỏ bừng mặt, cảm xúc thay đổi thất thường, lo âu, bồn chồn, hoảng loạn và dễ khóc.

Dị ứng

Zolpidem có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng.

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:

  • Da mẩn đỏ
  • Ngứa ngáy
  • Mặt đỏ bừng

Mặc dù hiếm gặp nhưng zolpidem cũng có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có sưng phù dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân, ngoài ra còn có sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây khó thở.

Không được tiếp tục dùng zolpidem nếu đã từng bị dị ứng. Điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Không dùng thuốc sau khi ăn

Dùng zolpidem sau khi ăn sẽ khiến thuốc lâu phát huy tác dụng hơn. Do đó, nên dùng zolpidem khi bụng đói.

Tương tác với đồ uống có cồn

Uống rượu bia có thể làm tăng nguy cơ buồn ngủ vào ban ngày do zolpidem. Không nên dùng zolpidem vào những buổi tối uống rượu. Nếu bạn có uống rượu bia thì cần cho bác sĩ biết. Những người uống rượu bia cần chú ý hơn đến các tác dụng phụ của thuốc.

Cảnh báo đối với người có vấn đề sức khỏe nhất định

Đối với người bị trầm cảm: Zolpidem có thể khiến cho các triệu chứng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Nếu bạn bị trầm cảm thì cần cho bác sĩ để bác sĩ kê loại thuốc trị mất ngủ phù hợp.

Đối với người bị bệnh nhược cơ: Zolpidem có thể làm giảm nhịp thở hoặc gây thở nông. Điều này sẽ dẫn đến giảm lượng oxy trong máu. Những người bị bệnh nhược cơ có nồng độ oxy trong máu thấp hơn bình thường và dùng zolpidem có thể khiến cho tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Nếu bạn bị bệnh nhược cơ thì cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc trị mất ngủ phù hợp.

Đối với người bị ngưng thở khi ngủ: Zolpidem có thể làm giảm nhịp thở hoặc gây thở nông. Điều này sẽ làm giảm lượng oxy trong máu. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ vốn đã có nồng độ oxy trong máu thấp hơn bình thường và dùng zolpidem có thể khiến cho tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Nếu bạn bị chứng ngưng thở khi ngủ thì cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc trị mất ngủ phù hợp.

Đối với người mắc bệnh gan: Ở những người đang mắc hoặc có tiền sử bệnh gan, cơ thể sẽ không thể xử lý zolpidem một cách hiệu quả. Điều này làm tăng nồng độ zolpidem trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ và còn có thể gây ra một vấn đề nghiêm trọng gọi là bệnh não gan. Đây là tình trạng mà chức năng gan kém dẫn đến các vấn đề về hoạt động của não. Các triệu chứng gồm có lú lẫn, hay quên và rối loạn ngôn ngữ. Những người mắc bệnh gan nặng không nên sử dụng zolpidem.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ mang thai: Hiện chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên người nên chưa rõ zolpidem có ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi nếu dùng trong thời gian mang thai. Nghiên cứu trên động vật cho thấy dùng zolpidem khi mang thai có thể gây tác động tiêu cực đến bào thai. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong các nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào xảy ra với con người.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi mẹ dùng zolpidem ở cuối tam cá nguyệt thứ ba (ba tháng cuối của thai kỳ), con sinh ra có thể bị thở chậm và buồn ngủ nhiều hơn bình thường. Nếu bạn dùng zolpidem trong khi mang thai thì cần cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ theo dõi sát sao thai nhi trong suốt thời gian mang thai và sau khi sinh.

Bạn cần cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc dự định có thai để bác sĩ kê loại thuốc trị mất ngủ phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc ngủ khi đang mang thai. Và nếu có thai khi đang dùng zolpidem thì cần phải báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Zolpidem có thể đi vào sữa mẹ và gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh bú mẹ. Nếu đang cho con bú thì bạn cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc trị mất ngủ phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc ngủ khi đang cho con bú.

Đối với người cao tuổi: Gan của người lớn tuổi không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ xử lý thuốc chậm hơn và kết quả là thuốc sẽ tích tụ trong cơ thể nhiều hơn và lâu hơn bình thường. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, chẳng hạn như buồn ngủ và không tỉnh táo vào ban ngày. Những tác dụng phụ này cũng sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn đến người cao tuổi so với người trẻ tuổi. Đối với những người trên 65 tuổi, bác sĩ thường kê liều zolpidem thấp hơn.

Đối với trẻ em: Zolpidem chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không sử dụng loại thuốc này cho người dưới 18 tuổi.

Dùng thuốc đúng cách

Zolpidem là một loại thuốc được sử dụng trong thời gian ngắn nhưng bạn vẫn phải dùng thuốc đúng cách. Nếu không sẽ gặp phải những vấn đề không mong muốn.

Nếu ngừng dùng thuốc đột ngột hoặc hoàn toàn không dùng thuốc: Nếu không dùng zolpidem, bạn sẽ khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ. Nếu đã dùng zolpidem được một thời gian và ngừng đột ngột, bạn có thể sẽ gặp phải hội chứng cai thuốc với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, đổ mồ hôi, đỏ bừng mặt, cảm xúc thay đổi thất thường, lo âu, bồn chồn, hoảng loạn và dễ khóc..

Nếu muốn ngừng dùng zolpidem thì bạn nên trao đổi trước bác sĩ.

Nếu quên dùng thuốc hoặc dùng thuốc không đúng thời điểm: Thuốc có thể sẽ giảm hiệu quả hoặc hoàn toàn không có hiệu quả.

Nếu dùng thuốc quá liều: Nồng độ thuốc trong máu sẽ tăng quá cao. Các triệu chứng có thể xảy ra khi dùng zolpidem quá liều gồm có:

  • Buồn ngủ cực độ
  • Khó thở
  • Ngất xỉu
  • Hôn mê

Nếu lỡ dùng zolpidem quá liều, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

Cần làm gì nếu quên dùng thuốc?

  • Đối với viên nén phóng thích tức thì, viên nén phóng thích kéo dài và Edluar: Dùng thuốc ngay khi nhớ ra nhưng nếu không có đủ 7 – 8 giờ để ngủ thì không nên dùng thuốc.
  • Đối với thuốc gốc dạng viên ngậm dưới lưỡi hàm lượng thấp: Chỉ nên dùng thuốc nếu có thể ngủ thêm ít nhất 4 giờ nữa.

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn và giấc ngủ không bị gián đoạn thì chứng tỏ thuốc hiệu quả.

Lưu ý khi dùng zolpidem

Lưu ý chung

  • Không nên dùng zolpidem sau khi ăn. Dùng thuốc sau bữa ăn sẽ khiến thuốc lâu phát huy tác dụng hơn.
  • Dùng viên nén phóng thích tức thì, viên nén phóng thích kéo dài và Edluar ngay trước khi đi ngủ. Chỉ dùng thuốc khi có ít nhất 7 – 8 giờ để ngủ.
  • Chỉ dùng một liều Ambien duy nhất mỗi đêm.
  • Chỉ nên dùng zolpidem dạng viên ngậm dưới lưỡi khi không thể ngủ lại sau khi thức giấc. Chỉ dùng thuốc khi có thể ngủ thêm ít nhất 4 giờ nữa.
  • Có thể bẻ hoặc nghiền viên nén phóng thích tức thì nhưng không được bẻ hay nghiền viên nén phóng thích kéo dài.

Bảo quản

  • Bảo quản viên nén phóng thích tức thì (Ambien) và viên ngậm dưới lưỡi (Edluar) ở nhiệt độ phòng từ 20°C đến 25°C (68°F đến 77°F).
  • Bảo quản viên nén phóng thích kéo dài (Ambien CR) ở nhiệt độ từ 15°C đến 25°C (từ 59°F đến 77°F). Tránh để thuốc ở nơi có ánh sáng.
  • Không bảo quản zolpidem ở những nơi ẩm ướt, chẳng hạn như phòng tắm.

Mang thuốc khi đi xa

  • Luôn mang theo thuốc bên mình khi đi xa.
  • Khi đi máy bay, luôn để thuốc trong hành lý xách tay. Không được để thuốc trong hành lý ký gửi.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn dán để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc trong xe khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo dõi lâm sàng

Bạn sẽ cần theo dõi một số vấn đề sức khỏe nhất định trong thời gian sử dụng zolpidem, gồm có:

  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi: Cần theo dõi mọi thay đổi về hành vi và tâm trạng. Zolpidem có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi.
  • Chức năng gan. Bạn cần làm xét nghiệm chức năng gan trong quá trình sử dụng zolpidem. Nếu chức năng gan giảm thì có thể sẽ phải giảm liều dùng zolpidem.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Ứng Dụng Mới Cho Y Học Tái Tạo - Chất Tiết Tế Bào Gốc Exosome
Ứng Dụng Mới Cho Y Học Tái Tạo - Chất Tiết Tế Bào Gốc Exosome

Y học tái tạo đang thu hút sự chú ý trong cộng đồng Y khoa Quốc tế với việc nghiên cứu về khả năng tự chữa lành và tái tạo của cơ thể con người. Một phương pháp tiên tiến là sử dụng chất tiết tế bào gốc Exosomes, giúp hỗ trợ quá trình lành và tái tạo cơ thể.

Có thể dùng clonidine để trị mất ngủ không?
Có thể dùng clonidine để trị mất ngủ không?

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ có biểu hiện là khó khi đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc cả hai. Một giải pháp khắc phục tình trạng mất ngủ là dùng thuốc ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị các bệnh lý khác cũng có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Một trong số đó là clonidine.

Có nên dùng thuốc ngủ để điều trị mất ngủ mạn tính không?
Có nên dùng thuốc ngủ để điều trị mất ngủ mạn tính không?

Có rất nhiều loại thuốc được dùng để điều trị chứng mất ngủ mạn tính. Một nhóm thuốc chính là thuốc an thần. Tuy nhiên, những loại thuốc này đều chỉ là giải pháp tạm thời. Sử dụng thuốc ngủ trong thời gian dài sẽ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.

Liều lượng sắt cần bổ sung khi bị thiếu máu
Liều lượng sắt cần bổ sung khi bị thiếu máu

Bổ sung sắt hàng ngày là biện pháp để kiểm soát tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Có thể tăng lượng sắt cho cơ thể bẳng cách ăn nhiều thực phẩm giàu sắt hoặc dùng chế phẩm bổ sung sắt.

Trẻ Hóa Da Bằng Liệu Pháp Chất Tiết Tế Bào Gốc (Exosome) 
Trẻ Hóa Da Bằng Liệu Pháp Chất Tiết Tế Bào Gốc (Exosome) 

Chất tiết tế bào gốc là một loại tế bào đặc biệt có khả năng chuyển hóa thành các tế bào chuyên hóa khác trong cơ thể. Ứng dụng của chất tiết tế bào gốc có thể bao gồm điều trị các vấn đề lão hóa, chấn thương tế bào, và các bệnh lý khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây