1

Phân biệt cơn đau do bệnh thận và đau lưng

Thận nằm ở phía sau khoang phúc mạc (khoang màng bụng), gần với lưng và bên dưới khung xương sườn. Một triệu chứng thường gặp của các vấn đề về thận là đau ở khu vực này. Cơn đau do các vấn đề về thận có thể bị nhầm vơi đau lưng. Các triệu chứng chính xác có thể giúp bạn xác định nguồn gốc của cơn đau. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt cơn đau do bệnh thận và đau lưng.
Phân biệt cơn đau do bệnh thận và đau lưng Phân biệt cơn đau do bệnh thận và đau lưng

Cách nhận biết cơn đau do bệnh thận

Cơn đau ở khu vực thận thường là do nhiễm trùng thận hoặc sỏi thận mắc kẹt trong niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận vào bàng quang). Ngoài ra, cơn đau cũng có thể là do nhiều nguyên nhân khác gây ra.

Dưới đây là các đặc điểm của cơn đau do bệnh thận.

Vị trí đau

Đau do bệnh thận thường xảy ra ở vùng hạ sườn, khu vực ở giữa đáy khung xương sườn và hông. Cơn đau cũng có thể xảy ra ở bụng hoặc lưng dưới.

Vì đa số các vấn đề về thận xảy ra ở một quả thận nên cơn đau thường chỉ xảy ra ở một bên cơ thể nhưng cũng có thể xảy ra ở cả hai bên.

Loại đau

Nếu nguyên nhân là do sỏi thận thì thường gây đau buốt còn nếu là nhiễm trùng thì thường đau âm ỉ. Thông thường, cơn đau kéo dài dai dẳng.

Sỏi thận nhỏ có thể tự trôi ra ngoài và quá trình này sẽ gây đau đớn. Mức độ đau có thể thay đổi trong quá trình viên sỏi di chuyển. Các vấn đề về thận khác, chẳng hạn như bệnh thận đa nang, có thể gây đau đớn dữ dội.

Ung thư thận ở các giai đoạn đầu thường không có triệu chứng nhưng ở các giai đoạn sau, bệnh có thể gây đau âm ỉ dai dẳng ở khu vực từ giữa lưng đến dưới xương sườn.

Đau lan đến khu vực khác

Đôi khi cơn đau lan đến đùi trong hoặc bụng dưới.

Mức độ của cơn đau

Đau do bệnh thận có mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Sỏi thận hoặc nang có thể gây đau dữ dội trong khi đau do nhiễm trùng thường nhẹ hơn.

Yếu tố khiến cơn đau tăng nặng hoặc giảm nhẹ

Thông thường, không có gì có thể làm giảm cơn đau do bệnh thận cho đến khi nguyên nhân gốc rễ được giải quyết, chẳng hạn như sỏi thận được loại bỏ hay sử dụng thuốc điều trị nhiễm trùng.

Không giống như đau lưng, cơn đau do bệnh thận thường không thay đổi khi thay đổi tư thế.

Triệu chứng đi kèm

Ngoài đau ở hạ sườn hoặc lưng, các vấn đề về thận còn có các triệu chứng khác. Một số triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Sốt và ớn lạnh
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Nước tiểu đục hoặc sẫm màu
  • Tiểu gấp
  • Tiểu nhiều lần
  • Đau khi đi tiểu
  • Mới bị nhiễm trùng ở bàng quang
  • Máu trong nước tiểu
  • Có viên sỏi nhỏ trong nước tiểu (nếu bị sỏi thận)
  • Sưng phù chân

Ung thư thận còn gây mệt mỏi, chán ăn và nổi cục bất thường ở lưng dưới hoặc hạ sườn. Tuy nhiên, thường phải sang các giai đoạn sau thì các triệu chứng mới xuất hiện.

Bệnh thận đa nang cũng thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi các nang phát triển to lên. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Đau bụng hoặc lưng dưới
  • Tăng huyết áp
  • Sỏi thận
  • Suy giảm chức năng thận

Cách nhận biết đau lưng

Đau lưng phổ biến hơn đau do bệnh thận và thường do vấn đề ở cơ, xương hoặc dây thần kinh ở lưng gây ra.

Vị trí đau

Cơn đau có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên lưng nhưng đa phần là ở lưng dưới hoặc mông.

Loại đau

Đau cơ thường có cảm giác đau thành nhịp (giật giật theo nhịp mạch đập). Nếu có dây thần kinh bị tổn thương hoặc bị kích thích, bạn thường sẽ có cảm giác đau nhói dữ dội kèm nóng, cảm giác này có thể lan xuống mông đến cẳng chân hoặc thậm chí cả bàn chân.

Đau cơ có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên nhưng đau dây thần kinh thường chỉ xảy ra ở một bên.

Triệu chứng đau do bệnh thoái hoá khớp sẽ ngày càng nặng khi bệnh tiến triển. Người bệnh thường bị đau cứng lưng và đau nhiều hơn vào buổi sáng.

Đau lan đến khu vực khác

Cơn đau do thoát vị đĩa đệm và các vấn đề về thần kinh có thể lan xuống cẳng chân. Đau cơ thường xảy ra ở lưng.

Mức độ của cơn đau

Đau lưng được phân loại là cấp tính hoặc mạn tính dựa trên thời gian bị đau.

Phổ biến nhất là đau lưng cấp tính, thường kéo dài vài ngày đến vài tuần và đa phần tự khỏi. Đau lưng bán cấp kéo dài từ 4 tuần đến 6 tháng và đau lưng mạn tính kéo dài hơn 3 tháng.

Yếu tố khiến cơn đau tăng nặng hoặc giảm nhẹ

Cơn đau lưng thường tăng lên khi cử động hoặc khi ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Cơn đau có thể giảm bớt khi thay đổi tư thế, đi lại nhẹ nhàng hoặc chuyển sang các hoạt động ít gây tác động đến lưng.

Triệu chứng đau do một số bệnh lý, chẳng hạn như đau thần kinh tọa (một vấn đề về thần kinh), thường tăng lên khi cúi người hoặc ho.

Triệu chứng đi kèm

Đau lưng thường đi kèm các triệu chứng khác như:

  • Khu vực đau bị sưng tấy và trở nên nhạy cảm (đau khi chạm)
  • Co thắt cơ ở vùng bị đau
  • Cứng lưng
  • Tê hoặc yếu cơ ở một hoặc cả hai chân (nếu nguyên nhân là do vấn đề về thần kinh như đau thần kinh tọa)
  • Khớp gối kêu lạo xạo, cảm giác được hai đầu xương cọ xát vào nhau khi di chuyển (nếu cơn đau là do thoái hóa khớp)

Nếu đau lưng kèm theo tiểu hoặc đại tiện không tự chủ thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy có thứ gì đó đang đè lên dây thần kinh cột sống và cần phải đi khám ngay lập tức.

Tình trạng này được gọi là Hội chứng chùm đuôi ngựa (cauda equina syndrome) và có thể gây tổn thương nghiêm trọng về lâu dài cho các dây thần kinh cột sống nếu không được điều trị ngay.

Nguyên nhân gây đau ở khu vực thận và đau lưng

Đau do bệnh thận và đau lưng có thể xảy ra ở cùng một khu vực và có một số đặc điểm giống nhau nhưng lại là do các nguyên nhân khác nhau gây ra.

Điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân gây đau để có phương pháp điều trị thích hợp.

Nguyên nhân gây đau thận

Nhiều nguyên nhân có thể gây đau ở một hoặc cả hai bên thận, ví dụ như:

  • Thận ứ nước: Tình trạng nước tiểu tích tụ ở một hoặc cả hai quả thận do tắc nghẽn, khiến thận giãn nở và sưng lên.
  • Ung thư thận: Ung thư đa phần chỉ xảy ra ở một quả thận nhưng đôi khi xảy ra ở cả hai quả thận. Đau thường là dấu hiệu cho thấy ung thư đã tiến triển sang giai đoạn sau.
  • Viêm thận bể thận: Thường xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến một hoặc cả hai quả thận.
  • Sỏi thận: Sỏi có thể hình thành ở một hoặc cả hai quả thận do sự tích tụ khoáng chất. Sỏi thận có nhiều kích thước khác nhau. Sỏi nhỏ có thể trôi ra ngoài theo nước tiểu nhưng sẽ gây đau đớn.
  • Bệnh thận đa nang: Đây là một bệnh lý di truyền trong đó có nhiều u nang hình thành ở cả hai quả thận. Bệnh thận đa nang gây suy giảm chức năng thận và có thể dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Nguyên nhân gây đau lưng

Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng, từ các bệnh di truyền, chấn thương cho đến các vấn đề về cơ, xương khớp và dây thần kinh. Một số nguyên nhân phổ biến gây đau lưng gồm có:

  • Vấn đề về cột sống: Các vấn đề như cong vẹo cột sống hay viêm cột sống dính khớp có thể gây đau lưng.
  • Chấn thương: Ngã, tai nạn hoặc nâng đồ quá nặng có thể gây tổn thương cơ, gân hoặc mô liên kết giữa cơ và xương hoặc cột sống, dẫn đến đau lưng.
  • Thoái hóa khớp: Tình trạng lớp sụn giữa các khớp bị phá hủy, dẫn đến cứng khớp và đau khi các đầu xương cọ xát vào nhau.
  • Đau thần kinh tọa: Xảy ra do sự chèn ép lên dây thần kinh tọa (dây thần kinh chạy từ thắt lưng xuống chân). Điều này có thể gây đau ở lưng và chân.
  • Thoát vị đĩa đệm: Tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch khỏi vị trí bình thường. Điều này có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh hoặc tủy sống và gây đau.

Điều trị đau do bệnh thận và đau lưng

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Trong nhiều trường hợp, đau do bệnh thận và đau lưng có thể được khắc phục bằng thuốc và các phương pháp điều trị tự nhiên. Tuy nhiên, đôi khi cần phải phẫu thuật để giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây đau.

Đau do bệnh thận

Một số vấn đề về thận có thể điều trị bằng thuốc, ví dụ như:

  • Thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng thận
  • Thuốc điều trị cao huyết áp để kiểm soát tăng huyết áp do bệnh thận đa nang
  • Thuốc miễn dịch để điều trị ung thư thận

Ngoài thuốc miễn dịch, các loại thuốc điều trị ung thư thận khác còn có thuốc nhắm trúng đích như sorafenib (Nexavar) hoặc pazopanib (Votrient).

Các bệnh lý như bệnh thận đa nang, thận ứ nước hoặc ung thư sẽ làm hỏng thận và nếu tình trạng nghiêm trọng thì sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ thận. Nếu quả thận còn lại vẫn hoạt động bình thường thì người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh hoặc người bệnh có thể cần phải ghép thận.

Nếu ung thư mới ở giai đoạn đầu và khối u có kích thước nhỏ thì chỉ cần cắt bỏ đi phần thận có khối u.

Nên uống nhiều nước để điều trị và ngăn ngừa sỏi thận và nhiễm trùng thận. Tuy nhiên, người bị suy thận không nên uống nhiều nước. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân nặng hợp lý có thể giúp phòng ngừa ung thư thận và sỏi thận.

Đau lưng

Thuốc giảm đau là phương pháp phổ biến nhất để điều trị đau lưng. Các loại thuốc thường được dùng gồm có acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen. Nếu đau lưng nghiêm trọng thì có thể cần dùng steroid dạng tiêm. Thuốc giãn cơ cũng có thể giúp giảm đau lưng.

Phẫu thuật là giải pháp cần thiết trong một số trường hợp, chẳng hạn như phẫu thuật cố định cột sống để khắc phục bệnh thoái hóa cột sống hoặc phẫu thuật nắn chỉnh cột sống để điều trị vẹo cột sống. Một số trường hợp thoát vị đĩa đệm cũng cần phẫu thuật để giải ép dây thần kinh.

Đôi khi, các biện pháp tự nhiên và điều chỉnh lối sống có thể giúp cải thiện tình trạng đau lưng, ví dụ như:

  • Vật lý trị liệu và các bài tập tăng cường cơ cốt lõi (cơ core)
  • Châm cứu
  • Mát xa
  • Chườm nóng hoặc lạnh
  • Vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động gây áp lực lên lưng
  • Giảm cân nếu thừa cân

Khi nào cần đi khám?

Nếu bị đau ở khu vực hạ sườn hay giữa lưng và nghi ngờ cơn đau bắt nguồn từ thận thì hãy đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán bệnh và điều trị.

Bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để xác định nguyên nhân gây đau:

  • Xét nghiệm nước tiểu để xem có sự tích tụ khoáng chất, máu hay dấu hiệu nhiễm trùng trong nước tiểu hay không
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận
  • Chụp CT hoặc siêu âm

Nếu cơn đau tập trung ở thận thì cần phải đi khám ngay lập tức. Các vấn đề về thận như nhiễm trùng thận, bệnh thận đa nang, thận ứ nước có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Đau lưng có thể tự khỏi hoặc có thể thuyên giảm bằng các biện pháp khắc phục tại nhà nhưng nếu đau kéo dài dai dẳng không đỡ thì tốt nhất nên đi khám để xác định nguyên nhân.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt
Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt

Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.

Bệnh thận mạn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?
Bệnh thận mạn ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần?

Bệnh thận mạn và sức khỏe tinh thần có mối liên hệ hai chiều. Bệnh thận mạn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sức khỏe tinh thần cũng có thể ảnh hưởng đến bệnh thận mạn.

Sự khác biệt giữa suy thận cấp và suy thận mạn
Sự khác biệt giữa suy thận cấp và suy thận mạn

Suy thận có nghĩa là chức năng thận bị suy giảm. Suy thận cấp là tình trạng chức năng thận bị giảm đột ngột và tạm thời. Suy thận mạn có nghĩa là chức năng thận giảm từ từ và không thể phục hồi.

Các loại bệnh thận và cách điều trị, phòng ngừa
Các loại bệnh thận và cách điều trị, phòng ngừa

Thận là cơ quan có nhiệm vụ điều hòa độ pH cũng như các chất điện giải như natri, kali trong cơ thể và còn nhiều chức năng quan trọng khác. Có nhiều bệnh lý xảy ra với thận, mỗi bệnh lý có các triệu chứng và cách điều trị khác nhau.

Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn
Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn

Suy thận mạn gồm có 5 giai đoạn, bắt đầu từ tình trạng thận chỉ bị tổn thương nhẹ cho đến chức năng thận bị giảm nghiêm trọng, không còn đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Các phương pháp điều trị như dùng thuốc và lọc máu có thể ngăn suy thận mạn giai đoạn đầu tiến triển đến giai đoạn cuối.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây