Loại thuốc giảm đau nào an toàn cho người bị bệnh thận?
Dùng thuốc giảm đau không kê đơn là một giải pháp phổ biến để làm dịu các cơn đau đầu, đau bụng hay đau nhức cơ. Đối với người khỏe mạnh, các loại thuốc giảm đau này đều an toàn nếu dùng đúng cách. Tuy nhiên, những người bị tổn thương thận hoặc suy giảm chức năng thận cần tránh một số loại thuốc giảm đau không kê đơn. Vậy loại thuốc giảm đau nào an toàn cho người bị bênh thận? Loại thuốc nào cần tránh?
Thuốc giảm đau an toàn cho người bị bệnh thận
Đối với những người có chức năng thận bình thường, aspirin là loại thuốc giảm đau an toàn nhất, miễn là không dùng thuốc quá liều. Còn đối với những người có chức năng thận kém, loại thuốc giảm đau phù hợp phụ thuộc vào vấn đề về thận cụ thể. Tốt hơn hết, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào để đảm bảo an toàn.
Đối với người có vấn đề về thận
Ở những người bị bệnh thận, aspirin làm tăng nguy cơ chảy máu. Những người bị suy giảm chức năng thận không nên dùng aspirin trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau phù hợp tùy vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh thận.
Acetaminophen là loại thuốc giảm đau được dùng phổ biến nhất cho người có vấn đề về thận. Người bệnh nên sử dụng liều thấp nhất có thể và không vượt quá 3.000mg mỗi ngày. (1)
Nếu như acetaminophen không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc mạnh hơn như tramadol.
Đối với người đã ghép thận
Tương tự như người mắc bệnh thận, những người đã ghép thận có thể sử dụng acetaminophen để giảm đau sau phẫu thuật. Nên dùng liều thấp nhất có thể và không vượt quá 3.000mg mỗi ngày.
Đối với người bị sỏi thận
Sỏi thận nhỏ có thể tự trôi ra ngoài nhưng sẽ gây đau đớn và do đó người bệnh cần phải dùng thuốc giảm đau. Nếu chỉ bị sỏi thận mà không có vấn đề về thận nào khác thì người bệnh có thể dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau không kê đơn nào để giảm bớt đau đớn trong quá trình đào thải sỏi.
Các lựa chọn gồm có ibuprofen và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác hoặc acetaminophen. Nhiều nghiên cứu đã đánh giá các loại thuốc giảm đau không kê đơn khác nhau trong điều trị cơn đau quặn thận do sỏi thận và hầu hết đều cho thấy kết quả tích cực.
Tuy nhiên, những người bị suy giảm chức năng thận không nên dùng NSAID để giảm đau do sỏi thận. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác an toàn hơn. Thông thường, acetaminophen là lựa chọn tốt nhất để kiểm soát cơn đau do sỏi thận cho những người bị suy giảm chức năng thận.
Những loại thuốc giảm đau gây hại cho thận
Lạm dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào cũng đều làm tăng nguy cơ tổn thương thận, bao gồm cả aspirin, ibuprofen và các NSAID khác, acetaminophen và thuốc giảm đau nhóm opioid. Liều dùng quá cao hay dùng thuốc trong thời gian quá dài cũng đều gây hại cho thận.
Nhưng trong số tất cả các loại thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có nguy cơ gây tổn thương thận liên tục cao nhất. Cụ thể, những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ suy thận mạn hoặc suy thận cấp tính.
Một nghiên cứu vào năm 2019 với sự tham gia của hơn 764.000 quân nhân đã phát hiện ra rằng những người sử dụng trên 7 liều NSAID mỗi ngày trong một tháng có nguy cơ suy thận cấp hoặc suy thận mạn cao hơn. (2)
Câu hỏi thường gặp
Làm thế nào để ngăn ngừa tổn thương thận khi dùng NSAID?
Những người bị bệnh thận hay suy giảm chức năng thận không nên dùng NSAID trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Đối với người có chức năng thận bình thường, không dùng NSAID quá 10 ngày liên tục khi bị đau hoặc 3 ngày liên tục khi bị sốt. Ngoài ra, hãy dùng liều thấp nhất có thể (liều vừa đủ để kiểm soát các triệu chứng) để tránh tiếp xúc với thuốc quá nhiều.
Tại sao NSAID gây tổn thương thận?
NSAID có thể làm tăng nguy cơ suy thận cấp hoặc dẫn đến suy thận mạn khi dùng quá liều hoặc trong thời gian dài. Sử dụng NSAID trong thời gian dài có thể khiến cơ thể giữ nước và cản trở hoạt động bình thường của thận.
Mất bao lâu để NSAID gây tổn thương thận?
NSAID có thể gây tổn thương thận nhanh chóng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đôi khi chỉ sau một tuần dùng NSAID là đã xảy ra tổn thương thận cấp tính (suy thận cấp).
Tốc độ và mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thận phụ thuộc vào các yếu tố như liều dùng và tần suất sử dụng NSAID. Tuy nhiên, cũng theo các nghiên cứu, nếu tình trạng tổn thương thận cấp tính được phát hiện sớm và ngừng dùng NSAID kết hợp điều trị kịp thời thì sẽ có thể phục hồi chức năng thận trở lại bình thường. (3, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4034033/
Tổn thương thận do NSAID có hồi phục được không?
Điều này còn tùy thuộc vào thời gian sử dụng NSAID. Nếu mới dùng thuốc một thời gian ngắn thì chức năng thận có thể phục hồi. Tuy nhiên, chức năng thận trước đây cũng như các yếu tố khác như lượng nước uống cũng có ảnh hưởng đến quá trình phục hồi chức năng thận.
Các dấu hiệu tổn thương thận do thuốc giảm đau
Tổn thương thận hay bệnh thận do thuốc giảm đau đôi khi không có triệu chứng. Nếu có, các triệu chứng thường là:
- Đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp
- Mệt mỏi
- Đau lưng
- Giảm lượng nước tiểu
- Buồn ngủ, lơ mơ, lú lẫn
- Tê, đặc biệt là ở chân
- Buồn nôn và/hoặc nôn mửa
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím
- Sưng phù
- Máu trong nước tiểu
Tóm tắt bài viết
Bất kể có chức năng thận bình thường hay mắc bệnh thận thì cũng nên thận trọng khi sử dụng các loại thuốc không kê đơn. Dùng thuốc quá liều hoặc trong thời gian quá dài đều có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả tổn thương thận.
Những người bị suy giảm chức năng thận không nên dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Thay vào đó nên chọn acetaminophen và sử dụng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.
Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ thuốc giảm đau không kê đơn nào.
Thận là cơ quan có nhiệm vụ điều hòa độ pH cũng như các chất điện giải như natri, kali trong cơ thể và còn nhiều chức năng quan trọng khác. Có nhiều bệnh lý xảy ra với thận, mỗi bệnh lý có các triệu chứng và cách điều trị khác nhau.
Bác sĩ sẽ xác định phác đồ điều trị ung thư biểu mô tế bào thận dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh và mức độ lan rộng của ung thư. Các phương pháp chính để điều trị ung thư biểu mô tế bào thận gồm có phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích và hóa trị. Những phương pháp điều trị này nhằm làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư.
Bệnh thận do thuốc cản quang là một tình trạng hiếm gặp trong đó chức năng thận bị suy giảm sau khi tiếp xúc với một số loại thuốc cản quang. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thận do thuốc cản quang tự khỏi sau một đến hai tuần.
Phác đồ điều trị ung thư thận di căn thường kết hợp các phương pháp điều trị với nhau, ví dụ như liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích. Những phương pháp điều trị này giúp thu nhỏ khối u, làm chậm sự phát triển của khối u hoặc giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Sử dụng một số loại thuốc giảm đau trong thời gian dài có thể gây tổn thương và làm suy giảm chức năng thận. Tình trạng này được gọi là bệnh thận do thuốc giảm đau. Có thể phải sau nhiều năm bệnh thận do thuốc giảm đau mới xảy ra và ban đầu thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, bệnh thận do thuốc giảm đau có thể dẫn đến các biến chứng như suy thận mạn giai đoạn cuối.