Những hormone nào ảnh hưởng đến giấc ngủ?
Một số hormone có mối liên hệ mật thiết với chu kỳ giấc ngủ và chứng mất ngủ do nội tiết tố có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Sự thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như trong thời kỳ mang thai và mãn kinh có thể gây rối loạn giấc ngủ. Ngoài estrogen và testosterone, vấn đề về giấc ngủ cũng có thể là do sự thay đổi các hormone khác như cortisol - loại hormone mà cơ thể tiết ra khi bị căng thẳng.
Dưới đây là những loại hormone có tác động đến giấc ngủ, các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị chứng mất ngủ do nội tiết tố.
Triệu chứng mất ngủ do nội tiết tố
Mất ngủ do nội tiết tố xảy ra khi nồng độ nội tiết tố trong cơ thể có sự thay đổi. Phụ nữ có nguy cơ bị mất ngủ do nội tiết tố cao hơn nam giới.
Các triệu chứng của mất ngủ do nội tiết tố gồm có:
- Khó đi vào giấc ngủ
- Ngủ không sâu giấc, tỉnh dậy giữa đêm và không thể ngủ lại được
- Ngủ dậy quá sớm vào buổi sáng
- Khó duy trì lịch trình ngủ đều đặn
- Mệt mỏi, uể oải, bồn chồn, cáu gắt và giảm tập trung do thiếu ngủ vào ban ngày
Nguyên nhân gây mất ngủ do nội tiết tố
Sự thay đổi nội tiết tố gây mất ngủ thường xảy ra do mãn kinh, mang thai, căng thăng và một số bệnh lý.
Mãn kinh
Vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ gặp phải rất nhiều triệu chứng khó chịu. Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2020, mất ngủ là một trong những triệu chứng phổ biến nhất trong thời kỳ mãn kinh.
Ở giai đoạn tiền mãn kinh, khoảng thời gian trước khi mãn kinh, nồng độ hormone bắt đầu dao động đáng kể. Điều này gây ra các triệu chứng gây cản trở giấc ngủ như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và bồn chồn, lo âu.
Mang thai
Sự thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai và sau khi sinh con cũng có thể gây mất ngủ.
Ngoài thay đổi nội tiết tố, rối loạn giấc ngủ trong thai kỳ và sau khi sinh còn có thể do các nguyên nhân khác như:
- Đi tiểu nhiều lần
- Đau và khó chịu
- Lo lắng
Vấn đề về tuyến giáp
Một số bệnh tuyến giáp, nhất là suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) làm thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp trong cơ thể.
Nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng hormone tuyến giáp có thể gây ra vấn đề về giấc ngủ.
Bệnh tuyến giáp còn gây ra các triệu chứng khác và một số trong đó cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, chẳng hạn như:
- Lo lắng
- Thay đổi tâm trạng
- Mệt mỏi
- Run tay
Căng thẳng
Căng thẳng kéo dài (mạn tính) ảnh hưởng đến nồng độ nhiều hormone trong cơ thể, dẫn đến gián đoạn giấc ngủ và nhiều vấn đề khác như:
- Rối loạn tâm thần
- Giảm ham muốn tình dục
- Bệnh tim mạch
Các hormone ảnh hưởng đến giấc ngủ
Mỗi loại hormone ảnh hưởng đến giấc ngủ theo cách khác nhau.
Melatonin
Melatonin được gọi là hormone ngủ. Hormone này được tạo ra bởi tuyến tùng trong não. Vào ban đêm, hormone này được tiết ra và báo cho não biết rằng đã đến giờ đi ngủ.
Mức độ sản xuất melatonin giảm dần khi có tuổi và đó là một trong những lý do tại sao người già thường ngủ kém.
Cortisol
Cortisol là một loại hormone được tạo ra bởi tuyến thượng thận khi chúng ta cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng. Nồng độ cortisol trong máu cao có thể gây khó đi vào giấc ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn.
Estrogen và progesteron
Mặc dù cả nữ giới và nam giới đều có estrogen và progesterone nồng độ hai hormone này ở phụ nữ cao hơn nhiều so với nam giới. Theo nghiên cứu vào năm 2020, estrogen và progesterone cũng tham gia điều phối giấc ngủ, mặc dù cơ chế hoạt động của hai hormone này vẫn chưa được làm rõ.
Nồng độ estrogen và progesterone tăng cao khi mang thai và giảm trong thời kỳ mãn kinh. Những sự thay đổi nội tiết tố tự nhiên này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Các hormone khác
Các hormone khác cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ còn có hormone tăng trưởng (growth hormone), leptin (hormone tạo cảm giác no) và ghrelin (hormone gây đói).
Điều trị mất ngủ do nội tiết tố
Chứng mất ngủ do nội tiết tố có thể điều trị bằng các cách dưới đây:
- Thay đổi lối sống: Điều chỉnh thói quen ngủ có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ví dụ, duy trì lịch trình ngủ đều đặn (đi ngủ và thức dậy cùng một giờ mỗi ngày), tránh dùng thiết bị điện tử và uống caffeine trước khi đi ngủ.
- Biện pháp tự nhiên: Một số loại thực phẩm chức năng như melatonin có thể giúp bạn dễ ngủ hơn. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm chức năng để đảm bảo an toàn và được hướng dẫn liều dùng thích hợp.
- Trị liệu tâm lý: Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) và các hình thức trị liệu tâm lý khác giúp bạn biết cách đối phó với các nguyên nhân đang gây cản trở giấc ngủ.
- Thuốc: Có nhiều loại thuốc được dùng để trị mất ngủ, gồm có thuốc bình thần và thuốc kháng histamin.
Khi nào cần đi khám?
Bạn nên đi khám nếu tình trạng mất ngủ kéo dài dù đã thử nhiều cách khắc phục.
Bác sĩ sẽ kiểm tra xem nguyên nhân gây mất ngủ có phải do sự mất cân bằng nội tiết tố hoặc một bệnh lý tiềm ẩn hay không và từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Ngoài sự mất cân bằng nội tiết tố còn rất nhiều nguyên nhân khác gây mất ngủ, gồm có các vấn đề sức khỏe. Bạn có thể sẽ phải làm xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone và loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn gây mất ngủ.
Tóm tắt bài viết
Mất ngủ do nội tiết tố có thể xảy ra với bất cứ ai. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do mang thai, mãn kinh, vấn đề về tuyến giáp và căng thẳng.
Các hormone ảnh hưởng đến giấc ngủ nhiều nhất gồm có melatonin, cortisol, estrogen và progesterone.
Mất ngủ do nội tiết tố có thể được điều trị bằng các biện pháp như thay đổi thói quen sống, các biện pháp tự nhiên, trị liệu và dùng thuốc.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi tối làm gián đoạn chu kỳ ngủ - thức tự nhiên của não. Chu kỳ ngủ - thức bình thường là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt.
Tập thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như cải thiện giấc ngủ, thư giãn tinh thần, giảm lo âu, căng thẳng và điều hòa đồng hồ sinh học. Tập thể dục sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể và khi thân nhiệt giảm, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ.
Giống như việc ăn uống, giấc ngủ cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngủ đủ giấc hàng ngày là điều cần thiết để có một sức khỏe tốt.
Giấc ngủ ngắn, dù chỉ 10 phút vào ban ngày cũng có thể mang lại nhiều lợi ích, gồm có giúp tỉnh táo, cải thiện sự tập trung, tăng hiệu suất làm việc, giảm huyết áp và cải thiện tâm trạng. Điều quan trọng là ngủ trong thời gian vừa đủ. Ngủ quá nhiều vào vào ban ngày có thể gây khó ngủ vào ban đêm. Giấc ngủ quá sâu và quá dài vào ban ngày còn có thể khiến bạn càng cảm thấy mệt hơn.
Nếu từng tìm hiểu về những cách để có được giấc ngủ ngon, chắc hẳn bạn đã biết rằng cần tránh tiếp xúc với ánh sáng trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, có rất nhiều loại ánh sáng khác nhau và tác động của mỗi loại đến giấc ngủ là không giống nhau.