1

Ảnh hưởng của cao huyết áp đến giấc ngủ

Cao huyết áp và thuốc điều trị cao huyết áp đều có ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bạn đang bị mất ngủ do cao huyết áp thì có một số cách để cải thiện giấc ngủ.
Ảnh hưởng của cao huyết áp đến giấc ngủ Ảnh hưởng của cao huyết áp đến giấc ngủ

Khoa học đã chứng minh rằng giấc ngủ không chỉ là khoảng thời gian mà chúng ta nghỉ ngơi và khôi phục năng lượng mà còn có nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Ngủ đủ và sâu giấc mỗi ngày giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường và trầm cảm.

Giấc ngủ là khoảng thời gian mà cơ thể “cài đặt lại” sau một ngày dài hoạt động. Trong khi ngủ, các hóa chất và hormone cân bằng và huyết áp giảm xuống. Nếu không ngủ hoặc ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ không thể hoạt động bình thường vào ngày hôm sau. Thiếu ngủ có thể gây nên nhiều vấn đề như tăng viêm, tăng hormone stress và giảm chức năng miễn dịch.

Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch và ngược lại, các vấn đề về tim mạch như cao huyết áp có thể gây mất ngủ.

Tại sao cao huyết áp gây mất ngủ?

Người lớn cần ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi ngày. Thường xuyên ngủ ít hơn sẽ gây hại cho sức khỏe tổng thể. Thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều vấn đề như tăng cân, cao huyết áp và trầm cảm.

Mặt khác, cao huyết áp cũng có thể gây cản trở giấc ngủ. Cao huyết áp là tình trạng áp lực máu lên thành động mạnh cao hơn bình thường. Điều này gây ra các triệu chứng như đau đầu, đau ngực và khó thở. Những triệu chứng này có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không được ngon giấc.

Một số loại thuốc điều trị cao huyết áp cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây mất ngủ

Thuốc điều trị cao huyết áp giúp kiểm soát huyết áp ổn định và ngăn ngừa biến chứng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tuy nhiên, một nhóm thuốc trị cao huyết áp tên là thuốc chẹn beta có thể cản trở giấc ngủ.

Những loại thuốc này có thể gây ra các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ và ác mộng. Điều này một phần là do thuốc chẹn beta tương tác với các hormone gây buồn ngủ tự nhiên của cơ thể. Kết quả là người dùng thuốc sẽ khó đi vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ sâu hơn.

Tuy nhiên, không nên vì thế mà không dùng thuốc điều trị cao huyết áp. Không phải loại thuốc trị cao huyết áp nào cũng gây ra tác dụng phụ này. Bạn có thể hỏi bác sĩ về những loại thuốc giúp làm giảm huyết áp mà không ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Tại sao mất ngủ làm tăng huyết áp?

Mất ngủ có thể làm tăng huyết áp. Trong khi ngủ, huyết áp sẽ giảm một cách tự nhiên và cơ thể cũng sẽ điều chỉnh các hormone kiểm soát huyết áp, nhịp tim và các chức năng khác. Khi không ngủ đủ giấc, những sự thay đổi quan trọng này sẽ không thể diễn ra một cách bình thường.

Theo thời gian, nồng độ hormone ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến huyết áp và chức năng bơm máu của tim. Điều này có thể dẫn đến cao huyết áp và các vấn đề liên quan, chẳng hạn như bệnh tim mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Nghiên cứu đã cho thấy rằng những người trưởng thành ngủ ít hơn 7 giờ mỗi ngày có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe, gồm có béo phì, hen suyễn và trầm cảm cao hơn. Những vấn đề này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

Cách cải thiện giấc ngủ

Như vậy, mất ngủ làm tăng huyết áp và cao huyết áp cũng có thể gây mất ngủ. Nếu bạn đang bị mất ngủ thì có thể thử các cách dưới đây để cải thiện giấc ngủ:

  • Không ngủ bù: Sau một đêm mất ngủ, nhiều người thường ngủ bù vào ban ngày nhưng không nên làm vậy. Ngủ nhiều vào ban ngày sẽ lại gây khó ngủ vào ban đêm. Ngoài ra, ngủ quá nhiều còn làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề như đường huyết cao và tăng cân.
  • Duy trì lịch trình ngủ thức đều đặn: Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào giờ cố định hàng ngày, kể cả vào ngày nghỉ. Điều đó sẽ tạo ra thói quen cho cơ thể, giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn và cũng dễ dàng thức dậy vào buổi sáng hơn.
  • Dùng thuốc ngủ: Thuốc ngủ là một giải pháp nhanh chóng giúp bạn dễ ngủ hơn và ngủ sâu giấc hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là một giải pháp tạm thời. Không nên dùng thuốc ngủ thường xuyên. Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng thuốc ngủ thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ phải dùng thuốc điều trị cao huyết áp. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc ngủ.
  • Tập thể dục: Tập thể dục vừa giúp ổn định huyết áp và vừa giúp cải thiện tình trạng mất ngủ. Hoạt động thể chất sẽ làm giảm huyết áp và khiến bạn buồn ngủ, dễ ngủ hơn vào ban đêm. Nhưng không nên tập thể dục trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ. Điều này sẽ kích thích thần kinh và gây khó ngủ.
  • Thư giãn trước khi đi ngủ: Thực hiện các hoạt động thư giãn như thiền, hít thở sâu hoặc yoga có thể giúp làm giảm huyết áp và ngủ ngon hơn.

Thuốc và thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ cho người bị cao huyết áp

Thuốc và thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ là một giải pháp để khắc phục tình trạng mất ngủ. Tuy nhiên, các loại thuốc và thực phẩm chức năng này có thể tương tác với thuốc điều trị cao huyết áp. Do đó, nếu bị cao huyết áp và mất ngủ, bạn nên đi khám để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.

Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ cho người bị cao huyết áp gồm có:

  • Thực phẩm chức năng và thảo dược: Melatonin là một trong những loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ được sử dụng phổ biến nhất. Melatonin là một loại hormone tạo cảm giác buồn ngủ. Mặc dù melatonin được tạo ra tự nhiên trong cơ thể nhưng đôi khi, bổ sung melatonin là điều cần thiết. Một phương pháp trị mất ngủ tự nhiên khác là dùng thảo dược. Rễ cây nữ lang là một loại thảo dược có tác dụng thư giãn và giúp ngủ ngon. Lưu ý, thực phẩm chức năng và thảo dược có thể tương tác với thuốc, bao gồm cả thuốc trị cao huyết áp. Do đó, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng hay thảo dược nào.
  • Thuốc không kê đơn: Có một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp bạn dễ ngủ và ngủ sâu hơn, gồm có thuốc kháng histamin như diphenhydramine và doxylamine. Tuy nhiên, các loại thuốc này cũng có thể tương tác với thuốc trị cao huyết áp. Do đó, không nên tự ý dùng mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
  • Thuốc kê đơn: Một số loại thuốc kê đơn có tác dụng điều chỉnh các thụ thể hormone của não và giúp bạn dễ ngủ hơn. Một trong những nhóm thuốc kê đơn được sử dụng phổ biến nhất để trị mất ngủ là thuốc an thần gây ngủ này, gồm có eszopiclone và flurazepam.

Người bị cao huyết áp có thể dùng melatonin không?

Melatonin có thể tương tác với nhiều loại thuốc, trong đó có một số thuốc điều trị cao huyết áp. Melatonin còn làm giảm huyết áp. Do đó, dùng melatonin cùng với thuốc điều trị cao huyết áp có thể khiến cho huyết áp giảm quá thấp. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng melatonin.

Melatonin không phải là cách duy nhất để trị mất ngủ. Ngoài ra còn rất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng khác có tác dụng cải thiện giấc ngủ.

Tóm tắt bài viết

Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe. Không ngủ đủ giấc có thể dẫn đến nhiều vấn đề như cao huyết áp, tăng cân và tiểu đường. Mặt khác, cao huyết áp cũng có thể gây mất ngủ. Một số loại thuốc trị cao huyết áp cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Nếu bạn bị cao huyết áp và mất ngủ tốt nhất nên đi khám để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc ngủ vì một số loại thuốc ngủ có thể tương tác với thuốc trị cao huyết áp. Dùng thuốc ngủ trong thời gian dài còn có thể làm tăng huyết áp.

Có nhiều cách tự nhiên để kiểm soát huyết áp và cải thiện giấc ngủ, gồm có tập thể dục, điều chỉnh thói quen ăn uống, đi ngủ vào giờ cố định và thực hiện các hoạt động thư giãn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tập thể dục trước khi đi ngủ có ảnh hưởng đến giấc ngủ không?
Tập thể dục trước khi đi ngủ có ảnh hưởng đến giấc ngủ không?

Tập thể dục thường xuyên mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như cải thiện giấc ngủ, thư giãn tinh thần, giảm lo âu, căng thẳng và điều hòa đồng hồ sinh học. Tập thể dục sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể và khi thân nhiệt giảm, bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ.

Hormone cortisol ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ?
Hormone cortisol ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ?

Giấc ngủ có tác động rất lớn đến sức khỏe. Trên thực tế, tất cả chúng ta đều cần ngủ để tồn tại. Có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến giấc ngủ và một trong số đó là cortisol, loại hormone mà cơ thể tiết ra khi bị căng thẳng (stress). Hormone này có ảnh hưởng lớn đến nhịp sinh học và chu kỳ ngủ thức của cơ thể con người.

Những hormone nào ảnh hưởng đến giấc ngủ?
Những hormone nào ảnh hưởng đến giấc ngủ?

Sự thay đổi nội tiết tố (hormone) có thể gây ra nhiều vấn đề, trong đó có mất ngủ. Do đó, mất ngủ là vấn đề phổ biến trong thời gian mang thai và mãn kinh. Vấn đề về giấc ngủ trong những khoảng thời gian này chủ yếu là do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và testosterone. Nhưng ngoài ra, các hormone khác trong cơ thể như melatonin cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Màu sơn phòng ngủ có ảnh hưởng đến giấc ngủ không?
Màu sơn phòng ngủ có ảnh hưởng đến giấc ngủ không?

Hầu hết mọi người đều tắt đèn khi đi ngủ để tránh bị chói mắt. Việc tiếp xúc với ánh sáng trước khi đi ngủ còn ức chế sự sản xuất melatonin – hormone điều phối nhịp sinh học và giúp chúng ta chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho thấy rằng một số màu ánh sáng nhất định, chẳng hạn như màu xanh đậm, có thể tạo cảm giác buồn ngủ và giúp chúng ra đi vào giấc ngủ dễ hơn.

Bệnh Parkinson ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ?
Bệnh Parkinson ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ?

Bệnh Parkinson và một số loại thuốc điều trị bệnh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Những người mắc bệnh Parkinson có nguy cơ bị các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngưng thở khi ngủ hoặc rối loạn hành vi giấc ngủ REM. Các phương pháp điều trị vấn đề về giấc ngủ gồm có dùng thuốc và liệu pháp hành vi.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây