1

Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công các mô khớp, khiên cho khớp bị viêm. Khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như di truyền, chấn thương, giới tính, nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp đa phần xảy ra ở các khớp của bàn tay và bàn chân. Triệu chứng chính của bệnh viêm khớp dạng thấp là đau và cứng khớp. Bệnh tự miễn này không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể dẫn đến các vấn đề về phổi, tim và mắt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 2019 có khoảng 18 triệu người đang sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp trên toàn thế giới và 70% trong số này là phụ nữ. (1)

Di truyền và bệnh viêm khớp dạng thấp

Những người có tiền sử gia đình bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định được các gen co liên quan đến nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn.

Một ví dụ là chỉ thị di truyền HLA. Theo Tổ chức Viêm khớp (the Arthritis Foundation), một người có chỉ thị di truyền HLA có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao gấp 5 lần so với những người không có chỉ thị di truyền này. (2)  Tuy nhiên, có chỉ thị di truyền HLA không có nghĩa là sẽ bị viêm khớp dạng thấp mà chỉ là có nguy cơ cao hơn bình thường.

Ngoài ra các nhà khoa học còn phát hiện được các gen khác cũng có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có:

  • PTPN22: Các nhà nghiên cứu cho rằng gen này tham gia vào sự khởi phát và tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • STAT4: Gen này kiểm soát sự kích hoạt và điều hòa hệ thống miễn dịch.
  • TRAF1 và C5: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những gen này có liên quan đến tình trạng viêm mạn tính.

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), không chỉ có một mà có nhiều gen khác nhau quyết định nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp của một người. Các gen này còn ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không? »

Tác nhân truyền nhiễm và bệnh viêm khớp dạng thấp

Các nhà nghiên cứu nghi ngờ phản ứng viêm do các tác nhân truyền nhiễm như vi khuẩn gây ra có thể kích hoạt bệnh viêm khớp dạng thấp. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện vi khuẩn trong mô hoạt dịch bao quanh khớp ở người bị viêm khớp dạng thấp.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine vào tháng 12 năm 2016 của Đại học Johns Hopkins cho thấy vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu mạn tính có thể gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp.

Nghiên cứu cũng đã phát hiện ra mối liên hệ giữa tình trạng nhiễm vi khuẩn Aggregatibacter actinomycetemcomitans (vi khuẩn gây bệnh nha chu) và sự gia tăng sản xuất loại protein kích hoạt viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, dường như loại vi khuẩn này không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp. Một nửa số người tham gia nghiên cứu không hề có loại vi khuẩn này trong miệng.

Virus cũng có thể kích hoạt bệnh viêm khớp dạng thấp. Theo Cleveland Clinic, những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có lượng kháng thể kháng virus Epstein-Barr (virus gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân) cao hơn so với dân số nói chung. (3)

Virus Epstein-Barr không phải là loại virus duy nhất được cho là có thể kích hoạt bệnh viêm khớp dạng thấp. Các loại virus khác cũng có thể gây ra điều tương tự còn có retrovirus và parvovirus B19, loại virus gây bệnh thứ năm (fifth disease).

Chấn thương và bệnh viêm khớp dạng thấp

Theo các nhà nghiên cứu, chấn thương thể chất cũng là một yếu tố có thể góp phần kích hoạt sự khởi phát của bệnh viêm khớp dạng thấp. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Open Access Rheumatology, chấn thương có thể gây ra tình trạng viêm và điều này có thể dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp.

Có nhiều dạng chấn thương có thể gây ra điều này, gồm có gãy xương, trật khớp và tổn thương dây chằng.

Nhưng các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh chấn thương là nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp.

Cần có thêm những nghiên cứu dài hạn, quy mô lớn để xác định mối liên hệ giữa chấn thương và sự khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp. Chấn thương có thể không kích hoạt bệnh viêm khớp dạng thấp ngay lập tức. Chấn thương có thể gây viêm và phải một thời gian dài sau bệnh viêm khớp dạng thấp mới khởi phát.

Hút thuốc và viêm khớp dạng thấp

Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sự khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và hiệu quả điều trị. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Arthritis Research and Therapy cho thấy cho dù chỉ hút thuốc ít cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Nghiên cứu cũng cho thấy hút thuốc hàng ngày có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ. Nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp sẽ giảm sau khi cai thuốc. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tiếp tục giảm theo thời gian.

Trong nghiên cứu, nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp của những người tham gia đã giảm 1/3 sau 15 năm bỏ thuốc lá nhưng vẫn ở mức cao hơn nhiều so với những người chưa từng hút thuốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng hút thuốc lá gâyxáo trộn chức năng của hệ miễn dịch ở những người mang một số yếu tố di truyền nhất định và điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Hút thuốc làm tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Hút thuốc lá còn làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp cũng như các phương pháp điều trị khác. Và hút thuốc khiến cho việc tập thể dục trở nên khó khăn hơn mà tập thể dục thường xuyên lại là điều cần thiết để kiểm soát viêm khớp dạng thấp và duy trì khả năng vận động.

Trong những trường hợp cần phải phẫu thuật, hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng. Những người không hút thuốc phục hồi nhanh hơn và ít gặp phải biến chứng hơn sau phẫu thuật.

Bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.

Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác

Nội tiết tố

Phụ nữ có tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới. Như vậy, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể liên quan đến các hormone sinh dục nữ. Ở một số phụ nữ, có các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thay đổi trong thời gian mang thai. Các triệu chứng bệnh có thể giảm nhẹ khi mang thai và trở nên nặng hơn sau khi sinh. Điều này cho thấy sự thay đổi nồng độ các hormone sinh dục nữ có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.

Nuôi con bằng sữa mẹ và sự gia tăng nồng độ hormone trong thời gian cho con bú cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Một số biện pháp tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.

Yếu tố môi trường

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng một số tác nhân từ môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có:

  • Khói thuốc lá
  • Ô nhiễm không khí
  • Thuốc trừ sâu
  • Tiếp xúc với các khoáng chất trong không khí, chẳng hạn như silica và amiăng

Béo phì

Theo Tổ chức Viêm khớp, ước tính có khoảng 2/3 số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị béo phì hoặc thừa cân. (4) Mỡ trong cơ thể có thể giải phóng các protein góp phần gây viêm. Cụ thể, tế bào mỡ giải phóng ra cytokine, đây cũng là hợp chất được giải phóng ở các khớp bị viêm. Thừa cân càng nhiều thì các triệu chứng viêm khớp dạng thấp càng nghiêm trọng.

Béo phì dường như còn ảnh hưởng đến hiệu quả của các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) – nhóm thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp chính - cho hiệu quả kém hơn trong suốt một năm ở những người thừa cân so với những người có cân nặng bình thường. Béo phì không phải nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhưng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có di truyền, yếu tố môi trường và nội tiết tố. Chấn thương và nhiễm trùng có thể góp phần kích hoạt bệnh khởi phát.

Có một số yếu tố có thể thay đổi để giảm thiểu nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp, ví dụ như:

  • bỏ hút thuốc
  • giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì
  • hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong môi trường, như khói bụi và hóa chất độc hại

Nên đi khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường vì việc điều trị sớm và tích cực có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa tổn thương khớp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.

Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp
Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.

Những vấn đề về da liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp
Những vấn đề về da liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp. Mặc dù triệu chứng chính của viêm khớp dạng thấp là đau khớp và cứng khớp nhưng căn bệnh này còn có thể gây ra các vấn đề về da.

Điểm khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lý thần kinh ngoại biên
Điểm khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lý thần kinh ngoại biên

Bệnh thần kinh ngoại biên có thể là một biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh thần kinh ngoại biên. Người bệnh cũng có thể cần dùng thêm thuốc điều trị bệnh thần kinh ngoại biên.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp có chữa khỏi được không?

Ngày càng có nhiều phương pháp để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp điều trị giúp làm giảm tình trạng viêm ở khớp và ngăn ngừa tổn thương khớp cũng như các cơ quan khác. Nhiều phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể. Điều trị thích hợp có thể giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát, đồng thời kéo dài thời gian thuyên giảm.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây