Người bị tiểu đường có được ăn kẹo không?
Bài viết này sẽ đưa ra câu trả lời chi tiết cho câu hỏi người mắc bệnh tiểu đường có thể ăn kẹo hay không, nếu có thì được ăn bao nhiêu và liệu các loại kẹo không đường có an toàn hơn kẹo thông thường.
Người bị tiểu đường có được ăn kẹo không?
Người bị bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn kẹo.
Giống như những người khỏe mạnh, người lớn và trẻ nhỏ mắc bệnh tiểu đường (bất kể loại nào) thi thoảng vẫn có thể ăn đồ ngọt. Tuy nhiên, điều quan trọng là chỉ ăn vừa phải. Thực phẩm và đồ uống nhiều đường sẽ làm cho lượng đường trong máu tăng nhanh chóng. Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần hiểu được ảnh hưởng của mỗi loại thực phẩm đến mức đường huyết trước khi ăn.
Những người bị tiểu đường sẽ phải cân nhắc, tính toán nhiều hơn nếu muốn ăn kẹo hay các loại đồ ngọt khác. Cụ thể là cần phải tính toán lượng carbohydrate tiêu thụ cũng như liều insulin một cách chính xác.
Một điều quan trọng là phải chú ý đến tổng lượng carbohydrate của thức ăn và đồ uống chứ không chỉ là lượng đường.
Mặc dù kẹo có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh nhưng tổng lượng carb tiêu thụ mới là điều cần để ý khi ăn kẹo, kể cả kẹo không đường vì loại kẹo này cũng chứa một lượng carbohydrate nhất định. Hàm lượng carbohydrate là yếu tố mà mỗi người bệnh tiểu đường cần cân nhắc khi lựa chọn đồ ăn, thức uống hàng ngày.
Một số loại kẹo, chẳng hạn như kẹo có chứa bơ đậu phộng hay các loại hạt, làm tăng đường huyết chậm hơn sau khi ăn. Tuy nhiên, các loại kẹo có đường thông thường đều sẽ khiến lượng đường trong máu tăng vọt và một số chuyên gia y tế khuyến nghị nên ăn một viên kẹo gần bữa ăn để hạn chế sự tăng lượng đường trong máu đột ngột.
Tất nhiên vẫn cần tính đến lượng calo và carb có trong kẹo.
Lầm tưởng về đường và bệnh tiểu đường
Có rất nhiều quan niệm sai lầm về những gì mà người bệnh tiểu đường được ăn và không được ăn, một trong số đó là quan niệm cho rằng người bị tiểu đường phải kiêng hoàn toàn đồ chứa đường.
Mặc dù chế độ ăn uống có nhiều đường bổ sung có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 nhưng đó chắc chắn không phải là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh và cũng không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất. Nguy cơ mắc tiểu đường type 2 có liên quan đến di truyền cũng như thói quen lối sống và việc thi thoảng ăn nhiều đường sẽ không khiến một người mắc bệnh tiểu đường. Thói quen ăn uống nói chung và việc ăn nhiều đường nói riêng lại càng không liên quan đến nguy cơ mắc tiểu đường type 1 vì đây là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy.
Kẹo không đường có an toàn hơn không?
Mặc dù kẹo không đường cũng không được coi là một món ăn lành mạnh hay tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người mắc bệnh tiểu đường (đặc biệt là trẻ em) lựa chọn kẹo không đường để thay thế cho kẹo thông thường. Người ta cho rằng kẹo không đường ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn.
Vị ngọt của kẹo không đường đến từ chất làm ngọt nhân tạo và đúng là chất làm ngọt nhân tạo ít làm tăng đường trong máu hơn so với đường.
Một số chất làm ngọt nhân tạo thường được sử dụng trong kẹo không đường gồm có:
- Đường cỏ ngọt (stevia)
- Sucralose
- Aspartame
- Saccharin
Tuy nhiên, có một lầm tưởng phổ biến là kẹo không đường không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Trên thực tế, các loại kẹo không đường cũng có chứa carbohydrate và calo. Điều đó có nghĩa là khi ăn kẹo không đường, người bệnh tiểu đường vẫn phải bổ sung insulin hoặc uống thuốc điều trị tiểu đường để kiểm soát đường huyết.
Đối với những người không phải sử dụng insulin nhưng đang phải kiểm soát cân nặng thì kẹo không đường cũng không phải một lựa chọn an toàn hơn so với kẹo thường. Ăn kẹo không đường có thể phá hỏng nỗ lực giảm cân do có chứa nhiều calo.
Một lợi ích không liên quan đến bệnh tiểu đường của kẹo không đường là ít gây sâu răng hơn vì không chứa nhiều đường giống như các loại kẹo thông thường.
Kẹo không đường và kẹo có đường thường không có sự khác biệt quá lớn về tổng hàm lượng chất béo hoặc protein.
Tác hại của kẹo không đường
Một vấn đề lớn của nhiều loại kẹo không đường là có chứa rượu đường (sugar alcohol). Thành phần này có một số tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Rượu đường là gì?
Thực ra rượu đường không phải là đường mà cũng không phải là rượu. Đó là một loại carbohydrate đặc biệt có cấu trúc hóa học tương tự như đường ăn. Rượu đường có vị ngọt nhưng ít calo hơn so với đường.
Tùy từng loại mà vị ngọt của rượu đường bằng 25 đến 100% vị ngọt của đường. Nhưng rượu đường có lượng calo thấp hơn và không có một số tác hại giống như đường, chẳng hạn như gây sâu răng.
Hầu hết các loại rượu đường được sản xuất nhân tạo, mặc dù rượu đường cũng có tự nhiên trong một số loại trái cây và rau củ. Rượu đường không được cơ thể tiêu hóa hoàn toàn, đó là lý do tại sao rượu đường có vị ngọt nhưng ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Thêm nữa, rượu đường chứa ít calo hơn đường (mỗi gram rượu đường chỉ có 2 calo trong khi mỗi gram đường chứa 4 calo, có nghĩa là nhiều hơn gấp đôi rượu đường).
Một số loại rượu đường phổ biến là maltitol, sorbitol, xylitol, mannitol, lactitol, glycerol và erythritol. Những thành phần này có điểm chung là đều có đuôi “-ol”.
Tiêu thụ rượu đường ở mức độ vừa phải nói chung là an toàn. Giới hạn khuyến nghị là 10 đến 15 gram rượu đường mỗi ngày. (1) Tuy nhiên, ăn quá nhiều rượu đường có thể gây ra những tác dụng phụ khó chịu. Rượu đường được coi là một loại carb khó tiêu, có nghĩa là không được ruột non hấp thụ hoàn toàn. Thay vào đó, một phần rượu đường sẽ đi đến ruột già và được vi khuẩn tại đây lên men.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho những người tham gia ăn đường hoặc một trong hai loại rượu đường (erythritol hoặc xylitol).
Những người ăn rượu đường gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn và đau bụng trong khi những người ăn đường lại không gặp các tác dụng phụ này.
Rượu đường được coi là một loại FODMAP (fermentable oligosaccharides, disaccharides, monosaccharides and polyols, có nghĩa là oligosacarit, disacarit, monosacarit và polyol có thể lên men). Đây là những phân tử thực phẩm mà cơ thể con người khó tiêu hóa, đặc biệt là khi ăn nhiều.
Rượu đường còn có đặc tính nhuận tràng nên có thể gây tiêu chảy, nhất là ở những người có bệnh về dạ dày.
Mặc dù rượu đường chứa ít calo hơn đường nhưng không phải hoàn toàn không chứa calo. Thường xuyên ăn quá nhiều rượu đường cũng có thể gây tăng cân hoặc cản trở quá trình giảm cân.
Ăn kẹo không đường có chứa chất làm ngọt nhân tạo cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực, gồm có làm xáo trộn hệ vi sinh vật đường ruột mà hệ vi sinh đường ruột cân bằng là điều rất quan trọng để có sức khỏe tốt.
Một nghiên cứu vào năm 2019 và nghiên cứu trước đó đã cho thấy saccharin, sucralose và đường cỏ ngọt stevia làm thay đổi thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột. Trong một nghiên cứu khác, những người có hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng đã bị suy giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu trong vòng 5 ngày sau khi ăn chất làm ngọt nhân tạo. (2)
Có nên ăn kẹo để điều trị hạ đường huyết không?
Mặc dù không phải là một loại đồ ăn vặt lành mạnh nhưng kẹo lại là một giải pháp giúp làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng trong trường hợp hạ đường huyết.
Một số loại kẹo chứa đường có tác dụng rất nhanh. Tuy nhiên, một số loại (như kẹo sô cô la hoặc kẹo chứa bơ đậu phộng) lại có hàm lượng chất béo cao hơn, được tiêu hóa chậm hơn và mất nhiều thời gian hơn để làm tăng lượng đường trong máu. Vì thế nên những loại kẹo này không thích hợp để điều trị hạ đường huyết, nhất là hạ đường huyết nghiêm trọng.
Một nhược điểm của việc điều trị hạ đường huyết bằng kẹo là kẹo thường có tác dụng nhanh chóng và nếu ăn quá nhiều một lúc thì sẽ lại gây tăng đường huyết.
Nên trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng kẹo để khắc phục hạ đường huyết.
Tóm tắt bài viết
Người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn kẹo. Điều quan trọng là không được ăn nhiều và phải theo dõi lượng carbohydrate cũng như calo tiêu thụ. Kẹo không đường không làm tăng lượng đường trong máu nhiều như kẹo thường nhưng vẫn chứa carb và calo. Một số loại kẹo không đường chứa rượu cồn và thành phần này có thể gây ra một số vấn đề khó chịu về tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và đầy hơi.
Có thể ăn kẹo để khắc phục hạ đường huyết nhưng nếu bị hạ đường huyết nghiêm trọng thì cần phải sử dụng glucagon hoặc đến cơ sở y tế để được điều trị.
Không chỉ có hương vị hấp dẫn, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.
Gạo lứt có giá trị dinh dưỡng ấn tượng với hàm lượng chất xơ, chất chống oxy hóa cao cùng một số vitamin và khoáng chất. Nhưng loại gạo này có phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường hay không?
Chà là là loại quả có vị ngọt, bùi và thường được bán ở dạng sấy khô. Do có vị ngọt tự nhiên nên tác động của quả chà là đến lượng đường trong máu là mối lo ngại đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
Nho khô là một món ăn vặt hấp dẫn đối với những người thích đồ ngọt. Tuy nhiên, nho khô có vị ngọt như vậy thì liệu người bị tiểu đường có ăn được hay không?
Thực phẩm có chứa carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu. Do đó, những người có mức đường huyết cao hoặc mắc bệnh tiểu đường cần chú ý lượng carbohydrate trong mỗi bữa ăn để kiểm soát lượng đường trong máu.
- 0 trả lời
- 85 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi