Người bị bệnh động mạch vành (CAD) có nên uống Aspirin không?
Aspirin có hiệu quả trong điều trị hoặc kiểm soát bệnh động mạch vành không?
Hơn 20 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc CAD, còn được gọi là bệnh động mạch vành hoặc bệnh tim thiếu máu cục bộ. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ.
Trước đây, aspirin liều thấp hàng ngày (75 đến 100 milligram) thường được khuyến nghị để kiểm soát hoặc ngăn ngừa CAD. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu, như nghiên cứu năm 2019, chỉ ra rằng aspirin hàng ngày có nguy cơ gây chảy máu nghiêm trọng và có thể không có hiệu quả ngăn ngừa đột quỵ hoặc cơn đau tim.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF) đã cập nhật khuyến nghị dựa trên các nghiên cứu mới. Theo USPSTF, aspirin hàng ngày chỉ mang lại lợi ích nhiều hơn là rủi ro trong các trường hợp:
- Người trưởng thành từ 40 đến 59 tuổi có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột quỵ do CAD (được bác sĩ đánh giá) nhưng không có nguy cơ chảy máu cao.
- Những người đã từng bị đau tim, đột quỵ, hoặc đã đặt stent động mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
Aspirin có tác dụng ngăn ngừa bệnh động mạch vành không?
AHA và USPSTF hiện khuyến nghị người trưởng thành không nên sử dụng aspirin liều thấp hàng ngày để phòng ngừa CAD vì các nghiên cứu mới đã cho thấy lợi ích của nó không đáng kể.
Aspirin liều thấp có thể được xem xét cho một số người từ 40 đến 59 tuổi có nguy cơ mắc CAD cao nhưng không có nguy cơ chảy máu.
Trong các hướng dẫn mới nhất, AHA nhấn mạnh rằng cách quan trọng nhất để ngăn ngừa bệnh tim là cần phải duy trì lối sống lành mạnh.
Rủi ro và tác dụng phụ tiềm ẩn của việc uống aspirin để điều trị bệnh động mạch vành
Uống aspirin hàng ngày thường là an toàn, nhưng có một số rủi ro và tác dụng phụ và một số trong đó có thể đe dọa tính mạng.
Các tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra khi uống aspirin hàng ngày bao gồm:
- Chảy máu đường tiêu hóa
- Loét dạ dày
- Đột quỵ xuất huyết não
- Phản ứng dị ứng
- Tương tác với một số loại thảo dược, thực phẩm bổ sung và thuốc, làm tăng nguy cơ chảy máu
- Nguy cơ chảy máu trong các ca phẫu thuật nhỏ, bao gồm cả thủ thuật nha khoa
- Thiếu máu
Những ai không nên uống aspirin để điều trị, kiểm soát hoặc ngăn ngừa bệnh động mạch vành?
Aspirin không còn được khuyến nghị cho những người chưa từng bị đau tim hoặc đột quỵ, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt. Bạn không nên uống aspirin để ngăn ngừa bệnh động mạch vành (CAD) trừ khi bác sĩ cho rằng thuốc này có hiệu quả sau khi xem xét kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe tổng thể và các yếu tố nguy cơ.
Nếu bạn mắc bệnh tim nhưng chưa từng bị đau tim hoặc đột quỵ, bạn không nên uống aspirin trong các trường hợp:
- Dưới 40 tuổi hoặc trên 59 tuổi.
- Có bệnh nền làm tăng nguy cơ chảy máu, chẳng hạn như:
- Chảy máu đường tiêu hóa
- Loét dạ dày tá tràng
- Rối loạn đông máu
- Bệnh thận
- Bị dị ứng với aspirin.
- Thường xuyên uống rượu.
- Đang chuẩn bị thực hiện phẫu thuật hoặc thủ thuật nha khoa.
Những người có tiền sử đau tim, đột quỵ, đặt stent động mạch vành, hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành nên tiếp tục dùng aspirin theo chỉ định của bác sĩ.
Phương pháp điều trị ban đầu cho bệnh động mạch vành là gì?
Phương pháp điều trị ban đầu cho bệnh động mạch vành (CAD) phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể và các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân. Thông thường, phương pháp sẽ bao gồm thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, cùng với việc sử dụng thuốc.
Các ví dụ về thay đổi lối sống được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị để phòng ngừa và điều trị CAD bao gồm:
- Ăn chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, và hạn chế chất béo chuyển hóa, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, carbohydrate tinh chế, cũng như đồ uống có đường.
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
- Tập luyện thể dục với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc cường độ cao 75 phút mỗi tuần.
- Bỏ thuốc lá.
- Tránh uống quá nhiều rượu.
Bác sĩ cũng có thể kê đơn các loại thuốc giúp điều trị cholesterol cao, giảm huyết áp hoặc kiểm soát đường huyết.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng dần theo tuổi. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo người trên 40 tuổi nên đi khám bác sĩ thường xuyên để trao đổi về nguy cơ mắc bệnh tim và các biện pháp phòng ngừa.
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành (CAD), cần đặt lịch tái khám thường xuyên. Bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng thuốc và thay đổi lối sống để phòng ngừa đau tim hoặc đột quỵ.
Trường hợp cấp cứu y tế
Hãy gọi ngay cấp cứu hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất nếu bạn hoặc người khác có các triệu chứng có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim hoặc đột quỵ như sau:
- Đau hoặc cảm giác nặng nề ở ngực, có thể lan đến cánh tay hoặc vai.
- Nhịp tim nhanh.
- Khó thở.
- Chóng mặt.
- Đau chân.
- Cảm giác sắp ngất.
- Mất phương hướng đột ngột.
- Cảm giác lo sợ sắp xảy ra điều tồi tệ.
- Mệt mỏi bất thường.
- Da lạnh, ẩm hoặc đổ mồ hôi.
- Mất thăng bằng.
- Khó nói hoặc nói lắp.
- Tê hoặc yếu cơ.
- Vấn đề về thị lực.
Câu hỏi thường gặp về việc sử dụng aspirin trong điều trị bệnh tim
Các bác sĩ tim mạch có còn khuyến nghị dùng aspirin để điều trị bệnh tim không?
Các bác sĩ tim mạch vẫn khuyến nghị uống aspirin liều thấp hàng ngày cho một số người mắc bệnh tim, đặc biệt là những người từng bị đau tim, đột quỵ, đặt stent động mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
Bạn không nên dùng Aspirin nếu chưa từng bị đau tim hoặc đột quỵ, trừ khi bác sĩ đánh giá rằng nó có hiệu qủa sau khi xem xét kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe và các yếu tố nguy cơ.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim bao gồm hút thuốc, tiền sử gia đình có người bị đau tim, huyết áp cao, cholesterol cao hoặc bị tiểu đường. Tuy nhiên, nguy cơ của mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng aspirin.
Aspirin có tác dụng phòng ngừa đau tim không?
Nếu chưa từng bị đau tim, bạn không nên dùng aspirin để phòng ngừa bệnh này. Aspirin chỉ nên được sử dụng cho những người có nguy cơ cao bị đau tim nhưng nguy cơ chảy máu rất thấp. Đừng tự ý dùng aspirin mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
Tuy nhiên, nếu bạn đã từng bị đau tim, uống aspirin liều thấp có thể giúp ngăn ngừa cơn đau tim hoặc đột quỵ tái phát.
Aspirin có tốt cho bệnh nhân suy tim không?
Hiện chưa có sự đồng thuận rõ ràng từ các chuyên gia về lợi ích của aspirin trong điều trị suy tim. Các nghiên cứu cho thấy vẫn còn nhiều tranh cãi về lợi ích và rủi ro của việc sử dụng aspirin.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy uống aspirin có thể giúp giảm tỷ lệ nhập viện do suy tim, nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận điều này.
Kết luận
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng aspirin để điều trị hoặc phòng ngừa bệnh tim. Nếu bạn đã từng bị đau tim, đột quỵ, đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu mạch vành, bác sĩ có thể khuyên bạn uống aspirin liều thấp hàng ngày để giúp ngăn ngừa bệnh tái phát.
Do có nguy cơ chảy máu nên aspirin không còn được khuyến nghị rộng rãi cho những người chưa từng bị đau tim hoặc đột quỵ. Nếu bạn có độ tuổi từ 40 đến 59 tuổi, có nguy cơ chảy máu thấp nhưng nguy cơ bệnh tim cao thì bạn nên uống aspirin. Tuy nhiên, phải hỏi ý kiến bác sĩ mới để biết liệu aspirin liều thấp có phù hợp với mình hay không.
Đau thắt ngực là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý, nhưng có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị bệnh mạch vành, hay còn gọi là bệnh động mạch vành (CAD). Bài viết này sẽ phân tích sự khác biệt giữa hai vấn đề tim mạch này, cách xác định nguyên nhân của các triệu chứng và khi nào cần tìm đến sự chăm sóc y tế.
Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc yếu người.
Bệnh động mạch vành (CAD), còn gọi là bệnh mạch vành, hay bệnh tim mạch vành (coronary heart disease - CHD), làm suy giảm lưu lượng máu trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Đây là loại bệnh tim phổ biến nhất, nếu không được kiểm soát thì có thể dẫn đến đau tim.
Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc cảm giác yếu người. Cần phân biệt được CAD và đau tim để tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời.